Thập tự giá

Tiên Tri Toàn Thư »

BÀI 2: THẬP TỰ GIÁ

Ngày hôm ấy, khi bầu trời vẫn còn chưa sáng hẳn, thì vị tộc trưởng cao niên bỗng nghe rõ từng lời phán của Đức Chúa Trời:

“Áp-ra-ham, … Hãy đem con trai con, đứa duy nhất của con mà con yêu thương, Y-sác, và con hãy đi đến đất Mô-ri-a, và dâng nó ở đó làm tế lễ thiêu trên một trong các ngọn núi mà Ta sẽ bảo con.” [01] Khởi Nguyên 22:1, 2.

Áp-ra-ham run lên bần bật khi nghĩ đến mệnh lệnh khủng khiếp mà ông vừa nhận được.

Đức Chúa Trời rõ ràng đã hứa, qua Y-sác, ông sẽ làm cha của một dân tộc lớn.

Mọi hy vọng, ước mơ của Áp-ra-ham đều dồn cả lên đứa con trai kỳ diệu này.

Ông không hiểu tại sao Đức Chúa Trời lại yêu cầu ông làm một việc kỳ lạ như vậy, nhưng ông đã học được cách đặt lòng tin và vâng phục trọn vẹn Cha mình trên trời, ngay cả khi ông không hiểu điều gì đang xảy ra.

Ông vâng phục đến mức không những sẵn lòng đi ngược lại cảm xúc cá nhân của tình cha con trong tim mình để thực thi thánh ý của Đức Chúa Trời,

mà còn giấu luôn sự việc khỏi Sa-ra vợ mình, từ chối lợi dụng sự phản đối của người mẹ làm cái cớ để thoái thác khỏi mệnh lệnh này.

Và thế là Áp-ra-ham nhẹ nhàng đánh thức Y-sác và hai đầy tớ thân tín, và họ bắt đầu chuyến hành trình ba ngày đường lên Mô-ri-a.

Khi gần đến ngọn núi để dâng tế lễ, Áp-ra-ham lệnh cho hai người đầy tớ đứng chờ ông và Y-sác quay trở lại.

Và rồi ông đặt gỗ lên lưng con trai mình, và họ cùng nhau leo lên núi.

Cảm thấy có gì đó không ổn, Y-sác hỏi: “Cha của con ơi, lửa và củi đây, còn chiên con để làm tế lễ thiêu đâu ạ?”

Áp-ra-ham trả lời: “Con trai ta, chính Ðức Chúa Trời sẽ cung cấp chiên con để làm tế lễ thiêu.” [01] Khởi Nguyên 22:6-8.

Khi họ đã lên đến đỉnh núi, Áp-ra-ham ứa nước mắt mà nói cho con trai mình biết mọi chuyện, và con trai ông, Y-sác, đã bình thản mà vâng phục theo mệnh lệnh của Đức Chúa Trời.

Sau khi ôm nhau lần cuối, người cha trói con trai mình lại và đặt lên bàn thờ đá.

Áp-ra-ham vung dao lên và cắm xuống. Sự vâng phục của ông đã trọn. Ông đã vượt qua được bài kiểm tra của mình.

Và Chúa đã lập tức chặn ông lại, rồi chỉ dẫn ông hiến tế một con chiên đực bị kẹt sừng vào một bụi cây gần đó.

Một người Con vác gỗ trên lưng, và một người Cha phải dắt con mình lên đỉnh núi để chết, từng bước đi như đứt từng khúc ruột.

Câu chuyện trên chỉ là hình bóng của một câu chuyện khác còn thương tâm hơn nhiều, mà ở đó, một người Cha khác đã phải thực sự hy sinh đứa Con Trai yêu dấu của mình.

Áp-ra-ham đã được gọi là “bạn của Đức Chúa Trời” trong Kinh Thánh chẳng phải là vô cớ.

Ông là người mà Đức Chúa Trời đã đặc ân chia sẻ cho biết nỗi đau trong chính trái tim Ngài: nỗi đau phải hy sinh người Con Trai mà mình yêu dấu là lớn như thế nào.

Chỉ có điều, trong câu chuyện của Đức Chúa Trời và Con Trai Ngài, “lưỡi dao” đã không được chặn lại.

1. Con chiên đực bị hiến tế thế cho Y-sác, có sừng bị kẹt vào bụi gai, tượng trưng cho ai?

[04] Giăng 1:29 Hôm sau Giăng thấy JESUS đến với ông thì nói: “Kìa! Chiên Con của Ðức Chúa Trời, Ðấng cất đi tội lỗi của thế gian!

[01] Ma-thi-ơ 27:27-30 Bấy giờ lính của tổng đốc đem JESUS vào dinh tổng đốc và tập trung cả đội binh quanh Ngài, và lột trần Ngài, khoác cho Ngài một cái áo choàng đỏ tía, và đan một mão gai đặt trên đầu Ngài, và một cây sậy vào tay phải Ngài.

Và chúng quỳ gối trước Ngài, nhạo báng Ngài, nói: “Chào mừng Vua dân Do Thái!”

Và chúng khạc nhổ trên Ngài, lấy cây sậy và đánh vào đầu Ngài.

Con chiên đực bị kẹt sừng vào bụi gai là hình bóng của không ai khác ngoài Chúa JESUS.

Vào ngày Ngài bị đóng đinh thập tự, sau khi những kẻ gian ác đan một cái mão gai đội lên đầu Ngài, chúng đã chủ tâm lấy cây sậy đánh Ngài vào đấy để khiến cái mão gai cắm sâu vào trán Ngài, khiến cho máu chảy ròng ròng xuống râu Ngài.

Vậy là ngót 2000 năm sau thời đại của vị tộc trưởng, người Con Trai của Đức Chúa Trời cuối cùng cũng giáng sinh xuống thế gian để trở thành sinh tế thế mạng cho loài người, thực hiện sứ mệnh phá hủy công việc của Ma Quỷ, cứu chuộc nhân loại.

2. Chúng ta đang bị làm sao vậy, và vì sao Chúa JESUS lại phải hy sinh thân mình thì mới có thể cứu được chúng ta?

[06] Rô-ma 3:23 Tất cả đều đã phạm tội.

[06] Rô-ma 6:23 Tiền công của tội lỗi là cái chết.

[07] I Cô-rinh-tô 15:3 Đấng Christ đã chết vì tội lỗi chúng ta.

[21] I Phi-e-rơ 3:18 Đấng Christ cũng đã chịu khổ một lần vì tội lỗi, Đấng công chính cho những kẻ bất chính.

Khi A-đam và Ê-va bị Satan cám dỗ phạm tội, Đức Chúa Trời không thể cứ thế cho qua sự xấu xa hiểm ác của tội lỗi được.

Hình phạt của cái ác là cái chết.

Tệ hơn cả, mặc dù tội lỗi của A-đam và Ê-va không bị tính lên đầu chúng ta, nhưng khi họ phạm tội, bản chất của họ sa ngã và trở nên tội lỗi, rồi họ di truyền lại bản chất tội lỗi ấy cho toàn bộ con cháu.

Cũng như một cái mầm non của một cây gai mới nhú lên, mặc dù chưa hề kịp mọc ra cái gai nào, nhưng ADN của nó từ khi sinh ra đã là ADN của một cây gai,

thì chúng ta cũng vậy, từ khi chúng ta được thụ thai trong lòng mẹ, đã bị mang bản chất tội lỗi trong người rồi.

Chưa nói đến việc sau đó chúng ta trực tiếp phạm tội như thế nào, chỉ riêng việc mang trong mình chính bản chất tội lỗi này, với xu hướng phát triển tội lỗi một cách tự nhiên thôi, đã đủ để mặc nhiên định nghĩa chúng ta là tội nhân.

Luật pháp của Đức Chúa Trời thì không thể thay đổi được, và chúng ta thế là phải tàn đời.

Nhưng Đức Chúa Trời không chấp nhận kết cục ấy.

Và trong tình yêu thương vô hạn, Ngài cử Con Trai mình xuống thế mạng cho bạn và tôi.

Tội lỗi và án tử hình của chúng ta thế là bị dồn cả lên đầu Chúa JESUS, và chúng ta được giải thoát.

Không chỉ vậy, sau khi Chúa JESUS vùng dậy từ cõi chết và sống lại, Ngài ban cho chúng ta chính Linh của Ngài, chứa đựng sự sống thánh khiết, nguyên bản của Đức Chúa Trời,

được tôi luyện qua hành trình cả đời Chúa JESUS chịu đựng thống khổ, bức hại và cám dỗ trên đủ mọi phương diện chỉ với một thân xác người phàm suy nhược như của chúng ta, nhưng vẫn giành chiến thắng tuyệt đối hoàn toàn.

Với việc tiếp nhận Thánh linh bằng đức tin, bản chất tội lỗi mà một người tội nhân ăn năn thừa hưởng từ Adam được chế ngự bởi bản chất thánh khiết của JESUS Christ Con Trai Đức Chúa Trời, biến đổi họ từ trong ra ngoài trở thành một con người mới, mà Kinh Thánh gọi là “thánh đồ”.

Với bản chất mới này, con người bắt đầu nảy sinh khát khao sống công chính mãnh liệt và lòng ghê tởm mọi tội lỗi.

Việc sống một đời sống công chính rời xa tội lỗi, bắt đầu chuyển từ một điều không thể làm được trở thành điều mà con người ta tự nhiên làm.

Chúa JESUS đã chỉ có thể ban Thánh Linh này cho chúng ta sau khi Ngài vùng dậy được khỏi cõi chết.

Chính vì thế sự kiện Ngài phục sinh là một dấu mốc quan trọng không kém sự kiện Ngài chết thay cho nhân loại trên thập tự giá.

Nếu Chúa chỉ chết thay cho chúng ta thôi, mà sau đó không sống dậy được để rồi ban xuống cho chúng ta sức mạnh này,

chúng ta dù đã được xóa bôi tội lỗi trong quá khứ vẫn cứ sẽ tiếp tục không sao chống cự nổi sức mạnh cám dỗ của nó trong tương lai.

3. Kế hoạch giải cứu vĩ đại và ngoạn mục này có tên là gì?

[27] Mặc Khải 14:6Tin Lành vĩnh cửu để công bố cho các cư dân trên đất, và mọi quốc gia, và bộ tộc, và ngôn ngữ, và dân tộc.

Kế hoạch cứu rỗi của Đức Chúa Trời được gọi là “Tin Lành”, có nghĩa đúng như tên của nó: một tin mừng.

Và nó đúng là một tin đáng mừng nhất với toàn nhân loại thật!

Án tử hình của chúng ta đã được chịu thay bởi Chúa JESUS, và nhờ Ngài mà bản án của chúng ta đã bị gỡ bỏ.

Bản chất tội lỗi của chúng ta đã được chế ngự bởi bản chất của Cứu Chúa, cho phép chúng ta chiến thắng mọi cái ác trong mình.

Đây chính là sự xưng công chính bởi đức tin theo đúng Kinh Thánh: Justification (được biện hộ) qua sự chết của Đấng Christ,

và Sanctification (được thánh hóa trở nên con người mới) qua Sự Sống lại của Chúa JESUS trong Linh của Ngài, đều bởi Đức Tin.

Một lối thoát khỏi bóng tối mù mịt của tội lỗi, và cái chết là trái đắng sau cùng của nó, đã được cung cấp cho bạn, cho tôi, cho cả nhân loại.

Và Chúa lại là bên đứng ra trả giá đắt, để chúng ta được thụ hưởng hoàn toàn miễn phí.

4. Sao Đức Chúa Trời lại chịu hy sinh lớn như thế vì chúng ta?

[04] Giăng 3:16 Vì Ðức Chúa Trời yêu thương thế gian thể này: đến nỗi đã ban Con Trai Độc Sanh của Ngài, để tất cả những ai tin vào Ngài ấy sẽ không bị hư mất, mà có sự sống vĩnh cửu.

Tình yêu mãnh liệt nhất trên hành tinh có lẽ là tình yêu của một bậc phụ huynh dành cho người con của mình.

Khi Đức Chúa Trời chấp nhận để Con Trai Ngài, Chúa JESUS, chịu thống khổ và chết thay cho chúng ta, Ngài đã bày tỏ bằng thứ ngôn ngữ mạnh mẽ nhất tình yêu thương của Ngài dành cho chúng ta sâu sắc như thế nào.

5. Vậy ta phải làm gì để sự hy sinh của Đức Chúa JESUS không trở nên vô ích đối với bản thân mình?

[05] Công Vụ 3:19 Vậy hãy ăn năn và biến cải vào sự xóa bôi tội lỗi mình.

[05] Công Vụ 16:31 Hãy tin vào Chúa JESUS Christ, và ông sẽ được cứu.

Sự cứu rỗi là một món quà vô giá từ Đức Chúa Trời ([06] Rô-ma 6:23), chứ không phải một vật phẩm thương mại có thể mua bán được dù bằng tiền bạc hay việc thiện như một số Nhà Thờ và các tôn giáo ngoại đạo vẫn dạy.

Bởi lẽ Con Trai Đức Chúa Trời đã phải trả bằng máu của mình để có được nó mà trao cho chúng ta.

Chúng ta chỉ có thể đơn thuần nhận lấy sự cứu rỗi ấy bằng đức tin đầu phục chân chính mà thôi.

6. Vậy, làm thế nào thì ta được tha thứ và thanh tẩy?

[23] I Giăng 1:9 Nếu chúng ta xưng tội mình, Ngài là thành tín và công chính để tha tội cho chúng ta tẩy sạch chúng ta khỏi mọi điều bất chính.

[04] Giăng 1:12 Nhưng hễ ai nhận lấy Ngài, Ngài ban cho họ quyền trở nên con cái của Đức Chúa Trời, cho những ai tin vào danh Ngài.

Một tâm linh vâng phục Đức Chúa Trời trọn vẹn và toàn bộ chiến thắng tuyệt đối trước mọi xu hướng tội lỗi và cám dỗ CHỈ VỚI MỘT THÂN THỂ NGƯỜI PHÀM đều đã được thực hiện xong trong Đấng Christ JESUS.

Chúng ta chỉ cần đơn thuần xưng tội với Ngài, nhận lấy Ngài và liên tục ở trong Ngài bằng đức tin đầu phục: hằng tương giao với Ngài qua việc suy ngẫm Lời Ngài và trò chuyện cùng Ngài.

Một khi ta đã đầu phục bằng đức TIN để NHẬN được Chúa JESUS vào linh hồn mình, tất cả những thứ còn lại sẽ tự động rơi vào đúng vị trí của nó.

7. Trải nghiệm thiêng liêng ấy gọi là gì? Nó như thế nào?

[04] Giăng 3:7 các ngươi phải được sinh lại.

[11] Phi-líp 2:13 Vì Đức Chúa Trời là Đấng đang hành động trong các bạn, để các bạn vừa muốn vừa làm theo những điều đẹp lòng.

Trải nhiệm thiêng liêng ấy được gọi là sự tái sinh, bởi vào thời điểm ấy, ta được sinh lại ra làm một con người mới trong Đấng Christ JESUS theo bản tính thánh khiết của Ngài,

khi Thánh Linh của Đức Chúa Trời và Con Trai Ngài đến cư ngụ và làm chủ trong linh hồn chúng ta, gieo vào trái tim chúng ta khát khao sống đời sống công chính, tin kính và vâng phục, theo đúng ý muốn Chúa.

Những người chưa thực sự đầu phục Chúa để có Ngài trong mình thì không thể nào theo đuổi nổi nếp sống công chính và vâng phục mà Ngài dạy dỗ.

Với những người chưa có Ngài, việc chỉ tay bảo họ phải sống thế này thế kia là điều hoàn toàn vô ích.

Thay vào đó, chúng ta hãy bằng chính đời sống và lời chứng của mình mà đưa họ đến tin nhận Chúa trước đã.

8. Sao ta có thể biết chắc trải nhiệm tái sinh này sẽ có kết quả tốt đẹp?

[11] Phi-líp 1:6 Đấng đã bắt đầu việc lành trong các bạn sẽ hoàn tất nó cho đến ngày của JESUS Christ.

Bởi điều ấy được thực hiện không phải bởi sức lực hữu hạn của loài người chúng ta, mà bởi sức mạnh phẩm giá Toàn Thiện của Chúa, ở cùng chúng ta trong định dạng Thần Linh của Ngài.

Trên thực tế, Chúa JESUS đã thực hiện xong công việc đánh bại mọi xu hướng tội lỗi chỉ với một cơ thể người phàm rồi, và chúng ta chỉ còn việc nhận lấy và giữ lấy Ngài mà thôi.

Chừng nào một thánh đồ vẫn luôn bằng đức tin giữ cho con người cũ của mình “chết” (đầu phục Chúa), và giữ được kết nối liên tục với Đấng Christ, có Ngài ở trong mình, tội lỗi sẽ không thể quật ngã được họ nữa.

Ví dụ về những Cơ Đốc nhân thực thụ như vậy không hiếm, cả trong Kinh Thánh lẫn trong lịch sử.

Họ là những người thậm chí thà chết còn hơn là làm điều sai trái, đi ngược lại mạng lệnh của Đức Chúa Trời.

Các Sứ Đồ của Chúa JESUS và biết bao Cơ Đốc nhân đã tử đạo trong suốt thời kỳ trung cổ đều thà bị tra tấn và giết hại còn hơn phạm tội với Đức Chúa Trời, phản bội lại Đấng đã hy sinh lớn lao như vậy cho họ.

9. Vậy tại sao nhiều Cơ Đốc nhân lại sống đời sống chật vật, thậm chí bại trận thê thảm trước tội lỗi như chúng ta đang thấy ngày nay?

[23] Ê-sai 53:6 Tất cả chúng ta đều như chiên đi lạc, mỗi người quay đi đường mình.

[16] II Ti-mô-thê 3:8 những người tâm trí băng hoại, bị thải loại về đức tin.

Cơ Đốc nhân chỉ có thể bị quật ngã khi không duy trì được nếp sống và tâm linh liên tục ở trong Chúa JESUS mà thôi, điều được thực hiện thuần túy bằng đức tin đầu phục.

Khi một Cơ Đốc nhân phạm tội, thì nguyên nhân y như rằng sẽ là vì:

1) Chưa thật sự đầu phục Chúa (vô tín, chưa tin tưởng Ngài hoàn toàn).

2) Bỏ quên việc ngồi dưới chân Chúa bằng đức tin đầu phục, để nghiền ngẫm Lời Ngài hàng ngày và tương giao với Ngài liên tục.

3) Khi bị cám dỗ, thay vì cầu nguyện để bám lấy Chúa, là cội nguồn sức mạnh của Cơ Đốc nhân, thì lại quay sang dùng sức mạnh ý chí cá nhân để tự chống cự bằng sức riêng mình.

Sức mạnh ý chí cao là rất tốt, nhưng phải được vận dụng để tập trung bám lấy Chúa thay vì tự cương còng lên mà chống cự lại áp lực cám dỗ bên ngoài bằng sức riêng mình.

Hãy nhìn cây sồi: khi gió bão đến, nó chỉ tập trung vào việc bám sâu hơn nữa rễ của nó xuống đất, chứ không tập trung vào gió bão.

Cơ Đốc nhân cũng phải như vậy.

Khi cám dỗ đến, chúng ta tập trung toàn bộ sức mạnh ý chí cá nhân của mình vào việc bấu chặt hơn nữa vào Đấng Christ JESUS, chứ không tập trung vào các cám dỗ.

Ấy mới là cách mà chúng ta sẽ đứng vững, chứ tự mình, chúng ta không có khả năng đánh bại được các cám dỗ của Ma Quỷ, là kẻ mạnh hơn chúng ta quá nhiều.

Mỗi khi chúng ta bị cám dỗ, thì ấy đều chính là Ma Quỷ và/hoặc các quỷ sứ của hắn đang áp sát chúng ta ngay cả khi chúng ta không thể nhìn thấy chúng bằng mắt thường.

Và đừng quên rằng chỉ có Chúa mới đủ mạnh để có thể đuổi chúng đi được.

Chính vì thế chúng ta phải dựa vào Ngài, chứ không thể tự cương còng lên mà chống lại được chúng.

10. Kết luận.

Tin Lành hiểu đơn giản là thế này:

Đấng Tối Cao vận hành vũ trụ và thế giới bằng một bộ luật đạo đức, tôi và bạn đã vi phạm luật này, Chúa JESUS đến để tình nguyện lãnh án thay.

Trong một phiên tòa, ngay cả khi bạn có tội, nếu án phạt đã được chi trả và đền bù đầy đủ rồi, thì quan tòa không còn phải chịu bất cứ ràng buộc nào về công lý để phải thi hành án với bạn nữa.

Một số quan điểm công lý mà loài người tự đặt ra có thể không chấp nhận việc này, nhưng tòa án của Đức Chúa Trời, mà chúng ta đã được biết qua chính Lời của Ngài, thì lại hoàn toàn cho phép,

với điều kiện là bạn phải ăn năn mọi tội lỗi mình và hàng ngày bám chặt lấy Đấng đã lãnh án hộ bạn.

Và rồi Chúa sẽ tiến hành công tác cải tạo bạn và một ngày tiếp đón bạn vào xã hội thánh khiết vô tội của Thiên Đường.

Ấy là toàn cảnh kế hoạch của Chúa để cứu chuộc và phục hồi loài người khỏi tội lỗi.

Còn người dựa vào bản thân mình để đòi đứng vững trước phiên tòa ngày Phán Xét cũng giống như người đi máy bay, chuẩn bị nhảy xuống từ độ cao 5.000 mét,

và kế hoạch của người ấy để cứu lấy mình là tự đập phạch phạch hai tay mình thật mạnh để bay trong không trung!

Mình muốn nói rằng: bạn không thể cứu được mình bằng cách ấy.

Hãy chuyển toàn bộ niềm tin của mình lên CÁI DÙ, tiếp nhận cái dù đeo lên người, và VÂNG PHỤC mọi chỉ dẫn sử dụng của cái dù ấy.

Câu hỏi là: vậy khi nào thì bạn mới định đeo dù?

Tuần sau? Tháng sau? Năm sau? Và từ giờ đến lúc đó không có dù?

Bạn có biết mỗi ngày trên thế giới có hơn 150.000 người chết không?

Hơn 150.000 người không còn nhìn thấy ánh bình minh ngày hôm sau, nhiều người trong số đó trẻ hơn bạn, chết một cái chết thình lình do những nguyên nhân thình lình, như tai nạn giao thông!

Có ai trong chúng ta có thể chắc chắn được rằng mình sẽ vẫn còn sống vào ngày mai không?

Đây là lời khuyên của mình, với tư cách là một “tiếp viên hàng không”:

bạn hãy cứ đeo dù lên và bắt đầu đọc hướng dẫn sử dụng đi cái đã, rồi quay ngang quay ngửa, uống nước đi vệ sinh, làm gì thì làm sau, có nên chăng?

Xin hãy làm điều đó NGAY BÂY GIỜ, trong sự tĩnh lặng của lương tâm mình, mời Chiếc Dù tiến vào làm chủ linh hồn bạn bằng một lời cầu nguyện giản dị nhất:

“Thưa Đức Chúa Trời Tối Cao,

Con xin thừa nhận: con là một tội nhân,

Con xin ăn năn và nguyện từ bỏ tội lỗi của mình,

Con tin JESUS Christ là Con Trai Ngài,

đã chịu thay án tử hình cho tội lỗi của con,

Con xin nhận Chúa JESUS Con Trai Ngài làm Chúa của con,

Xin Ngài hãy tha thứ cho con,

nhận con làm con Ngài,

và ngự vào làm chủ linh hồn con.

Con xin cầu nguyện nhân danh Chúa JESUS Christ.

Amen.”

Phụ lục

I. Dấu lạ của Giô-na – trong “lòng đất” ba ngày ba đêm

Các bản dịch tiếng Việt thông thường của Kinh Thánh hay chép rằng, Chúa JESUS phán: “Vì như Giô-na ở trong bụng cá lớn ba ngày ba đêm, cũng vậy, Con Người sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm.” [01] Ma-thi-ơ 12:40.

Trong khi đó, chúng ta biết Ngài chết trên thập tự vào chiều ngày thứ sáu ([03] Lu-ca 23:44-46), sau đó mới được chôn, đến sáng ngày thứ nhất của tuần đã sống lại rồi ([03] Lu-ca 24:1-6).

Đếm kiểu gì thì Ngài cũng chỉ ở trong mộ có 2 đêm, thứ sáu và thứ bảy, mà thôi. Vậy là thế nào nhỉ?

Câu trả lời sẽ trở nên vô cùng đơn giản khi ta đối chiếu với bản dịch tiếng gốc.

Cái từ được dịch ra là “lòng đất” trong câu nói của Chúa trong nguyên tác tiếng Hy Lạp là “KARDIA TES GES”, không phải là “lòng đất”, mà là “trái tim của đất”.

Ý của Chúa ở đây không phải là Ngài sẽ bị chôn trong đất 3 ngày 3 đêm, mà là Ngài sẽ bị phó vào giữa mặt đất, giữa thế gian này, trong 3 ngày 3 đêm.

Tính từ tối thứ 5 ở vườn Ghét-sê-ma-nê, khi thời khắc của bóng tối đã đến, gánh nặng khổng lồ của tội lỗi toàn nhân loại đã được trút cả lên đầu Chúa JESUS rồi.

“Linh hồn Ta đang đau buồn cho đến chết.” [01] Ma-thi-ơ 26:38.

Nỗi đớn đau cùng cực của muôn tỷ linh hồn đúng ra sẽ phải diệt vong cả nơi Hỏa Ngục đè nặng trên Chúa, đến mức Ngài đã phải ngã sấp mặt xuống đất ([01] Ma-thi-ơ 26:39), người tứa đầm đìa mồ hôi máu ([03] Lu-ca 22:44).

Ngay từ tối hôm đó, Chúa JESUS đã bị phó vào giữa thế gian.

Trước đó, mỗi khi có một đám đông tìm cách giết Ngài, Chúa đều điềm nhiên đi xuyên qua họ, hoặc biến mất, và không ai có thể làm gì được Ngài cả.

Nhưng giờ, khi Giu-đa Ích-ca-ri-ốt dẫn bọn gian ác đến bắt Ngài, Chúa chẳng tự vệ, phản kháng, thoát thân gì nữa cả, mà cứ mặc để cho chúng đánh đập, hành hạ, tra tấn và giết hại.

Tối thứ 5, sáng thứ 6, tối thứ 6, sáng thứ 7, tối thứ 7, đến tảng sáng ngày thứ nhất của tuần thì Chúa sống lại, vậy là  đúng 3 đêm và chớm 3 ngày.

Đây mới là cách hiểu đúng của câu [01] Ma-thi-ơ 12:40.

Hai vị thiên sứ hiện ra ở mộ Chúa cũng xác nhận điều này với các môn đồ và giúp họ nhớ lại lời Chúa đã phán từ trước:

“Hãy nhớ lại thể nào Ngài đã phán với các ngươi khi vẫn còn đang ở Ga-li-lê, bảo rằng: ‘Con Trai Loài Người phải bị phản nộp vào tay những người tội lỗi và bị đóng đinh thập tự, và đến ngày thứ ba sống lại.'” [03] Lu-ca 24:6-7.

Cái “ngày thứ ba” là tính ngay từ lúc Ngài “bị phản nộp vào tay những người tội lỗi” rồi.

Ngay từ đêm Ngài bị phản nộp, mốc thời gian 3 ngày 3 đêm đã bắt đầu.

Bản dịch Kinh Thánh Đa Số, dịch từ bản thảo gốc Đa Số chuẩn của Lời Đức Chúa Trời, đã dịch sát từng từ từng ngữ và trả lại như nguyên gốc là “tâm của đất”, khắc phục lỗi sai này trong các bản dịch khác và để Kinh Thánh tự nói ra điều mà nó muốn nói.

II. Một khi được cứu, mãi mãi được cứu?

Một người có thể vẫn bị hư mất không một khi anh ta tuyên bố tin nhận Đấng Christ làm Đấng Cứu Chuộc mình?

Chỉ trong Lời của Đức Chúa Trời, chúng ta mới tìm được câu trả lời đáng tin cậy.

Kinh Thánh nói rằng: “Vì khi chúng ta cố ý phạm tội sau khi đã nhận được tri thức chân lý rồi, thì không còn sinh tế nào cho tội lỗi nữa đâu, nhưng một sự chờ đợi khủng khiếp nọ sự phán xét và lửa thịnh nộ sẽ thiêu nuốt những kẻ chống nghịch mà thôi.” [19] Hê-bơ-rơ 10:26, 27.

Chúng ta được cứu rỗi hoàn toàn bởi đức tin.

Nhưng đó là thứ đức tin chân chính, ăn năn, tin nhận Chúa, đầu phục Ngài, là thứ đức tin mà sau đó với đủ thời gian tăng trưởng, sẽ chắc chắn tự động kết quả ra những phẩm giá cao quý và những việc làm công chính cụ thể trong Chúa.

Chẳng có nơi nào trong Kinh Thánh dạy rằng cái thứ đức tin nói mồm mà không hề có sự ăn năn vâng phục là thứ đức tin cứu rỗi được con người cả.

Lời của Đức Chúa Trời nói rất rõ ràng: “Vì nếu đã thoát khỏi sự ô uế của thế gian nhờ sự nhận biết Cứu Chúa JESUS Christ rồi, mà lại bị vướng vào những thứ này mà bị đánh bại, kết cục của chúng còn trở nên tệ hại hơn ban đầu.

Vì không biết con đường công chính còn tốt cho chúng hơn là biết mà quay khỏi điều răn thánh đã được ban cho mình.

Điều xảy đến cho chúng thật đúng với câu ngạn ngữ: “Con chó quay lại bãi mửa của mình, và con lợn tắm xong vào lăn bùn!” [22] II Phi-e-rơ 2:20-22.

Cuộc đời theo Chúa không chỉ đơn giản dừng ở một quyết định đơn lẻ.

Chúa JESUS cho biết sự cứu rỗi của chúng ta phụ thuộc vào việc chúng ta có chịu tiếp tục ở trong Ngài hay không ([04] Giăng 15:4).

Sứ đồ Phao-lô nói, “Hàng ngày tôi đều chết.” [07] I Cô-rinh-tô 15:31.

Điều này có nghĩa, mỗi ngày Phao-lô phải đưa ra lựa chọn buông bỏ bản thân mình và đi theo Chúa JESUS.

Đích thân Chúa đã phán, “Nếu ai muốn theo sau Ta, hãy từ bỏ chính mình, và vác thập tự giá mình lên, và theo Ta.” [03] Lu-ca 9:23.

Kinh Thánh không hề dạy rằng chúng ta có thể quay lưng lại với Chân Lý mà vẫn cứ được cứu.

[26] Ê-xê-chi-ên 18:24 cho biết: “Nhưng khi người công chính quay khỏi sự công chính mình và làm điều ác, làm như mọi điều kinh tởm mà kẻ gian ác làm, thì nó có sống được không?

Mọi việc công chính của nó mà nó đã làm đều sẽ không được nhớ lại.

Bởi sự vi phạm của nó mà nó đã vi phạm và bởi tội lỗi của nó mà nó đã phạm tội, bởi chúng nó sẽ chết.”

Phao-lô đã nhắc thêm chúng ta: “Vậy người tưởng đứng được, hãy cẩn trọng kẻo ngã.” [07] I Cô-rinh-tô 10:12.

Nhiều người tưởng họ có thể chỉ cần một đức tin theo kiểu chỉ cần nói mà không cần làm.

Nhưng Chúa JESUS đã phán trước: “Chẳng phải tất cả những ai gọi Ta: “Chúa, Chúa”, sẽ vào được Vương Quốc Thiên Đường đâu, nhưng người nào thực hiện ý muốn của Cha Ta trên trời mà thôi.

Nhiều kẻ sẽ nói với Ta vào ngày đó: “Chúa, Chúa, chẳng phải chúng con đã nhân danh Ngài nói tiên tri, và nhân danh Ngài đuổi quỷ, và nhân danh Ngài làm bao việc quyền năng sao?”

Và rồi Ta sẽ tuyên bố với chúng rằng: “Ta chưa bao giờ biết các ngươi! Hãy lui khỏi Ta, những kẻ làm điều vô pháp!” [01] Ma-thi-ơ 7:21-23.

Phao-lô miêu tả sự vật lộn hằng ngày của một Cơ Đốc nhân thực thụ khi ông nói:

“Các bạn không biết rằng những người chạy đua ở thao trường, quả thật tất cả đều chạy đua nhưng một người nhận được phần thưởng thôi sao?

Hãy chạy đua như vậy để có thể đoạt được ấy.

Mọi đấu thủ đều phải tự tiết chế trong mọi sự, thật vậy, những người đó để nhận được thứ mão miện hư nát mà thôi, còn chúng ta là thứ bất diệt…

Tôi nghiêm khắc và khuất phục thân thể tôi, kẻo khi rao giảng cho những người khác, chính tôi có thể thành ra bị loại chăng!” [07] I Cô-rinh-tô 9:24, 25, 27.

Tin rằng một khi mình đã tuyên xưng đức tin là sẽ không thể hư mất được nữa, cũng là tin rằng Đức Chúa Trời lấy đi khỏi chúng ta đặc quyền thiêng liêng nhất mà Ngài từng ban cho chúng ta: quyền tự do ý chí.

Tuy vậy, Đức Chúa Trời cũng muốn chúng ta biết rằng Ngài sẽ hoàn tất công việc mà Ngài đã bắt đầu trong cuộc đời của mỗi chúng ta.

“Tin tưởng chính điều này: rằng Đấng đã bắt đầu việc lành trong các bạn sẽ hoàn tất nó cho đến ngày của JESUS Christ.” [11] Phi-líp 1:6.

“Ai nhẫn nại cho đến cuối cùng, người ấy sẽ được cứu.” [01] Ma-thi-ơ 24:13.

Chúng ta có thể chắc chắn rằng chỉ cần chúng ta vẫn tiếp tục bước theo Chúa, Ngài sẽ vẫn tiếp tục dẫn dắt, nâng đỡ, và sẽ không bao giờ buông rơi những bàn tay đã tin tưởng đặt lên Ngài.

III. Các lời tiên tri Kinh Thánh xác định Đấng Christ chính là Chúa JESUS.

Có đến hàng trăm lời tiên tri trong Kinh Thánh về Đấng Christ, được ban cho từ trước để giúp chúng ta xác định Đấng Cứu Thế phải đến này là ai.

Theo xác suất thống kê, khả năng mà một người có thể làm ứng nghiệm tất cả chúng là bao nhiêu?

Giáo sư toán học và thiên văn học Peter W. Stoner, đại học Westmont, đã tính toán xác suất mà một người có thể làm ứng nghiệm những lời tiên tri chủ chốt về Đấng Mê-si-a.

Công trình tính toán này đã được thực hiện bởi 12 lớp học khác nhau (khoảng 600 sinh viên đại học).

Các sinh viên đã cẩn thận cân nhắc mọi yếu tố, bàn thảo từng lời tiên tri một, và khảo sát các hoàn cảnh khác nhau mà có thể đã có sự can thiệp cố ý của con người nhằm làm ứng nghiệm một lời tiên tri.

Họ thực hiện công trình tính toán này khắt khe đến mức cuối cùng đã có một sự đồng ý nhất trí hoàn toàn ngay cả từ những sinh viên vô tín và đa nghi nhất.

Sau đó vị giáo sư lấy kết quả ước lượng của họ và làm cho kết quả ấy còn trở nên khắt khe hơn.

Ông đồng thời còn kêu gọi những người vô tín và các nhà khoa học khác hãy cùng tính toán để xem các kết luận của ông đã thỏa đáng chưa.

Cuối cùng, ông nộp công trình nghiên cứu của mình cho ủy ban hiệp hội khoa học Mỹ.

Khi kiểm tra, họ đã phải xác nhận rằng các tính toán của ông là chính xác và đáng tin cậy về mặt khoa học.

Ví dụ, với lời tiên tri trong [33] Mi-chê 5:2 bảo rằng Đấng Mê-si-a sẽ được sinh ra tại Bết-lê-hem, vị giáo sư và các sinh viên của ông đã xác định dân số trung bình của Bết-lê-hem từ thời của Mi-chê cho đến hiện tại, rồi họ chia nó cho dân số trung bình của trái đất trong cùng khoảng thời gian ấy.

Họ kết luận rằng xác suất để một người sinh ra tại Bết-lê-hem là 1 trong 300,000.

Sau khi khảo cứu mới chỉ 8 lời tiên tri về Đấng Christ:

1) Thời điểm Ngài xuất hiện ([27] Đa-ni-ên 9:25).

2) Ngài sẽ sinh ra tại Bết-lê-hem ([33] Mi-chê 5:2).

3) Ngài sẽ được sinh ra qua một trinh nữ ([23] Ê-sai 7:14).

4) Ngài sẽ bị phản nộp với cái giá 30 miếng bạc ([38] Xa-cha-ri 11:12).

5) Ngài sẽ bị chế nhạo ([19] Thi Ca 22:7, 8).

6) Ngài sẽ bị đóng đinh thập tự ([04] Giăng 3:14).

7) Ngài sẽ bị đâm ([19] Thi Ca 22:16).

8) Ngài sẽ chết cùng những kẻ gian ác, nhưng sẽ được chôn cùng những người giàu có ([23] Ê-sai 53:9).

Họ đi đến kết quả rằng xác suất để một người có thể làm ứng nghiệm cả 8 lời tiên tri là 1 trong 10^17.

Xác suất ấy cũng tương đương việc đổ đầy toàn bộ bang Texas nước Mỹ (rộng gấp đôi Việt Nam) với các đồng đô-la tiền xu ngập sâu 60 cm,

rồi cho một người bị bịt mắt đi vào giữa cái đống tiền xu ấy và nhặt ra được chính xác MỘT ĐỒNG XU DUY NHẤT đã được đánh dấu ngay từ lần nhặt đầu tiên.

Thêm vào 8 lời tiên tri nữa, và kết quả trở thành 1 trong 10^45.

Nếu chúng ta nhồi 10^45 đồng đô-la tiền xu vào một khối cầu, và tâm của khối cầu sẽ ở tâm của Mặt Trời, thì khối cầu tiền xu này sẽ to ra đến tận quỹ đạo của… Sao Hải Vương!

Một người có thể làm ứng nghiệm chỉ 16 lời tiên tri này thôi đã là tương đương với việc một người bị bịt mắt nhặt được đúng cái đồng xu duy nhất đã được đánh dấu và trộn lẫn trong khối cầu này từ lần thử đầu tiên!

Xin lưu ý rằng đây là một KHỐI CẦU 3 chiều nhé, chứ không phải hình đĩa phẳng bẹt như hệ mặt trời của chúng ta đâu.

Giáo sư Stoner đưa ra thêm một minh họa nữa, nhưng lần này, vì đồng xu, thậm chí là một hạt nguyên tử, vẫn còn quá to, nên ông ấy chọn sử dụng cái hạt electron bé tí tẹo quay xung quanh phần nhân của một nguyên tử.

Hạt electron là một trong những hạt nhỏ nhất mà chúng ta biết.

Nó nhỏ đến nỗi nếu chúng ta xếp thành hàng ngang 2.5 x 10^15 hạt electron (2,500,000,000,000,000), chúng ta sẽ thu được một hàng chỉ dài 1 inch (khoảng 2.54 cm).

Thế nhưng ngồi đếm được hết cái hàng này, giả sử ta có thể đếm với tốc độ 250 hạt/phút, thì cần mẫn đếm ngày đêm cũng phải sau 19 TRIỆU NĂM mới xong được 1 hàng electron dài 1 inch!

Sử dụng chỉ 48 lời tiên tri mà Chúa JESUS đã làm ứng nghiệm, xác suất mà một người nào đó có thể làm ứng nghiệm được chúng giờ chỉ còn 1 trong 10^157.

Để giúp chúng ta hiểu 10^157 là khủng khiếp đến như thế nào, giáo sư Stoner minh họa rằng nếu nhét 10^157 electron vào một khối cầu, khối cầu này sẽ lấp đầy không những giải ngân hà của chúng ta, mà TOÀN BỘ VŨ TRỤ!

Và giờ, chúng ta sẽ bịt mắt một người lại, và phái anh ta vào cái khối cầu to bằng cái vũ trụ ấy, để tìm ra MỘT HẠT ELECTRON DUY NHẤT đã được đánh dấu, ngay từ lần thử đầu tiên.

Và đây mới là 48 lời tiên tri mà giáo sư Stoner sử dụng cho công trình nghiên cứu của mình.

Ông ấy còn chưa thèm sờ đến danh sách 456 lời tiên tri chỉ về Đấng Christ được tổng kết bởi Alfred Edersheim!

Peter Stoner sau đó tuyên bố:

“Cũng như chúng ta biết rằng cái người bị bịt mắt đấy KHÔNG THỂ NÀO tìm ra nổi cái hạt electron đã được đánh dấu, chúng ta biết rằng Kinh Thánh là được cảm thúc.

Đây không phải là bằng chứng thông thường.

Nó là bằng chứng của việc Kinh Thánh được cảm thúc bởi Đức Chúa Trời, bằng chứng chắc chắn đến mức vũ trụ còn không đủ to để chứa nổi cái bằng chứng ấy.”

Giáo sư Stoner kết luận:

“Bất cứ ai chối bỏ Đấng Christ là Con Trai Đức Chúa Trời chính đang chối bỏ một sự thật hiển nhiên, được chứng minh có lẽ là xác quyết hơn bất cứ một sự thật hiển nhiên nào khác trên thế gian.”

Điều này dấy lên một câu hỏi thú vị: thế còn thuyết tiến hóa thì sao?

Hãy click vào link “bài tiếp” để tìm ra câu trả lời.

Vẫn chưa có bộ Tiên Tri Toàn Thư trong tay?

Lấy về trọn bộ Tiên Tri Toàn Thư MIỄN PHÍ tại đây »