Thanh Tẩy Đền Thánh

Tiên Tri Toàn Thư »

BÀI 21: THANH TẨY ĐỀN THÁNH

Một quang cảnh tột cùng hỗn loạn mở ra trước mắt Chúa JESUS khi Ngài vừa tiến vào Đền Thờ của Cha Ngài.

Ngay từ ngoài sân, tiếng kêu rống của các thứ sinh tế bò, cừu đã trộn lẫn với tiếng quát tháo mặc cả giữa kẻ bán người mua và mùi phân súc vật, tạo nên một quang cảnh chợ búa báng bổ không thể tin nổi.

Quang cảnh điên dại đấy chưa bao giờ là điều thuận theo ý muốn của Đức Chúa Trời.

Khi vua Sa-lô-môn xây dựng đền thờ đầu tiên ở Giê-ru-sa-lem, sự tôn nghiêm dành cho nhà Đức Chúa Trời cao đến mức người ta thậm chí không dám sử dụng búa mà chế tạo đá tại nơi xây dựng, để tránh gây tiếng động.

Mọi viên đá và các vật liệu đều được xử lí ở nơi khác, rồi được vận chuyển đến nơi và xếp vào đúng vị trí trong yên lặng ([11] I Các Vua 6:7).

Chúa JESUS lặng lẽ quay sang nhặt vài đoạn dây thừng và tết chúng lại với nhau thành một cây roi cầm trên tay.

Từng người một bắt đầu nhận ra sự hiện diện của nhà tiên tri hùng mạnh bấy lâu nay đã làm mưa làm gió cả miền Ga-li-lê, đang đứng ngay cổng Đền Thờ đầy thịnh nộ, như Đấng Toàn Năng với thanh kiếm lửa trong tay.

Thần tính của Đấng Christ tỏa ra, và một bầu không khí chết lặng bắt đầu lan dần từ ngoài cổng vào,

kẻ nào kẻ nấy cúi gằm đầu xuống ngực, người run lên bần bật.

Một thanh âm trầm ấm trang nghiêm đầy uy lực chậm rãi cất lên:

“Có lời chép: ‘Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện’, nhưng các ngươi thì biến nó thành hang trộm cướp!” ([01] Ma-thi-ơ 21:13)

Và một tiếng gầm lớn vang ra như sấm:

“Mang những thứ này đi khỏi đây! Không được biến nhà Cha Ta thành nhà buôn bán!” ([04] Giăng 2:16).

Cả lũ chợ búa báng bổ tức thì trối chết lẩy bẩy bỏ chạy như một lũ chuột.

Rất nhiều năm trước, nhà tiên tri Đa-ni-ên đã báo trước về một thời điểm khác nữa,

khi mà đền thánh sẽ bị làm ô uế, chân lý của Đức Chúa Trời bị khỏa lấp, và con dân của Ngài bị đàn áp bắt bớ.

Và một lần nữa, Chúa JESUS sẽ lại đến thanh tẩy Đền Thánh của Ngài.

Hãy dành vài phút đọc thêm phân đoạn [27] Đa-ni-ên 8[27] Đa-ni-ên 9:20-27 trước khi chúng ta cùng tiến vào bài giảng này.

1. Đa-ni-ên đã thấy một khải tượng, trong đó có một con chiên đực hai sừng ([27] Đa-ni-ên 8:1-4) bị đánh bại bởi một con dê đực có một sừng ([27] Đa-ni-ên 8:5)

nhưng rồi sừng ấy cũng bị gãy nốt, rồi có 4 sừng mọc lên thay thế.

Khải tượng đó nghĩa là gì?

[27] Đa-ni-ên 8:20 Con chiên đực mà ngươi đã thấy có hai sừng là các vua nước Mê-điBa Tư.

[27] Đa-ni-ên 8:21, 22 Còn con dê đực là vua Hy Lạp, và cái sừng lớn ở giữa hai con mắt nó chính là vua đầu tiên.

Và nó bị gãy, và bốn cái dựng lên thế chỗ nó bốn vương quốc sẽ đứng lên từ quốc gia ấy, nhưng không phải với sức mạnh của nó.

Con chiên đực chính là đế chế Mê-đi Ba Tư, về sau bị đế chế Hy Lạp – dẫn đầu bởi Alexander Đại Đế – đánh bại.

Sau khi Alexander Đại Đế chết đi, bốn sừng sau đó mọc lên chính là bốn vị đại tướng dưới quyền đã chia cắt đất nước Hy Lạp.

2. Điều gì đã xảy ra tiếp theo?

[27] Đa-ni-ên 8:9-12 Và từ một trong chúng, một cái sừng nhỏ mọc ra và lớn lên vô cùng, về phía nam, và phía đông, và về miền vinh hiển.

Và nó lớn đến đạo quân của các tầng trời, và quăng một số từ đạo quân và từ các ngôi sao xuống đất, và giày đạp lên chúng.

Và nó tôn mình lên đến vị Chỉ Huy của đạo quân…

và nó quăng sự thật xuống đất, và hành sự, và thành công.

“Cái sừng nhỏ” bắt bớ dân Chúa, giày đạp lên những thứ thánh, chống lại chúa JESUS tượng trưng cho đế quốc La Mã (Rome) và hội thánh Công Giáo La Mã kế vị nó.

La Mã là thế lực duy nhất kế vị Hy Lạp và trở nên một đế quốc khổng lồ.

Khi một thế lực bắt đầu liên quan đến dân Chúa, nó mới được kể vào lời tiên tri.

Đến năm 161 TCN, khi Rome bắt đầu liên hệ với dân Chúa qua hiệp ước “liên minh Do Thái”, thì nó đã chinh phạt xong vùng Macedonia là phần lãnh thổ thuộc về đế chế Hy Lạp từ 7 năm trước, từ năm 168 TCN rồi,

thế nên lời tiên tri mới mô tả nó là mọc ra từ 1 trong 4 sừng của con dê đực (vùng Macedonia).

Đế chế La Mã chính là thế lực đã giết Chúa JESUS trên thập tự giá, khiến hệ thống hiến tế được hoàn tất, và bức hại tàn bạo các Cơ Đốc nhân suốt mấy trăm năm sau đó.

Đó là còn chưa kể đến việc họ đập nát đền thờ tại Giê-ru-sa-lem thành đống gạch vụn năm 70 sau Công Nguyên.

Thế lực này chuyển đổi thành Nhà Thờ Công Giáo La Mã khi hoàng đế Constantine của La Mã được bảo là cải đạo thành Cơ Đốc nhân năm 325 sau Công Nguyên rồi tự phong cho mình là người đứng đầu Cơ Đốc giáo.

Ông ta sau đó khởi đầu việc mang đủ thứ tà thuyết trái Kinh Thánh vào trong hội thánh, chính là lúc “quăng sự thật xuống đất”.

Xuyên suốt thời kỳ tăm tối “bóng đêm thời Trung Cổ”, nó tiếp tục bắt bớ, bức hại các thánh đồ của Chúa.

3. Đa-ni-ên được cho biết khi nào thì Đền Thánh sẽ được thanh tẩy, sau tất cả những việc này?

[27] Đa-ni-ên 8:14 Cho đến hai nghìn ba trăm đêm ngày, và đền thánh sẽ được thanh tẩy.

Hay 2300 ngày đêm.

Người Do Thái không gọi là “ngày đêm” mà gọi là “đêm ngày” vì một ngày của họ theo đúng Kinh Thánh gồm buổi tối trước, buổi ngày sau.

Đây chính là khoảng thời gian tiên tri dài nhất trong Kinh Thánh, nhưng thời điểm bắt đầu của khoảng thời gian này phải đến chương sau mới được tiết lộ – trong [27] Đa-ni-ên 9:25.

4. Vì chuyện gì đã xảy ra với Đa-ni-ên sau khi ông thấy “cái sừng nhỏ” bắt bớ dân Chúa và chà đạp lên chân lý?

[27] Đa-ni-ên 8:27 Và tôi, Đa-ni-ên, kiệt sức và đau ốm nhiều ngày…

và tôi bàng hoàng về khải tượng ấy, và không hiểu được.

Đa-ni-ên đã bàng hoàng và đau buồn về những gì sắp xảy đến với dân Chúa đến mức ông đã ngất xỉu tại chỗ (và rồi thậm chí còn đau ốm trong nhiều ngày).

Vì lý do đó, ý nghĩa của lời tiên tri 2300 ngày này vẫn chưa thể được ban cho ông.

5. Trong chương tiếp theo, một thiên sứ (Gabriel) đã giải thích lời tiên tri rõ ràng hơn.

Khoảng thời gian lần trước chưa được nói đến, lần này dài bao lâu?

[27] Đa-ni-ên 9:24 Bảy mươi tuần lễ đã được tách ra cho dân ngươi và cho thành thánh ngươi để chấm dứt sự vi phạm, và kết liễu tội lỗi, và đền chuộc tội ác,

và đem đến sự công chính vĩnh cửu, và để ấn định khải tượng và lời tiên tri, và xức dầu cho Đấng Chí Thánh.

Một thời gian sau khi Đa-ni-ên thấy khải tượng 2300 ngày, một thiên sứ đã đến bên và giúp ông hiểu được nó.

Thiên sứ ấy cũng mở rộng khải tượng, thông tin rõ hơn về một thời kì kéo dài 70 tuần lễ đã được “tách ra” cho dân Do Thái và thành phố Giê-ru-sa-lem,

đương nhiên là chẳng còn từ đâu khác nữa ngoài từ cái 2300 ngày vừa truyền cho ông ấy trước đó,

và vì thế mà hai khoảng thời gian tiên tri này sẽ có cùng một điểm khởi đầu.

Đức Chúa trời đã ban cho tuyển dân của Ngài một cơ hội thứ hai – một khoảng thời gian 490 “ngày” (70 tuần x 7 ngày/tuần)

để thực hiện sứ mệnh giới thiệu Đấng Cứu Thế đến cho toàn nhân loại ([27] Đa-ni-ên 9:23, 24).

6. Thời điểm bắt đầu cho lời tiên tri 2300 ngày và lời tiên tri 70 tuần lễ là khi nào?

[27] Đa-ni-ên 9:25 Nên ngươi hãy biết và hiểu:

từ lệnh phục hồi và xây lại Giê-ru-sa-lem được ban ra cho đến Chúa Tể Mê-si-a, là bảy tuần và sáu mươi hai tuần.

Vị thiên sứ đã bảo Đa-ni-ên tính hai khoảng thời gian tiên tri trên bắt đầu từ chiếu chỉ phục hồi và tái thiết Giê-ru-sa-lem.

Khi Đa-ni-ên nhận được chỉ dẫn này, dân Chúa đang bị lưu đày dưới triều đại Ba Tư, và chúng ta có thể lập tức tra cứu ra trong chính sách [15] Ê-xơ-ra 7:7 của Kinh Thánh:

mệnh lệnh tái thiết Giê-ru-sa-lem được ban hành dứt điểm “vào năm thứ bảy triều vua Ạt-ta-xét-xe”, tức là vào năm 457 trước công nguyên (vì Ạt-ta-xét-xe đã bắt đầu trị vì vào năm 464 trước công nguyên).

Đây cũng chính là lệnh chỉ duy nhất đề cập rõ ràng về việc phục hồi và xây dựng lại Giê-ru-sa-lem.

7. Vị thiên sứ cho biết, nếu tính 69 tuần lễ (7 tuần lễ + 62 tuần lễ) từ năm 457 trước công nguyên, sẽ đến thời điểm Đấng Chịu Xức Dầu xuất hiện.

Việc này có xảy ra không?

[05] Công Vụ 10:37, 38 các vị biết rõ Lời ấy đã được công bố khắp cả Giu-đê,  bắt đầu từ Ga-li-lê sau báp-tem mà Giăng rao giảng: 

JESUS người Na-xa-rét, thể nào Đức Chúa Trời đã xức dầu cho Ngài bằng Thánh Linh và quyền năng.

Mọi việc đã xảy ra đúng như vậy.

Đây là một lời tiên tri đầy quyền năng.

Hàng trăm năm trước khi Chúa JESUS được xức dầu bằng Thánh Linh, thời điểm chính xác của sự kiện ấy đã được báo trước qua lời tiên tri.

“Mê-si-a” trong tiếng Hê-bơ-rơ hay “Christos” trong tiếng Hy Lạp – từ vẫn được dịch ra là “Christ” – đơn thuần có nghĩa là “được xức dầu”.

[03] Lu-ca 3:21, 22 cho biết sự kiện Chúa JESUS được xức dầu bằng Thánh Linh đã diễn ra tại lễ báp-tem của Ngài.

Chìa khóa để hiểu được lời tiên tri này là đây:

trong ngôn ngữ tiên tri Kinh Thánh, một ngày tiên tri bằng một năm ngoài đời ([04] Dân số 14:34; [26] Ê-xê-chi-ên 4:6).

69 tuần là 483 ngày, sẽ tương đương 483 năm.

483 năm tính từ năm 457 trước Công Nguyên sẽ đưa chúng ta đến năm 27 sau Công Nguyên.

Năm 457 trước Công Nguyên + 483 năm = Năm 26 sau Công Nguyên
+ 1 năm vì sau năm 1 trước công nguyên là năm 1 sau công nguyên (không có năm 0) = Năm 27 sau Công Nguyên

Chúa JESUS bắt đầu mục vụ của mình với tư cách là Đấng Chịu Xức Dầu từ lễ báp-tem của Ngài vào mùa thu năm 27 sau Công Nguyên khi Ngài tròn 30 tuổi

(Chúa JESUS sinh vào mùa thu năm 4 trước CN chứ không phải vào năm 1 trước CN như các giáo sĩ Vatican tính nhầm).

Thời điểm mùa thu năm 27 sau Công Nguyên này là chính xác 483 năm sau lệnh chỉ được ban hành mùa thu năm 457 trước Công Nguyên.

Đây là lý do vì sao ngay sau lễ báp-tem của mình, Chúa JESUS lập tức rao giảng rằng “Thì giờ đã ứng nghiệm, và Vương Quốc Đức Chúa Trời đã gần kề.” [02] Mác 1:15.

Ngài chính đang nói đến mốc thời gian được tiên tri trong [27] Đa-ni-ên 9:25.

8. Theo như lời tiên tri thì điều gì xảy ra tiếp theo?

[27] Đa-ni-ên 9:26, 27 Và sau sáu mươi hai tuần lễ ấy, Đấng Mê-si-a sẽ bị trừ đi nhưng không phải vì Ngài…

Nhưng Ngài sẽ xác lập được giao ước với nhiều người trong một tuần, và giữa tuần Ngài sẽ làm ngưng sinh tế và tế lễ thực phẩm.

Lời tiên tri tiên đoán rằng Chúa JESUS sẽ bị “trừ đi”, hay đóng đinh lên thập tự giá, vào giữa tuần cuối cùng của giai đoạn 70 tuần lễ.

Ba năm rưỡi kể từ thời điểm Ngài chịu báp-tem vào mùa thu năm 27 sau công nguyên, sẽ là mùa xuân năm 31 sau công nguyên, chính là thời điểm mà Chúa JESUS đã chịu đóng đinh trên thập tự.

Chính vào thời điểm Ngài chết, bức màn bên trong đền thờ đã bị xé làm đôi từ trên xuống dưới ([01] Ma-thi-ơ 27:50, 51),

tức toàn bộ hệ thống hiến tế đã chính thức được hoàn tất và chấm dứt khi Chiên Con của Đức Chúa Trời hy sinh thân mình làm giá chuộc thế gian.

Hãy xem biểu đồ thời gian phía trên.

Lời tiên tri của Đa-ni-ên về thời điểm xuất hiện của Đấng Cứu Thế chứng minh một cách xác quyết không thể nhầm lẫn

rằng Đấng Mê-si-a mà Đức Chúa Trời đã hứa trong Cựu Ước không ai khác chính là người thợ mộc bần hàn JESUS xứ Na-xa-rét, người đã bị đóng đinh trên thập tự giá.

Lời tiên tri này đáng sợ đến mức: các thầy thông giáo sau thời Đấng Christ đã phải tuyên bố một lời rủa sả

trên bất cứ ai tìm cách tính toán thời điểm nói đến trong chương này, để tìm cách ngăn cản người ta tin nhận Chúa JESUS chính là Đấng Christ.

Theo pháp điển Do Thái của hội đồng Sanhedrin (Talmud Sanhedrin) 97b, bản Soncino, trang 659.

9. Nếu Chúa JESUS đã bị đóng đinh lên thập tự giá từ giữa tuần,

làm thế nào Ngài có thể xác lập giao ước vững bền với nhiều người trong cả tuần lễ (7 năm) ấy được?

[19] Hê-bơ-rơ 2:3 làm sao chúng ta sẽ thoát được khi thờ ơ với sự cứu rỗi lớn lao như vậy?

Là thứ ban đầu đã được đảm nhiệm truyền phán bởi Chúa, được xác nhận với chúng ta bởi những người nghe.

Sau khi Chúa JESUS hy sinh thân mình, người Do Thái vẫn còn 3 năm rưỡi cuối cùng nữa để tin nhận Đấng Cứu Thvà nhận lấy sứ mạng rao truyền Tin Lành của Ngài ra toàn thế giới.

Chính vì vậy, các môn đồ của Chúa JESUS đã tập trung rao giảng cho người Do Thái trong suốt ba năm rưỡi này, cho đến khi quốc gia này cuối cùng chính thức chối bỏ Tin Lành vào năm 34 sau Công Nguyên,

khi chấp sự Stê-phan, một bề tôi công chính của Chúa, bị họ ném đá đến chết một cách công khai.

[05] Công Vụ 7:57, 58 cho biết hội đồng tối cao của dân Do Thái – là tổ chức đại diện cho dân tộc ấy –

đã “hét lên lớn tiếng, BỊT TAI MÌNH LẠI, và đồng lòng lao đến ông, và ném ra ngoài thành ném đá.”

10. Chúa JESUS đã cảnh báo dân Do Thái điều gì từ trước sự việc này rồi?

[01] Ma-thi-ơ 21:43 Vương Quốc Đức Chúa Trời sẽ bị lấy khỏi các ngươi và ban cho dân sẽ kết quả của nó.

[09] Ga-la-ti 3:29 Nếu các bạn thuộc về Đấng Christ thì các bạn thuộc về dòng dõi Áp-ra-ham, và là những người thừa kế theo lời hứa.

[06] Rô-ma 2:28, 29 Vì chẳng phải là người Do Thái đâu cái kẻ bề ngoài,

cũng chẳng phải là cắt bì đâu cái kẻ bề ngoài nơi xác thịt,

nhưng người nào bề trong cơ, mới là người Do Thái.

Từ thời điểm năm 34 sau Công Nguyên khi Stê-phan bị ném đá ([05] Công vụ 7:57-59), người Do Thái không còn là tuyển dân của Đức Chúa Trời nữa.

Vì họ đã chối bỏ đến cùng kế hoạch của Đức Chúa Trời dành cho họ, quốc gia Is-ra-ên về mặt xác thịt không còn là tâm điểm của những lời tiên tri về ngày tận thế, nhưng là Is-ra-ên thuộc linh.

Giờ đây, tất cả những ai tin nhận Chúa JESUS được tính là tuyển dân thực sự của Ngài, và những lời hứa mà Đức Chúa Trời đã hứa với dân Is-ra-ên

là hứa cho những người Is-ra-ên thực thụ, tức những người Is-ra-ên thuộc linh ([06] Rô-ma 9:6-8).

11. Theo lời vị thiên sứ đã nói chuyện với Đa-ni-ên, chuyện gì sẽ xảy ra khi 2300 năm trên kết thúc?

[27] Đa-ni-ên 8:14 Cho đến hai nghìn ba trăm đêm ngày, và đền thánh sẽ được thanh tẩy.

Đến năm 34 sau công nguyên, còn 1,810 năm nữa mới kết thúc lời tiên tri 2300 ngày.

(Xem các mốc thời gian ở giản đồ trên).

Thêm 1,810 năm vào năm 34 sau công nguyên là đến mùa thu năm 1844.

Vị thiên sứ ấy đã nói vào thời điểm đó, Đền Thánh sẽ được thanh tẩy.

12. Chẳng phải đền thờ dưới đất đã bị hủy hoại bởi quân La Mã vào năm 70 SCN rồi sao?

“Đền Thánh” nào đang được nói đến ở đây?

[27] Mặc Khải 11:19đền thờ của Đức Chúa Trời ở trên trời mở ra.

Sách [27] Mặc Khải xác nhận một cách chắc chắn cho chúng ta biết về sự tồn tại của Đền Thánh chân chính của Đức Chúa Trời trên Thiên Đường

– là nguyên mẫu mà tất cả các đền thờ từng được xây dưới này

(Đền Tạm do Mô-se xây, Đền Thờ do vua Sa-lô-môn xây, Đền Thờ do dân Do Thái bị lưu đày từ Ba-by-lon trở về xây đều chỉ đơn thuần mô phỏng theo.)

13. Đền Thánh khi ấy chứa cái gì ô uế mà phải thanh tẩy?

[03] Lê-vi 16:16 (A-rôn) làm lễ đền chuộc trên Đền khỏi những sự ô uế của con cháu Is-ra-ên, và khỏi những vi phạm họ, cho mọi tội lỗi họ.

Mục vụ Đền Thánh theo sách [03] Lê-vi miêu tả là cách thức Đức Chúa Trời duy trì tình thương với dân sự là các tội nhân đã ăn năn mà không thỏa hiệp công lý của Ngài.

Mục vụ ấy có thể được chia thành hai giai đoạn cơ bản:

trong suốt cả năm, tội lỗi di chuyển một cách tượng trưng từ những tội nhân lên các con vật bị hiến tế,

và qua máu của chúng vào trong Đền Thánh khiến Đền Thánh bị ô uế bởi những tội lỗi này, và thầy tễ lễ cả chỉ vào đến Nơi Thánh của Đền Thờ.

Còn duy nhất vào ngày đại lễ Đền Chuộc, tội lỗi của dân sự sẽ được phán xét, và thầy tế lễ cả sẽ tiến vào nơi Chí Thánh để thanh tẩy Đền Thánh

bằng cách chuyển tội lỗi và mọi sự ô uế từ trong Đền Thánh ra ngoài, trút hết lên đầu con dê đực tượng trưng cho Ma Quỷ, và rồi con dê ấy bị đuổi đi ([03] Lê-vi 16:20-22).

Tất cả các mục vụ và giáo lễ tại Đền Thánh khi xưa chỉ là bóng, là mô phỏng cho những công tác thực sự mà Đấng Christ đã, đang, hoặc sẽ thực hiện ([12] Cô-lô-sê 2:17).

Toàn bộ mục vụ liên quan đến ngày đại lễ Đền Chuộc này cũng không ngoại lệ, và nó mô phỏng chính công tác mà thầy tế lễ cả JESUS của chúng ta phải thực hiện trong Đền Thánh Thật trên Thiên Đường.

Kể từ khi Chúa JESUS chết thay cho nhân loại trên thập tự, tất cả tội lỗi của dân sự Ngài xuyên suốt lịch sử được chuyển vào trong Đền Thánh trên Thiên Đường, và Ngài làm việc ở Nơi Thánh của Đền Thờ.

Đến khi đại lễ Đền Chuộc được tiến hành trên Đền Thánh Thật ấy, Chúa JESUS sẽ tiến vào nơi Chí Thánh,

và mọi tội lỗi của dân Chúa sẽ được phán xét để xác định xem là đã được ăn năn từ bỏ hay chưa,

và khi quá trình phán xét ấy kết thúc, JESUS sẽ đem ra khỏi Đền Thánh toàn bộ chỗ tội lỗi mà Ma Quỷ đã cám dỗ những người được cứu vi phạm,

tái lâm và gô cổ hắn lại, rồi chất toàn bộ chúng lên đầu hắn.

Và rồi hắn sẽ bị đuổi vào một hoang mạc mênh mông hoang tàn không còn người nào sống sót – là chính hành tinh này sau khi Chúa JESUS đã tái lâm và tận diệt mọi kẻ ác –

nơi hắn có thể lang thang trong MỘT NGHÌN NĂM để tận mắt chiêm ngưỡng cái trái đắng bẽ bàng của sự phản loạn của mình.

Trong một nghìn năm đó, các thánh đồ sẽ ở trên Thiên Đường cùng Chúa JESUS và Cha Ngài ([27] Mặc Khải 20:1-6).

Tham khảo bài Ngày Tận Thế.

Năm 1844, căn cứ theo lời tiên tri của Đa-ni-ên, thời điểm cử hành đại lễ Đền Chuộc đã chính thức bắt đầu trong Đền Thánh trên Thiên Đường,

tức là: chúng ta đã bước vào giai đoạn lịch sử cuối cùng của Trái Đất, trước giờ Chúa JESUS tái lâm, thời đại CẬN TẬN THẾ.

14. Sự phán xét nào đang đồng thời xảy ra trong giai đoạn lịch sử cuối cùng này?

[21] I Phi-e-rơ 4:17 Vì thời kỳ phán xét bắt đầu từ nhà Đức Chúa Trời.

Những người đã chối bỏ Chúa và không có Ngài đứng ra chịu tội thay thì đằng nào cũng chẳng còn hy vọng nữa rồi,

vậy nên quá trình phán xét trước khi Chúa trở lại này sẽ chỉ tập trung chủ yếu vào việc xác định trong nội bộ những người xưng là đã ăn năn tội lỗi mình và tin nhận Chúa,

xem ai là Cơ Đốc nhân chân chính, đã thực sự ăn năn và có đời sống biến đổi, và ai chỉ đơn thuần “Lạy Chúa, lạy Chúa” ngoài miệng.

Ngay giờ phút này, quá trình phán xét đang diễn ra với mọi thành viên của nhà Đức Chúa Trời, hệt như mục vụ ngày đại lễ Đền Chuộc khi xưa vậy.

{Các nguyên lý nền tảng của những người Phục Lâm ngày-thứ-bảy, Niên Sổ 1889, ghi chú mục II}

‘Một số người thiếu suy nghĩ buộc tội chúng tôi là chối bỏ sự đền chuộc toàn vẹn của Đấng Christ,

bởi chúng tôi không đồng ý với quan điểm rằng sự đền chuộc đã được thực hiện trên thập tự giá, như quan điểm thường có.

Nhưng chúng tôi không làm điều gì như vậy;

chúng tôi chỉ bất đồng với THỜI ĐIỂM khi nào sự đền chuộc được thực hiện.

Chúng tôi phản đối quan điểm rằng sự đền chuộc đã được thực hiện trên thập tự giá,

bởi điều ấy hoàn toàn đi ngược hình bóng đã đặt sự đền chuộc ở CUỐI mục vụ đền thánh hàng năm, chứ không phải ở đầu

(xem các câu Kinh Thánh đã được nói đến ngay trên – Lê-vi 16; Hê-bơ-rơ 8:4, 5; 9:6, 7),

và bởi điều ấy dẫn đến một trong hai sai lạc lớn không thể tránh khỏi.

Đấng Christ trên thập giá mang lấy tội lỗi của toàn thế gian thế này.

Giăng nói, “Kìa! Chiên Con của Ðức Chúa Trời, Ðấng cất đi [gánh lấy] tội lỗi của thế gian!” Giăng 1:29.

Phi-e-rơ cho chúng ta biết khi Ngài gánh lấy tội lỗi của thế gian như vậy:

“Đấng chính mình mang lấy tội lỗi chúng ta trong thân thể Ngài trên cây gỗ.” I Phi-e-rơ 2:24.

Phao-lô nói rằng: “ Ngài đã chết vì tất cả.” II Cô-rinh-tô. 5:14, 15.

Điều mà Đấng Christ đã làm trên thập tự giá, do đó, đã được thực hiện một cách không phân biệt và vô điều kiện cho toàn thế gian;

và nếu điều này là sự đền chuộc, thì tội lỗi của cả thế gian đã được đền chuộc, và TẤT CẢ SẼ ĐƯỢC CỨU.

Đây chính là Chủ Nghĩa Phổ Quát trong định dạng nở rộ toàn phần.

Nhưng không phải tất cả mọi người đều sẽ được cứu;

do đó không phải tội lỗi của tất cả đều đã được đền chuộc trên thập tự giá;

và nếu công việc của Đấng Christ ở đó là sự đền chuộc, thì công việc của Ngài đã có sự phân biệt thiên vị, chứ không phải phổ quát, như các câu Kinh Thánh được trích dẫn ở trên đã khẳng định,

và Ngài đã đền chuộc cho chỉ một số ít được ưu ái những người được chọn để được cứu,

và bỏ qua tất cả những người khác đã bị tiền định từ trước cho sự hủy diệt.

Điều này sẽ thiết lập giáo lý Được Chọn và Tiền Định trong định dạng cực đoan nhất, – một sai lạc cũng phản Kinh Thánh và phản cảm tương đương với cái trước.

Chúng tôi tránh được cả hai sai lạc này, và thấy mình hòa hợp với hình bóng của luật pháp Mô-se, và với tất cả những lời tuyên bố của Kinh thánh,

khi chúng ta chiếm lấy vị trí rằng những gì Đấng Christ đã làm trên thập giá là CHU CẤP MỘT SINH TẾ THẦN THÁNH cho thế gian, đủ để cứu tất cả,

và chào mời nó cho tất cả những ai sẽ chấp nhận nó;

rằng Ngài sau đó, thông qua công đức của sự hy sinh mình, làm việc với tư cách Đấng Trung Gian với Cha cho đến khi thời gian chấm dứt,

đảm bảo chắc chắn sự tha thứ tội lỗi cho tất cả những ai tìm kiếm Ngài về nó;

và rằng, với công tác cuối cùng trong chức vụ tế lễ của mình, Ngài sẽ xóa bỏ tội lỗi của tất cả những người đã ăn năn và được biến cải (Công vụ 3:19),

công tác đền chuộc chưa được hoàn thành cho đến khi công việc xóa bỏ tội lỗi này được hoàn tất.

Như vậy, Đấng Christ đền chuộc, không phải tội lỗi của toàn thể thế gian, để cứu tất cả,

không phải chỉ cho một số ít người được ưu ái, được lựa chọn từ trước vô cùng để được cứu,

mà là cho những người, với tư cách là những chủ thể lương tri tự do, đã tự nguyện tìm kiếm từ Ngài sự tha thứ tội lỗi, và sự sống vĩnh cửu.

Và tất cả những ai sự đền chuộc này được cử hành cho, sẽ mãi mãi được cứu trong Vương quốc Ngài.

Quan điểm này không hề làm giảm đi giá trị của sự hy sinh của Đấng Christ, cũng như giá trị và vinh quang của công việc chuộc tội của Ngài cho loài người.

Khi ở vị trí này, chúng tôi không bị đẩy vào, một mặt là Chủ Nghĩa Phổ Quát (tất-cả-đều-được-cứu), hay mặt kia là vào “Được Chọn và Bị Bỏ”.’

15. Vậy là giai đoạn cuối cùng của lịch sử trái đất đang dần khép lại.

Cơ hội để chính mình được cứu, và rồi tìm cứu những người khác, sắp sửa trôi qua mãi mãi.

Thiên Đường hay Hỏa Ngục, Sự Sống phước hạnh vĩnh cửu hay sự diệt vong ghê tởm đời đời,

bạn sẽ đi đâu?

Bạn đã đầu phục Chúa JESUS HOÀN TOÀN chưa?

Phụ lục

I. Tà thuyết “7 năm đại nạn” (7 years of tribulation)

Một vài học giả Kinh Thánh cắt đi tuần lễ cuối cùng (tương đương 7 năm) trong lời tiên tri 70 tuần lễ của Đa-ni-ên nói trên,

đưa khoảng thời gian đấy đến cuối thời kì tận thế làm thời đại hoành hành của Kẻ Chống Chúa, và xây dựng nên thuyết “bảy năm đại nạn”,

trong đó, trong 7 năm cuối cùng của thế giới, Kẻ Chống Chúa mới xuất hiện, chính xác là vào chính giữa 7 năm ấy,

và sau đó thế giới còn 3 năm rưỡi là kết thúc.

Và hắn mới là người lập giao ước với nhiều người (?!) và ngưng việc dâng sinh tế và tế lễ thực phẩm (??!)

Thứ nhất, không có bất cứ sự cho phép nào từ phía Kinh Thánh

cho kiểu biện giải tùy tiện cắt rời đi một đoạn thời gian tiên tri liền mạch, rồi gán sang một thời điểm khác theo ý mình tự thích.

Vì sao lại phải cắt đi tuần lễ tiên tri quan trọng này?!

Thứ hai, vì sao người ta lại phải bịa ra kiểu diễn giải cut paste đoạn thời gian tiên tri tối quan trọng về Đấng Christ này?

Trả lời: kiểu diễn giải ấy chính được sáng tác ra bởi không ai khác ngoài tay chân của tòa thánh Công Giáo Vatican, nhằm mục đích không gì khác là tìm cách chối cãi lời rao giảng chân lý

rằng nó CHÍNH LÀ KẺ CHỐNG CHÚA ANTI-CHRIST

được vạch mặt qua các khải tượng [27] Đa-ni-ên 7, [27] Mặc Khải 13, và [27] Mặc Khải 18.

“Ôi không! Kẻ Chống Chúa không phải chúng tôi trong lịch sử đâu!

Hắn phải đến tương lai mới xuất hiện cơ!”

Xem lại các bài “Anti-Christ là ai?” và “Con thú thứ nhất“.

Hãy cùng xem xét những sự thật hiển nhiên sau:

A. Lời tiên tri 70 tuần lễ, tương đương 490 năm, là một khoảng thời gian liên tục, cũng như 70 năm lưu đày của dân Chúa nói đến trong [27] Đa-ni-ên 9:2.

B. Điểm bắt đầu của bảy năm cuối cùng trong lời tiên tri là thời điểm khi Chúa JESUS chịu báp-tem (năm 27 sau Công Nguyên).

Đây là lí do vì sao ngay sau đó Ngài đã phán: “Thì giờ đã ứng nghiệm.” [02] Mác 1:15.

C. Vào thời điểm Ngài chết trên thập tự giá, vào mùa xuân năm 31 sau Công Nguyên, Chúa JESUS đã nói: “Đã hoàn tất” ([04] Giăng 19:30).

Đấng Cứu Thế rõ ràng đang nói đến những lời tiên đoán về cái chết của Ngài trong [27] Đa-ni-ên 9, gồm những điều sau:

1. “Đấng Mê-si-a sẽ bị trừ đi”, hay đóng đinh trên thập tự (câu 26).

2. “Giữa tuần Ngài sẽ làm ngưng sinh tế và tế lễ thực phẩm” bằng cách hy sinh thân mình làm Chiên Con của Đức Chúa Trời (câu 27; [07] I Cô-rinh-tô 5:7; 15:3).

3. Ngài sẽ “kết liễu tội lỗi, và đền chuộc tội ác, và đem đến sự công chính vĩnh cửu” (câu 24).

Sự hiện đến của Đấng Christ, đúng như thời điểm tiên đoán,

chứng minh mọi mốc thời gian cho toàn bộ lời tiên tri 490 năm và 2300 năm đã được ứng nghiệm một cách trọn vẹn, không còn chỗ cho biện giải lung tung nào khác nữa.

Cá biệt, vì bị tiêm nhiễm tà thuyết này, nhiều dịch giả các bản dịch Kinh Thánh còn dịch

những từ ngôi thứ ba số ít chỉ về “Đấng Mê-si-a” trong [27] Đa-ni-ên 9:26, 27 thành “hắn” để chỉ kẻ chống Chúa thay vì “Ngài” để chỉ Đấng Christ,

vô hình chung lây lan tà thuyết họ đang tin nhận sang người đọc.

Bản dịch Kinh Thánh Đa Số xin xóa bỏ sự phạm thượng này, để lại thành “Ngài” như đúng ra phải dịch.

II. Sinh nhật Chúa JESUS là ngày nào?

Đầu tiên, ngày nay chúng ta đã có thể biết chắc ngày Chúa JESUS giáng sinh KHÔNG PHẢI là ngày lễ Noel 25/12 vẫn được tổ chức hàng năm.

Ngày 25/12 này được tòa thánh Công Giáo Vatican khi xưa lấy làm ngày giáng sinh của Chúa là có dụng ý để thâu tóm những người thờ mặt trời thời ấy,

vốn kỷ niệm ngày lễ của họ vào ngày 25/12, là ngày đầu tiên của năm mà ban ngày bắt đầu dài ra và ban đêm bắt đầu ngắn lại.

Vậy ngày Chúa giáng sinh là ngày nào?

Chúng ta có thể xác định được qua việc hiểu lời tiên tri 70 tuần lễ được trình bày trong bài giảng này.

Lần ngược về 3 năm rưỡi từ ngày Đấng Christ chịu chết trên thập tự giá vào Lễ Vượt Qua ngày 14 tháng thứ nhất lịch Do Thái, năm 31 sau Công Nguyên,

chúng ta có thể tìm ra ngày Ngài chịu báp-tem để bắt đầu mục vụ Cứu Thế chính là ngày 15 tháng thứ 7 lịch Do Thái năm 27 sau Công Nguyên.

Kinh Thánh cho biết lễ này diễn ra khi Chúa JESUS được 30 tuổi ([03] Lu-ca 3:23).

Luật pháp Mô-se đã phản ánh trước điều này bằng việc chỉ định

tuổi 30 là độ tuổi mà một người nam bắt đầu được chính thức phục vụ Đức Chúa Trời ([13] I Sử ký 23:2-5; [04] Dân số 4:1-3; 21-23; 29-30).

Vậy lần ngược về 30 năm nữa, ta sẽ tìm ra ngày giáng sinh của Ngài là ngày 15 tháng thứ 7 lịch Do Thái, là ngày đầu tiên của tuần lễ Lều Tạm, năm 4 trước Công Nguyên.

Lễ Lều Tạm, cũng như mọi giáo lễ khác trong Cựu Ước, cũng là một lời tiên tri chỉ đến Chúa JESUS được xây dựng hẳn thành một nền văn hóa, để giúp nhân loại nhận ra Ngài chính là Đấng Christ.

Hãy xem tuần lễ này chỉ đến sự giáng sinh của Chúa như thế nào:

1) Ngày 15 tháng thứ 7 lịch Do Thái khi Chúa JESUS giáng sinh là ngày nghỉ và là ngày hội họp thánh.

2) Trong bảy ngày kể từ ngày 15 tháng thứ 7 lịch Do Thái, dân sự vui mừng liên hoan, ở trong lều trại,

tượng trưng cho việc Con Trai Đức Chúa Trời đã xuống ở tạm trên đất, thực hiện sứ mệnh giải cứu loài người.

3) Đến ngày thứ tám, tức ngày 22 tháng thứ 7 lịch Do Thái, là ngày Chúa JESUS được cắt bì và dâng lên Đức Chúa Trời ([03] Lu-ca 2:21), thì lại là một ngày nghỉ và là ngày hội họp thánh nữa.

Cũng xin nói rõ là ngày giáng sinh thật của Chúa JESUS vốn là điều được Chúa giấu kín, ngay cả với các nhà Tiên Phong của hội thánh cuối cùng,

vì Ngài không muốn loài người thế gian hóa nó thành một trò lố như cái cách họ đã làm với ngày 25/12 lịch hiện đại,

lôi kéo tâm trí con người đi khỏi Ngài sang ông già tuyết Satan, và các món quà xa xỉ làm tiêu tốn nguồn tài lực đúng ra phải được dâng lên Chúa để phục vụ công tác cứu linh.

Tuy nhiên, vì trong những ngày cuối cùng này đột nhiên trỗi dậy một tà thuyết

dạy rằng ngày đại lễ Đền Chuộc mùng 10 tháng thứ 7 lịch Do Thái là ngày Chúa giáng sinh, khỏa lấp mất ý nghĩa thực sự của ngày đại lễ Đền Chuộc ấy,

nên Chúa trong sự nhân từ của Ngài mới chiếu sáng tri thức về ngày giáng sinh thật của Ngài lên tâm trí đầy tớ Ngài, để trình bày cho dân sự Ngài tại đây.

III. Ý nghĩa của các ngày lễ hội và Sa-bát hàng năm trong Cựu Ước

Trong các sách ngũ kinh của Mô-se, có đề cập đến một loạt các kỳ lễ hội và các ngày Sa-bát hàng năm (không phải hàng tuần) mà người Is-ra-ên cứ đến dịp lại tổ chức.

Những dịp lễ này bản chất đều là những lời tiên tri chỉ đến Chúa JESUS, qua một việc nhất định nào đó mà Chúa đã, đang hoặc sẽ làm.

Trong [03] Lê-vi 23, Mô-se có tóm tắt và liệt kê lại chúng từ đầu đến cuối, theo lịch Do Thái, chúng là:

1) Lễ Vượt Qua (chiều tối ngày 14 tháng thứ nhất)

2) Tuần lễ Bánh Không Men (bắt đầu từ 15 tháng thứ nhất, ngay sau khi Chiên Con Lễ Vượt Qua bị giết, kéo dài 1 tuần)

3) Lễ dâng bông trái đầu mùa (ngày thứ nhất của tuần ngay sau ngày Sa-bát ngay sau Lễ Vượt Qua)

4) Lễ Ngũ Thập (7 tuần lễ trọn kể từ ngày dâng bó lúa đầu mùa, vào ngày thứ 50).

5) Lễ Thổi Kèn (mùng 1 tháng bảy)

6) Ngày đại lễ Đền Chuộc (mùng 10 tháng bảy)

7) Lễ Lều Trại (từ 15 tháng bảy, kéo dài 1 tuần)

Ý nghĩa của chúng lần lượt là như sau:

1) Lễ Vượt Qua: lễ này chỉ đến thời điểm Chúa JESUS chết thay cho nhân loại trên thập tự giá, đúng vào Lễ Vượt Qua.

Luật thậm chí còn quy định là ăn thịt Chiên Con không được để gãy cái xương nào ([02] Xuất Hành 12:46),

để giúp con người có thể nhận ra Chúa JESUS chính là Chiên Con của Lễ Vượt Qua ([07] I Cô-rinh-tô 5:7):

Ngài chết trên thập tự giá, khắp người không có cái xương nào gãy cả ([04] Giăng 19:36)!

Một người sau khi đã nhận ra điều đó và tin nhận Chúa rồi, thì giáo lễ này coi như đã hoàn tất sứ mạng của nó.

2) Tuần lễ Bánh Không Men: Chúa JESUS tẩy sạch hội thánh của Ngài khỏi tội lỗi.

3) Lễ dâng bông trái đầu mùa: được cử hành ngay sau ngày Sa-bát, vào ngày thứ nhất của tuần lễ,

tượng trưng cho việc Chúa JESUS là trái đầu mùa của kẻ chết ([07] I Cô-rinh-tô 15:20), sống dậy vào đúng ngày thứ nhất của tuần.

4) Lễ Ngũ Thập: Đức Chúa Trời tuôn đổ Thánh Linh của Ngài qua Đấng Christ Con Trai Ngài xuống hội thánh ([05] Công Vụ 2:1-4)

5) Lễ Thổi Kèn: [13] I Tê-sa-lô-ni-ca 4:16 Với tiếng gầm của thiên sứ trưởng, cùng tiếng kèn của Đức Chúa Trời thì chính Chúa từ trên trời sẽ giáng lâm.

Bấy giờ, những người chết trong Đấng Christ sẽ sống lại trước tiên.

Có lẽ ngày lễ thổi kèn này là hình bóng của chính ngày tái lâm của Đấng Christ với tiếng kèn vang dội trên bầu trời – sự kiện duy nhất vẫn chưa được ứng nghiệm nơi Chúa JESUS.

Đương nhiên là kể cả khi đúng là như vậy, thì vì chúng ta không thể biết Chúa JESUS sẽ tái lâm vào năm nào,

chúng ta vẫn sẽ không thể biết được ngày Tận Thế chính xác là bao giờ, cho đến khi mọi sự đã ngã ngũ.

Ấy là còn chưa kể, thời giờ cơ hội ăn năn sẽ khép lại TRƯỚC sự kiện ấy, để 7 thảm họa cuối cùng rót xuống trái đất, và rồi chỉ khi ấy Chúa mới tái lâm.

Xác định được ngày tái lâm của Ngài là hoàn toàn vô nghĩa đối với các tội nhân đang tìm cách “căn giờ” để ăn năn, vì thời điểm mà họ cần xác định là khi nào thời giờ ăn năn khép lại,

và cái ngày ấy thì càng không thể nào xác định được.

6) Ngày đại lễ Đền Chuộc: đã làm rõ trong bài giảng trên.

7) Lễ Lều Trại: đã nói ở phụ lục trên.

Hết sức lưu ý: việc giữ các lễ này hay không là KHÔNG QUAN TRỌNG đối với sự cứu rỗi.

Chúng chỉ đơn thuần là những lời tiên tri về Đấng Christ – những thông tin được báo trước về Ngài – được xây dựng hẳn thành một nếp văn hóa các giáo lễ,

có tác dụng để mọi người đối chiếu với Chúa JESUS và nhận ra Ngài chính là Đấng Christ, cùng các công việc Ngài đã, đang và sẽ làm.

“Những thứ là bóng của những gì sắp đến, còn thân hình là Đấng Christ.” [12] Cô-lô-se 2:17.

Sự cứu rỗi nằm ở Chúa JESUS.

Hãy dồn đức tin mình vào Ngài.

Đấng Christ là chìa khóa sức mạnh của Cơ Đốc nhân để chiến thắng tội lỗi và sống đời sống vâng phục, kết quả cho Đức Chúa Trời.

[27] Mặc Khải 14:12 Đây là lòng nhẫn nại của các thánh đồ.

Đây là những người vâng giữ các mạng lệnh của Đức Chúa Trời và đức tin JESUS.

{Ellen G. White, Bản thảo xuất bản (Manuscrip Releases) quyển 3, 55.4 – 56.1}

‘Nếu những người tự xưng là tin vào Chân Lý thiêng liêng cho thời đại này lại quay trở lại với nếp thực hành tuân giữ các giáo lễ đã bị đòi hỏi từ người Do Thái,

một sự đại diện cái kiểu gì sẽ được đưa ra trước các thiên sứ và trước loài người đây?

Chúng ta nên vận dụng sự cẩn thận tối đa để tẩy sạch mọi ngóc ngách của trái tim khỏi tội lỗi.

Những người mà, thay vì thanh tẩy đền thờ linh hồn, lại đi thực hành những giáo lễ bề ngoài, nghĩ rằng những trò đó sẽ tiến cử họ với Đức Chúa Trời,

sẽ tìm thấy mình bị bao phủ trong bóng tối thuộc linh, cũng hệt như người Do Thái vậy.

Để đảm bảo sự thanh sạch Đức Chúa Trời đã đòi hỏi từ Israel xưa rất nhiều giáo lễ.

Những giáo lễ này là để diễn tả sự cần thiết của tính cẩn trọng trong mọi hoạt động của họ, để họ có thể được gìn giữ khỏi mọi sự bất khiết mà họ có thể tránh được.

Nhưng những giáo lễ bề ngoài này không có một chút hiệu lực nào trên dân sự của Đức Chúa Trời vào thời đại này.

Khi Đấng Christ, Đấng mang tội lỗi của chúng ta, chết trên thập tự, những giáo lễ này mất đi hiệu lực của chúng;

vì nơi cái chết của Ngài hình bóng đã gặp được hình thật rồi.

Những người trình bày những bài kiểm tra như thế này cho dân sự của Đức Chúa Trời ngày nay chỉ đang làm rối rắm tâm trí mà thôi.

Họ đặt để hình thức bề ngoài vào chỗ của chân lý quý giá, đưa việc làm thế chỗ cho đạo của trái tim và đời sống.’

IV. Thanh tẩy Đền Thánh dưới đất

Chúng ta được biết, trong rất nhiều phân đoạn Kinh Thánh, bản thân các Cơ Đốc nhân cũng được nhắc tới như là chính đền thờ của Đức Chúa Trời.

Ví dụ:

[07] I Cô-rinh-tô 3:16 (Phao-lô nói với các Cơ Đốc nhân)

Các bạn không biết rằng các bạn là đền thờ của Đức Chúa Trời, và Linh của Đức Chúa Trời cư ngụ trong các bạn sao?

Năm 1844, khi ngày đại lễ Đền Chuộc bắt đầu,

việc thanh tẩy Đền Thánh ở dưới đất (các Cơ Đốc nhân) đã diễn ra song song với việc thanh tẩy Đền Thánh trên Thiên Đường theo một cách thức hết sức thú vị.

Trước năm 1844, những Cơ Đốc nhân Tin Lành tách ra khỏi Nhà Thờ Công Giáo La Mã Vatican trong phong trào cải cách

vẫn còn mang trên mình vô cùng nhiều “sự ô uế” – các giáo lý trái Kinh Thánh – khi lập nên các hội thánh của mình.

Cùng lúc đó, một nhóm những người nghiên cứu sách Đa-ni-ên, đi đầu là một người tên William Miller, đã tính toán được ra thời điểm “thanh tẩy Đền Thánh” này.

Ban đầu họ quên mất rằng ngay sau năm 1 TCN sẽ là năm 1 SCN (không có năm 0),

nên khi cộng 2300 năm vào năm 457 TCN, họ đã tính nhầm thời điểm ra năm 1843.

Thế là chiến dịch rao giảng sự tái lâm của Chúa cho đến năm 1843 vô tình làm ứng nghiệm sứ điệp của vị thiên sứ thứ nhất

“Hãy kính sợ Đức Chúa Trời và dâng vinh quang lên Ngài, vì giờ phán xét của Ngài đã đến!” ([27] Mặc Khải 14:7).

Sau khi năm 1843 trôi qua, họ mới nhận ra lỗi sai trong tính toán của mình, và điều chỉnh lại thành 1844.

Một năm “trễ giờ” này phơi bày tất cả những kẻ không thực tâm chờ đón Chúa JESUS trong hàng ngũ của họ, và sự bội đạo của các hội thánh Cơ Đốc nhìn chung.

Sứ điệp của vị thiên sứ thứ hai vang lên:

“Ba-by-lon vĩ đại đã sụp đổ (sa ngã), đã sụp đổ rồi! Nó đã chuốc cho tất cả các nước uống từ thứ rượu cuồng loạn gian dâm của nó” ([27] Mặc Khải 14:8)

cùng “tiếng gọi lúc nửa đêm”: “Kìa, chàng rể đến! Hãy ra gặp Ngài!” ([01] Ma-thi-ơ 25:6).

Tất cả những con dân thành tín của Chúa lũ lượt rời khỏi hệ thống các hội thánh bội đạo – Ba-by-lon và các con gái của nó.

{Ellen G. White, Cuộc Đại Chiến (the Great Controversy), 351.1}

‘Trải nghiệm của các môn đồ đã rao giảng “Tin Lành của Vương Quốc” vào sự hiện đến thứ nhất của Đấng Christ,

có một phiên bản tương đồng trong trải nghiệm của những người đã rao giảng sự hiện đến lần thứ hai của Ngài.

Cũng như các môn đồ tiến ra rao giảng, “Thời giờ đã ứng nghiệm, Vương Quốc Đức Chúa Trời đã gần kề,”

thì Miller và các cộng sự của ông cũng đã rao giảng rằng khoảng thời gian tiên tri dài nhất và cuối cùng được đưa ra trong Kinh Thánh sắp sửa kết thúc,

và sự phán xét đã gần kề, và vương quốc vĩnh cửu sắp được mở ra.

Sự rao giảng của các môn đồ về thời gian đã dựa vào bảy mươi tuần lễ của Đa-ni-ên 9.

Sứ điệp được rao báo bởi Miller và các cộng sự của ông công bố điểm kết thúc của 2300 ngày của Đa-ni-ên 8:14, mà bảy mươi tuần lễ là một phần.

Sự rao giảng của mỗi bên đã được dựa vào sự ứng nghiệm của một phần khác nhau thuộc cùng một khoảng thời gian tiên tri lớn.’

Tuy nhiên một hiểu nhầm trí mạng nữa đã khiến họ phải một lần nữa thất vọng:

họ tưởng rằng cái “Đền Thánh” sẽ được thanh tẩy là chỉ bản thân Trái Đất, và cho rằng đó chính là thời điểm Chúa JESUS sẽ trở lại “thanh tẩy” Trái Đất khỏi tội lỗi bằng lửa.

Nhiều người trong số họ vì thế thậm chí còn bán sạch cả gia sản để lấy tiền đi rao giảng Tin Lành của Chúa,

liều mình những mong cứu được thêm người trước khi thời khắc cuối cùng ập tới.

{Ellen G. White, Cuộc Đại Chiến (the Great Controversy), 351.2 – 352.1}

‘Cũng như các môn đồ ban đầu, William Miller và các cộng sự của ông, bản thân họ cũng đã không hiểu được đầy đủ ý nghĩa của sứ điệp mà họ đã mang.

Các sai lạc đã bị thiết lập bấy lâu nay trong hội thánh đã ngăn cản họ khỏi việc đi đến được một sự biện giải chính xác một điểm quan trọng trong lời tiên tri.

Vì vậy, mặc dù họ đã rao giảng sứ điệp mà Đức Chúa Trời đã ủy thác cho họ để rao báo cho thế giới, nhưng qua một chỗ hiểu sai ý nghĩa của nó họ đã phải chịu nỗi thất vọng.

Trong việc giải thích Đa-ni-ên 8:14,

“Cho đến hai nghìn ba trăm ngày; rồi đền thánh sẽ được thanh tẩy,”

Miller, như đã nói, đã tiếp nhận một quan điểm đã được tiếp nhận rộng rãi rằng trái đất là đền thánh,

và ông đã tin rằng sự thanh tẩy của đền thánh mô tả việc thanh tẩy trái đất bằng lửa vào sự hiện đến của Chúa.

Vì thế, khi ông thấy điểm kết thúc của 2300 ngày đã được tiên báo rõ ràng, ông đã kết luận rằng điều này đã bày tỏ thời điểm của sự hiện đến lần thứ hai.

Sai lạc của ông đã là hậu quả của việc tiếp nhận cái quan điểm phổ biến về việc cái gì cấu thành nên đền thánh.’

Sau khi Chúa JESUS rõ ràng không hề trở lại vào năm 1844, một nỗi cay đắng khủng khiếp bao trùm lên toàn bộ những trái tim đã hết lòng với Chúa này – vốn đến từ rất nhiều hội thánh khác nhau.

Những người sau đó vẫn gắng gượng giữ được đức tin để tiếp tục bước theo Chúa đã gạt hết giáo lý hệ phái của mình, tề tựu lại cùng cầu nguyện, an ủi nhau

và học lại Kinh Thánh từ đầu để tìm ra xem họ đã hiểu sai ở đâu.

Và trong chính năm ấy, Chúa đã ban cho họ một nhà tiên tri (xem bài “Lời chứng của JESUS“) để hỗ trợ cho việc học lại Kinh Thánh

và tiến hành thanh tẩy sạch sẽ những người con của Ngài khỏi mọi giáo lý trái Kinh Thánh, trong đó bao gồm:

1) Mười Mạng Lệnh/Mười Điều Răn không còn hiệu lực (xem bài “Mười Điều Răn“).

2) Ngày chủ nhật thánh (xem bài “666 và Dấu của Con Thú“).

3) Cha xứ và linh mục có thẩm quyền tha thứ tội lỗi (xem bài “Con Thú thứ nhất“).

4) Sự cứu rỗi bởi việc làm thay vì đức tin (xem bài “Thập tự giá“)

5) Sự bất tử của linh hồn (xem bài “Sự Thật về Cái Chết“).

6) Sự tra tấn đời đời trong Hỏa Ngục (xem bài “Sự Thật về Hỏa Ngục“).

7) Các hình thức báp-tem giả mạo, như dội nước, vẩy nước… (xem bài “Thánh lễ Báp-tem“).

8) Giáo lý Đức Chúa Trời Ba Ngôi – TRINITY – và ân tứ nói tiếng lạ giả mạo (xem bài “Cha, Con và Thánh Linh“).

9) Chúa JESUS đón các thánh đồ về trời trong bí mật, tiếng Anh gọi là thuyết “Secret Rapture”,

rồi những người còn ở lại vẫn còn một cơ hội thứ hai kéo dài 7 năm để ăn năn cũng vẫn còn kịp (?!), gọi là thuyết “7 năm đại nạn” (xem bài “Ngày Tận Thế“).

10) Cùng cực kỳ nhiều giáo lý sai lạc khác mà có lẽ ở đây không thể nào kể xuể được,

như Luyện Ngục (Purgatory); trả tiền cho nhà thờ để cầu nguyện cho người thân đã chết siêu thoát;

thờ phượng và cầu nguyện với đức mẹ đồng trinh Mary, đức cha Giô-sép và các thánh;

phép biến đổi bản thể (linh mục “làm phép” biến rượu và bánh thành máu và thịt thực sự của Chúa JESUS);

giáo lý “bất khả sai lầm” của Giáo Hoàng (dạy rằng Giáo Hoàng không bao giờ có khả năng mắc sai sót), v.v… và v.v…

Nhiều giáo lý trong số này là phiên bản giả của một giáo lý nhất định nào đó của Kinh Thánh,

nhiều giáo lý khác thì chỉ đơn thuần là bịa mới hoàn toàn, không hề tìm thấy bất cứ thứ gì tương tự gần giống trong Kinh Thánh cả.

Những người này sau khi đã học lại Kinh Thánh và vô tình làm ứng nhiệm công tác của vị thiên sứ thứ nhất và vị thiên sứ thứ hai trong [27] Mặc Khải 14:6-8,

rao truyền sứ điệp ngày Phán Xét đã đến và sự bội đạo của hệ thống các hội thánh Ba-by-lon, đã được Chúa giao tiếp cho nhiệm vụ truyền giảng sứ điệp của vị thiên sứ thứ ba trong câu 9-11.

Ba sứ điệp này chính là “sứ điệp ba thiên sứ”, bóc trần danh tính của Ba-by-lon và “dấu của Con Thú“,

chuẩn bị sẵn sàng dân sự của Đức Chúa Trời cho ngày Chúa tái lâm, như đã trình bày trong các bài giảng trước.

Cùng với sự phát triển của phong trào, họ cuối cùng bị buộc phải đăng ký phong trào ấy thành một hội thánh chính thức,

lấy tên là Seventh-day Adventist (Phục Lâm ngày-thứ-bảy), thể hiện hai cột trụ giáo lý tiêu biểu của họ so với các hội thánh còn lại:

Chúa sắp Phục Lâm (căn cứ theo chính lời tiên tri 2300 ngày được trình bày trong bài giảng này), và ngày thứ bảy mới là ngày Sa-bát chân chính, quy định trong mạng lệnh thứ tư thuộc Mười Mạng Lệnh.

Trong suốt thời gian nhà tiên tri Ellen G. White vẫn còn sống và hoạt động tích cực trong hội thánh,

các giáo lý trái Kinh Thánh – mà điển hình là giáo lý Đức Chúa Trời Ba Ngôi – vẫn luôn tìm cách để xâm nhập trở lại, nhưng đều bị Chúa dùng vị tiên tri này đẩy lui.

Phải đến tận năm 1913, chỉ 2 năm trước khi bà White qua đời vào năm 1915,

khi bà ấy đã quá già yếu và đang dồn sức để hoàn tất những quyển sách cuối cùng, khó có thể còn hơi sức đâu để kiểm duyệt các văn bản của hội thánh nữa,

thì cái thuật ngữ Ba Ngôi “Trinity” mới lần đầu tiên lọt lưới được vào một văn bản chính thức của hội thánh để được sử dụng mô tả Cha, Con và Thánh Linh.

Phần nội dung mô tả thì vẫn đúng theo chân lý, nhưng không hiểu vì sao lại lựa chọn cái thuật ngữ Trinity này làm tên gọi – một lựa chọn khá tồi tệ, ngay cả khi phần nội dung vẫn đúng.

{Ellen G. White, Phác họa cuộc đời của Ellen G. White (Life sketches of Ellen G. White), 426.4-426.5}

‘Sau Đại Hội Tổng Hội 1909, tôi đã dành vài tuần tham dự các trại nhóm họp, và thăm nhiều  cơ sở, tại New England, các bang Miền Trung, và Trung Tây.

Khi trở về nhà mình ở California, tôi đã lại bắt đầu công tác chuẩn bị tài liệu cho việc in ấn.

Trong bốn năm qua tôi đã viết tương đối ít thư từ.

Sức lực nào tôi còn có phần lớn đều đã được dâng cho việc hoàn tất những quyển sách quan trọng.’

Dù vậy, vẫn có thể nói giáo lý của hội thánh trong thời gian trước khi Ellen G. White qua đời đã được giữ cho đúng hoàn toàn theo Kinh Thánh,

tất cả các tà thuyết đều được thanh tẩy, các cột trụ giáo lý quan trọng đều được tái lập trở lại, chính xác như thời của Chúa JESUS và các Sứ Đồ.

Các bạn có thể xem bộ phim “Tell the world” sau và nắm được câu chuyện của các nhà Tiên Phong hội thánh SDA.

Hãy bấm vào hình bánh răng tùy chỉnh ở góc video, mục phụ đề subtitles/CC và lựa chọn ngôn ngữ phụ đề phù hợp.

Cũng xin lưu ý là video là do hội thánh SDA Hiện Đại theo thần ba ngôi làm, nên khi xem các bạn hãy cẩn thận đề phòng việc các thuật ngữ thần học trong ấy bị ba ngôi hóa, nếu có.

Đến giờ, bạn hẳn đã hiểu rõ ý nghĩa trọng đại của cuộc Đại Tỉnh Thức (the Second Great Awakening) vào năm 1844,

đánh dấu điểm bắt đầu của thời kỳ cuối cùng trong lịch sử Trái Đất, và tiếp nhận lấy câu chuyện và lịch sử của hội thánh Phục Lâm ngày-thứ-bảy (Seventh-day Adventist),

nhận biết vai trò của nó trong việc rao giảng Sứ Điệp Ba Thiên Sứ và chuẩn bị thế giới cho ngày tái lâm của Đấng Christ.

Tuy nhiên, một vấn đề nhức nhối lại hiện lên trong tâm trí:

ngay cả hội thánh SDA cũng đã không miễn nhiễm nổi tà thuyết.

Sau sự ra đi của các nhà Tiên Phong, giáo lý chân chính của Đức Chúa Trời quả nhiên đã bị thỏa hiệp,

điển hình nhất là trong việc từ bỏ Đức Cha là Đức Chúa Trời chân chính duy nhất để tiếp nhận thần ba ngôi của Con Thú Vatican.

Giờ thì làm sao công việc có thể được hoàn tất đây khi mà hội thánh đã thất thủ?

Hội thánh THẬT thì chưa bao giờ thất thủ cả.

Đức Chúa Trời đã luôn có cho Ngài một nhóm dân sự trung tín còn lại, những người SDA thực thụ, Tiên Phong,

mãi luôn trung tín với Chúa và kiên trung với các trụ cột của đức tin mà Ngài đã phục hồi qua các nhà Tiên Phong của họ.

Với quân số ít ỏi biết bao chống lại muôn người:

đám anh em bội đạo, các Cơ Đốc nhân giả, bọn vô đạo… CẢ THẾ GIỚI,

vậy mà sức mạnh của họ vẫn mãi luôn là Chúa, và phần của họ, chiến thắng sau cùng.

Nhóm 144.000 là ai? Hãy click vào “bài tiếp” để được giải đáp.

Vẫn chưa có bộ Tiên Tri Toàn Thư trong tay?

Bài học này chỉ là một phần của bộ Tiên Tri Toàn Thư gồm toàn những kiến thức màu nhiệm tương đương.

Tôi sẽ gửi bạn trọn bộ Tiên Tri Toàn Thư MIỄN PHÍ đến đâu?