Phần Mười và Lễ Vật
Tiên Tri Toàn Thư »
BÀI 17: PHẦN MƯỜI VÀ LỄ VẬT
Gia-cốp chưa bao giờ phải cô đơn và nghèo khổ đến thế – và tất cả chỉ bởi ông đã sống tham lam và trí trá.
Đầu tiên Gia-cốp đã lợi dụng tình trạng mệt lả và đói bụng của Ê-sau, người anh song sinh, để dụ dỗ anh bán lại cho mình quyền trưởng nam.
Thuận mua vừa bán, như vậy cũng được đi.
Nhưng sau đó, với sự giúp đỡ của mẹ mình, ông đã đánh lừa cả người cha già mù lòa Y-sác, và cướp đi lời chúc phước cha đã dành cho Ê-sau.
Và giờ thì Gia-cốp phải bỏ chạy thục mạng khỏi chính mái nhà của mình, khi mà người anh trai liên tục bị ông sỉ nhục đang đe dọa giết chết ông.
Gia-cốp gục đầu xuống khóc khi nhận ra mọi thủ đoạn tinh vi đều chỉ phản lại mình.
Cô đơn một mình trong hoang mạc, chỉ còn một tảng đá làm gối kê đầu và một cái que để tự bảo vệ lấy thân,
Gia-cốp trằn trọc mãi.
Ông tự hỏi liệu mình có bao giờ được gặp lại cha mẹ không – và liệu Đức Chúa Trời có tha thứ cho ông.
Gia-cốp kiệt sức thiếp đi, và rồi thấy mình chìm trong hào quang của một khải tượng huy hoàng:
một cột sáng từ thiên đường chiếu xuống
trên một chiếc cầu thang lung linh trải dài từ trên trời xuống dưới đất,
và vô số thiên sứ rực rỡ theo cầu thang ấy mà di chuyển lên xuống.
Rồi Gia-cốp nghe tiếng Đức Chúa Trời phán từ trên cao, hứa sẽ ban phước cho ông.
Ngài còn xác nhận với Gia-cốp giao ước mà Ngài đã lập với Áp-ra-ham và Y-sắc.
Khi tỉnh dậy, Gia-cốp quỳ xuống và tuyên thệ từ bỏ đường lối tham lam gian ác của mình:
ông lập lời trọng thệ:
“mọi thứ mà Ngài sẽ ban cho con, con nhất định sẽ dâng một phần mười nó lên Ngài.” [01] Khởi Nguyên 28:22.
Đức Chúa Trời chấp nhận lời trọng thệ này và mở các cửa sổ của thiên đường, tuôn đổ ơn phước xuống Gia-cốp.
20 năm sau, khi Gia-cốp hồi hương, từ một người tay trắng, ông đã trở thành một đại gia thịnh vượng
với một khối tài sản kếch xù, vô số đầy tớ, gia súc và hơn chục đứa con trai,
với một điểm trừ duy nhất này thôi: có đến 4 bà vợ (vì riêng với thứ này thì có nhiều hơn một sẽ là một thảm họa).
1. Gia-cốp học ở đâu ra tuyệt chiêu dâng hiến một phần mười cho Đức Chúa Trời?
Khi ấy thậm chí luật pháp Mô-sê đã được ban hành chưa?
[01] Khởi Nguyên 14:18-20 Mên-chi-xê-đéc … là thầy tế lễ của Đức Chúa Trời Tối Cao… nói:
“Chúc tụng Áp-ram (Áp-ra-ham) của Ðức Chúa Trời Tối Cao, Đấng Chủ Tể của trời và đất.
Và chúc tụng Ðức Chúa Trời Tối Cao, Ðấng đã trao các kẻ thù ông vào tay ông.”
Và ông đưa cho ông ấy một phần mười của mọi thứ.
Ông nội của Gia-cốp, Áp-ra-ham, đã nêu gương cho con cháu từ nhiều năm trước khi dâng hiến phần mười cho Đức Chúa Trời qua thầy tế lễ Ngài chỉ định: vua Mên-chi-xê-đéc.
Và rồi việc nộp phần mười đã trở thành hợp đồng chính thức qua lời hứa nguyện của Gia-cốp với Đức Chúa Trời trong [01] Khởi Nguyên 28:22
từ vài trăm năm trước khi luật pháp Mô-sê được ban hành rồi,
nên nó KHÔNG PHẢI là một phần của luật pháp Mô-sê đã hết hiệu lực tại thập tự giá.
Luật pháp Mô-sê sau đó chỉ đơn thuần lấy cái hợp đồng đã có sẵn này và thêm vào một số quy định về việc sử dụng và luân chuyển nguồn lực ấy mà thôi.
2. Có bao nhiêu phần thu nhập của chúng ta thuộc về Đức Chúa Trời?
[19] Thi Ca 24:1 Thuộc về YHWH
Là trái đất, và toàn bộ nó,
Thế giới, và những người cư ngụ trong nó.
YHWH là Đấng Tạo Hóa đã tạo ra cả chúng ta lẫn trái đất mà chúng ta được ban cho làm nơi sinh sống.
Vì thế toàn bộ 100% thu nhập của chúng ta đương nhiên đều thuộc về Ngài một cách danh chính ngôn thuận.
Chưa dừng ở đó, sau khi chúng ta sa ngã, Ngài còn chấp nhận trả một cái giá vô cùng đắt để chuộc lại chúng ta từ tay Ma Quỷ.
Chỉ riêng hai việc này thôi đã đủ để Chúa nghiễm nhiên là chủ sở hữu của chúng ta đến 2 lần rồi.
Tuy nhiên, Ngài chỉ yêu cầu chúng ta thể hiện sự công nhận quyền sở hữu vạn vật của Ngài bằng cách hoàn trả lại một phần thu nhập.
3. Phần thuế ấy là bao nhiêu?
[03] Lê-vi 27:30 Tất cả phần mười… đều thuộc về YHWH: nó là vật thánh cho YHWH.
Phần thuế phải hoàn trả lại Đức Chúa Trời đó là “phần mười”, tức 10% hoa lợi hay tổng thu nhập của chúng ta.
{Ellen G. White – Giáo dục (Education) – 138.4}
“‘Các con hãy đem tất cả phần mười vào kho’ (Ma-la-chi 3:10) là mệnh lệnh của Đức Chúa Trời.
Không hề có sự kêu gọi lòng biết ơn hay lòng hào phóng nào được đưa ra hết.
Đây là câu chuyện về lòng trung thực đơn thuần. Phần mười là của Chúa;
và Ngài ra lệnh cho chúng ta hoàn trả về Ngài thứ của Ngài.”
*Lưu ý: trách nhiệm của chúng ta với Đấng Tối Cao luôn đi trước tất cả các trách nhiệm với chính phủ, cơ quan thuế và các tổ chức thế tục khác,
nên phần mười LUÔN LUÔN tính theo tổng thu nhập cá nhân TRƯỚC KHI nộp mọi loại thuế, phí.
4. Đức Chúa Trời ban phần mười ấy của Ngài cho ai, và vì lý do gì?
[04] Dân số 18:21, 23, 24 Còn cho con cháu Lê-vi, kìa:
Ta ban cho mọi phần mười trong Is-ra-ên làm sản nghiệp
để trả cho công tác họ mà họ phục vụ…
Ở giữa Is-ra-ên họ sẽ không thừa hưởng sản nghiệp nào.
Vì phần mười của con cháu Is-ra-ên mà họ dâng lên YHWH làm lễ vật dâng cao,
Ta đã ban cho người Lê-vi làm sản nghiệp.
[04] Dân số 18:26 Con cũng hãy nói với người Lê-vi và bảo với họ rằng:
“Khi các con lấy từ con cháu Is-ra-ên phần mười mà Ta ban cho các con từ giữa họ làm sản nghiệp các con,
thì các con hãy dâng từ nó một lễ vật dâng cao của YHWH: một phần mười của phần mười.”
Một hệ thống vô cùng khôn ngoan đã được Đức Chúa Trời thiết kế ở đây.
Trong tất cả các bộ tộc, người Lê-vi là bộ tộc duy nhất không nhận được sản nghiệp gì,
để họ dồn toàn tâm toàn sức cho công tác mục vụ, phục vụ Đức Chúa Trời và dạy dỗ dân sự Ngài sống một cách công chính và kết quả.
Sau đó để trả công, Đức Chúa Trời ban cho họ phần mười.
Và cuối cùng, chính những người làm mục vụ này cũng phải dâng trả lại Đức Chúa Trời một phần mười những gì họ đã được nhận,
hoàn toàn bình đẳng với chính dân sự của họ.
5. Hệ thống tài chính trên còn được Đức Chúa Trời áp dụng trong Tân Ước không?
[07] I Cô-rinh-tô 9:13, 14 Các bạn không biết rằng:
những người làm lụng thánh vụ được ăn từ đền thánh,
những người chầu bàn thờ có phần nơi bàn thờ sao?
Cũng vậy, Chúa cũng truyền những người rao giảng Tin Lành được nuôi sống bởi Tin Lành.
Cũng như những người Lê-vi phục vụ các thầy tế lễ trong thời Cựu Ước được trả công bằng phần mười của Chúa,
thì “cũng vậy“, những người rao giảng Tin Lành trong thời Tân Ước ngày nay, phục vụ thầy tế lễ cả JESUS, cũng được trả công bằng phần mười của Ngài.
Và đương nhiên, cũng như các thầy tễ lễ thời Cựu Ước phải nộp phần mười, các mục sư ngày nay cũng phải hoàn trả lại tối thiểu 10% tổng thu nhập trước thuế của mình.
{Ellen G. White – Thư từ và bản thảo (Letters and Manuscripts), quyển 19, bản thảo số 82, 1904, khổ 1, 2}
“Phần mười cần phải được sử dụng cho MỘT MỤC ĐÍCH mà thôi – để duy trì những người làm mục vụ mà Chúa đã chỉ định thực hiện công việc Ngài.
Nó cần phải được sử dụng để hỗ trợ những người truyền đạt lời sự sống cho dân sự và mang lấy gánh nặng bầy chiên của Đức Chúa Trời.
Nhưng có những người làm mục vụ mà đã bị cướp đoạt thù lao của mình.
Định phần của Đức Chúa Trời cho họ đã không được tôn trọng.”
6. Vậy nếu phần mười chỉ được sử dụng làm thù lao cho những người truyền giảng Lời Chúa,
thì cụ thể phần mười của cá nhân tôi sẽ được sử dụng làm thù lao cho giảng viên Kinh Thánh nào?
[03] Lê-vi 7:9 Mọi tế lễ… sẽ là dành cho thầy tế lễ đã đem dâng nó.
Nó sẽ được sử dụng làm thù lao cho chính người nào đã có công phục vụ bạn – tức là người nào đã có công LAO KHỔ để đưa bạn vào sự nhận biết Chân Lý đầy đủ để được cứu rỗi.
Và tôi đang không nói về cái người đơn thuần đã gửi cho bạn một cái link để dẫn đến một mục vụ của đức tin SDA Tiên Phong,
Tôi đang nói đến bản thân mục vụ ấy, và/hoặc cái người nào đã bỏ thời gian ra, dùng tài liệu của nó để LAO KHỔ mà dạy bạn các chân lý.
Phần mười của bạn là thù lao của họ, cho CÔNG KHÓ phục vụ bạn.
Cái công khó đã đem lại kết quả, ấy chính là thứ được trả công.
Khi bạn đọc đến đây, có thể Ma Quỷ thậm chí sẽ thì thầm vào tai bạn hồ nghi về nhà truyền đạo đang đưa những bài giảng này đến tay bạn,
rằng người ấy có thể đang phục vụ bạn vì số tiền phần mười mà bạn sẽ phải nộp cho người ấy, chứ không phải vì người ấy thực tâm mưu cầu sự cứu rỗi cho bạn vì yêu thương bạn.
Nhưng bạn không cần phải băn khoăn, vì đã có cách để xác định được thực hư điều đó rất dễ.
Một nhà truyền đạo chân chính, làm việc vì tình yêu thương để tín hữu được cứu chứ không phải đang làm việc vì phần mười của họ,
sẽ luôn khuyên nài các con chiên phải vâng phục Chân Lý dù phải trả bất cứ cái giá nào.
Ví dụ, anh ta sẽ khuyên nài bạn phải giữ ngày Sa-bát trong Mười Mạng Lệnh của Chúa ngay cả khi có vì thế mà bị mất việc làm.
Khi sẵn sàng chấp nhận làm tổn hại đến thu nhập của bạn để đưa ra lời khuyên bảo trung tín ấy,
anh ta đang chấp nhận làm tổn hại đến chính thu nhập của anh ta, thứ đến từ phần mười của bạn, để cứu rỗi linh hồn bạn.
Và đó là một bằng chứng cho thấy anh ta đang làm việc vì yêu thương bạn thật lòng chứ không phải vì tiền của bạn.
Khi mà tất cả mọi người đều nộp phần mười của mình cho người đã có công đưa mình vào nhận thức Chân Lý đầy đủ để được cứu rỗi như vậy,
thì lập tức tất cả những người thực hiện công tác cứu linh đều sẽ tự động được thụ hưởng theo công lao của chính họ.
Ai làm nhiều thì hưởng nhiều, ai làm ít thì hưởng ít, ai không làm thì không hưởng.
Bản thân tôi – người thiết kế bài giảng này – là một nhà truyền đạo,
mà còn phải nộp phần mười của mình vào tay mục vụ đã đưa tôi vào sự nhận biết Chân Lý đầy đủ chứ không được tự nộp vào mục vụ mà tôi đang chủ quản,
thì các bạn biết rồi đấy.
Luật là luật.
Phần mười phải được nộp đúng cho người đầy tớ trung tín của Chúa đã có công phục vụ ta.
Ấy là thù lao của họ do chính Chúa ban, cho việc phục vụ chúng ta.
Chúng ta thậm chí còn không được phép giữ lại phần mười ấy kể cả là để làm từ thiện hay làm việc khác cho Chúa.
{Ellen G. White – Bản thảo xuất bản (Manuscripts Releases), quyển 1, 188.7}
“Nhiều người làm mục vụ đã nằm xuống trong mộ mình,
bị đưa xuống đó bởi buồn đau và thất vọng, và bởi nỗi gian khổ đã bị chất lên họ
vì họ đã không nhận được xứng đáng cho công sức của mình.”
Chính vì được xây dựng trên cơ sở một QUY LUẬT bất biến
mà bất cứ tổ chức nào cũng phải tôn trọng nếu muốn hoạt động thành công: “thụ hưởng phải theo công lao”, một quy luật của sự công bằng,
nên hệ thống tài chính của Chúa không những vẫn còn nguyên hiệu lực, mà còn vô cùng quan trọng để đảm bảo hoạt động truyền bá Tin Lành hoạt động một cách hiệu quả:
nó buộc tất cả các nhà truyền đạo phải chịu hoàn toàn trách nhiệm với mục vụ mình chủ quản bằng thu nhập của chính mình,
phải dồn tâm dồn sức giúp đỡ và dạy dỗ dân sự mình thật tận tâm và chính xác, hoặc chính họ sẽ bị mất thu nhập.
[07] I Cô-rinh-tô 9:9, 10 luật pháp Mô-se chép: “Chớ khớp miệng con bò đang đạp lúa.”
Chẳng nhẽ Đức Chúa Trời đang lo cho con bò?!
Hay Ngài phán thảy đều vì chúng ta?
Bởi nó được chép là vì chúng ta.
Vì người cày phải cày với hy vọng,
và người đập lúa với hy vọng được chung hưởng niềm hy vọng của người.
{Ellen G. White, Lời chứng cho hội thánh (Testimonies for the church) quyển 7, 290.2}
“Những người làm công trung tín này,
những người vì cớ Đấng Christ đã từ bỏ các triển vọng thế gian, lựa chọn sự nghèo khổ hơn là lạc thú hay giàu sang;
những người quên mình đã lao khổ cật lực để giành được các linh hồn về Đấng Christ;
những người đã dâng hiến rời rộng để thúc đẩy các dự án khác nhau trong công cuộc của Đức Chúa Trời,
và rồi đã kiệt quệ trong trận chiến, mỏi mệt và đau ốm, và không còn tài lực chu cấp,
không được để bị bỏ lại để vật lộn với nghèo túng và thống khổ, hay để cho cảm thấy rằng họ là những người ăn mày.
Khi đau ốm hay bệnh tật đến trên họ, đừng để những người làm công của chúng ta phải nặng gánh với nghi vấn lo âu:
‘Vợ mình và các con mình sẽ thế nào đây, khi bây giờ mình không thể lao động và chu cấp cho các nhu cầu thiết yếu của họ nữa?'”
Phần mười của một tín hữu phải được nộp cho người đã có công đưa tín hữu ấy vào sự nhận biết Chân Lý đầy đủ,
làm thu nhập cho người tiếp tục đi tìm cứu những linh hồn khác, chu cấp khi người đã phụng sự Chúa đến kiệt sức, đau ốm, già yếu, tù đày,
thậm chí là kể cả khi người chết đi hay tử đạo, bỏ lại vợ góa, con thơ, cha mẹ già hay bất cứ người phụ thuộc nào.
Tất cả các sắp xếp này của Chúa thì rõ ràng rất hợp tình hợp lý, thụ hưởng đi theo công lao,
đến mức cho phép người đầy tớ của Ngài có thể yên tâm đối diện ngay cả với cái chết mà không phải lo lắng về những người phụ thuộc mình phải bỏ lại.
Thế nhưng ngày nay thì nhiều hội thánh, do thiếu kiến thức về quản trị học mà cứ tự cho rằng mình khôn ngoan,
đã thay thế hệ thống tài chính này của Chúa bằng phương thức trả lương cố định do họ tự nghĩ ra:
bất kể kết quả làm việc thế nào, mục sư cũng được Giáo Hội trả cùng một mức lương,
còn phần dâng hiến và phần mười sẽ được thu hết về tổng hội.
Thứ nhất, chủ trương trái Kinh Thánh này vô hình chung thông báo với mọi mục sư một thông điệp ngầm rằng:
Giáo Hội mới là người trả lương cho các vị,
cho nên ngay cả trong trường hợp Giáo Hội đi ngược lại Lời Chúa, nếu các vị không lựa chọn trung thành với Giáo Hội trên hết,
các vị sẽ bị cắt thu nhập!
Kết quả là họ bị nô dịch vào giáo hội
để chống cự lại bất cứ thứ gì đi ngược lại tín lý hệ phái của hội thánh đang trả lương cho họ,
ngay cả khi đó là những Chân Lý đúng Kinh Thánh được đưa đến bởi Chúa.
Một hội thánh càng thối nát và bội đạo,
thì các lãnh đạo của nó càng tìm cách tập trung toàn bộ tiền của và quyền lực về mình
hòng chiếm lấy vị trí của Chúa mà khống chế lương tâm của những người làm mục vụ,
để chống cự lại các dẫn dắt của Ngài.
Thứ hai, chủ trương “bao cấp” này còn làm nảy sinh và dung túng cho nhiều kẻ chăn bầy lười biếng trong công tác truyền giáo.
Rõ ràng rồi: làm tốt hay làm tồi thì thu nhập vẫn thế, việc gì phải nỗ lực cố gắng?
Trong khi đó, những mục vụ có tốc độ tăng trưởng cao nhất của hội thánh, đáng nhẽ cần phải dồn nguồn lực vào để phát triển
thì lại bị tước đoạt nguồn lực mà đúng ra những mục sư trung tín chủ trì chúng có thể dùng để phát triển mục vụ.
Những hội thánh áp dụng hệ thống tài chính ngu ngốc này
vì thế dù đã có mặt ở những thành phố lớn nhiều triệu dân lâu đến cả trăm năm, mà vẫn mãi chỉ có lèo tèo vài trăm tín hữu.
Có thể những thời kỳ thiếu hiểu biết này trong quá khứ, Đức Chúa Trời đã bỏ qua ([05] Công Vụ 17:30),
nhưng bây giờ với ánh sáng hằng gia tăng mà trong ấy chúng ta phải liên tục tiến bộ, chúng ta được kêu gọi để ăn năn khỏi sự ngu dại này.
{Ellen G. White, Các bước đến Đấng Christ (Steps to Christ), 112.2}
‘Khi dân sự của Đức Chúa Trời tăng trưởng trong ân điển, họ sẽ liên tục nhận được một sự hiểu biết rõ ràng hơn về Lời Ngài.
Họ sẽ nhận biết ánh sáng và nét đẹp mới trong những Chân Lý thiêng liêng của nó.
Điều này đã đúng trong lịch sử hội thánh trong mọi thời đại, và nó sẽ tiếp tục như vậy cho đến cuối cùng.’
Dân sự vì thế cần phải học cách làm những người nộp phần mười khôn ngoan và có trách nhiệm.
Hãy nói chuyện với lãnh đạo hội thánh mình để họ thay đổi.
Nếu họ không chịu ăn năn, hãy tìm những nơi biết tôn trọng Kinh Thánh, tôn trọng hệ thống tài chính của Chúa,
biết dạy dỗ dân sự Ngài sống công chính và kết quả mà nộp phần mười cho Ngài.
Chân lý về hệ thống tài chính của Chúa một khi được lan tỏa, sẽ có công dụng:
1) Phá vỡ xiềng xích tài chính mà các giáo hội làm sai lời Chúa đang dùng
để trói buộc các mục sư và các nhà truyền đạo phải trung thành với hội ngay cả khi hội đang làm sai Chân Lý,
giúp di chuyển lòng trung thành cao nhất của họ trở về với Chúa, sau đó mới đến với hội thánh.
2) Kích thích những người làm công của Chúa làm việc chăm chỉ hơn.
Biến cải không ít những kẻ chăn bầy lười biếng trung thành với giáo hội kể cả khi nó đang làm sai hiện nay,
thành những người làm công chăm chỉ trung thành với Chân Lý, năng nổ xông pha trong công tác cứu linh.
3) Di chuyển tài lực khỏi những kẻ chăn bầy lười biếng và ăn hại, khỏi những hội thánh cố tình dạy dỗ trái Kinh Thánh – nếu họ vẫn cứ không chịu ăn năn –
sang những đầy tớ chân chính của Đức Chúa Trời, trung tín trong sự phục vụ Ngài và những mục vụ dạy dỗ chính xác Lời Ngài, thực sự giúp ích được cho dân sự.
Trong những ngày cuối cùng, công tác cải chánh trở về đúng với Lời của Đức Chúa Trời chắc hẳn sẽ không thể thiếu việc khôi phục lại hệ thống tài chính cũ của Chúa,
với tư cách là một trong những nguyên lý hoạt động rường cột của công tác Ngài.
Dưới hệ thống tài chính này, thù lao của người làm việc Chúa sẽ chỉ còn phụ thuộc vào 2 điều:
<1> họ thực sự cứu và dạy dỗ đầy đủ các chân lý được bao nhiêu người,
và <2> họ có dạy dỗ các chân lý Kinh Thánh chính xác không,
hay sẽ để cho dân sự họ phụ trách có được lý do chính đáng để nộp phần mười của mình đi chỗ khác.
{Ellen G. White, Bản thảo (Manuscripts) 149, 1899, khổ 6}
“Phần mười hãy được đi đến những ai lao khổ trong lời và giáo lý, dù họ có là nam hay nữ.”
Nhân tiện, hội thánh SDA Tiên Phong không hề có mục sư nữ,
vì thế những phụ nữ được trả lương bằng phần mười trong lời tuyên bố này thậm chí còn không thể nào là mục sư được.
Cho nên bất kể nam hay nữ, có phải mục sư hay không,
ai có công truyền dạy chính xác các chân lý của Lời Chúa cho người khác,
người ấy có quyền nhận phần mười làm thù lao.
Với việc hệ thống tài chính của Chúa được tuân thủ, đảm bảo mọi người đều sẽ được tự động tưởng thưởng theo chiến công,
ngay cả các tín hữu cũng sẽ được khích lệ và tạo điều kiện để trở thành một nhà truyền đạo chuyên nghiệp.
7. Phần mười phải chăng chỉ bao gồm hoa lợi của trồng trọt và chăn nuôi,
còn những người làm nghề khác không phải hoàn trả phần mười thu nhập của mình?
[01] Khởi Nguyên 28:22 Mọi thứ mà Ngài sẽ ban cho con,
con nhất định sẽ dâng một phần mười nó lên Ngài.
Ngay từ khi việc nộp phần mười chính thức trở thành hợp đồng giữa Đức Chúa Trời và vị tổ phụ của mọi người Is-ra-ên thuộc thể lẫn thuộc linh chúng ta ([06] Rô-ma 2:29),
nó đã bao gồm “mọi thứ” thu nhập mà Đức Chúa Trời ban cho rồi, chứ không chỉ bao gồm duy nhất hoa lợi từ trồng trọt và chăn nuôi như nhiều người nhầm tưởng.
Chính vì thế nên ngay từ thời Cựu Ước, đã không thể nào có chuyện có người nào được miễn nộp phần mười
chỉ vì không hành nghề trồng trọt và chăn nuôi, chứ đừng nói gì Tân Ước!
Ví dụ như các thương buôn, họ vẫn phải hoàn trả một phần mười lợi nhuận của mình lên Chúa như mọi người.
Một số người cho rằng chỉ những người làm nghề trồng trọt hay chăn nuôi mới phải nộp phần mười, còn mọi ngành nghề khác đều được miễn (?!).
Đây đơn thuần là một quan điểm hoàn toàn sai lầm.
Chưa cần trích dẫn [01] Khởi Nguyên 28:22,
mới chỉ cần sử dụng chức năng “nghĩ” của não bộ thôi, cũng đã có thể thấy rõ quan điểm này bất công, vô lý và ngu ngốc như thế nào.
Dễ hiểu, vì chẳng có thứ gì trên đời có thể làm cho con người ta trở nên ngu ngốc nhanh và triệt để bằng một trái tim bất phục lẽ phải và yêu mến tội lỗi cả.
Chỉ có những người thực chất đang muốn ăn trộm phần mười của Chúa bằng được, mới hồ hởi vồ ngay lấy những biện giải bẻ cong Kinh Thánh rõ ràng đi ngược lại lẽ công bằng như vậy mà thôi.
8. Nếu phần mười của Chúa được ban cho người truyền giảng làm tiền công,
thì việc dâng chúng ở những nơi cố tình giảng dạy trái lời Ngài, gây cho dân sự phạm tội, liệu có ổn không?
[08] II Cô-rinh-tô 11:13 Những kẻ như vậy là bọn sứ đồ giả,
những kẻ làm việc gian dối, giả mạo thành các sứ đồ của Đấng Christ.
[03] Lê-vi 19:17 Phải khiển trách người lân cận mình
và chớ để mặc một tội lỗi nào ở trên người ấy.
[04] Giăng 10:27 Chiên Ta nghe tiếng Ta, và Ta biết chúng, và chúng theo Ta.
Chúa JESUS đã cho chúng ta biết khả năng nghe được tiếng Ngài và đi theo
chính là dấu chỉ quyết định cho biết một người có thực sự phải là chiên của Ngài hay không.
Khi một nhà truyền giảng, mục sư hay hội thánh giảng dạy sai Kinh Thánh vì vô ý,
thì khi bạn nói cho họ Chân Lý trong tình yêu thương, họ sẽ nhận ra tiếng của Chúa, tiếp nhận chân lý và điều chỉnh lại cho đúng.
Trong trường hợp đó, họ vẫn là những người đầy tớ hết lòng với Chúa với hết khả năng tri thức của mình, và vẫn xứng đáng được nhận tiền công cho công tác mình đã phục vụ.
Tuy nhiên, khi một người hay tổ chức giảng dạy những điều trái Kinh Thánh, nhận được sự chỉnh sửa mà cố tình không ăn năn,
hay thậm chí không thèm nghe chỉnh sửa, đặc biệt vì những lý do như địa vị cá nhân, công ăn việc làm trong hội thánh… thì là chuyện hoàn toàn khác rồi.
Trong trường hợp này, dân sự nên tìm kiếm nơi giảng dạy Lời Đức Chúa Trời một cách chính xác để tham gia sinh hoạt, để được gây dựng tại đó
và nộp phần mười cho những đầy tớ chân chính của Chúa phục vụ mình, tránh để tài lực rơi vào tay những bên sẽ dùng chúng để cố ý truyền bá những tà thuyết dối trá trái Kinh Thánh.
Việc một mục vụ hay hội thánh cố tình chống cự lại Chúa cũng là lý do chính đáng DUY NHẤT cho dân sự mang phần mười đi nộp ở chỗ khác.
Còn ngoài lý do này ra, nếu mục vụ hay hội thánh ấy vẫn phụng sự Chúa một cách trung tín, hết lòng đi theo mọi dẫn dắt và ánh sáng chân lý mà Ngài đưa đến,
thì những tín hữu nào đã được họ dạy các chân lý của Lời Chúa sẽ phải có trách nhiệm nộp phần mười cho người đã phục vụ mình chứ không được tự tiện nộp sai chỗ.
Cho nên khi bạn thấy có một nhà truyền đạo xuất sắc và trung tín trỗi dậy, cứu và dạy dỗ đầy đủ các chân lý được nhiều người rồi có được thu nhập cao,
đừng bất mãn hay đố kỵ theo sự cảm thúc của Ma Quỷ, nhưng thay vào đó hãy vui mừng hân hoan!
Vì một dũng sĩ mới của Chân Lý đã được dấy lên, và công việc Chúa đang được phát triển!
Có thể trong thế gian, khi có một người giàu lên nhờ lao động chân chính, nếp tư duy của thế gian sẽ là:
“Thằng này làm ra được một tỷ đô! Cần phải đánh thuế nó thật nặng để chuyển tiền nó kiếm được sang những người khác.”
Nhưng trong Chúa thì lại ngược lại:
“Người này làm ra được một tỷ đô! Chúng ta hãy tạo điều kiện để sang năm sau, anh ta có thể tiếp tục bằng lao động chân chính mà làm ra hai tỷ đô, đóng góp nhiều hơn nữa cho cộng đồng.”
Nói theo giọng của Chúa JESUS thì là:
“Tất cả những ai có sẽ được ban cho nữa,
còn từ kẻ không có, thứ mà nó có cũng sẽ bị lấy khỏi nó.” [03] Lu-ca 19:26.
Nếu một nhà truyền đạo trung tín nhờ ơn Chúa mà thành công lớn trong công tác mình được giao và có được thu nhập cao, anh ta vẫn sẽ phải tiếp tục giải trình trước Ngài về từng đồng mình tiêu mà thôi,
và về việc anh ta tiếp tục duy trì nếp sống cần kiệm để chắt chiu đầu tư được thêm bao nhiêu tài lực cho công việc Ngài – không khác gì những người giàu khác trong Chúa cả.
Trách nhiệm hằng cầu hỏi Chúa xem Ngài muốn điều động nguồn lực Ngài đã ban cho mình đến công tác nào của Ngài, là việc của từng người họ đối với Chúa.
Còn phần chúng ta hãy cứ tuân thủ đúng nguyên tắc:
ai đã có công đưa mình vào sự nhận biết Chân Lý đầy đủ
thì cứ thế mà nộp phần mười của mình cho Chúa nơi người ấy.
{Ellen G. White, Lời chứng cho hội thánh (Testimonies for the church) quyển 8, 142.3}
“Những người làm công đáng giá, hiệu quả, phải được nhận thù lao chính đáng cho công sức lao động của họ,
và họ phải được để yên để thực hành óc phân định của chính họ trong việc tự quyết mình sẽ làm gì với thù lao của mình.”
9. Chúa JESUS nói gì về việc nộp phần mười?
[01] Ma-thi-ơ 23:23 Khốn cho các ngươi, các thầy thư ký và những người Pha-ri-si, bọn đạo đức giả!
Vì các ngươi dâng phần mười bạc hà, và hồi hương, và thì là,
và bỏ qua những điều trọng đại hơn của luật pháp: công lý, và lòng thương xót, và đức tin.
Những điều này phải làm, những điều kia chớ bỏ!
Thoạt đọc qua thì chúng ta có thể tưởng Chúa JESUS lên án người Pha-ri-si về việc họ nộp phần mười, nhưng không phải.
Chúa lên án họ vì trong khi họ biết chi li từng tí một trong chuyện nộp phần mười để ngồi đếm từng mớ rau thơm, thì họ lại bỏ quên công lý, lòng thương xót và đức tin.
Sự bỏ quên những nguyên tắc nền tảng của Đức Chúa Trời mới là thứ đang bị lên án ở đây.
Đó là lý do vì sao Chúa JESUS nói, “những điều này phải làm (phải nộp phần mười), những điều kia chớ bỏ (công lý, lòng thương xót, đức tin).”
10. Một số người viện dẫn câu nói của Chúa JESUS trong [01] Ma-thi-ơ 17:26 “các con trai được miễn”
để bảo rằng Cơ Đốc nhân Tân Ước là con cái của Đức Chúa Trời nên được miễn thuế chứ không phải đóng như thời Cựu Ước nữa.
Lời Chúa nói sao về lý luận này?
[05] Nhị Luật 14:1 Anh em là con cái của YHWH Đức Chúa Trời anh em.
Sách [05] Nhị Luật, một sách hiển nhiên là của Cựu Ước, đã cho thấy rành rành là ngay từ thời ấy
những người tin Chúa đã được gọi là con cái của Đức Chúa Trời rồi, chứ chẳng phải chờ đến Tân Ước!
Và Ngài rõ ràng vẫn đã yêu cầu họ phải đóng thuế như thường!
Vậy thì lời phán của Chúa trong [01] Ma-thi-ơ 17:26, và toàn bộ câu chuyện trong [01] Ma-thi-ơ 17:24-27 có ý nghĩa gì?
Rất đơn giản: chỉ có CON ĐẺ của Đức Vua mới được miễn thuế mà thôi, chứ chính sách ấy hoàn toàn không được áp dụng cho các con nuôi!
Chúa JESUS là người duy nhất trên đời có quyền được miễn đóng thuế cho Cha Ngài
(thuế mà người ta đang thu trong phân đoạn này là thuế đền thờ – đã nói rõ trong [01] Ma-thi-ơ 17:24).
Thế nhưng ngay chính bản thân Ngài, “để khỏi tạo cứ vấp phạm” (câu 27), Ngài vẫn cứ đồng ý đóng khoản thuế mà Ngài đúng ra được miễn này,
để khỏi còn kẻ nào có thể viện dẫn việc Ngài không đóng thuế ra làm lý do để trốn thuế nữa!
Một khi đọc cả phân đoạn lên, ý nghĩa thực sự của nó tức thì sáng tỏ,
và lại còn phản chứng ngược lại chính quan điểm rằng Chúa JESUS đang dạy “chúng ta là con cái nên không cần đóng thuế” trong phân đoạn này.
Bằng tấm gương của chính mình, Ngài đã cắt đứt mọi lý do lý trấu mà những kẻ lầm lạc có thể viện dẫn để làm cớ trộm cắp của Cha Ngài.
11. Ngoài phần mười thuộc về Đức Chúa Trời ra, Ngài còn cho phép chúng ta dâng hiến gì không?
[19] Thi Ca 96:8 Hãy dâng lên YHWH vinh quang của danh Ngài,
Hãy mang lễ vật và vào sân Ngài.
[20] Châm ngôn 3:9 Hãy tôn vinh YHWH bằng tài sản mình,
Và bằng bông trái đầu của mọi hoa lợi con.
[21] Truyền Đạo 5:4-5 Khi mà con thề nguyện một lời thề nguyện với Đức Chúa Trời,
đừng trì hoãn hoàn trả nó,
vì Ngài chẳng vui thích nơi bọn ngu dại.
Hãy hoàn trả thứ con thề nguyện.
Việc con không thề nguyện còn tốt hơn việc con thề nguyện mà không hoàn trả.
[08] II Cô-rinh-tô 9:7 Mỗi người hãy theo như mình đã định trong trái tim, không bởi miễn cưỡng hay bởi ép buộc,
vì Đức Chúa Trời yêu mến người vui vẻ cho đi.
{Bản tuyên ngôn hiệu đính các nguyên tắc nền tảng được dạy & thực hành bởi những người Phục Lâm ngày-thứ-bảy, Niên Sổ (Revised Declaration of the Fundamental Principles Taught & Practiced by the Seventh-day Adventists, Yearbook) 1889}
‘XVI – Rằng tài lực cho việc hỗ trợ công tác truyền giáo trong loài người
phải được đóng góp từ lòng yêu mến Đức Chúa Trời và lòng yêu mến các linh hồn,
không phải được gây quỹ bởi xổ số nhà thờ, hay các dịp được thiết kế để đóng góp vào các xu hướng yêu mến lạc thú,
thụ hưởng khẩu vị của tội nhân,
ví dụ như hội chợ, lễ hội, tiệc hàu, trà, chổi, lừa, và các trò xã hội điên rồ, v.v…,
những thứ là nỗi ô nhục cho hội thánh tuyên xưng của Đấng Christ;
rằng định phần thu nhập được yêu cầu của một người trong thời đại trước thì dưới thời đại của Tin Lành không thể ít hơn;
rằng ấy là cùng một mức mà Áp-ra-ham (người mà chúng ta là con cái, nếu chúng ta là của Đấng Christ, Ga-la-ti 3:29) đã trả cho Mên-chi-xê-đéc (hình bóng của Đấng Christ)
khi ông dâng cho ông ấy một phần mười của mọi thứ (Hê-bơ-rơ 7:1-4);
phần mười là của Chúa (Lê-vi 27:30);
và phần mười này của thu nhập một người cũng phải được bổ sung bởi các lễ vật dâng hiến từ những người có khả năng, cho việc hỗ trợ Tin Lành. II Cô-rinh-tô 9:6; Ma-la-chi 3:8, 10.’
Đức Chúa Trời cho phép chúng ta dâng hiến các lễ vật lên Ngài.
Phần dâng hiến này phải hoàn toàn tự nguyện, do thực tâm muốn dâng một cách vui vẻ với lòng biết ơn,
chứ không thể do ép uổng, nếu không sẽ chẳng có giá trị gì trước mặt Đức Chúa Trời cả.
Có nhiều người dâng hiến cho Đức Chúa Trời không phải từ tình cảm chân thành tìm kiếm Ngài, mà từ lòng tham lam mưu cầu tư lợi ích kỷ cho cá nhân mình,
cũng sẽ không được Ngài chấp thuận và ban phước.
{Ellen G. White, Lời chứng cho hội thánh (Testimonies for the church) quyển 6, 384.4}
‘Ngoài phần mười, Chúa còn yêu cầu BÔNG TRÁI ĐẦU của mọi thu nhập chúng ta.
Những thứ này Ngài đã để dành lại để công việc Ngài trên đất có thể được chu cấp đầy đủ.
Các đầy tớ của Chúa không được để bị giới hạn với một nguồn cung ít ỏi.
Các sứ giả Ngài không được để bị què quặt trong công việc giữ vững Lời Sự Sống của mình.
Cùng với việc họ dạy dỗ Chân Lý, họ nên có cả tài lực để ĐẦU TƯ cho sự phát triển của công việc nữa,
điều phải được thực hiện vào đúng thời điểm để có được ảnh hưởng tốt nhất và cứu rỗi nhất.
Những công việc của lòng nhân từ phải được thực hiện;
người nghèo và người đau bệnh phải được hỗ trợ.
Các LỄ VẬT và DÂNG HIẾN nên được chỉ định cho mục đích này.
Đặc biệt là ở những khu vực mới, nơi lá cờ Chân Lý chưa bao giờ được giương cao, công việc này phải được thực hiện.
Nếu tất cả dân sự tự xưng của Đức Chúa Trời, cả già lẫn trẻ, chịu thực hiện trách nhiệm của mình, sẽ chẳng có sự thiếu hụt nào trong ngân quỹ cả.
Nếu tất cả chịu nộp phần mười trung tín và dâng cho Chúa bông trái đầu của thu nhập mình, sẽ có nguồn cung tài lực đầy đủ cho công việc Ngài.
Nhưng luật pháp của Đức Chúa Trời đã không được tôn trọng hay vâng phục,
và điều này đã mang lại một áp lực của sự thiếu thốn.’
Vậy bông trái đầu của mọi thu nhập chúng ta là cái gì?
Nó là con đầu lòng của mọi gia súc, hay phần lúa chín đầu tiên trên đồng ruộng và những trái chín đầu tiên trong vườn cây của một vụ mùa.
Nó cũng có thể là thù lao của ngày làm việc đầu tiên của tháng, hoặc của tuần làm việc đầu tiên mà chúng ta nhận được cho một công việc mới hoặc một năm mới.
Tóm lại, nó là phần thu nhập đầu tiên của một chuỗi thu nhập mà Chúa ban cho chúng ta,
được dâng trước lên Ngài để cảm tạ với lòng tin rằng Ngài sẽ ban phước cho toàn bộ phần thu nhập còn lại.
Mỗi người hãy tự tính bông trái đầu của thu nhập mình là cái gì theo sự soi dẫn của Thánh Linh trên lương tâm, rồi dâng lên Chúa các lễ vật và dâng hiến của mình.
Không như phần mười phải nộp đúng cho những người nào đã trực tiếp có công phục vụ chúng ta (trừ phi họ đang chống lại Chúa),
phần dâng hiến tự nguyện của chúng ta thì hoàn toàn có thể dành cho dự án cứu linh hay mục vụ nào mà Chúa cho chúng ta thấy là xứng đáng và đang cần tài lực.
12. Đức Chúa Trời đã phán hứa điều gì với con dân Ngài về vấn đề nộp thuế phần mười và lễ vật dâng hiến?
[39] Ma-la-chi 3:10 “Hãy thử Ta nơi điều này,” YHWH muôn quân phán,
“liệu Ta có mở cho các con các cửa sổ của các tầng trời,
và trút xuống các con ơn phước đến không còn chỗ chứa chăng!”
Đây là lời tuyên bố chính thức:
chúng ta không thể thắng nổi Đức Chúa Trời trong chuyện cho đi, không thể nào dâng cho Ngài nhiều hơn ơn phước mà Ngài đổ trở lại xuống đầu chúng ta,
và đây không phải chỉ đơn thuần là vấn đề về tiền.
Tiền chỉ là một trong rất nhiều thứ chúng ta cần, và sự thật là hạnh phúc của chúng ta còn không cần phải có quá nhiều nó,
để mà chúng ta phải thèm khát nó như cái cách mà bây giờ nhiều người chúng ta đang thèm khát.
Quả thật, còn nhiều phước lành khác QUAN TRỌNG HƠN NHIỀU để mà thèm khát.
Khi Đức Chúa Trời mở các cửa thiên đường, ơn phước mà Ngài đổ xuống còn bao gồm sức khỏe, bình an, lời cầu nguyện được đáp lời,
sự bảo vệ của các thiên sứ khỏi tai nạn, dịch bệnh và cám dỗ, một gia đình yêu thương có Chúa làm trọng tâm, được dạy dỗ và huấn luyện tận hiến với Chúa bởi tấm gương của chính chúng ta,
một tâm trí khôn ngoan và nhãn quan thuộc linh tinh tường để nhận biết được bản chất thực sự của những sự việc đang xảy ra, thành công trong công tác cứu linh, một mối quan hệ gần gũi hơn nữa với Chúa, v.v…
Tất cả những phước lành này đều quan trọng hơn nhiều cho hạnh phúc chân chính, là những thứ mà chúng ta nên thèm khát hơn tiền bạc nhiều.
Tiền bạc chúng ta có thể cần, nhưng chỉ đến một mức nhất định mà phẩm giá của chúng ta đủ vững vàng để có thể chịu được mà thôi:
vừa đủ để chúng ta vẫn biết duy trì nếp sống từ bỏ chính mình và phẩm chất cần kiệm để chắt chiu tận hiến cho công việc Chúa,
chứ không bị sa ngã vào sự xa hoa, xa xỉ.
Còn vượt quá điểm ấy thì càng có thêm nhiều tiền chỉ càng thêm hại.
Nếu chúng ta thật sự yêu Chúa JESUS, việc tận hiến cho công cuộc tìm cứu những người hư mất của Ngài chẳng còn là một gánh nặng,
mà sẽ được nhận ra như nó đúng là: một vinh dự và ơn phước mà chúng ta được dự phần với niềm vui thánh khiết nhất.
Một số Cơ Đốc nhân ngày nay có tư duy rất kỳ lạ:
“Yêu cầu nào của Chúa mà Tân Ước không nói rõ, thì kể cả đã nói rõ trong Cựu Ước, tôi cũng không làm.”
Rồi họ vin vào việc Tân Ước không mất thời gian trình bày lại từ đầu hệ thống tài chính phần mười đã nói rõ trong Cựu Ước để chối bỏ trách nhiệm nộp thuế của công dân Vương Quốc Thiên Đường với Đức Vua.
Đây là một tư tưởng vô cùng sai lầm, vì nếu vậy thì chúng ta đốt luôn Cựu Ước đi, còn đọc làm gì nữa?
“Yêu cầu nào của Chúa đã nói rõ trong Cựu Ước, thì Tân Ước không cần nói lại cũng phải tự động làm“, mới là tư duy chính xác cho Cơ Đốc nhân.
Trừ phi, đương nhiên rồi, yêu cầu nào không cần thực hiện nữa, ví dụ như không còn cần phải cắt bì, thì Tân Ước sẽ nói rõ.
Mọi rủa sả dành cho kẻ bất vâng phục, và mọi phước lành dành cho người vâng phục Đức Chúa Trời trong vấn đề thuế phần mười này, mà Ngài đã tuyên bố từ thời Cựu Ước,
do vậy vẫn còn nguyên hiệu lực trong thời Tân Ước cho chúng ta cho đến ngày nay.
[39] Ma-la-chi 3:11 “Ta cũng sẽ quở trách Kẻ Ăn Nuốt cho các con, và hắn sẽ không phá hoại của các con bông trái của đất;
cây nho các con ngoài đồng cũng sẽ không bị rụng trái.” YHWH muôn quân phán.
{Ellen G. White, Lời chứng cho hội thánh (Testimonies for the church) quyển 6, 388.3}
“Satan chính là kẻ hủy phá.
Đức Chúa Trời không thể ban phước những người từ chối làm những quản gia trung tín.
Tất cả những gì Ngài có thể làm là cho phép Satan thực hiện công việc hủy phá của hắn.
Chúng ta thấy được các thảm họa đủ mọi thể loại và đủ mọi cường độ xảy đến trên đất, và tại sao vậy?
Quyền năng kiềm tỏa của Chúa đang không được thực thi.
Thế gian đã loại bỏ Lời của Đức Chúa Trời.
Họ sống như thể không có Đức Chúa Trời vậy.”
Cách duy nhất để có thể áp chế được Ma Quỷ khỏi làm hại đến công việc của chúng ta, là chúng ta phải vâng phục và trung tín với Chúa.
Khi ấy chính Ngài sẽ ra mặt và áp chế hắn.
Không có quyền năng kiềm tỏa của Ngài trên kẻ địch của chúng ta, mọi thứ chúng ta làm sẽ phải liên tục ở dưới nguy cơ lớn của việc bị mất trắng và xóa sổ về không,
trong khi đúng ra còn có thể được phát triển nở rộ dưới sự ban phước của Chúa cơ, nếu chúng ta trung tín.
13. Có một bài kiểm tra mà A-đam và Ê-va đã trượt,
nhưng chúng ta phải vượt qua để thừa hưởng vương quốc Đức Chúa Trời, đó là bài kiểm tra nào?
[01] Khởi Nguyên 2:17 Còn từ cây tri thức điều lành và điều dữ:
con chớ ăn từ nó, vì vào ngày con ăn từ nó, con sẽ chết chắc!”
Đức Chúa Trời đã dặn loài người là có thể ăn trái từ mọi cây trong vườn, trừ một cây – cây tri thức điều lành điều dữ.
Họ không được phép ăn trái từ cây, kẻo họ sẽ chết.
Nhưng Ngài chẳng hề dựng hàng rào điện quanh cái cây, mà để cái cây ở vị trí mà A-đam và Ê-va có thể dễ dàng vươn tay ra hái ăn.
Và họ đã làm đúng như vậy, vì họ không tin tưởng Đức Chúa Trời và đã ăn trộm của chính Cha mình.
Ngày nay, Đức Chúa Trời cho tất cả chúng ta cùng một phép thử như vậy.
Chúng ta được giữ tất cả phần thu nhập mà Cha ban cho chúng ta, trừ cái phần Ngài đã phán rõ là thuộc về Ngài.
Tuy nhiên, Ngài lại để phần thu nhập ấy ngay trong tay chúng ta, và nếu chúng ta muốn, chúng ta có thể hoàn trả lại cho Ngài, hoặc học theo A-đam và Ê-va mà lấy trộm của Cha mình số tiền đó.
Thực chất, dù là cây tri thức điều lành điều dữ, hay phần mười và lễ vật, hay cái gì, thì Đức Chúa Trời cũng chưa bao giờ phải cần đến chúng cả,
bởi Ngài là Đấng chủ quản của muôn vật, với quyền năng tạo ra mọi thứ từ hư không!
Cả cái cây lẫn khoản tài lực thuộc về Chúa đều chỉ là một phép thử của tình yêu thương, sự trung tín và lòng ngay thẳng, một trò chơi của đức tin và phẩm giá mà thôi.
14. Chúng ta đang vi phạm điều nào trong Mười Mạng Lệnh khi ỉm đi phần mười và các lễ vật, không dâng cho Đức Chúa Trời?
[02] Xuất Hành 20:15 Con chớ trộm cắp.
[39] Ma-la-chi 3:8 Con người sẽ ăn trộm Đức Chúa Trời được sao?
Nhưng các con đã ăn trộm Ta!
Nhưng các con nói: ‘Chúng con ăn trộm Ngài nơi điều gì?’
Phần mười và dâng hiến.
Đức Chúa Trời coi những người con cố tình không trung tín trong dâng hiến và phần mười là phạm tội trộm cắp với Ngài.
Loài người trộm cắp của nhau đã là tệ hại đến thế nào rồi,
vậy mà một số con cái Chúa còn liều lĩnh đến mức chủ tâm ăn trộm đến cả Đấng vừa là Vua Cha, vừa là Đức Chúa Trời Tối Cao của họ.
Đây cũng là một điều hết sức khó hiểu:
sao mà chính những người đã được cứu khỏi cảnh hư mất qua phần mười và lễ vật của người khác
lại có thể xâm phạm vào đúng cái phần tài chính mà Cha đã chỉ định để thực hiện chính công việc này?!
Các vị sẽ ở đâu nếu chỗ phần mười và lễ vật đã cứu các vị không được trung tín hoàn trả bởi những người đi trước các vị?
Sự thật là: chẳng có gì trên đời là miễn phí cả.
Bạn đã được nghe Tin Lành miễn phí, là vì có người khác đã thanh toán cho bạn được nghe những Chân Lý này mà thôi.
Cho nên mặc dù phần mười và dâng hiến của bạn trên danh nghĩa thì là thù lao của nhà truyền giáo đã có công phục vụ bạn,
nhưng thực ra về mặt bản chất còn không phải là chi phí bạn chi trả cho sự phục vụ mà chính bạn được nhận,
bởi vì NHỮNG NGƯỜI ĐI TRƯỚC BẠN ĐÃ CHI TRẢ PHÍ TỔN ẤY CHO BẠN RỒI.
Tài lực bạn đóng góp, trái lại, là khoản phí tổn mà bạn chi trả cho những người đến SAU BẠN, để họ cũng sẽ được nghe Tin Lành miễn phí giống như bạn vậy.
Khi không trung tín hoàn trả cho Chúa tài lực ấy, bạn vẫn đã, đang và sẽ tiếp tục được phục vụ (phí tổn vẫn đã được thanh toán),
nhưng bạn cướp đi của những người đến sau cơ hội được nghe các chân lý cứu rỗi một cách miễn phí, giống như bạn đã được nghe.
Phần lớn, nếu không muốn nói là tất cả các chiêu trò của Ma Quỷ, đều được hắn thiết kế để tìm cách lừa người ta vi phạm một trong Mười Mạng Lệnh của Đức Chúa Trời, để rồi từ đó hư mất mà thôi.
Tà thuyết ba ngôi là để lừa người ta vi phạm mạng lệnh thứ nhất.
Ngày Sa-bát giả là để lừa người ta vi phạm mạng lệnh thứ 4.
Tội thủ dâm và phim ảnh sách truyện khiêu dâm là để lừa người ta vào những thói quen tự bạo hành thân thể và phạm tội ngoại tình trong trái tim, vi phạm mạng lệnh thứ 6 và thứ 7.
Tương tự, việc tấn công vào trách nhiệm nộp thuế phần mười cũng không hề ngoại lệ, để lừa cho con người vi phạm mạng lệnh thứ 8 “ngươi chớ trộm cắp”,
cụ thể ở đây là trộm cắp tài lực của Chúa, và trộm cắp cơ hội được nghe Chân Lý để nhận sự cứu rỗi của những người đến sau – thứ tồi tệ nhất mà họ có thể bị cướp đoạt.
Đáng buồn là nhiều nhà truyền giảng ngày nay đang tiếp tay cho Ma Quỷ để phớt lờ, thậm chí còn rao giảng chống lại hệ thống tài chính của Chúa mà Ngài đã chỉ định để phục vụ việc rao truyền Tin Lành cứu người
ngay cả sau khi đã được tiếp cận với lời chứng của chính Chúa JESUS ban qua nhà tiên tri Ngài về vấn đề này.
{Ellen G. White – Công nhân Tin Lành (Gospel Workers) 1915 – 369.3, 370.1}
“Một người làm mục vụ không bao giờ nên để lại một phần công việc không được thực hiện vì nó không hấp dẫn để mà thực hiện,
nghĩ rằng nhà truyền giáo đang đến tiếp theo sẽ thực hiện nó cho mình.
Khi xảy ra tình trạng này, nếu một nhà truyền giáo thứ hai theo sau người thứ nhất, và trình bày yêu cầu của Đức Chúa Trời trên dân sự Ngài,
một số người lùi lại, nói,
“Nhà truyền giáo đã đem chân lý đến cho chúng tôi không hề nhắc đến những việc này.”
Và họ bị vấp phạm bởi lời ấy.
Một số người từ chối chấp nhận hệ thống phần mười;
họ quay đi, và không còn bước đi cùng những người tin nhận và yêu mến Chân Lý.
Khi những công việc khác được mở ra trước họ, họ trả lời,
“Chúng tôi không được dạy như thế,”
và họ chần chừ trong việc tiến về phía trước.
Sẽ tốt hơn bao nhiêu nếu vị sứ giả đầu tiên của Chân Lý đã dạy dỗ một cách trung tín và cặn kẽ những người cải đạo này liên quan đến tất cả các vấn đề quan trọng,
ngay cả nếu ít người hơn sẽ được thêm vào hội thánh dưới công tác của anh ta.
Đức Chúa Trời sẽ hài lòng khi có sáu người được cải đạo triệt để vào Chân Lý hơn là sáu mươi người xưng nhận mà chưa thực sự biến cải.
Một phần công việc của nhà truyền giáo là dạy dỗ những ai tiếp nhận Chân Lý qua công sức của mình:
đem phần mười vào kho, như một lời thừa nhận sự phụ thuộc của họ vào Đức Chúa Trời.
Những người mới cải đạo nên được soi sáng đầy đủ về trách nhiệm của họ trong việc hoàn trả Chúa những gì của Ngài.
Mạng lệnh hoàn trả phần mười quá rõ ràng đến mức chẳng có lý do giả đò gì được cho việc lờ bỏ nó.
Người nào bỏ mặc việc dạy dỗ về điểm này, để lại một phần công việc tối quan trọng của mình trong tình trạng không được thực hiện.”
Nếu luật phần mười của Chúa được tuân thủ nghiêm ngặt, sẽ chẳng có nhà truyền đạo chân chính nào phải lâm vào cảnh thiếu thốn cả, và công việc của Chúa qua đó cũng sẽ chẳng bao giờ bị lâm vào tình trạng trì trệ.
Nhưng trên thực tế thì đa phần những người xưng là Cơ Đốc nhân đều vi phạm mạng lệnh “ngươi chớ trộm cắp” ở khoản này.
Nếu mục sư của họ là người trung tín, biết lên tiếng khiển trách các tội lỗi của họ, họ nổi khó chịu lên và “trả ơn” bằng cách ăn trộm phần mười.
Nếu mục sư chỉ rao giảng cho họ những điều êm tai, họ cũng sẽ không nộp phần mười, vì họ đã ăn năn tội lỗi mình để đầu phục Chúa đâu mà thấy cần phải nộp?!
Cho nên thực ra, nghề truyền giáo lại là một trong những nghề nghèo khổ nhất, phải thường xuyên làm thêm công việc khác mới đủ chu cấp.
Hãy quan sát nhà truyền giáo vĩ đại nhất lịch sử loài người – JESUS Christ – và xem Ngài “giàu” đến thế nào.
“Giàu” hơn cả cáo và chim!
Những người bảo rằng theo nghề này dễ làm giàu, đơn thuần không hề biết mình đang nói gì, cũng chưa từng làm thử công việc này bao giờ.
Họ nhìn vào một số kẻ lừa đảo mang danh mục sư đi lừa tiền của tín hữu, và đánh đồng tất cả những đầy tớ trung tín và cần kiệm của Đức Chúa Trời,
những người hàng ngày chịu đựng thiếu thốn khổ cực để chắt chiu cho công tác cứu linh, đều như những kẻ này.
Nhiều kẻ trong số họ làm vậy chỉ với mục đích chính
là tìm ra một lý do để biện minh cho tội trộm cắp của mình mà thôi – thứ lý do đương nhiên sẽ không bao giờ được Chúa chấp nhận.
Những ai không xác định trước sẽ cam chịu sự bạc bẽo vô ơn của loài người với trái tim yêu thương xả thân, thề nguyện cuộc đời mình với sự hạ mình, cần kiệm và lao khổ cật lực, thì không thể làm một nhà truyền đạo chân chính.
15. Đức Chúa Trời nói gì về những người cố tình ăn trộm của Ngài lễ vật và phần mười?
[39] Ma-la-chi 3:9 Các con bị nguyền rủa với sự nguyền rủa,
vì các con, cả nước, đều ăn trộm Ta.
[07] I Cô-rinh-tô 6:9-10 Dù bọn gian dâm, hay bọn thờ thần tượng,
hay bọn ngoại tình, hay bọn ẻo lả, hay bọn đồng tính luyến ái,
hay bọn trộm cắp, hay bọn tham lam,
hay bọn say xỉn, hay bọn chửi rủa, hay bọn bóc lột,
đều sẽ không được thừa hưởng vương quốc Đức Chúa Trời.
[19] Hê-bơ-rơ 3:10 Ta buồn giận thế hệ đó, và phán: “Chúng luôn lầm lạc trong tâm.”
Đức Chúa Trời có lẽ cũng cảm thấy giống như một người làm cha bị con ăn trộm tiền từ ví của mình vậy.
Mất tiền chẳng phải là vấn đề ở đây, mà chính sự gian trá và trái tim bội bạc của đứa trẻ là điều gây cho Ngài nỗi buồn đau.
Những người cố tình không trung tín trong lễ vật và phần mười sẽ bị nguyền rủa, và trừ khi họ hối cải, họ sẽ bị cấm cửa khỏi vương quốc Đức Chúa Trời, như những người phạm tội trộm cắp vậy.
Hãy ghi lại nguyên lý này: 9/10 thu nhập được Đức Chúa Trời ban phước, kể cả trừ đi phần lễ vật dâng hiến Bông Trái Đầu, sẽ luôn nhiều hơn 10/10 bị nguyền rủa.
{Ellen G. White – Lời chứng cho hội thánh (Testimonies for the church), quyển 4, 233.3, 234.2}
“Trong cái kỷ nguyên của bóng tối và sai lạc này, những người xưng là người theo Chúa dường như nghĩ rằng
họ có quyền tự do tùy ý tiếp nhận hay chối bỏ các đầy tớ của Chúa và họ sẽ không bị buộc phải chịu trách nhiệm vì đã làm như vậy thì phải!
Sự vô tín và bóng tối đã dẫn họ vào điều này.
Cảm nhận của họ đã bị chai lỳ bởi sự vô tín của họ.
Họ cưỡng bức lương tâm của chính mình và trở nên không còn đúng với niềm tin của bản thân, và làm suy yếu chính họ về sức mạnh phẩm giá.
Họ xem người khác cứ như thể cũng giống họ vậy!
… Họ sẽ đánh đòn bằng cái lưỡi của sự xúc xiểm và dối trá.
Họ sẽ chỉ trích, và chống lại đầy tớ của Đức Chúa Trời chính những nỗ lực mà anh ta đang hướng họ thực hiện.
Họ sẽ, với NHỮNG TRÒ PHỎNG ĐOÁN GIAN ÁC của mình, nhìn chỉ thấy sự lừa đảo và trí trá khi tất cả đều đang đúng đắn và ở nơi lòng chính trực toàn hảo đang tồn tại.
HỌ VU KHỐNG NHỮNG ĐỘNG CƠ ÍCH KỶ CHO CÁC ĐẦY TỚ CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI, khi CHÍNH NGÀI đang dẫn dắt bọn họ,
và khi bọn họ sẵn sàng dâng hiến ngay cả mạng sống của mình nếu Đức Chúa Trời yêu cầu, nếu bởi làm như vậy bọn họ có thể đẩy công cuộc của Ngài tiến lên.
Những kẻ đã làm ít nhất, và đã đầu tư ít nhất vào công cuộc của chân lý, lại chính là những kẻ tiên phong nhất trong việc bày tỏ lòng thiếu tin tưởng vào sự chính trực của các đầy tớ của Đức Chúa Trời,
là những người bị đặt vào vị trí gánh vác các trách nhiệm về tài chính trong công việc lớn.
Còn những người tin tưởng vào công việc của Đức Chúa Trời thì sẵn sàng mạo hiểm cái gì đó cho sự phát triển của nó,
và sự thịnh vượng thuộc linh của họ sẽ được tương xứng với những việc làm của đức tin họ mà thôi.”
16. Vì sao lòng tham lại nguy hiểm đến thế?
[03] Lu-ca 12:34 Vì của cải các con ở đâu, trái tim các con cũng sẽ ở đó.
Lòng tham vô cùng nguy hiểm vì trái tim của chúng ta luôn ở cùng chỗ của cải của chúng ta.
Nếu phần lớn tài sản của chúng ta đều được tích trữ ở trên trời, qua những hy sinh và tận hiến của chúng ta cho Chúa và công việc của Ngài,
trái tim của chúng ta sẽ càng hướng đến sản nghiệp vinh quang của chúng ta trong Vương Quốc bất tử của Chúa,
để tràn đầy tình yêu thương và mọi phẩm giá cao quý, sẵn sàng hy sinh bản thân để đưa được thêm người vào Vương Quốc ấy.
Còn nếu thứ chúng ta tích lũy là tiền của và tài sản dưới thế gian này, trái tim chúng ta sẽ càng bấu vào chúng, trở nên tham lam và gian ác.
Đừng quên rằng chính lòng tham tiền hám lợi của Giu-đa Is-ca-ri-ốt đã đưa đường cho hắn phản bội Chúa JESUS chỉ để đổi lấy 30 miếng bạc ([01] Ma-thi-ơ 26:14-16).
17. Thực ra, thứ quan trọng nhất mà Đức Chúa Trời muốn chúng ta dâng cho Ngài là gì?
[20] Châm ngôn 23:26 Con ta, hãy dâng trái tim con cho ta,
Và mắt con hãy tuân giữ đường lối ta.
Thứ mà Đức Chúa Trời của Tình Yêu Thương mong muốn nhất từ chúng ta, không gì khác chính là Tình Yêu Thương chân thành với cả trái tim.
Phần mười do đó thực chất chỉ là yêu cầu mang tính tối thiểu, đẳng cấp mẫu giáo, dành cho những người bập bẹ mới bắt đầu biết Chúa.
Còn với những người đã trưởng thành, họ tận hiến cả trái tim, trí tuệ, tâm thần, công việc, và thậm chí cả sinh mạng mình nếu cần thiết, cho công việc của Đức Chúa Trời.
Với họ, việc trung tín trong phần mười và lễ vật chỉ là chuyện đương nhiên, là một trong rất nhiều bông trái công chính tất yếu sẽ biểu hiện ra ngoài của một người đã dâng trái tim mình cho Chúa mà thôi.
Nhiều người trong chúng ta có thói quen lãng phí rất nhiều tài lực của Chúa cho những sự thụ hưởng không cần thiết, thậm chí là những thứ thụ hưởng độc hại, trong khi ấy đúng ra phải là những lễ vật đẹp lòng Ngài.
Về điểm này, chúng ta nên học tập một số đứa trẻ con trong Chúa:
có những đứa được bố mẹ cho tiền ăn kem chẳng hạn, nhưng thực hành sự từ bỏ chính mình và lấy tiền mua kem đó dâng hiến lên Ngài!
Ấy chính là một ví dụ của một trái tim đã được tận hiến hoàn toàn cho Chúa,
và quả thật, những đứa bé đấy đang dâng vào công tác Ngài số tiền nhiều hơn hết thảy những người giàu có vẫn dâng cho Ngài tiền dư bạc thừa.
Khi mà sự dâng hiến phải bắt đầu đi kèm sự cần kiệm từ bỏ chính mình như vậy, chất vàng mười của đức tin và tình yêu thương trong trái tim mới thực sự được hiển lộ và chiếu tỏa rực rỡ cho vinh quang của Chúa.
{Ellen G. White, Mục vụ chữa lành (Ministry of Healing), 206.2 – 206.3}
“Nhiều người khinh bỉ sự cần kiệm, nhầm lẫn nó với sự keo kiệt và bủn xỉn.
Nhưng sự cần kiệm lại nhất quán với lòng hào phóng rời rộng nhất.
Quả thật, không có sự cần kiệm thì không thể có sự hào phóng chân chính.
Chúng ta phải tiết kiệm để chúng ta có thể cho đi.
Không có sự từ bỏ chính mình, không ai có thể thực hành sự từ thiện chân chính.”
{Ellen G. White, Công nhân Tin Lành (Gospel Workers) 92, 358.2}
“Những ai không có thói quen cần kiệm nên học lấy bài học ấy ngay lập tức.
MỌI NGƯỜI ĐỀU NÊN HỌC CÁCH LÀM SAO ĐỂ GHI CHÉP THU CHI.
Một số người bỏ bê công việc này như thứ không cần thiết, nhưng thế là sai lầm.
Mọi khoản chi đều nên được ghi lại một cách chính xác.”
Các bạn có biết ai có thói quen ghi chép lại từng đồng mình kiếm và tiêu không? John D. Rockefeller. Người Mỹ giàu có nhất mọi thời đại.
Tài sản của ông ấy đã bằng 1.5% GDP toàn nước Mỹ.
Con số đó đổi sang năm 2023 sẽ là 410 tỷ $. Còn giàu hơn cả Ellon Musk.
Biết ghi chép lại mọi khoản thu chi một cách chính xác là một trong những kỹ năng bắt buộc phải có trong quản trị tài chính cá nhân.
Những bậc cha mẹ là các doanh nhân thành đạt của thế gian, những người thậm chí chưa có Chúa, còn biết dạy kỹ năng ấy cho con cái mình.
Thế thì liệu chúng ta, con cái của ánh sáng hẳn hoi, có nên lười biếng và mù tịt về kỹ năng quá quan trọng này mà chính Chúa đã truyền đạt trực tiếp qua nhà tiên tri của Ngài cho chúng ta không?
{Ellen G. White, Lời chứng cho hội thánh (Testimonies for the church) quyển 5, 400.1 – 400.2}
“Không ai nên cho là thấp kém dưới mình cái việc học tập sự cần kiệm và cách thức tốt nhất để tận dụng các mẩu vụn.
Đấng Christ, sau khi Ngài thi triển một phép màu có tiếng, đã phán: ‘Hãy lượm lại những mẩu vụn thừa, để không chút nào bị phí mất.’
… Công cuộc của Đức Chúa Trời được ấp ủ gần trái tim những nhà tiên phong của sứ điệp này đến mức
họ hiếm khi nào ăn lấy một bữa tại khách sạn, ngay cả khi chi phí chỉ hai mươi lăm xu một bữa.
Nhưng các thanh niên nam và nữ thì thông thường đã không được giáo dục để cần kiệm, và lãng phí nối tiếp lãng phí khắp nơi.
Trong một số gia đình có một sự lãng phí gian ác đủ để chu cấp cho một gia đình nữa nếu nếp cần kiệm hợp lý được vận dụng.
Nếu, trong khi đi lại, những người trẻ của chúng ta GHI CHÉP LẠI THU CHI MỘT CÁCH CHÍNH XÁC SỐ TIỀN HỌ ĐÃ TIÊU, TỪNG MÓN MỘT,
MẮT HỌ SẼ ĐƯỢC MỞ ĐỂ NHÌN RA CÁC CHỖ THẤT THOÁT.
Trong khi họ có thể sẽ không được kêu gọi để từ chối chính mình ngay cả những bữa ăn nóng, như những người làm việc ban đầu đã làm trong phần đời đi rao giảng đó đây của mình,
họ có thể học cách để chu cấp cho những nhu cầu thiết yếu thực sự của họ với ít chi phí hơn là họ bây giờ đang nghĩ là cần thiết.
Có những người thực hành sự từ bỏ chính mình để có thể dâng hiến tài lực cho công cuộc của Đức Chúa trời;
vậy thì hãy để những người làm việc trong công cuộc ấy cũng thực hành sự từ bỏ chính mình bằng việc giới hạn các chi phí của mình nhiều nhất có thể.”
18. Sự kiện gì sắp xảy ra, biến toàn bộ tiền bạc của các thánh đồ thành một mớ giấy lộn vô giá trị?
[27] Mặc Khải 13:17 Không người nào có thể mua hay bán được
nếu không có dấu ấy, danh của con thú, hay số của danh nó.
Một khi sắc lệnh “Dấu của Con Thú” được ban hành, làm cho mọi thánh đồ chân chính vâng giữ đầy đủ Mười Mạng Lệnh của Đức Chúa Trời đều không thể mua bán được nữa,
mọi tài sản đất đai đều sẽ không thể nào còn bán đi được để dâng hiến cho công việc Chúa,
và mọi tiền bạc khi ấy đều sẽ chỉ còn là một mớ giấy lộn, hoàn toàn không thể sử dụng được bởi họ.
{Ellen G. White, Những ghi chép ban đầu (Early Writtings), 56.3, 57.1}
“Nhà cửa và đất ruộng sẽ chẳng còn công dụng gì đối với các thánh đồ trong thời kỳ ngặt nghèo, vì họ khi ấy sẽ phải bỏ chạy khỏi đám đông điên cuồng,
và vào thời điểm đó tài sản của họ sẽ không thể thanh lý để thúc đẩy công cuộc của chân lý cấp tiến được nữa.
Tôi đã được chỉ cho rằng ý muốn của Đức Chúa Trời là các thánh đồ hãy dứt bỏ mọi vướng bận trước khi thời kỳ ngặt nghèo ập đến, và lập lấy một giao ước với Đức Chúa Trời qua việc dâng hiến.
Nếu họ để tài sản của mình trên bàn thờ và chân thành cầu hỏi Đức Chúa Trời về nhiệm vụ,
Ngài sẽ dạy cho họ khi nào thì thanh lý những thứ này.
Sau đó họ có thể được tự do trong thời kỳ ngặt nghèo và không còn vướng bận gì đè nặng mình xuống.
Tôi đã thấy rằng nếu ai bám lấy tài sản của mình và không cầu hỏi Chúa về nhiệm vụ của họ,
Ngài sẽ không bày tỏ nhiệm vụ ấy, và họ sẽ bị cho phép giữ lấy mớ tài sản của mình,
và đến thời kỳ ngặt nghèo nó sẽ ngộn lên trước họ như một quả núi để nghiền nát họ,
và họ sẽ cố gắng thanh lý nó, nhưng sẽ không thể được nữa.”
Nếu khi sắc lệnh Dấu của Con Thú được ban hành mà chúng ta vẫn còn tài sản thừa nào, chúng ta sẽ không thể thanh lý được chúng để cống hiến cho công việc của Chúa được nữa.
Và chúng ta thì không cần nhiều hơn số đất đai và nhà cửa vừa đủ để chu cấp lương thực và chỗ ở cho chúng ta và những thánh đồ Chúa gửi đến chúng ta.
Các bất động sản, đất đai và tài sản thừa nào không thể được sử dụng cho Chúa, đều sẽ bị tính là những ta-lâng đã bị chúng ta chôn xuống đất, không sinh được lời cho Ngài.
[01] Ma-thi-ơ 25:28, 30 Vậy, hãy lấy ta-lâng khỏi nó và đưa cho người có mười ta-lâng!
…Và hãy ném tên đầy tớ vô dụng ra bóng tối bên ngoài,
ở đó sẽ có than khóc và nghiến răng.’”
Cho nên chỉ có một con đường phía trước cho chúng ta về vấn đề này mà thôi:
hằng để toàn bộ những gì mình có sẵn sàng trên bàn thờ trước Chúa,
hằng cầu hỏi Ngài về việc KHI NÀO thì thanh lý BAO NHIÊU, cho công việc gì,
để một khi Ngài phát lệnh kêu gọi là chúng ta dâng hiến.
19. Trung tín trong phần mười và lễ vật, tận hiến cho công việc Chúa là những việc làm thiết thực để thể hiện tình yêu của chúng ta dành cho Đức Chúa Trời và Cứu Chúa JESUS Christ Con Trai Ngài,
cùng lòng biết ơn của chúng ta với những điều vĩ đại, những hy sinh lớn lao và cao cả mà họ đã làm vì chúng ta.
Nếu bạn xét mục vụ này thực sự là của Chúa, và đã phục vụ một cách chính xác và trung tín các chân lý của Ngài cho bạn, bạn có thể chọn nơi đây là nơi nộp phần mười và các lễ vật dâng hiến của bạn lên Ngài.
Điều ấy sẽ hỗ trợ rất đắc lực cho công tác tiếp tục lan tỏa các chân lý này đến những người khác.
Còn nếu bạn thấy một mục vụ khác của Chúa đã có công trực tiếp phục vụ bạn và xứng đáng hơn với khoản đầu tư của bạn, bạn hãy nộp cho bên đó,
nhưng dù bạn nộp cho họ hay cho mục vụ này, thì bạn vẫn hãy nộp chứ đừng giữ lại tài lực của Chúa cho mình.
Để gửi phần mười và dâng hiến cho Chúa qua mục vụ này để hỗ trợ công tác rao giảng, hãy bấm vào “Ủng hộ” ở cuối thanh công cụ menu trên đầu website, hoặc gửi thẳng đến tài khoản ngân hàng:
VPbank (Việt Nam)
Tên: Kiều Quốc Hưng
Số tài khoản: 161775282
Hoặc tài khoản Paypal:
Hoặc vào tài khoản tiền crypto LiteCoin (LTC) này – hãy thông báo khi bạn nộp để mục vụ bán luôn phần Coin ấy, để phần tài lực không bị ảnh hưởng bởi biến động của giá Coin:
MP5n8EBNe2Xo5ZhfeBuMVKU6nv1zJsr1a5
Nhân tiện, bạn hãy học cách sử dụng tiền crypto để giao dịch đi là vừa đấy,
vì ấy là một trong những cách thức rẻ nhất để chuyển tiền quốc tế, có thể vượt qua mọi rào cản, ngay cả của những chính phủ cộng sản chuyên chế độc tài,
và chỉ có thể bị cấm một khi TẤT CẢ CÁC QUỐC GIA đã cấm nó, khi Dấu của Con Thú đã lan ra toàn cầu.
Chính vì vậy tiền crypto có lẽ sẽ là phương thức mua bán cuối cùng bị lấy đi khỏi các thánh đồ.
Và trong số các đồng tiền ấy, đặc biệt bền vững chính là những đồng crypto dựa vào vàng, vì giá trị của chúng gắn vào vàng nên không thể bị đánh sập bởi các chính phủ.
Bạn có thể vào những sản như remitano.com chẳng hạn, để set up tài khoản của mình cho giao dịch tiền crypto.
Nguyện Chúa ban phước dồi dào trên bạn tương ứng với sự trung tín của bạn, theo đúng Lời Ngài đã phán:
[39] Ma-la-chi 3:10 Hãy đem tất cả phần mười vào nhà kho để có lương thực trong Nhà Ta,
và hãy thử Ta nơi điều này,” YHWH muôn quân phán,
“liệu Ta có mở cho các con các cửa sổ của các tầng trời,
và trút xuống các con ơn phước đến không còn chỗ chứa chăng!
Phụ lục
Đôi lời tâm tình nhắn nhủ cho các tín hữu kinh doanh Bảo Hiểm Nhân Thọ.
Sản phẩm bảo hiểm có thể là rất tốt cho những người không có Chúa,
là những người đã từ chối tin nhận Chân Lý, không có sự quan phòng của Ngài trên đời sống mình, và không đóng góp nguồn tài lực mình đã được ban cho công việc Ngài.
Đối với họ, sự quan phòng của bảo hiểm có thể phần nào có ích lợi, và tài lực họ đang cầm cũng có thể được chuyển sang hàng ngũ của Chúa thông qua những anh chị em nào là tín hữu của hội thánh mà kinh doanh bảo hiểm.
Vậy nếu các bạn có bán, thì hãy bán cho những người ở ngoài.
Đừng tìm cách bán bảo hiểm cho các tín hữu trong Hội Thánh Thật Cuối Cùng.
Những người vâng phục các ánh sáng về sức khỏe và nếp sống đạo mà Chúa đã ban thì sẽ không chỉ có sự quan phòng của Ngài cho những trường hợp nguy cấp,
mà còn có sức khỏe nhìn chung là tốt hơn nhiều so với những người bất vâng phục.
Việc họ phải chia sẻ rủi ro nhân thọ với những người bất vâng phục ấy qua sản phẩm bảo hiểm, do vậy, là cực kỳ bất lợi và thiệt thòi,
chưa kể đến những ảnh hưởng thuộc linh rất xấu khác, ví dụ như việc để thất thoát nguồn lực đúng ra phải được dùng cho công việc Chúa chẳng hạn.
{Ellen G. White, Lời chứng cho hội thánh (Testimonies for the church) quyển 1, 549.2 – 550.3}
Chương 96 – Bảo Hiểm Nhân Thọ
Tôi đã được cho thấy rằng những người Phục Lâm giữ ngày Sa-bát không nên tham gia vào bảo hiểm nhân thọ.
Đây là một hoạt động thương mại với thế gian mà Đức Chúa Trời không phê chuẩn.
Những người tham gia vào hoạt động này đang liên hiệp lại với thế gian, trong khi Đức Chúa Trời kêu gọi dân sự Ngài ra khỏi giữa bọn họ và tách biệt ra.
Vị thiên sứ đã nói: “Đấng Christ đã mua lấy các cậu bằng sự hy sinh của mạng sống Ngài.
‘Sao? Các bạn chưa biết rằng thân thể các bạn là đền thờ của Thánh Linh trong các bạn, mà các bạn có từ Đức Chúa Trời, và các bạn không phải là của chính mình?
Vì các bạn đã được mua lại bằng một cái giá:
vậy hãy tôn vinh Đức Chúa Trời với thân thể mình, và với linh của mình, những thứ là của Đức Chúa Trời.’
‘Vì các bạn đã chết rồi, và sự sống của các bạn đã được giấu cùng Đấng Christ trong Đức Chúa Trời.
Khi nào Đấng Christ, Đấng là sự sống của các bạn, hiện ra, bấy giờ các bạn cũng sẽ hiện ra cùng Ngài trong vinh quang.'”
Đây là thứ bảo hiểm nhân thọ duy nhất mà Thiên Đường cho phép. {1T 549.2}
Bảo hiểm nhân thọ là một chính sách thế gian, thứ dẫn dụ các anh em chúng ta, những người tham gia nó, rời xa khỏi sự đơn sơ và tinh khiết của tin lành.
Mọi sự xa rời như vậy đều làm suy yếu đức tin của chúng ta và suy giảm sự thuộc linh của chúng ta.
Vị thiên sứ đã nói: “Nhưng các bạn là dòng giống được lựa chọn, là chức tế lễ hoàng gia, là một thánh quốc, là một dân đặc biệt,
để các bạn công bố công đức của Đấng đã kêu gọi các bạn ra khỏi bóng tối, vào ánh sáng diệu kỳ của Ngài.”
Với tư cách là một dân sự, chúng ta là của Chúa một cách đặc biệt.
Đấng Christ đã mua chúng ta.
Các thiên sứ vượt trội về sức mạnh vây quanh chúng ta.
Không có một con chim sẻ nào rơi xuống đất mà không có sự nhận biết của Cha thiên thượng của chúng ta.
Ngay cả tóc của đầu chúng ta cũng đã được đếm rồi.
Đức Chúa Trời đã sắp đặt sự chu cấp cho dân Ngài.
Ngài có một mối quan tâm đặc biệt dành cho họ,
và họ không nên hồ nghi sự quan phòng của Ngài bằng việc tham dự vào một chính sách với thế gian. {1T 550.1}
Đức Chúa Trời hoạch định rằng chúng ta hãy gìn giữ đặc thù của chúng ta với tư cách một dân sự trong sự đơn sơ và thánh khiết.
Những người tham gia vào cái chính sách thế gian này đầu tư đi mất nguồn tài lực thuộc về Đức Chúa Trời, mà Ngài đã ủy thác cho họ để sử dụng trong công cuộc của Ngài, để đẩy công việc Ngài tiến lên.
Nhưng sẽ có ít kẻ thực nhận được bất cứ khoản lợi tức nào từ bảo hiểm nhân thọ, và không có sự ban phước của Đức Chúa Trời, ngay cả những khoản ấy cũng sẽ được minh chứng là một tổn hại thay vì một ích lợi.
Những người mà Đức Chúa Trời đã đặt để làm quản gia của Ngài không có quyền đặt vào hàng ngũ của kẻ địch nguồn tài lực mà Ngài đã ủy thác cho họ để sử dụng trong công cuộc của Ngài. {1T 550.2}
Satan đang liên tục trình bày những trò dẫn dụ cho dân sự được lựa chọn của Đức Chúa Trời
để thu hút tâm trí họ khỏi công việc trang nghiêm là chuẩn bị cho những màn cảnh đang ở ngay trong tương lai.
Hắn là một thằng lừa đảo theo mọi lớp nghĩa của cái từ ấy, một kẻ mê hoặc đầy lão luyện.
Hắn bao bọc các kế hoạch và cạm bẫy của mình với những tấm màn phủ ánh sáng mượn từ thiên đường.
Hắn cám dỗ Ê-va ăn trái cấm bằng việc khiến cho nàng ta tin rằng nàng ta sẽ được hưởng lợi lớn từ ấy.
Satan dẫn dắt các tay chân của hắn giới thiệu các loại phát minh và sở hữu trí tuệ khác nhau và các dự án khác,
để những người Phục Lâm giữ ngày Sa-bát nào nhanh nhảu làm giàu có thể rơi vào cám dỗ, bị bắt lấy, và đâm thấu mình với bao đớn đau.
Hắn đang tỉnh như sáo, bận rộn tiến hành công tác dẫn dụ thế gian vào cảnh bị bắt giữ,
và thông qua tay chân là các thế gian nhân hắn giữ vững những trò phấn khích vui thích liên miên
để hút những người không đề phòng, những người xưng là tin nhận chân lý, liên hiệp với các thế gian nhân.
Dục vọng của mắt, cái khát khao những trò phấn khích và giải trí vui thích, là một cám dỗ và cạm bẫy cho dân sự của Đức Chúa Trời.
Satan có rất nhiều lưới bẫy tinh xảo, nguy hiểm được tạo ra để có vẻ ngoài vô hại,
nhưng với chúng hắn điêu luyện chuẩn bị để mê hoặc dân sự của Đức Chúa Trời.
Có những chương trình vui thú, những trò giải trí, những bài giảng thôi miên, và một chuỗi vô tận những dự án kinh doanh liên tục trỗi lên,
được tính toán để dẫn dụ dân sự của Đức Chúa Trời hãy yêu mến thế gian và những gì đang ở trong thế gian.
Qua sự liên hiệp này với thế gian, đức tin trở nên suy yếu,
và các nguồn tài lực đúng ra phải được đầu tư vào công cuộc của chân lý cấp tiến bị chuyển sang hàng ngũ của kẻ địch.
Qua những kênh khác nhau này Satan bòn rút một cách điêu luyện ví tiền của dân sự Đức Chúa Trời,
và vì điều đó sự không hài lòng của Chúa đang ở trên họ. {1T 550.3}
Bài học tiếp theo sẽ nói về một trong những ánh sáng tiêu biểu nhất được Chúa ban cho chúng ta qua nhà tiên tri Ellen G. White:
các tri thức sức khỏe và dinh dưỡng học đã đưa chúng ta lên vị thế số một thế giới về y tế sức khỏe
và vào trong danh sách 5 nhóm người sống thọ nhất hành tinh.
Click vào “bài tiếp” để nắm lấy những bí kíp gia tăng vượt trội hiệu suất làm việc và chất lượng sống,
cho phép chúng ta gặt hái được thành công trên mọi mặt trận và hoàn tất sứ mệnh Kết Thúc Thế Giới.