Vương Quốc Thiên Đường

Tiên Tri Toàn Thư »

BÀI 16: VƯƠNG QUỐC THIÊN ĐƯỜNG

Dân Is-ra-ên khi ấy đã cận kề Đất Hứa.

12 trinh sát được cử ra, là những vị lãnh đạo từ 12 bộ tộc, để phái vào do thám Ca-na-an,

phục vụ việc tiến chiếm vùng đất mà Đức Chúa Trời đã thề hứa là sẽ ban cho dân Ngài.

Sau 40 ngày, họ trở về báo cáo.

Hai trong số mười hai người ấy, là Giô-suê và Ca-lép, khiêng về một chùm nho khổng lồ phải hai người mới khiêng nổi,

và khích lệ dân chúng hãy theo lệnh YHWH mà tiến lên chiếm lấy Đất Hứa.

Tuy nhiên, 10 người còn lại thì không có lòng tin vào Chúa,

mà lại để lòng kính sợ những chiến binh khổng lồ của Ca-na-an và những bức tường thành cao lớn mà chúng tìm thấy trong xứ,

quên rằng Đấng đang bảo hộ Is-ra-ên là Đức Chúa Trời Toàn Năng, Đấng vừa biến Ai Cập, quốc gia số một thế giới thời bấy giờ, thành một cái bãi rác.

“Chúng trình ra báo cáo láo về đất mà chúng đã do thám nó cho con cháu Is-ra-ên

rằng: ‘Đất mà chúng tôi đã đi qua nó để do thám nó chính là đất ăn nuốt cư dân mình.'” [04] Dân Số 13:32.

Giờ thì vùng đất đượm sữa và mật đã được chúng hô biến luôn thành vùng đất ăn nuốt cư dân sống trên nó.

“Và tất cả con cháu Is-ra-ên cằn nhằn với Mô-se và với A-rôn,

và cả hội chúng nói với họ: ‘Ôi giá chúng tôi chết trong đất Ai Cập!

Hay giá chúng tôi chết trong đồng hoang này!

Và tại sao YHWH dẫn chúng tôi đến xứ này để gục ngã bởi gươm?

Vợ chúng tôi và con chúng tôi sẽ thành của cướp!

Trở về Ai Cập chẳng tốt hơn cho chúng ta sao?'” [04] Dân Số 14:2-3.

Đây không phải là lần đầu dân Is-ra-ên “cầu nguyện” lời này vào tai YHWH.

Và họ chuẩn bị học được bài học rằng nếu cứ bất thuận phục mà lèo nhèo mãi để “xin” Chúa một điều không tốt trái ý Ngài,

Ngài hoàn toàn có thể ban luôn cho họ cái thứ nguy hại mà họ đang xin ấy làm bài học cho họ trắng mắt.

Và rồi đến khi “mỗi người nói với anh em mình: ‘Chúng ta hãy bầu một thủ lĩnh và trở về Ai Cập!’” [04] Dân Số 14:4,

thì hành vi của họ đã chính thức cấu thành tội làm phản chống lại Đức Vua.

“Hội chúng gian ác này chính sẽ cằn nhằn về Ta cho đến khi nào?

Ta đã nghe tiếng cằn nhằn của con cháu Is-ra-ên, mà chúng cằn nhằn chống lại Ta!

Hãy nói với chúng: ‘Ta hằng sống’ – YHWH tuyên phán –

‘chắc chắn cứ như lời các ngươi nói vào tai Ta, thì Ta sẽ làm cho các ngươi!

Thây các ngươi sẽ gục ngã trong đồng hoang này.

Và tất cả những kẻ đã được kiểm đếm của các ngươi theo toàn bộ số các ngươi, từ người hai mươi tuổi và trở lên, là những kẻ đã cằn nhằn chống lại Ta:

các ngươi sẽ chẳng vào được đến xứ mà Ta đã giơ tay Ta thề để các ngươi cư ngụ trong nó,

chỉ trừ Ca-lép con trai của Giê-phu-nê và Giô-suê con trai Nun.

Còn con trẻ các ngươi mà các ngươi đã bảo sẽ trở thành của cướp,

thì Ta sẽ đem chúng vào, và chúng sẽ được biết xứ mà nơi nó các ngươi đã khinh bỏ.

Còn các ngươi, thây các ngươi sẽ gục ngã trong đồng hoang này!!![04] Dân Số 14:27-32.

Câu hỏi: vì sao dân Is-ra-ên lại có thể nảy ra cái ý tưởng “bầu” ra một lãnh đạo

để thay thế Mô-se là vị lãnh đạo đã được Đức Vua đích thân chỉ định, để rồi chuốc lấy cho mình tội khi quân làm phản?

Họ cho rằng vương quốc của Đức Chúa Trời là một thể chế dân chủ, nơi người dân có quyền bầu cử ra Vua và lãnh đạo của mình chăng?

Cũng như trong dân Is-ra-ên khi xưa, trong cộng đồng Cơ Đốc nhân ngày nay cũng đang có một hiểu nhầm vô cùng tai hại về thể chế của Thiên Đường,

một hiểu nhầm sẽ cần phải được khắc phục trước khi chúng ta có thể được tiến vào Ca-na-an Thiên Thượng, thứ hiểu nhầm mang tên “Dân Chủ”.

1. Thiên Đường có phải là một thể chế Dân Chủ không?

[01] Ma-thi-ơ 4:17 Từ bấy giờ JESUS bắt đầu rao giảng và phán:

“Hãy ăn năn, vì Vương Quốc Thiên Đường đã gần kề.”

Đây là lời xác nhận của chính Chúa JESUS.

Ngài không phải là một ứng cử viên tổng thống đến vận động phiếu bầu cho bản thân mình trong một thể chế dân chủ.

Ngài là một vị Vua mang đến một Vương Quốc – thể chế mà Đức Vua có thẩm quyền tuyệt đối trên mọi lĩnh vực.

Được tấn phong bởi chính Cha Ngài là vị Hoàng Đế Tối Cao lên cùng ngự trên ngai báu,

Chúa JESUS chưa bao giờ, và cũng sẽ không bao giờ cần sự phê duyệt, chấp thuận hay phiếu bầu của bất cứ một ai cho cương vị của mình.

Không ai có thể phế truất Ngài khỏi ngôi vua của Ngài,

mà chỉ có thể mời Ngài ngự vào ngai của trái tim mình mà thôi – lời mời mà Ngài sẽ luôn gia ơn chấp thuận.

Vương Quốc Thiên Đường chính là xã hội Utopia hoàn hảo mà loài người đã đánh mất,

siêu việt hơn bất cứ gì mà chúng ta từng phát minh ra trong mọi nỗ lực đáng thương hại của mình nhằm tái lập lại nó xuyên suốt lịch sử loài người.

Vị Vua của Vương Quốc ấy là phương thuốc duy nhất có thể đánh bại được cái ác trong trái tim con người.

Nơi Ngài không tồn tại tội lỗi, chỉ có tình yêu thương và công lý.

2. Luật pháp của Vương Quốc Thiên Đường do ai quy định?

Các công dân có quyền bỏ phiếu để thay đổi luật pháp không?

[01] Ma-thi-ơ 5:18, 19 Quả thật, Ta bảo các con:

cho đến khi trời và đất qua đi,

một chấm hay một nét cũng không thể qua đi khỏi luật pháp được…

Do đó, nếu kẻ nào vi phạm một trong những mạng lệnh tối thiểu này, và dạy người ta như vậy,

hắn sẽ bị gọi là nhỏ nhất trong Vương Quốc Thiên Đường.

Trong thể chế Vương Quốc, Đức Vua là người toàn quyền quy định toàn bộ luật pháp.

Công dân không hề có quyền hò nhau lại bỏ phiếu để thay đổi luật pháp của Ngài như trong thể chế Dân Chủ.

Đặc biệt trong Vương Quốc Thiên Đường,

càng không bao giờ có chuyện giám mục và dân sự cùng hò nhau lại bỏ phiếu mà có thể hợp pháp hóa được hôn nhân đồng tính cả,

một khi Đức Vua đã tuyên bố rõ ràng trong Luật Pháp của Ngài rằng ấy là thứ đáng ghê tởm!

Tất cả những người tham gia những trò “bỏ phiếu” để thay đổi luật pháp của Đức Vua này,

ngay từ đầu đã chẳng hiểu gì về cách thức một Vương Quốc hoạt động cả, và nhầm tưởng một cách nghiêm trọng rằng đây là một thể chế Dân Chủ.

Đây là lý do vì sao những Cơ Đốc nhân chân chính – những Công Dân của Vương Quốc Thiên Đường – không bao giờ cần phải e sợ gì trước những kẻ này.

Chúng đơn thuần chưa bao giờ là Công Dân của Vương Quốc, mà chỉ là những thành viên của một tôn giáo dân chủ nào đó do chúng tự bịa ra mà thôi,

thứ đương nhiên không có bất cứ thẩm quyền cứu rỗi nào.

3. Trong Vương Quốc Thiên Đường, công dân có quyền bầu ra người lãnh đạo không?

[04] Giăng 15:16 Chẳng phải các con đã chọn Ta đâu,

Ta đã chọn các con, và đã chỉ định các con.

Đây là lời Đức Vua đích thân tuyên phán với các Sứ Đồ của Ngài.

Có thể trong một hệ thống dân chủ, người dân sẽ là người bầu ra lãnh đạo và các quan chức của mình.

Nhưng trong Vương Quốc thì hoàn toàn ngược lại:

Đức Vua mới là người toàn quyền quyết định ai sẽ được làm công dân của Ngài,

và đồng thời là Đấng chỉ định tất cả các quan chức.

Tất cả các vị trí lãnh đạo trong hệ thống Vương Quốc đều phải do Đức Vua chỉ định và phê duyệt.

Công dân của Vương Quốc không hề có bất cứ quyền bầu cử nào.

Khi dân Is-ra-ên đòi phế truất Mô-se trong hoang mạc và bầu cho mình một lãnh đạo khác, đưa dân sự trở lại Ai Cập,

họ suýt chút nữa đã bị Đức Vua xử tử tại chỗ vì tội làm phản rồi,

nếu không phải vì chính Mô-se đã một lần nữa nhân lòng thương xót lớn lao của Chúa mà van xin Ngài cho họ:

[04] Dân Số 14:17-19 “Xin khí phách của Chúa con hãy vĩ đại như điều Ngài đã phán rằng:

‘YHWH chậm giận và đầy tốt lành,

tha thứ sự đồi bại và vi phạm,

nhưng quyết không kể là vô tội,

trừng trị sự đồi bại của cha ông lên con cháu đến thế hệ thứ ba và đến thế hệ thứ tư.’

Xin hãy tha thứ cho sự đồi bại của dân này theo sự vĩ đại của lòng tốt Ngài,

và như việc Ngài đã chịu đựng cái dân này, từ Ai Cập và cho đến tận giờ!”

Nếu Đức Vua không nhân từ và thương xót đến cực độ, và Mô-se không bám vào chính các đặc tính này của Ngài mà van xin,

thì đây đúng ra đã là dấu chấm hết tại chỗ cho toàn bộ dân Is-ra-ên cùng mọi sự sỉ nhục và phản loạn mà họ có thể dành cho Ngài rồi.

4. Vậy Chúa chỉ định các vị trí lãnh đạo cấp cao bằng cách thức nào?

[05] Công Vụ 13:2 Khi họ đang phục vụ Chúa và kiêng ăn, Thánh Linh phán:

“Hãy biệt riêng hẳn ra cho Ta Ba-na-ba và Sau-lơ cho công việc mà Ta đã kêu gọi họ.”

[05] Công Vụ 1:23-26 Và họ cử ra hai người: Giô-sép, được gọi là Ba-sa-ba, người được đặt tên là Giút-tu, và Ma-thia. 

Và họ cầu nguyện rằng:

“Chúa, Ngài là Đấng biết rõ trái tim của tất cả,

hãy bày tỏ từ hai người này Ngài chọn một người là ai, 

để nhận phần mục vụ này và chức vụ sứ đồ mà Giu-đa đã lầm lạc khỏi để đi đến chỗ của mình.” 

Và họ bắt thăm bọn họ, và thăm rơi vào Ma-thia,

và ông được điểm vào mười một sứ đồ.

[20] Châm Ngôn 16:33 Trong lòng, thăm được bắt ra,

Nhưng từ YHWH là mọi phán quyết Ngài.

Vậy hai hình thức mà Chúa chỉ định các vị trí lãnh đạo cấp cao không còn cấp trên trực tiếp nào ngoài Ngài, là:

1) Cho biết trực tiếp.

2) Bắt thăm.

{Ellen G. White, Linh Tiên Tri (Spirit oí Prophecy) quyển 3, 264.2 – 264.3}

“Trong khi họ đang chờ đợi sự ngự giá của Thánh Linh, họ đã bổ sung vị trí bị bỏ trống bởi Giu-đa.

Hai người đã được chọn, những người mà, theo đánh giá cẩn thận của các tín đồ, là những người đáp ứng tốt nhất cho vị trí ấy.

Nhưng các môn đồ, không tin tưởng vào năng lực bản thân mình để định đoạt vấn đề xa hơn, đã đệ trình nó lên Đấng biết rõ mọi trái tim.

Họ đã tìm kiếm Chúa trong sự cầu nguyện để xác định ai trong hai người là phù hợp hơn cho vị trí tín nhiệm quan trọng ấy, là một Sứ Đồ của Đấng Christ.

Linh của Đức Chúa Trời đã lựa chọn Ma-thia cho chức vụ ấy.

Cả hai người đã được chọn đều được coi là những người có tư cách chính trực chỉn chu, và trong mọi phương diện đều xứng đáng với vị trí bỏ trống;

nhưng dù các môn đồ có quen biết thân mật với bọn họ, họ cảm thấy rằng phán đoán của mình là bất toàn,

tin tưởng việc lựa chọn duy nhất cho Chúa, Đấng mà mắt có thể đọc thấu những bí ẩn kín giấu của trái tim.”

Với việc Con Thú thứ nhất – Vatican – đã thành lập đội đặc nhiệm Jesuit của mình để phục vụ việc xâm nhập vào tất cả các tổ chức, chính thể trên thế giới

– đặc biệt là các hội thánh Cải Chánh giáo – để thôn tính chúng cho hội thánh Công Giáo,

việc áp dụng nghiêm ngặt hệ thống bổ nhiệm lãnh đạo của Vương Quốc Thiên Đường, nhằm đảm bảo mọi cấp lãnh đạo đều được đích thân Đức Vua chỉ định,

là cách thức duy nhất để phòng chống bọn sói đột lốt cừu đang trà trộn vào này thăng tiến lên thành sói đột lốt người chăn chiên

mà tha hóa giáo lý của hội thánh và hủy diệt cả bầy chiên.

Đồng thời đây cũng là cách thức hữu hiệu để chống lại việc những người đã biến chất được bổ nhiệm lên các vị trí lãnh đạo.

Hệ thống chỉ định lãnh đạo phòng chống gián điệp và cán bộ tha hóa biến chất này gồm quy trình 4 bước rất đơn giản như sau:

1) Tất cả mọi người đều hạ mình tìm kiếm Chúa trong sự cầu nguyện để xác định các ứng cử viên xứng đáng.

2) Đệ trình lên Đức Vua các ứng cử viên mà hội thánh thấy là xứng đáng cho chức vụ.

3) Làm cho mỗi ứng cử viên một thăm, và làm thêm một thăm nữa có ghi “Chúa không chọn ai trong những người này.”

4) Cầu nguyện xin Chúa chủ trì và bày tỏ ý muốn của Ngài, rồi bắt thăm.

Đúng ra nếu nguyên tắc bắt thăm này được tuân thủ và duy trì để đảm bảo quyết định cuối cùng luôn đến từ Chúa chứ không phải từ loài người,

thì sẽ chẳng có một con sói đội lốt cừu nào có thể lọt lưới mà leo được lên vị trí người chăn chiên,

cũng sẽ chẳng có bất cứ gián điệp nào của Ma Quỷ trà trộn được vào rồi thăng tiến được lên những vị trí có ảnh hưởng trong hội thánh cả,

kể cả là có cần mẫn bỏ ra nhiều chục năm để từ từ leo lên như những tên Jesuit, càng không thể có chuyện chúng có thể thôn tính được hội thánh về cho Vatican.

Những kẻ đạo đức giả chỉ có thể bịp được loài người bầu cho mình, chứ không bao giờ có thể qua mặt được Chúa.

Như vậy, tất cả những ai muốn được thăng tiến trong Vương Quốc sẽ bắt buộc phải rèn luyện phẩm giá, lòng trung thành sốt sắng và mối quan hệ trực tiếp với Đức Vua.

Tiếc là các hội thánh ngày nay, bao gồm cả hội thánh SDA Hiện Đại, đều đã rời bỏ “Vương Quốc” để chuyển sang “dân chủ”,

không còn bắt thăm lấy ý Chúa cho vòng bầu cử quyết định cuối cùng, mà tự bầu cử các chức sắc theo ý kiến của đám đông,

và họ đánh mất vòng bảo vệ tối quan trọng chống lại bọn sói đội lốt cừu trong công tác chỉ định các chức sắc lãnh đạo.

Và đây là kết quả tất yếu không thể tránh khỏi:

{Ellen G. White, Những sự kiện ngày sau cuối (Last Day Events), 50.4}

“Việc những người này hãy đứng ở vị trí thiêng liêng, làm tiếng nói của Đức Chúa Trời cho dân sự, như chúng ta đã từng tin rằng Tổng Hội là như vậy

– ấy là QUÁ KHỨ rồi.”

{Ellen G. White, Bản thảo (Manuscript) 57, 12/10/1895, và Bản thảo xuất bản (Manuscript Releases) quyển 17, 178.1}

“Còn về tiếng nói của Tổng Hội,

KHÔNG CÓ TIẾNG NÓI NÀO ĐÁNG TIN CẬY TỪ ĐỨC CHÚA TRỜI qua cái hội đoàn ấy cả.”

Cho nên chính những lãnh đạo đã biến chất, trong tâm thực ra không còn trung thành với Chúa,

thì lại càng là những kẻ phản đối kịch liệt hình thức bổ nhiệm quan chức này của Vương Quốc Thiên Đường,

và họ rõ ràng có lý do để sợ chết khiếp cách thức đã được quy định trong Kinh Thánh này.

Nếu hình thức bổ nhiệm này được áp dụng trở lại trong các hội thánh, chúng ta sẽ được chứng kiến sự chấn hưng lớn chưa từng thấy

từ trên các mục sư và lãnh đạo, trở xuống đến toàn dân sự.

Một loạt các lãnh đạo sẽ biết tự ngồi soi lại mình và cung hiến lại mình từ đầu cho Chúa với sự sốt sắng tươi mới và lòng trung thành tuyệt đối.

Tất cả các cán bộ biến chất mà không chịu ăn năn còn lại, đặc biệt là những tên gián điệp,

sẽ được trừ khử khỏi vị trí lãnh đạo, thậm chí là khỏi tổ chức, ngay lập tức.

5. Sau khi đã chỉ định được các lãnh đạo cấp cao,

Chúa chỉ định các lãnh đạo cấp thấp hơn bằng cách thức nào?

[17] Tít 1:5 Vì việc này ta đã để con lại tại Cơ-rết: để con chỉnh đốn những việc thiếu sót,

bổ nhiệm các trưởng lão theo từng thành như ta đã hướng dẫn con.

Chúa chỉ định các vị trí lãnh đạo cấp thấp hơn thông qua chính những lãnh đạo cấp cao hơn mà Ngài đã chỉ định từ trước,

là những người đương nhiên luôn phải biết cầu nguyện với Chúa để cầu hỏi ý muốn Ngài về công tác nhân sự dưới quyền mình,

và chỉ định nhân sự theo sự hướng dẫn của Thánh Linh Ngài.

Chính vì lý do này, việc bắt thăm sẽ là không còn cần thiết cho các cấp nhân sự phía dưới, nếu cấp cao hơn đã chắc chắn được chỉ định trực tiếp bởi Chúa,

và các cấp dưới của họ cũng sẽ được chỉ định bởi Chúa qua họ chứ không phải bởi dân sự.

Khi xảy ra việc các tín hữu của một hội thánh địa phương đấu đá nhau và tổ chức bắt thăm để xác đinh các chức sắc cấp dưới này, Ellen White cũng đã phản đối việc bắt thăm ấy

khi mà đã có lãnh đạo cấp cao được chỉ định rõ ràng, và yêu cầu lãnh đạo cấp cao ấy phải chỉ định các chức sắc cấp dưới của mình.

{Ellen G. White, lá thư số 37, năm 1900, khổ 1, 2, 7}

“Ai là chủ tịch của Hội Nghị Pennsylvania vậy?

Chăm lo cho các hội thánh dưới quyền giám hộ của mình chắc chắn là trách nhiệm của người ấy

Tôi không có lòng tin vào việc bắt thăm.

Chúng ta đã có trong Kinh Thánh một câu “Chúa phán rằng” thẳng thừng về mọi trọng trách hội thánh rồi…

Bắt thăm cho các vị trí chức sắc của hội thánh không phải là sắp xếp của Đức Chúa Trời.

Hãy để những người có trách nhiệm được gọi đến để chỉ định các chức sắc của hội thánh.”

Vậy tóm lại, trong khi các vị trí lãnh đạo được bầu ra từ dưới lên trong thể chế Dân Chủ,

thì trong Vương Quốc, họ sẽ được chỉ định từ trên xuống để đảm bảo sao cho tất cả các chức sắc đều được chỉ định bởi Chúa.

Những vị trí không còn cấp trên trực tiếp nào nữa ngoài Chúa sẽ được Ngài kêu gọi và chỉ định trực tiếp,

rồi qua họ, Ngài sẽ gián tiếp chỉ định các cấp dưới.

Điều này đương nhiên không có nghĩa là các hội thánh địa phương ở dưới không được đề cử những người mà họ thấy xứng đáng lên các vị trí lãnh đạo,

nhưng có nghĩa những đề cử ấy, nếu có, vẫn phải khuất phục dưới quyết định sau cùng của Chúa.

Có nhiều trường hợp người đang được đề cử lên

thực ra lại là một tên gián điệp Jesuit đang tìm cách truyền bá tà thuyết và tha hóa hội thánh,

hoặc một kẻ chăn bầy lười biếng và nhu nhược, không biết quở trách tội lỗi mà chỉ giỏi vận động bầu cử cho mình,

hoặc đơn thuần có thể là một môn đồ chân chính đấy nhưng lại không phù hợp cho chức vụ.

Nên nếu Chúa bày tỏ cho các lãnh đạo mà Ngài đã chỉ định

biết là Ngài không chấp thuận người đang được đề cử vào vị trí lãnh đạo, thì đề cử ấy phải bị bác bỏ.

Về việc lựa chọn các chức sắc lãnh đạo cấp dưới ở những hội thánh địa phương, Ellen White có đưa ra một lời tư vấn thế này.

Đây là phương pháp mà các lãnh đạo có thể tham khảo để bổ nhiệm các chức sắc cấp dưới:

{Ellen G. White, Lời chứng cho hội thánh (Testimonies for the church) quyển 5, 619.2}

“Một người có thể được chỉ định để lãnh đạo trong một tuần hoặc một tháng, rồi một người khác trong vài tuần;

và như vậy những người khác nhau có thể được chiêu mộ vào công tác,

và sau một thời gian thử nghiệm hợp lý một ai đó hãy được lựa chọn bởi tiếng nói của hội thánh làm người lãnh đạo được công nhận,

TUY NHIÊN, ĐỪNG BAO GIỜ LÀ ĐƯỢC CHỌN LÂU HƠN MỘT NĂM.

Sau đó một người khác có thể được lựa chọn,

hoặc chính người ấy có thể được tái bổ nhiệm, nếu sự phục vụ của anh ta đã được minh chứng là một ơn phước đối với hội thánh.”

Cũng xin lưu ý là lời tư vấn này được đưa ra cho những hội thánh đang ở trong tình trạng thịnh vượng về mặt thuộc linh, có mối quan hệ thân mật với Chúa,

có thể vừa cung cấp thông tin hữu ích về các ứng cử viên,

vừa cùng đồng thuận với nhau và với người lãnh đạo cấp cao mà Chúa đang ủy thác thực hiện công tác bổ nhiệm lãnh đạo địa phương.

Sự đồng lòng này của toàn hội thánh luôn là thứ cực kỳ ích lợi cho công tác nhân sự, làm vững lòng những người sẽ được bổ nhiệm để gánh lấy các trọng trách,

và nên là thứ mà mọi hội thánh hãy nỗ lực để đạt được.

Dân sự của Đức Chúa Trời xin hãy ghi nhớ kỹ hệ thống bổ nhiệm lãnh đạo này,

để mỗi khi các lãnh đạo của hội thánh bị bắt bớ và trừ khử hàng loạt,

các bạn có thể áp dụng cách thức này mà xác định được các lãnh đạo Chúa sẽ lựa chọn để thay thế chúng tôi mà tiếp tục đưa công việc tiến về phía trước,

thay vì tự bầu cử lãnh đạo theo cách thức “dân chủ” mà bưng nhầm một tên gián điệp Jesuit của Con Thú lên làm sếp của mình.

Chúng SẼ TRÀ TRỘN TRONG HÀNG NGŨ CỦA CÁC BẠN,

tìm cách leo lên vị trí lãnh đạo để tha hóa giáo lý hội thánh,

thậm chí phản nộp các anh em.

Đừng để chúng khi ấy đạt được mục đích.

Chừng nào nhóm người đứng đầu hội thánh SDA Tiên Phong Toàn Cầu vẫn chắc chắn là người của Chúa,

giáo lý của hội thánh vẫn sẽ an toàn,

và hàng ngũ các lãnh đạo cấp dưới sẽ vẫn được Chúa chấn chỉnh ngay ngắn thông qua họ.

*Lưu ý: còn các công tác không phải là làm chức sắc, làm lãnh đạo các cấp trong hội thánh,

mà chỉ đơn thuần là được kêu gọi đi làm những công việc nhất định cho Chúa

như rao giảng, chăm sóc cho người nghèo, v.v… với tư cách là một đầy tớ không chức vụ của Ngài,

thì hoàn toàn không bắt buộc phải bị chi phối bởi nguyên tắc bổ nhiệm lãnh đạo nói trên.

Chúa hoàn toàn có thể kêu gọi mỗi người cho những công tác nhất định (nhưng không phải lãnh đạo các cấp)

với sự kêu gọi trong lương tâm mà chỉ Ngài với người ấy biết.

A-pô-lô khi xưa chẳng hạn, đã nhận được sự kêu gọi của Chúa trong lương tâm

để trở thành một nhà truyền đạo lưu động, đi dạy dỗ các chân lý của Ngài,

và đã đứng lên đáp lại lời kêu gọi ấy.

Sẽ có rất nhiều đầy tớ của Chúa được Ngài kêu gọi như vậy,

vì không phải là sự bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo,

nên Ngài hoàn toàn có thể chỉ đơn thuần cảm thúc riêng lên trái tim người được kêu gọi mà thôi.

6. Chúa dạy chúng ta cư xử thế nào đối với những lãnh đạo thực sự đúng là đã được Ngài chỉ định, trực tiếp và gián tiếp?

[13] I Tê-sa-lô-ni-ca 5:12, 13 Chúng tôi xin các bạn, các anh em,

hãy nhận biết những người đang lao khổ giữa các bạn và đang phụ trách các bạn trong Chúa, và đang khuyên răn các bạn.

trong tình yêu thương, hãy coi họ là đặc biệt cao trọng, vì công việc của họ.

[19] Hê-bơ-rơ 13:17 Hãy vâng lời những người dẫn dắt mình và tuân phục,

vì họ canh gác cho linh hồn các bạn như người phải khai trình,

để họ có thể làm việc này với niềm vui chứ không phải rên xiết, vì điều này bất lợi cho các bạn.

[15] I Ti-mô-thê 5:19 Đừng chấp nhận lời tố cáo nào chống lại một trưởng lão,

trừ phi với hai hoặc ba nhân chứng.

{Ellen G. White, Lời chứng cho hội thánh (Testimonies for the Church) quyển 4, 607.4}

“Những người làm mục vụ đang ở các vị trí trọng trách của chúng ta là những người Đức Chúa Trời đã chấp nhận.

Dù gốc gác của họ là gì, dù vị trí trước đây của họ là gì,

dù họ kéo cày, làm công việc thợ mộc, hay được thụ hưởng nền kỷ luật của trường đại học;

nếu Đức Chúa Trời đã chấp nhận họ,

TẤT CẢ MỌI NGƯỜI HÃY CẨN THẬN VIỆC NÉM VÀO HỌ BẤT CỨ CHỈ TRÍCH NÀO DÙ NHỎ NHẤT. 

Đừng bao giờ nói lời chê bai người nào, vì người có thể là vĩ đại trong mắt Chúa,

trong khi những người cảm thấy vĩ đại lại bị coi thường bởi Đức Chúa Trời vì sự đồi bại của trái tim mình.”

{Ellen G. White, Người làm công Tin Lành (Gospel Workers) 92, 266.4}

‘Phớt lờ hay khinh bỏ những người mà Đức Chúa Trời đã chỉ định để mở đường dẫn lối, và để mang lấy các trọng trách gắn liền với công việc Ngài và với sự tiến bước và lan tỏa của chân lý,

TỪ CHỐI NHỮNG PHƯƠNG TIỆN MÀ ĐỨC CHÚA TRỜI ĐÃ TẤN PHONG cho việc giúp đỡ, việc khích lệ, và sức mạnh của dân sự Ngài.

Bỏ qua những người này, và nghĩ rằng ánh sáng của mình phải đến qua không một kênh nào khác ngoại trừ trực tiếp từ Đức Chúa Trời,

ĐẶT BẠN VÀO VỊ TRÍ MÀ BẠN SẼ DỄ DÀNG BỊ LỪA DỐI, VÀ BỊ HỦY HOẠI.’

{Ellen G. White, Công Vụ các Sứ Đồ (Acts of the Apostles), 231.2-231.3}

‘Bất cứ nơi nào các chân lý của tin lành được rao giảng,

những người chân thành mong muốn làm điều đúng đắn đều được dẫn đến việc CHĂM CHỈ TRA XÉT KINH THÁNH.

Nếu, trong những đoạn hạ màn của lịch sử trái đất này,

những người mà các chân lý kiểm nghiệm được rao giảng cho chịu theo gương những người Bê-rê, tra xét Kinh Thánh hàng ngày,

và đối chiếu các sứ điệp đã được đem đến họ với Lời của Đức Chúa Trời,

thì ngày nay đã có một số lượng người đông đảo trung thành với các nguyên lý của luật pháp Đức Chúa Trời

thay vì bây giờ có ít ỏi thế này rồi.

Nhưng khi những chân lý Kinh Thánh trái tai được trình bày, nhiều người từ chối thực hiện công việc tra xét này.

Dù không thể cãi lại nổi những giáo lý thẳng thừng của Kinh Thánh,

họ vẫn thể hiện sự miễn cưỡng cao nhất đối với việc nghiên cứu các bằng chứng đã được đưa ra.

Một số người còn mặc định rằng ngay cả nếu những giáo lý này có là đúng thật,

thì việc họ tiếp nhận ánh sáng mới ấy hay không cũng chẳng quan trọng,

và họ bám lấy những điều huyễn hoặc êm tai mà kẻ địch sử dụng để dẫn dụ các linh hồn lạc lối.

Như thế tâm trí của họ bị làm cho mù lòa bởi sai lạc, và họ bị chia cắt khỏi Thiên Đường.

Tất cả mọi người đều sẽ bị phán xét theo lượng ánh sáng đã được ban cho.

Chúa sẽ sai phái các sứ giả Ngài với sứ điệp cứu rỗi,

Ngài sẽ buộc những ai được nghe phải chịu trách nhiệm cho cái cách mà họ đối xử với lời của các đầy tớ Ngài.

Những ai đang chân thành tìm kiếm Chân Lý

ĐỀU SẼ TRA XÉT THẬT CẨN THẬN,

trong ánh sáng của Lời Đức Chúa Trời, các giáo lý được trình bày cho mình.’

7. Trong Vương Quốc Thiên Đường, quyền lợi của công dân được đảm bảo như thế nào?

Theo hứng của dân chúng hay theo luật của Đức Vua?

[01] Ma-thi-ơ 6:31-34 …đừng lo lắng, bảo: “chúng ta ăn gì?”

hay “chúng ta uống gì?”

hay “chúng ta mặc gì?”

Vì tất cả những thứ này các dân ngoại mới tìm kiếm,

bởi Cha các con trên trời đã biết rằng các con cần tất cả những thứ này rồi.

Các con trước hết hãy tìm kiếm Vương Quốc Đức Chúa Trời và sự công chính của Ngài,

và tất cả những thứ này sẽ được thêm vào cho các con.

Cho nên: đừng lo lắng cho ngày mai, vì ngày mai sẽ tự lo cho nó.

Đủ cho một ngày là sự lo phiền của nó rồi.

Trong Vương Quốc Thiên Đường,

cơm áo gạo tiền được Đức Vua chi trả cho các công dân của Ngài

dựa theo đầu tiên và quan trọng nhất là việc họ đã phải là công dân của Ngài chưa,

và đã tìm kiếm được sự công chính của Ngài trong đời sống của chính mình chưa.

Điều đó tuy không có nghĩa chúng ta được phép ngu ngạo hay lười biếng trong việc học hỏi và lao động,

nhưng nó có nghĩa: tập trung cao nhất của chúng ta hãy đừng là các toan tính mưu sinh,

mà phải là làm sao để hằng ở trong Chúa, sống lương thiện, công chính và kết quả một cách chăm chỉ cho Ngài,

rồi Đức Vua sẽ lo cho chúng ta.

Cách sống này ngược lại hoàn toàn so với thể chế cá lớn nuốt cá bé, người ăn thịt người, mạnh ai nấy sống của Ma Quỷ,

nơi đấu tranh sinh tồn được đặt lên hàng đầu.

Trong Vương Quốc Thiên Đường, dưới sự trị vì của Đức Chúa Trời từ ái nắm giữ nguồn lực không giới hạn,

các quyền lợi của công dân được Đức Vua đảm bảo theo luật.

[06] Giô-suê 1:8 Cuốn sách luật pháp này chớ rời khỏi miệng con,

nhưng hãy suy ngẫm nó ngàyđêm,

để tuân giữ thực hiện theo mọi điều ghi trong nó.

Vì như thế, con sẽ làm cho đường lối mình được thịnh vượng,

và khi ấy con sẽ thành công.

Việc hàng ngày nghiền ngẫm Kinh Thánh – tức sách Luật Pháp của Vương Quốc –

là điều tối quan trọng đối với Cơ Đốc nhân,

là điều mà Đức Vua đã truyền bảo phải thực hiện ngày và đêm

(tức là tối thiểu hai lần một ngày – buổi sáng sau khi thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ chẳng hạn).

Chúng ta cần phải nắm rõ và thấm nhuần luật lệ của Ngài

để vâng phục và nhận được các ơn phước tương ứng, là các quyền công dân hợp pháp của chúng ta,

chuẩn bị sẵn sàng cho ngày chúng ta được Đức Vua đón về sống tại Thủ Đô.

8. Thủ phủ của Vương Quốc Thiên Đường, nơi Đức Chúa Trời đặt ngai của Ngài, tên là gì, và nó như thế nào?

[27] Mặc Khải 21:2, 12 Và tôi thấy thành thánh Giê-ru-sa-lem Mới ngự xuống từ Đức Chúa Trời từ trời…

có tường lớn và cao, có mười hai cửa.

[27] Mặc Khải 21:16 Và thành nằm thành hình vuông

Và vị ấy đo thành bằng cây sậy: mười hai nghìn sta-đi-a.

Chiều dài và chiều rộng và chiều cao của nó bằng nhau.

[27] Mặc Khải 21:18 Và kết cấu tường của nó là ngọc thạch anh,

còn thành là vàng tinh khiết, tinh khiết như thủy tinh.

[27] Mặc Khải 21:23 Và thành không cần có mặt trời hay mặt trăng để chiếu sáng nó,

vinh quang của Đức Chúa Trời chiếu sáng nó,

và Chiên Con là đèn của nó.

[27] Mặc Khải 22:1 Và vị ấy chỉ cho tôi sông nước sự sống, trong như pha lê,

ra từ ngai của Đức Chúa Trời và của Chiên Con.

[27] Mặc Khải 22:2 Và ở bên này và bên kia sông là cây sự sống,

ra mười hai thứ quả, theo từng tháng mà ra quả của mình.

Thủ phủ của Vương Quốc Thiên Đường có tên là Giê-ru-sa-lem Mới,

là một tòa thành khổng lồ bằng vàng tinh khiết trong suốt

có tường bao quanh hình vuông, dài, rộng và cao 3.000 sta-đi-a (tương đương khoảng 555 kilômét),

tràn ngập vinh quang của Đức Chúa Trời và Con Trai Ngài chiếu tỏa,

với sông nước sự sống chảy ra từ ngai của họ

và cây sự sống mọc tràn ra hai bên bờ sông, cung cấp sinh lực bất tử cho các công dân của Vương Quốc.

9. Cuộc sống khi ấy sẽ khác với ngày nay như thế nào?

[27] Mặc Khải 21:3 Chính Ðức Chúa Trời sẽ ở với họ.

[27] Mặc Khải 21:4cái chết sẽ không còn nữa,

hay buồn khổ, hay khóc lóc, hay đau đớn, đều sẽ không còn nữa,

vì những sự thứ nhất đã qua đi rồi.

[23] Ê-sai 65:16, 17 Những khổ đau trước kia đã bị quên lãng… 

Những thứ trước kia sẽ không còn được nhớ đếncũng sẽ chẳng hiện lên trong tâm.

[23] Ê-sai 35:5 Mắt người sẽ được mở.

[23] Ê-sai 35:5 Tai người điếc sẽ được khai thông.

[23] Ê-sai 35:6 Người què sẽ nhảy cẫng lên như nai, và lưỡi người câm sẽ ca vang.

[23] Ê-sai 40:31 Ai trông đợi YHWH sẽ đổi mới sức mạnh,

cất cánh như chim ưng, chạy mà không mỏi, đi mà không mệt.

[23] Ê-sai 11:6 Và sói sẽ ở với chiên con, và báo sẽ nằm với dê con, và bê, và sư tử tơ, và thú béo cùng nhau,

và một đứa trẻ nhỏ sẽ dẫn dắt chúng.

[23] Ê-sai 35:1 Đồng hoang và nơi khô hạn sẽ hân hoan,

sa mạc sẽ mừng rỡ và nở như hoa thủy tiên.

[23] Ê-sai 33:24 Dân cư sẽ chẳng còn nói: “Tôi bị bệnh.”

[23] Ê-sai 35:10 Những người được cứu chuộc của YHWH sẽ trở về

và vào Si-ôn trong reo vang,

niềm vui vĩnh cửu sẽ ở trên đầu họ.

[38] Xa-cha-ri 8:5 Và các quảng trường của thành sẽ đầy các con trai và các con gái,

những đứa vui chơi tại các quảng trường nó.

[19] Thi Ca 16:11 Trước mặt Ngài là trọn niềm hoan lạc,

bên phải Ngài là niềm sung sướng vô cùng.

[07] I Cô-rinh-tô 2:9 Những gì mắt chưa thấy, và tai chưa nghe, trên tâm loài người chưa từng nổi lên,

là những gì Đức Chúa Trời đã chuẩn bị cho những người yêu mến Ngài.

10. Vậy làm thế nào để trở thành công dân của Vương Quốc Thiên Đường?

[04] Giăng 3:7 Các ngươi phải được sinh lại.

Rất đơn giản: nếu bạn được sinh ra bởi một công dân nào đó trong Vương Quốc,

bạn cũng sẽ là Công Dân của Vương Quốc,

rất giống với luật pháp của nhiều quốc gia ngày nay.

Khi một người ăn năn mọi tội lỗi, đầu phục Chúa JESUS và tin nhận Ngài,

Chúa ngự vào cư ngụ và làm chủ trong linh hồn người ấy,

và phép màu “tái sinh” xảy ra.

Người ấy được sinh lại ra một lần thứ hai,

lần này không phải theo bản tính sa ngã của tổ phụ A-đam như lần sinh ra thứ nhất,

mà theo bản tính thiên thượng thánh khiết của A-đam thứ hai, tức Chúa JESUS, cũng là vị hoàng đế của Thiên Đường.

Một khi điều này đã xảy ra, với tư cách là con của Đức Vua,

bạn nghiễm nhiên trở thành công dân hợp pháp của Vương Quốc, có đầy đủ toàn bộ các quyền công dân theo quy định,

mà không một tổ chức hay thế lực nào có thể bác bỏ hay tước đoạt nổi.

11. Thời điểm lý tưởng nhất để ăn năn là khi nào?

[08] II Cô-rinh-tô 6:2 Kìa: bây giờ là thì thuận tiện!

Kìa: bây giờ là ngày cứu rỗi!

Rất nhiều người đã biết đến Chúa, vì lưu luyến tội lỗi, vẫn đã và đang chơi trò “căn giờ” với Ngài,

để làm sao đầu phục Ngài vào phút chót, ngay trước khi mình “hểt thời gian” mà thụ hưởng được tối đa lạc thú của tội lỗi.

Và thế là cả cái hành tinh này đầy rẫy mồ mả của vô số những người đùa cái gì không đùa, lại đem đúng linh hồn mình ra mà đùa này.

Họ đã phải ra đi trong tình trạng hư mất, với một trái tim đã chai lì đến hóa đá

vì đã triền miên chống nghịch lại sự cáo trách của Thánh Linh, đến nỗi không thể nào gồng nổi sự ăn năn lên được nữa.

Nhiều người còn chết vào thời khắc thình lình mà mình không thể ngờ trước được,

quá muộn để hiểu ra rằng loài người KHÔNG BAO GIỜ có thể qua mặt được Đức Chúa Trời Toàn Năng.

Than ôi, cái cách mà tội lỗi có thể làm cho người ta trở nên ngu xuẩn

đến mức cho rằng mình có thể ăn được CHÚA trong trò chơi căn giờ này!

Thật vậy, xuyên suốt lịch sử loài người,

chẳng có một kẻ căn giờ nào được lọt vào danh sách những người được Chúa thương xót, thăm viếng và cứu vớt lúc sắp “hết thời gian” cả.

Chính toan tính trì hoãn ấp ủ trong lòng ấy đã làm chai cứng lương tâm họ lại

và phá hủy hoàn toàn khả năng “nghe” được tiếng cáo trách của Thánh Linh để mà có thể ăn năn.

Trong khi chính những người “may mắn” được cứu vào phút chót

đã để lại biết bao lời chứng trước khi ra đi rằng họ đau đớn và ân hận như thế nào vì đã không đầu phục Chúa sớm hơn,

thì nhiều người lại tìm cách “căn giờ” để được như những đối tượng cả đời ăn hại toàn diện,

chẳng kịp đóng góp bất cứ công lao hữu ích gì cho chính nghĩa này.

Liệu vị Thần Công Lý, Đấng chúa tể toàn vũ trụ

có để lọt lướt những người có một tâm địa hiểm độc và thủ đoạn như những kẻ “căn giờ” này vào được Vương Quốc của Ngài không?

“Trì hoãn” đối với Chúa chính là “từ chối”.

Chỉ những ai đến với Ngài với cả trái tim chân thành phục thiện mới có thể tìm được Ngài mà thôi.

Còn tất cả những ai đang cố ý trì hoãn, đang chơi trò “căn giờ” với Ngài,

xin hãy nghe rõ đây:

các bạn đều chắc chắn sẽ căn TRƯỢT.

Cho nên khôn ngoan hơn cả, là hãy cứ ngay lập tức ăn năn quy phục

và xác định tâm thế nỗ lực hết sức bước theo Chúa đi đã,

rồi sau đó nếu có vì còn quá nhiều yếu kém mà phải ngã lên ngã xuống phạm tội, phải nhiều lần lồm cồm bò dậy ăn năn lại từ đầu,

thì vẫn còn khá khẩm hơn nhiều so với việc chơi trò “căn giờ” với Ngài.

ĐỪNG BAO GIỜ tin rằng mình sẽ ăn được Chúa!

12. Bạn đã sẵn lòng từ bỏ những lạc thú chóng qua của tội lỗi để được cùng Chúa chung hưởng Vương Quốc của Ngài chưa?

Phụ lục

I. Cuộc chiến hai Vương Quốc

Kinh Thánh là câu chuyện về hai vương quốc không ngừng tranh chiến và tìm cách thôn tính nhau:

vương quốc Tình Yêu Thương và Công Lý của Đức Chúa Trời, và vương quốc cá lớn nuốt cá bé, người ăn thịt người của Ma Quỷ.

Nhiệm vụ chính của công dân vương quốc Thiên Đường là tìm cách thôn tính vương quốc của Ma Quỷ,

mở rộng vương quốc của Vua họ qua việc quy phục công dân của Sa-tan thành công dân của vương quốc Đức Chúa Trời.

Chúa JESUS đã lấy vương quốc Đức Chúa Trời làm trọng tâm mục vụ của Ngài.

Chỉ riêng Tân Ước đã có hơn 100 phân đoạn nhắc đến vương quốc Đức Chúa Trời, rất nhiều trong số đó là những ẩn dụ của chính Chúa JESUS.

Từ những giáo lý của Ngài, chúng ta được biết vương quốc ấy có hai phần: phần thuộc linh, và phần vật chất hiện hữu.

Những công dân thực thụ của Vương Quốc Thiên Đường về phần thuộc linh đều có Chúa ngự trị trong trái tim của họ.

Trước khi đầu phục, ngai vàng trong trái tim mỗi người bị chiếm hữu bởi Satan, tội lỗi, và cái tôi ích kỷ.

Nhưng sau khi ta nhận được sự tha thứ và quyền năng của Chúa JESUS, quyền thống trị ấy của chúng bị phá vỡ.

Đây là lý do vì sao Phao-lô đã nói:

“Vậy, đừng để tội lỗi cai trị trong xác phàm của các bạn, vào sự vâng phục nó với các dục vọng của nó…

Vì tội lỗi sẽ không còn chủ quản được các bạn.” [06] Rô-ma 6:12, 14.

Ngay khi một người tin nhận Đấng Christ, người ấy trở thành một công dân của vương quốc Đức Chúa Trời phần thuộc linh.

Đây là lý do vì sao cả Chúa JESUS lẫn Giăng Báp-tít đều bắt đầu mục vụ của mình bằng việc kêu gọi con người

“hãy ăn năn, vì Vương Quốc Thiên Đường đã gần kề.” [01] Ma-thi-ơ 3:2; 4:17.

“Gần kề” tức là đã có thể tiếp cận ngay được rồi.

Đó cũng là lý do vì sao Chúa JESUS nói:

“Vương quốc Ðức Chúa Trời không đến với sự thấy rõ.

Người ta sẽ chẳng nói ‘kìa, ở đây,’ hay ‘kìa, ở đó,’

vì kìa, Vương Quốc Ðức Chúa Trời ở trong các con.” [03] Lu-ca 17:20, 21.

Ngay khi một người đã được tái sinh bởi Đấng Christ ngự vào làm chủ trong linh hồn mình,

người đó rời bỏ vương quốc bóng tối của Satan và gia nhập vương quốc ánh sáng của Đức Chúa Trời.

Mỗi môn đồ chân chính của Đấng Christ là một vị đại sứ từ vương quốc Đức Chúa Trời đến với thế gian này.

Đại sứ từ nước ngoài thì thông thường nói thứ ngôn ngữ khác, mặc trang phục khác, ăn đồ ăn khác, cách tiêu tiền cũng khác, và có những phong tục khác.

Tương tự, với tư cách đại sứ, chúng ta cũng nên cẩn thận để đại diện một cách đàng hoàng vương quốc của Cứu Chúa

bằng cách ăn mặc, nói năng, tiêu tiền và sử dụng thời gian của mình đúng mực.

Một ngày không xa, dân Chúa sẽ thừa hưởng vương quốc Đức Chúa Trời trọn cả phần vật chất còn lại, như được miêu tả trong bài giảng này.

Đây chính là vương quốc mà chúng ta hằng trông mong trong lời cầu nguyện “Vương Quốc Cha được đến.” [01] Ma-thi-ơ 6:10.

Vương quốc của Cha chúng ta rồi sẽ được ấn định chính thức trên chính đất này

sau thiên niên kỷ phán xét và trận chiến cuối cùng trong [27] Mặc Khải 20.

II. Vì sao phải cầu nguyện, và cầu nguyện như thế nào để được đáp lời?

Thấu hiểu bản chất “vương quốc” của Thiên Đường, chúng ta có thể đi sâu vào một trong những giao dịch quan trọng nhất của vương quốc: Cầu Nguyện.

Từ buổi sáng thế, Đức Chúa Trời đã phán về loài người thế này:

chúng sẽ thống trị cá biển, và chim trời, và thú, và cả trái đất, và mọi động vật bò trườn trên đất.” ([01] Khởi Nguyên 1:26).

Đức Chúa Trời đã tuyên bố chúng ta là người cai trị hành tinh này, và một khi lời ấy ra khỏi miệng Đức Vua, nó lập tức tự động trở thành pháp luật:

Ngài sẽ không còn là thế lực thống trị trực tiếp trái đất nữa, mà sẽ chỉ còn thống trị nó một cách gián tiếp qua loài người.

Đây là lý do vì sao chúng ta có thể quan sát được

Đức Chúa Trời chẳng bao giờ can thiệp vào sự vụ gì của Trái Đất ngay cả khi Ngài rất muốn,

trừ phi Ngài đã có được một CON NGƯỜI nào đó cầu nguyện xin Ngài can thiệp.

Ví dụ, khi Ngài giải phóng Is-ra-ên khỏi Ai Cập, Ngài đã phải thực hiện công việc ấy trên cơ sở đáp lại lời cầu nguyện của dân Is-ra-ên,

thi triển tất cả các dấu lạ phép màu của Ngài thông qua một con người là nhà tiên tri Mô-se, để không đi ngược lại lời chính Ngài đã tuyên bố từ trước.

Hay khi Ngài tiêu diệt Sô-đôm và Gô-mô-ra, đã phải có

“Tiếng kêu gào về Sô-đôm và Gô-mô-ra thật lớn” ([01] Khởi Nguyên 18:20) thấu lên đòi Ngài phải thực thi công lý trên chúng.

Vậy là một mối quan hệ giao dịch đã được thiết lập với tuyên bố của Đức Vua tại [01] Khởi Nguyên 1:26.

Nếu Thiên Đường là một Vương Quốc, thì Trái Đất chính là một thuộc địa của Vương Quốc ấy,

được ban cho loài người để quản trị và phản ánh các giá trị, văn hóa và vinh quang của Đức Vua mình.

Đức Chúa Trời thì cầm toàn bộ nguồn lực vô hạn của Vương Quốc Thiên Đường,

còn chúng ta thì là thống đốc của thuộc địa Trái Đất và là công dân của Vương Quốc, có quyền truy cập đến Đức Vua thông qua Đấng Christ JESUS

– Đấng đã đến với tư cách một CON NGƯỜI, là chủ thể cai trị hợp pháp duy nhất của Trái Đất,

và giành lại quyền công dân Vương Quốc Thiên Đường cho chúng ta thông qua việc cất bỏ tội lỗi của chúng ta đi.

Tất cả những ai đã đầu phục Chúa JESUS đều được phục hồi quyền truy cập này,

và có thể tiến hành “giao dịch” trở lại với Đức Vua qua lời cầu nguyện.

Cứ khi nào chúng ta đệ trình lên Đức Vua lời thỉnh cầu cho một việc gì được thực hiện, mà đúng với ý muốn của Ngài,

thì khi ấy Ngài giải phóng nguồn lực Toàn Năng của Ngài và làm cho việc ấy được hiện thực hóa.

Còn nếu lời thỉnh cầu của chúng ta không đúng với ý muốn của Đức Vua, hoặc chúng ta chẳng đệ trình thỉnh cầu nào lên Ngài cả,

thì sẽ chẳng có gì được thực hiện hết.

Nói theo giọng của John Wesley thì là:

“Dường như không có Đức Chúa Trời, con người không thể làm gì

– và không có con người, Đức Chúa Trời sẽ không chịu làm gì.”

Ấy chính là lý do vì sao chúng ta phải cầu nguyện thật nhiều, và phải học cách nắm bắt ngày càng chính xác hơn ý muốn của Đức Vua

– chắc chắn nhất là thông qua việc học biết và căn cứ theo Lời của Ngài – để cầu nguyện vào đúng ý muốn ấy mà được đáp lời.

Đức Chúa Trời đã viết hẳn các ý muốn và lời hứa của Ngài xuống sách cho chúng ta dễ dàng nắm bắt, và căn cứ theo đó mà giao dịch với Ngài rồi mà, phải không nào?

Trong tất cả những thứ Đức Chúa Trời giao cho chúng ta quản trị trên hành tinh này,

thứ quan trọng nhất, cần nhiều lời cầu nguyện nhất để cai trị thành công, chính là bản thân chúng ta.

Cầu nguyện là sự cởi mở của trái tim với Đức Chúa Trời như với một người bạn vậy.

Thông qua việc phát triển mối quan hệ cá nhân với Đức Vua bằng một trái tim cởi mở với Ngài, chúng ta được biến đổi trở nên như Chúa,

Thánh Linh Ngài sẽ được đổ đầy trong chúng ta đáp lại lời cầu xin của chúng ta,

và công tác cai trị quan trọng nhất của chúng ta – cai trị chính bản thân mình trong đường lối của Chúa – được thực hiện.

Càng những lúc chúng ta “cảm thấy” không muốn cầu nguyện, thì càng là những lúc chúng ta cần phải cầu nguyện nhất!

{Ellen G. White, Các bước đến Đấng Christ (Steps to Christ), 94.2}

“Bóng tối của Ma Quỷ siết lại gần những người chểnh mảng cầu nguyện.

Các cám dỗ thì thầm của kẻ thù quyến dụ họ phạm tội,

và tất cả chỉ vì họ đã không tận dụng triệt để đặc quyền mà Đức Chúa Trời đã ban cho họ trong cuộc gặp mặt thần thánh của lời cầu nguyện.

Vì sao các con trai và con gái của Đức Chúa Trời lại nên ngần ngại cầu nguyện,

khi cầu nguyện chính là chìa khóa trong cánh tay của đức tin để mở khóa nhà kho của Thiên Đường, nơi chất chứa nguồn lực vô hạn của sức mạnh Toàn Năng?

Không có lời cầu nguyện liên tục và chuyên cần cảnh giác, chúng ta sẽ ở trong nguy cơ trở nên bất cẩn và lạc khỏi nẻo chính.

Kẻ đối địch liên tục tìm cách cản trở con đường đi đến Ngai Thi Ân,

để chúng ta không thể bằng lời khẩn cầu tận tâm và đức tin mà nhận được ân điển và quyền năng để chống cự lại cám dỗ.”

Cũng cần lưu ý là trong khi chúng ta có thể cầu nguyện lâu chừng nào mình muốn trong nơi riêng tư,

lời cầu nguyện chung nơi nhóm họp của chúng ta hãy ngắn gọn và thẳng vào trọng tâm.

{Ellen G. White, Cầu nguyện (Prayer) 203.3}

‘Tất cả mọi người nên cảm thấy cầu nguyện ngắn gọn là một bổn phận của Cơ đốc nhân.

Hãy thưa với Chúa đúng những gì bạn muốn mà đừng dạo quanh khắp thế giới.

Trong lời cầu nguyện riêng, tất cả mọi người đều có đặc quyền cầu nguyện lâu chừng nào họ muốn và chi tiết chừng nào họ thích.

Họ có thể cầu nguyện cho TẤT CẢ người thân và bạn bè của mình.

Phòng riêng là nơi để thưa lên tất cả những khó khăn, và thử thách, và cám dỗ riêng tư của họ.

Một buổi nhóm họp chung để thờ phượng Đức Chúa Trời thì không phải là nơi để mở ra những điều riêng tư của trái tim.’

{Ellen G. White, Lời chứng cho hội thánh (Testimonies for the church) quyển 2, 581.1-581.2}

‘Một hoặc hai phút là đủ dài cho bất kỳ lời cầu nguyện bình thường nào.

Nhưng nhiều người dâng lời cầu nguyện một cách khô khan, thuyết giáo.

Những người này cầu nguyện với con người, không phải với Đức Chúa Trời.

Nếu họ đang cầu nguyện với Đức Chúa Trời, và thực sự hiểu những gì mình đang làm,

họ sẽ phát hoảng về sự táo tợn của mình;

vì họ trình bày một bài diễn văn lên Chúa trong hình thức của lời cầu nguyện,

như thể Đấng Tạo Hóa của vũ trụ cần thông tin đặc biệt gì cho những nghi vấn chung liên quan đến những điều đang diễn ra trên thế giới vậy.

Tất cả những lời cầu nguyện như vậy đều như cồng chiêng vang tiếng và chập chõa lẻng xẻng mà thôi.

Chúng bị vô hiệu trên Thiên Đường.

Các thiên sứ của Đức Chúa Trời mỏi mệt với chúng, cũng như những người phàm nào buộc phải nghe chúng.’

{Ellen G. White, The Review and Herald, 10 tháng 10 năm 1882}

‘Những bài nói và những lời cầu nguyện dài lê thê là không phù hợp ở bất cứ đâu, và đặc biệt là trong buổi nhóm tập thể.

Chúng làm mỏi mệt các thiên sứ cũng như những người lắng nghe chúng.

Lời cầu nguyện của chúng ta phải ngắn gọn và thẳng vào trọng tâm.’

Biết sử dụng thành thạo vũ khí “cầu nguyện”, riêng tư và tập thể,

là một trong những kỹ năng quan trọng nhất của một công dân Vương Quốc Thiên Đường đang chinh chiến trên Trái Đất,

cho phép người ấy chiến đấu không còn bằng sức lực hữu hạn của bản thân mình nữa, mà bằng nguồn lực vô hạn của Đức Chúa Trời.

III. Nhóm Jesuit nguy hiểm đến thế nào?

{Ellen G. White, Cuộc Đại Chiến (the Great Controversy), 234.2 – 235.1}

‘Khắp tín ngưỡng Cơ Đốc giáo, những người Tin Lành Cải Chánh bị đe dọa bởi kẻ địch đáng sợ.

Chiến thắng đầu tiên của cuộc cải cách qua đi, Rome triệu hồi lực lượng mới, với hy vọng hủy diệt nó.

Chính thời điểm này, hội Jesuit đã được thành lập, những kẻ tàn bạo nhất, gian hiểm nhất, hùng mạnh nhất trong mọi dũng sĩ của giáo hội La Mã.

Được cắt bỏ khỏi mọi liên hệ thuộc về thế gian và những lợi ích của một con người, chết với tiếng gọi của tình yêu thương tự nhiên, lý lẽ và lương tâm hoàn toàn bị câm lặng,

chúng không bao giờ cần biết luật lệ nào, ràng buộc nào, ngoại trừ hội của mình, và trách nhiệm mở rộng quyền lực cho nó.

Tin Lành của Đấng Christ đã giúp cho người tiếp nhận nó có thể đối mặt với hiểm nguy, chịu đựng thống khổ,

không nản lòng trước đói rét, lao động cực nhọc và nghèo đói, để giữ vững lá cờ Chân Lý ngay cả trước giá tra tấn, hầm ngục và giàn hỏa thiêu.

Để chống trả lại sức mạnh này, Jesuit giáo truyền cảm hứng cho các môn đồ của nó với một sự điên loạn

cho phép họ có thể chịu đựng được những hiểm nguy tương tự, và chống cự sức mạnh của Chân Lý với mọi khí giới lừa dối.

Chẳng có tội ác nào quá lớn để phạm phải,

chẳng có sự lừa dối nào quá hèn hạ để thực hiện,

không có lớp vỏ bọc nào quá khó để chúng khoác lên.

Thề nguyện với sự nghèo đói và hạ mình cả cuộc đời, mục tiêu được ngâm cứu của chúng là đoạt lấy của cải và quyền lực,

để dâng hiến cho sứ mệnh lật đổ cuộc Cải Chánh, và sự tái thiết lập quyền thống trị độc tôn tối cao của Nhà Thờ Công Giáo.

Khi xuất hiện như một thành viên của hội mình, chúng khoác lên một tấm áo thánh thiện,

thăm nom nhà tù và bệnh viện, chăm sóc người đau ốm và người nghèo,

tuyên xưng đã từ bỏ thế gian này và mang trên mình danh Jesus thiêng liêng, đi đó đây để làm việc thiện.

Nhưng ẩn dưới lớp vỏ bọc không chê trách được này, những lý tưởng chết người và tội ác nhất được che giấu.

Một nguyên tắc nền tảng của hội này chính là mọi hành vi đều có thể được biện hộ bởi mục đích của nó.

Bởi nguyên tắc này, dối trá, trộm cắp, vu khống, ám sát, đều không những có thể tha thứ, mà còn đáng được tuyên dương, nếu như chúng phục vụ lợi ích của Nhà Thờ.

Dưới những lớp vỏ bọc khác nhau, nhóm Jesuit leo lên những vị trí lãnh đạo quốc gia,

trèo lên thành những cố vấn cho các hoàng đế, và định hình luật pháp của các nước.

Chúng trở thành tôi tớ hoạt động để gián điệp chính chủ nhân của chúng.

Chúng thiết lập các trường đại học cho hậu duệ giới lãnh đạo và những nhà quý tộc, và trường học cho thường dân,

và những đứa trẻ của những phụ huynh Cải Chánh giáo bị dẫn dụ vào những nghi lễ của Nhà Thờ Công Giáo.

Tất cả những vẻ ngoài phô trương lộng lẫy của nghi thức thờ phượng Công Giáo được mang vào để làm rối loạn tâm trí, làm choáng váng và thống trị trí tưởng tượng,

và thế là quyền tự do mà chính những cha ông đã đổ máu để chiến đấu bị phản bội bởi con cháu họ.

Nhóm Jesuit nhanh chóng lan tỏa khắp Châu Âu,

và nơi nào chúng đặt chân đến, nơi ấy quyền thống trị của Giáo Hoàng được tái lập.’

Khi một tín hữu Jesuit được thăng lên cấp chỉ huy cao hơn, họ phải tuyên thệ với lời thề bằng máu (blood oath), có chứa nội dung như sau:

‘Tôi xin hứa và tuyên bố rằng tôi sẽ, khi có cơ hội, gây chiến liên tiếp, kín đáo hay công khai, chống lại mọi kẻ ngoại đạo,

dù là người theo Cải Chánh giáo hay chủ nghĩa tự do, khi tôi được lệnh tiến hành,

TẬN DIỆT và TIÊU DIỆT chúng khỏi bề mặt trái đất;

và tôi sẽ không tha dù tuổi tác, giới tính hay tình trạng con người;

và rằng tôi sẽ treo, hủy, đun, lột da, thắt cổ, chôn sống những kẻ ngoại đạo khả ố này,

mổ bụng và dạ con của phụ nữ chúng và đập đầu trẻ sơ sinh chúng vào tường, để có thể tận diệt vĩnh viễn giống nòi đáng ghét của chúng.

Và khi điều ấy không thể được thực hiện một cách công khai,

tôi sẽ bí mật sử dụng cốc thuốc độc, dây thắt ngạt, lưỡi thép của dao găm hay viên đạn chì,

bất chấp danh dự, thứ bậc, phẩm hạnh, quyền hành của hắn hay chúng,

bất chấp tình trạng sống của chúng, dù công khai hay riêng tư,

khi bất kỳ lúc nào tôi được chỉ định thực hiện công việc ấy bởi bất cứ đặc vụ nào của Giáo Hoàng

hoặc cấp chỉ huy của hội anh em Đức Tin Thánh, của hội công xã Jesus (Jesuit).’

{Carlos Didier – Subterranean Rome}

Đây chính là chân dung những kẻ địch nguy hiểm nhất của chúng ta trong vòng loài người.

Mức độ tận lực của chúng cho công tác của Ma Quỷ còn vượt cả mức độ tận lực của nhiều đầy tớ Chúa cho công việc Ngài.

Và với giáo hoàng Francis, Vatican cuối cùng đã có được giáo hoàng Jesuit đầu tiên trong lịch sử để lãnh đạo công tác chống lại Hội Thánh Thật Cuối Cùng.

Chúng ta không thể biết chính xác được nhóm Jesuit này đã xâm nhập sâu đến mức nào vào mọi hạ tầng cơ sở và các cấp bậc của chính hội thánh SDA ngày nay,

nên giờ là lúc hơn bao giờ hết, từng người trong chúng ta cần phải thiết lập quan hệ cá nhân chặt chẽ với Cứu Chúa

và học biết tinh thông các Chân Lý của Lời Ngài để có thể tự bảo vệ chính mình, đồng thời bảo vệ các anh chị em còn non nớt hơn trong đức tin.

Đôi điều để chúng ta cùng suy tư, để liệu mà biết tận lực cung hiến toàn bộ mình cho Chúa

và xích lại gần nhau hơn, hiệp một trong Ngài.

Bài học tiếp theo sẽ nói về một chủ đề rất hay bị nhầm lẫn và thậm chí còn thường bị né tránh: thuế phần mười và dâng hiến tự nguyện.

Nhiều người trong các bạn có thể cảm thấy do dự việc tiếp cận chủ đề này, và tôi hoàn toàn hiểu tại sao.

Tiền thì bao giờ chả nhạy cảm?

Thế nhưng tôi có thể đảm bảo với các bạn là nếu làm ĐÚNG,

cái nghĩa vụ đóng thuế của công dân Vương Quốc Thiên Đường này sẽ lại hóa ra là một QUYỀN công dân đặc ân,

một PHƯỚC LÀNH được ngụy trang để kiểm nghiệm và chọn ra những người nào sẽ được Đức Vua tập trung nguồn lực về tay và giao cho quản trị.

Và không, phần lớn các hội thánh ngày nay gần như đều đang làm SAI: thu sai cách, nộp sai chỗ, sử dụng sai mục đích.

Và đó là lý do vì sao họ có mặt ở những thành phố đông dân đến hàng chục triệu người

lâu đến cả trăm năm rồi, mà điểm nhóm vẫn mãi chỉ lèo tèo vài trăm tín hữu “nghèo bền vững” rớt cả mùng tơi.

Không tin hả? Click vào “bài tiếp” để tự mình kiểm tra!

Vẫn chưa có bộ Tiên Tri Toàn Thư trong tay?

Lấy về trọn bộ Tiên Tri Toàn Thư MIỄN PHÍ tại đây »