Giấc mộng tiên tri

Tiên Tri Toàn Thư »

BÀI 1: GIẤC MỘNG TIÊN TRI

<Theo [27] Đa-ni-ên 2>

Hơn 2,500 năm trước, có một đế chế vĩ đại trên mặt đất.

Đối với Nê-bu-cát-nết-sa, vị vua đứng đầu đế chế Babylon cổ đại,

không có kẻ thù nào không thể đánh bại,
không có kho báu nào ngoài tầm với,
và không có vùng đất nào không thể chinh phục được.

Mặc dù vậy, ngay cả sau khi đã nhất thống thiên hạ, Nê-bu-cát-nết-sa vẫn chẳng tìm được bình an.

Ông băn khoăn không biết sau khi mình chết đi, đế chế sẽ đi về đâu, tương lai sẽ ra sao.

Và rồi một đêm vua chìm vào một giấc mơ kì lạ huy hoàng đầy màu sắc, vô cùng chân thực và chi tiết mà vua chưa từng có tương tự như vậy bao giờ.

Choàng tỉnh, và tin chắc giấc mơ này không thể chỉ là một giấc mơ thông thường, vua quẳng chăn màn sang một góc, thét lớn với các cận vệ:

“Gọi tất cả các nhà chiêm tinh và phù thủy đến ngay cho ta! Ta cần phải biết ý nghĩa của khải tượng này!”

Số là, thời ấy người ta hay tin rằng tất cả các giấc mơ đều mang một ý nghĩa gì đó, nên các vua chúa rất hay nuôi một đống pháp sư, phù thủy để dành riêng cho công việc “giải nghĩa giấc mơ” này.

Các “nhà thông thái” của vua liền bị gọi dậy và dắt đến trước vị hoàng đế khi ấy đang kích động mạnh.

“Và vua nói với họ: ‘Ta đã mơ một giấc mơ, và linh ta bối rối để biết rõ chiêm bao ấy.'” [27] Đa-ni-ên 2:3.

Lũ thông thái láu cá trả lời, “Đức vua sống mãi! Hãy thuật lại chiêm bao cho các đầy tớ bệ hạ, và chúng tôi sẽ giãi bày lời giải nghĩa.” [27] Đa-ni-ên 2:4.

Những kẻ bịp bợm này đinh ninh chỉ cần vua nói ra giấc mơ, chúng có thể bịa bừa ra một lời giải nghĩa vớ vẩn nào đó rồi cứ thế mà ung dung lãnh thưởng.

Nhưng khổ nỗi, những giấc mơ nói chung khi mới tỉnh dậy thì còn rõ ràng trong tâm trí, nhưng đến lúc này rồi thì vua Nê-bu-cát-nết-sa chẳng thể nhớ lại nổi mình vừa mơ thấy gì được nữa.

Tâm trí vị hoàng đế liền xoay chuyển rất nhanh: những kẻ kia tự xưng là có siêu năng lực siêu nhiên, nhưng điều đó có phải sự thực không?

Đây sẽ là dịp hoàn hảo để kiểm tra.

“Lời đã ra từ ta: nếu các ngươi không bày tỏ được cho ta giấc chiêm bao và lời giải nghĩa của nó,

các ngươi sẽ bị BĂM VẰM, và nhà các ngươi sẽ bị biến thành đống CỨT,” nhà vua phán,

“nhưng nếu các ngươi giãi bày được giấc chiêm bao và lời giải nghĩa của nó, các ngươi sẽ nhận được từ ta quà tặng, và phần thưởng, và vinh dự lớn!

Vậy hãy giãi bày cho ta giấc chiêm bao và lời giải nghĩa của nó đi!” [27] Đa-ni-ên 2:5, 6.

Và thế là đám “siêu nhân” dởm lập tức lòi đuôi cáo, và phải cúi đầu thú nhận rằng chúng không thể đoán biết giấc mơ của vua để mà giải nghĩa.

Điên tiết vì nhận ra bấy lâu này mình đã bị xỏ mũi bởi bọn giả mạo rõ ràng cũng chỉ là con người, dĩ nhiên chẳng thể có siêu năng lực gì này, nhà vua hạ chỉ xử tử tất cả các nhà thông thái trong toàn Ba-by-lon.

Tuy nhiên, Đấng đã ban khải tượng ấy cho Nê-bu-cát-nết-sa đã để sẵn một người mà qua đó, Ngài rồi sẽ ban cả lời giải mã khải tượng cho vua.

1. Đấng đã ban khải tượng cho vua Nê-bu-cát-nết-sa là ai?

Vì sao Ngài lại ban nó cho vua?

[27] Ða-ni-ên 2:28 Nhưng có Đức Chúa Trời trên các tầng trời bày tỏ những điều bí nhiệm, và Ngài sẽ bày tỏ cho vua Nê-bu-cát-nết-sa những gì sẽ xảy đến trong những ngày cuối cùng.

[23] Ê-sai 46:9-11 Ta là Đức Chúa Trời, và chẳng còn ai nữa,

là Đức Chúa Trời, chẳng có ai giống Ta.

Ta công bố từ ban đầu những việc sau cuối

Ta đã hoạch định, thì thật Ta sẽ thực hiện nó.

Một Đấng được xưng là “Chúa Trời” chính là nhân vật đã ban khải tượng này cho vua Nê-bu-cát-nết-sa,

để bày tỏ cho vua và mọi thế hệ về sau biết về sự trỗi dậy và sụp đổ của các đế chế có quyền thống trị hay ảnh hưởng trực tiếp lên dân sự Ngài.

Theo nhân vật này tuyên bố, Ngài chính là vị Thần Tối Cao, nắm giữ thẩm quyền định đoạt vận mệnh nhân loại.

Nhưng không chỉ dừng ở tuyên bố suông, vị thần này còn ra tay chứng minh sự hiện hữu và địa vị Tối Cao ấy của mình bằng việc công bố trước:

Ngài sẽ điều hành vận mệnh nhân loại đi theo hướng nào.

Để rồi tất cả có thể cùng chứng kiến sự việc sau đó có diễn tiến đúng như Ngài đã hoạch định hay không.

2. Khi Ða-ni-ên, một trong những nhà thông thái của vương quốc, là một người Do Thái, bị vạ lây về lệnh tử hình này, ông đã xin vua điều gì và đã bảo với các bạn mình làm gì?

[27] Ða-ni-ên 2:16 Và Đa-ni-ên đi vào và xin vua rằng ông ấy hãy cho ông thời gian mà giãi bày lời giải thích cho vua.

[27] Đa-ni-ên 2:17, 18 Rồi Đa-ni-ên rời đi về nhà mình và bày tỏ sự tình cho Ha-na-nia, Mi-sa-ên và A-xa-ria là các bạn mình, và để cầu xin ơn thương xót từ Đức Chúa Trời của các tầng trời về điều bí nhiệm này.

Đa-ni-ên đã xin vua Nê-bu-cát-nết-sa thêm thời gian và hứa sẽ tỏ cho vua khải tượng và cả ý nghĩa của nó.

Nhà vua nóng lòng muốn biết ý nghĩa khải tượng nên đã đồng ý với điều kiện của Đa-ni-ên.

Và rồi ông cùng các bạn mình đã khẩn cầu lên Đấng duy nhất có thể giải nghĩa khải tượng đấy.

Họ đã cầu nguyện lên Đức Chúa Trời Toàn Năng trên thiên đường.

3. Khi Đức Chúa Trời tỏ cho Đa-ni-ên biết khải tượng, ông có dám nhận công về phần mình không, hay đã dâng lời cảm tạ và ca ngợi cho ai?

[27] Ða-ni-ên 2:23, 28 Con chúc tạ và ngợi ca Ngài, Ðức Chúa Trời của các tổ phụ con!…

Đức Chúa Trời trên các tầng trời bày tỏ những điều bí nhiệm.

Đa-ni-ên rõ ràng đã là con người duy nhất có thể giải mã giấc mơ cho vua Nê-bu-cát-nết-sa,

nhưng ông đã thành thật thừa nhận rằng toàn bộ công lao thực ra đều thuộc về Đức Chúa Trời của các tổ phụ mình, Đấng đã ban sự mặc khải ấy cho ông.

Sự trỗi dậy và sụp đổ của các đế chế có vẻ ngoài như thể là xảy ra theo ý của loài người, nhưng câu chuyện của Đa-ni-ên đã minh chứng cho sự hiện diện của Đấng Tối Cao đằng sau tất cả.

Có thể có nhiều điều không hề đẹp lòng Ngài, nhưng không gì có thể xảy ra mà Đức Chúa Trời chưa cho phép.

Đôi khi chúng ta có thể không hiểu nổi điều gì đang diễn ra trong thế giới quanh ta và tại sao, nhưng chúng ta có thể an tâm hơn khi biết rằng Đấng Tối Cao vẫn luôn kiểm soát mọi sự.

4. Đa-ni-ên nói vua đã thấy hai thứ gì trong giấc mơ?

[27] Ða-ni-ên 2:31 Bệ hạ, hỡi đức vua, đã nhìn xem, và kìa, một pho tượng lớn!

[27] Đa-ni-ên 2:32, 33 Pho tượng ấy, đầu nó là vàng ròng, ngực nó và cánh tay nó bằng bạc, bụng nó và đùi nó bằng đồng, cẳng chân nó bằng sắt, bàn chân nó một phần bằng sắt một phần bằng đất sét.

[27] Ða-ni-ên 2:34 Bệ hạ chiêm ngưỡng cho đến khi một hòn đá cắt rời ra chẳng bởi bàn tay nào đập vào pho tượng, vào bàn chân bằng sắt và đất sét của nó, và đập tan chúng.

Cùng với lời kể của Ða-ni-ên, vua Nê-bu-cát-nết-sa có thể ngay lập tức nhớ lại từng phần từng phần giấc mơ mà mình vừa quên và biết ngay Đa-ni-ên đã kể lại được giấc mơ một cách chính xác, đúng như Đức Chúa Trời đã truyền cho vua.

Không còn nghi ngờ gì nữa, giờ vua đã biết chắc: Đa-ni-ên đã được Đức Chúa Trời ban cho tri thức về điều bí nhiệm này.

Và thế là vị hoàng đế hùng mạnh phải nhấp nhỏm chờ được nghe lời giải nghĩa.

5. Cái đầu bằng vàng tượng trưng cho gì?

[27] Ða-ni-ên 2:38 Chính bệ hạ là cái đầu bằng vàng!

Đây là lời Đa-ni-ên đang nói trực tiếp với vua Nê-bu-cát-nết-sa.

Vua được coi là người đứng đầu của quốc gia. Vì thế vua Nê-bu-cát-nết-sa tượng trưng cho Ba-by-lon, đế chế đầu tiên trong lời tiên tri này.

Neo-Babylon thống trị thế giới cổ đại từ năm 612-539 trước Công Nguyên, và là một trong những đế chế hùng mạnh nhất, xứng đáng được miêu tả là một đế chế Vàng.

Vậy, lời tiên tri này bắt đầu tính ngay từ thời Đa-ni-ên.

6. Đế chế Ba-by-lon có trường tồn mãi không?

[27] Ða-ni-ên 2:39 Nhưng một vương quốc khác thấp kém hơn bệ hạ sẽ trỗi dậy thế chỗ bệ hạ.

Sự thống trị của Ba-by-lon sẽ không kéo dài mãi mãi. Nhiều vương quốc kém hơn Ba-by-lon sẽ kế thừa ngôi báu của nó.

Cũng như bạc kém hơn vàng, vương quốc theo sau Ba-by-lon cũng có vinh quang kém hơn.

Đứng đầu bởi Si-ru (Cyrus) năm 539 trước Công Nguyên, đế chế Mêđi-Ba Tư (Medo-Persia) đã đánh bại và nghiền nát Ba-by-lon thành đống gạch vụn.

Đế chế này sau đó đã thống trị suốt khoảng thời gian từ 539-331 trước Công Nguyên.

Trong thời của nó, mọi khoản thuế khóa đều được nộp bằng bạc.

7. Kim loại gì là biểu tượng cho đế quốc thứ ba theo sau Mê đi-Ba Tư?

[27] Ða-ni-ên 2:39 Rồi một vương quốc thứ ba khác bằng đồng sẽ thống trị khắp đất.

Ðế chế đồng Hy Lạp lên ngôi khi Alexander Đại Đế đánh bại người Mê đi-Ba Tư trong trận Arbela năm 331 trước Công Nguyên, và rồi Hy Lạp đã nắm quyền thống trị cho đến tận năm 168 trước Công Nguyên.

Các chiến binh Hy Lạp được mệnh danh là lính “bọc đồng” vì bộ khí tài quân sự bằng đồng của họ.

Hãy để ý và thấy rằng, càng về sau, các thứ kim loại tượng trưng cho các đế chế trong lời tiên tri này có giá trị càng đi xuống, nhưng độ bền và cứng lại càng tăng lên.

8. Kim loại nào tượng trưng cho đế quốc thứ tư?

[27] Ða-ni-ên 2:40 Và vương quốc thứ tư sẽ mạnh như sắt.

Khi gươm đồng và gươm sắt chém vào nhau, gươm đồng sẽ gãy.

Đế chế sắt La Mã đánh bại Hy Lạp vào năm 168 trước Công Nguyên và thống lãnh thế giới cổ đại cho đến khi thành Rô-ma bị chiếm đóng bởi Odoacer năm 476 sau Công Nguyên.

La Mã là đế chế thống trị thế gian trong lần hiện đến thứ nhất của Chúa JESUS Christ, và đã đóng đinh Ngài lên thập tự giá bằng đinh sắt.

9. Ðiều gì sẽ xảy ra sau khi đế chế La Mã sụp đổ?

[27] Ða-ni-ên 2:41, 42 Vương quốc sẽ bị phân chiavà các ngón của bàn chân một phần bằng sắt và một phần đất sét, vương quốc sẽ một phần mạnh và sẽ một phần giòn.

Khi đế chế La Mã bắt đầu sụp đổ năm 476 sau Công Nguyên, nó không bị một đế chế bá chủ nào khác chiếm lấy cả.

Thay vào đó, nhiều bộ tộc man di đã nổi lên khắp nơi trong đế chế La Mã, và rồi phân chia nó ra thành nhiều quốc gia khác nhau, đúng như Đa-ni-ên đã tiên đoán.

Mười trong số những bộ tộc ấy sau đó đã trở thành các quốc gia ở Châu Âu.

Họ là các bộ tộc: Ốt-trô-gốt (Ostrogoths), Vi-si-gốt (Visigoths), Phờ-ranh (Franks), Van-đan (Vandals), A-lê-ma-ni (Alemannians), Xuê-vi (Sueves), Ăng-lô Sắc-xông (Anglo-Saxons), Hê-ru-li (Heruli), Lôm-bát (Lombards), và Bơ-găn-đi (Burgundians).

Bảy trong số mười bộ tộc này vẫn còn tồn tại đến ngày nay:

Vi-si-gốt trở thành Tây Ban Nha;

Phờ-ranh trở thành Pháp;

A-lê-ma-ni trở thành Đức;

Xuê-vi trở thành Bồ Đào Nha;

Ăng-lô Sắc-xông trở thành Anh;

Lôm-bát trở thành Ý;

và Bơ-găn-đi trở thành Thụy Sĩ.

Chúng chính là Châu Âu ngày nay.

10. Những quốc gia này có bao giờ hợp nhất lại thành công không?

[27] Ða-ni-ên 2:43 Và như bệ hạ đã thấy sắt trộn với đất sét bùn, dòng dõi các dân tộc sẽ pha trộn nhưng không bám vào nhau được, như sắt không pha trộn được với đất sét.

Từ hôn nhân chính trị, thỏa thuận liên minh đến chiến tranh thôn tính, đủ mọi mưu mô thủ đoạn của con người nhằm nhất thống Châu Âu đều đã thất bại.

Vụ Brexit vừa rồi là một ví dụ thảm bại tiêu biểu nữa.

Trong suốt chiều dài lịch sử, đủ mọi lãnh tụ kiệt xuất như Charlemagne, Napoleon, Kaiser Wilhelm, Mussolini, Hitler đều xưng hùng xưng bá và tưởng chừng như có thể hợp nhất Châu Âu mà dựng nên một đế chế mới.

Nhưng chỉ mấy chữ này trong Kinh Thánh thôi đã chặn đứng từng ứng-cử-viên bá-chủ-thế-giới một.

[27] Mặc Khải 13 cho chúng ta biết sẽ có một nỗ lực liên minh các tôn giáo trên toàn cầu trong những ngày cuối cùng, nhưng lời tiên tri của Đa-ni-ên thì đã tiên đoán rõ ràng rằng về mặt chính trị, thế giới sẽ vẫn cứ ở trong tình trạng bị phân chia cho đến hết chiều dài lịch sử của nó.

11. Hòn đá sẽ làm gì với những vương quốc của mặt đất này khi nó xuất hiện?

[27] Đa-ni-ên 2:34, 35 Bệ hạ chiêm ngưỡng cho đến khi một hòn đá cắt rời ra chẳng bởi bàn tay nào đập vào pho tượng,  vào bàn chân bằng sắt và đất sét của nó, và đập tan chúng… hòn đá đã đập vào pho tượng trở thành một hòn núi lớn, và choán toàn bộ đất.

[27] Ða-ni-ên 2:44 Trong những ngày của các vua này, Đức Chúa Trời của các tầng trời sẽ lập nên một vương quốc không bao giờ bị tiêu diệt.

Hòn đá chẳng phải bởi tay người đục ra tượng trưng cho vương quốc không phải bởi tay người lập nên, mà bởi Đức Chúa Trời.

Nó sẽ không phải sự hợp nhất của các quốc gia loài người, mà là một sự thay thế hoàn toàn ([27] Mặc Khải 21:1), là Ngày Tận Thế.

Kinh Thánh tuyên bố rằng khi Chúa JESUS trở lại Trái Đất, Ngài sẽ đặt dấu chấm hết cho thế giới người ăn thịt người này và thiết lập một vương quốc mới bền vững đời đời, [27] Đa-ni-ên 2:44, chỉ còn Tình Yêu Thương và Công Lý.

Cả lịch sử loài người đều chờ đợi cái kết đỉnh cao ấy, khi Con Trai Đức Chúa Trời tái lâm trong hào quang, thiết lập một vương quốc bất tử, bất diệt.

12. Sau khi đã được Đa-ni-ên tỏ tường giải nghĩa khải tượng, vua Nê-bu-cát-nết-sa đã tuyên bố điều gì về Đức Chúa Trời?

[27] Đa-ni-ên 2:47 Vua trả lời Đa-ni-ên và nói: “Quả thật rằng, Đức Chúa Trời của các ngươi chính là Vị Thần của các vị thần, và Chúa Tể của các vị vua, và Đấng mặc khải những điều bí nhiệm, vì ngươi đã có thể bày tỏ điều bí nhiệm này!

Ngay cả hoàng đế Nê-bu-cát-nết-sa cũng phải tâm phục khẩu phục mà tuyên bố rằng Đấng mà Đa-ni-ên phụng sự quả thật là Đấng cao hơn hết thảy mọi thần khác, là Đấng Tối Cao trên mọi thần.

13. Có bằng chứng gì chứng minh lời tiên tri này đã được viết ra trước khi chúng ứng nghiệm không?

Những cuộn sách Biển Chết.

Bởi tính chính xác đến không thể tin nổi của lời tiên tri trong Đa-ni-ên, trong nhiều năm, nhiều người quả quyết chúng chỉ có thể đã được bịa ra sau khi đế chế La Mã tan rã,

tức là vào khoảng thế kỉ thứ 5 sau Công Nguyên, sau khi phần lớn lời tiên tri đã ứng nghiệm, chứ không thể là điều thực sự xảy ra hơn 500 năm trước Công Nguyên được.

Nhưng rồi đến năm 1951, người ta khai quật được gần như nguyên cả bộ Kinh Thánh Cựu Ước, trong đó có ghi chép rõ ràng và đầy đủ cả khải tượng này của Đa-ni-ên, được đặt tên là “những cuộn sách Biển Chết” (The Dead Sea Scrolls).

Bộ sách được xác định có tuổi thọ 2100-2200 năm, tức là ngay từ thời điểm một hai trăm năm trước Công Nguyên thì nó đã được viết ra và lưu hành rộng rãi từ lâu rồi.

Nó cũng đồng thời được khai quật cùng với các vật dụng và đồng tiền từ thời Ba Tư, Hy Lạp, trước cả khi đế chế La Mã xuất hiện.

Phát hiện động trời này bác bỏ hoàn toàn giả định rằng câu chuyện về Đa-ni-ên là chuyện chỉ mới được bịa ra sau khi đế chế La Mã tan rã,

là bằng chứng cứng chính thức đặt dấu chấm hết cho mọi tranh cãi về việc liệu có tồn tại trên đời này một Đấng Tối Cao nắm giữ vận mệnh nhân loại trong tay hay không.

Ngày nay, bộ “những cuộn sách Biển Chết được coi như báu vật quốc gia của toàn dân tộc Do Thái, và được canh giữ tối nghiêm ngặt tại viện bảo tàng Israel, Giê-ru-sa-lem,

nơi mọi du khách trên khắp thế giới có thể đến tận nơi chụp ảnh và kiểm chứng tính chính xác của những lời tiên tri cho đến khi thỏa mãn thì thôi.

Trong ảnh là tổng thống Mỹ Barack Obama và thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang cùng xem một đoạn “những cuộn sách Biển Chết”.

Đức Chúa Trời để lại đầy rẫy những lời tiên tri của Ngài dọc khắp cả quyển Kinh Thánh không phải là không có lý do.

Chúng ở đó như minh chứng hùng hồn rằng Kinh Thánh thực sự là lời của Đấng Tối Cao truyền lại, và do vậy, tính chính xác của nó là tuyệt đối, xứng đáng với mọi sự tin tưởng của loài người.

Những lời tiên tri trong Kinh Thánh, ngoại trừ một phần rất nhỏ vẫn còn đang ở trong tương lai, còn lại tất cả đều đã ứng nghiệm chính xác tuyệt đối 100% đến từng chi tiết nhỏ nhất đúng như Đức Chúa Trời báo trước.

Chính vì vậy, việc nghiên cứu những lời tiên tri của Ngài sẽ cho chúng ta một bức tranh toàn cảnh về những gì đã xảy ra, đang xảy ra, và biết trước được những gì sẽ xảy ra trong tương lai một cách chắc chắn.

Đức Chúa Trời đã công bố tương lai dài hơn 2.500 năm lịch sử nhân loại một cách chính xác không hề sai trật qua Đa-ni-ên, nhà tiên tri của Ngài.

Sự trỗi dậy và sụp đổ của các đế chế, và cả cách thức mà chúng trỗi dậy và sụp đổ, đã được tiên báo rõ ràng trong Kinh Thánh và xác nhận bởi hàng loạt các phát hiện khảo cổ và tài liệu lịch sử.

Hãy để ý rằng: đây không phải một lời tiên báo vu vơ mập mờ về những gì sẽ xảy ra sau một triệu năm, hay một khoảng thời gian quá xa vời không thể kiểm chứng được nào đó.

Đây cũng không phải là một lời phỏng đoán có cơ sở về một điều mà khả năng cao là sẽ xảy ra một cách tự nhiên trong tương lai, như “một cuộc chiến tranh lớn sẽ nổ ra trong thế kỷ 20”, mà con người cũng có thể tự đưa ra được.

Đây cũng không phải một sự việc đã xảy ra trong cuộc đời của nhà tiên tri đã công bố nó, và vì thế có thể đã được chính nhà tiên tri ấy thêm vào sau khi ông ta chứng kiến nó xảy đến, để giả vờ như thể đó là một lời tiên tri mà ông ta đã đưa ra từ trước.

Không. Lời tiên tri này trải dài nhiều nghìn năm, đủ lâu để nhà tiên tri công bố nó chết đi, và vì vậy không thể là thứ ông ấy tự thêm vào sau khi thấy nó ứng nghiệm được,

với bằng chứng khảo cổ minh chứng nó đã được rành rành đưa ra trước khi ứng nghiệm, với những thông tin cực kỳ chi ly chi tiết, có xác suất xảy ra tự nhiên gần như bằng 0%.

Khi những lời tiên tri trong sách Đa-ni-ên được công bố, các đế chế được nói đến, như Hy Lạp hay La Mã vẫn còn đang quá mông muội và yếu ớt,

đến nỗi nếu ngày ấy nói rằng họ sẽ thống trị vùng Địa Trung Hải thì cũng tương đương như chúng ta ngày nay nói rằng Bắc Triều Tiên rồi sẽ thống trị thế giới vậy.

Đây thực sự là MỘT LỜI TIÊN TRI THỰC THỤ, được công bố từ trước và không thể tự xảy ra nổi, đến nỗi chỉ có thứ Sức Mạnh Toàn Năng có quyền bá chủ độc tôn hoàn toàn trên vận mệnh nhân loại, mới có thể làm ứng nghiệm nó mà thôi.

Hãy tưởng tượng thế này, trong một công ty, nếu có một người đứng lên bảo:

“Ngày mai công ty sản xuất 100 kiện hàng, vì TA là sếp tổng và TA bảo thế.”

Nếu người đó không phải là sếp tổng cao nhất, chuyện gì sẽ xảy ra?

Không những công ty hôm sau sẽ không làm theo lời người ấy nói, mà người thực sự là tối cao trong công ty sẽ còn đứng lên và bảo:

“TA mới là sếp tổng ở đây, và TA BẢO ngày mai sản xuất 99 kiện hàng. Và chúng ta sẽ cùng xem ai mới là cao nhất nhé.”

Hiểu không nhỉ?

Ai có thể tuyên bố trước mình sẽ điều hành vận mệnh nhân loại như thế nào, và rồi thực hiện được đúng như thế, không ai cản nổi,

ĐÓ chính là chữ ký quyền lực không thể nhầm lẫn của Sếp Tổng Tối Cao.

Nói theo giọng của Đức Chúa Trời, khi Ngài thách thức các thần khác, thì là:

Hãy nói những việc sẽ xảy đến sau này đi,

Và chúng ta sẽ biết các ngươi là Thần![23] Ê-sai 41:23.

Khác với hết thảy các thần khác trên đời mà loài người có thể nghĩ ra được, riêng đến với Đức Chúa Trời, có 3 điều bạn không bao giờ phải băn khoăn:

1) Đấng Tạo Hóa thực sự có thật, hoàn toàn không phải là sản phẩm hư cấu của con người.

2) Ngài là Tối Cao, nắm thẩm quyền định đoạt vận mệnh nhân loại.

3) Kinh Thánh thực sự là Lời của Ngài.

Những thông tin như lời tiên tri hôm nay chúng ta nghiên cứu không thể đến từ đâu khác ngoài Đấng Tối Cao, và chúng được để dọc cả quyển Kinh Thánh để làm chứng rằng quyển sách ấy đúng là lời dạy của Ngài, không phải của loài người.

Ba điều này, bạn thậm chí còn không phải sử dụng đức tin để tiếp nhận. Chính Đức Chúa Trời đã cung cấp bằng chứng cứng, có thể kiểm tra chéo để chứng thực cho ba điều ấy.

Đức tin là để dành cho việc sau đó làm theo các chỉ dẫn của Ngài, ví dụ như: “có người tát vào má trái con, hãy đưa nốt má phải ra cho họ tát”, hay “hãy yêu thương kẻ thù nghịch mình”, “cầu nguyện cho kẻ bức hại mình”, “chúc phước cho kẻ nguyền rủa mình”.

Tiếp nhận và thực hành những lời dạy này rồi sẽ cần rất nhiều đức tin.

14. Vậy bây giờ, tôi cần phải làm gì?

[20] Gia-cơ 4:8 Hãy đến gần Đức Chúa Trời, và Ngài sẽ đến gần các bạn.

[04] Giăng 6:37 Ai đến với Ta, Ta sẽ không đời nào quẳng ra ngoài.

Bạn hãy đơn thuần đến và bắt đầu tiến hành làm quen và xây dựng mối quan hệ cá nhân với Chúa.

Và việc đó được thực hiện bằng cách bắt đầu đọc và học các Chân Lý của quyển sách này trong lời cầu nguyện xin Ngài soi dẫn hàng ngày.

Trích trực tiếp từ lời phán của Chúa trong chính Kinh Thánh thì là:

[06] Giô-suê 1:8 Cuốn sách luật pháp này chớ rời khỏi miệng con, nhưng hãy suy ngẫm nó NGÀY và ĐÊM, để tuân giữ thực hiện theo mọi điều ghi trong nó. Vì như thế, con sẽ làm cho đường lối mình được thịnh vượng, và khi ấy con sẽ thành công.

Vậy hãy dành tối thiểu hai lần mỗi ngày: SÁNG sau khi thức dậy và TỐI trước khi đi ngủ chẳng hạn, để cầu nguyện xin Chúa bày tỏ Lời Ngài rồi đọc và học các chân lý của quyển sách mạnh nhất và quan trọng nhất từng được lưu hành trong loài người này.

1) Học Tiên Tri Toàn Thư hàng ngày cho đến khi xong.

Như bạn có thể thấy qua việc đọc bài học này: các bí ẩn của Kinh Thánh, nhất là mảng tiên tri, thông thường khá khó để có thể nắm bắt được.

Khi viên quan người Ê-thi-ô-pi đang nghiên cứu chúng và được nhà truyền đạo Phi-líp hỏi “ông có hiểu được thứ mình đang đọc không?”, ông ấy cũng đã phải trả lời “sao tôi có thể nếu không người nào hướng dẫn tôi?” ([05] Công Vụ 8:30-31).

Đó, chính là vai trò của bộ Tiên Tri Toàn Thư này: để giảng giải Kinh Thánh, nhất là các lời tiên tri Kinh Thánh, chỉ ra chúng đã ứng nghiệm như thế nào.

Những sứ điệp này nhân danh Chúa mà đến, để không ai còn bị cám dỗ miễn trừ bản thân khỏi trách nhiệm xem xét cẩn thận để xác minh tính chính xác của chúng.

Hãy nghiên cứu chậm và chắc từng bài một, cả các phụ lục cuối các bài, vì nhiều bài sau sẽ cần đến những kiến thức trong các bài trước để có thể hiểu được.

Nó gồm 24 bài, trong đó có một số bài học còn có cả 1 video dài bên dưới phụ lục nữa, có thể sẽ cần chia ra làm 2 buổi học.

Nếu hàng tối trước khi đi ngủ bạn đều ngồi học, thì chỉ sau khoảng 1 tháng, bạn sẽ học xong toàn bộ loạt bài.

Đừng học nhanh hơn tốc độ đó. Não bộ con người mỗi đêm chỉ có thể chuyển được một lượng kiến thức nhất định từ trí nhớ ngắn hạn sang trí nhớ dài hạn mà thôi.

Quá số lượng này, nó sẽ không chuyển hết sang được, và kiến thức có thể bị nhầm lẫn hoặc quên lãng.

Hơn nữa, còn có thứ khác rất quan trọng để đọc, nếu bạn thực sự còn thừa nhiều thời gian và não bộ còn chuyển thêm được kiến thức từ trí nhớ ngắn hạn sang dài hạn, thì hãy đọc thêm KINH THÁNH.

2) Đọc Kinh Thánh hàng ngày.

Kinh Thánh có tổng cộng 1189 chương. Dù chỉ dành ra được 15-20 phút mỗi sáng để đọc được khoảng 3-4 chương, thì trong vòng 1 năm cũng sẽ đọc xong toàn bộ.

Nhưng đừng hài lòng với tốc độ đó. Ngay sau khi bạn học xong Tiên Tri Toàn Thư, hãy sử dụng cả thời gian hàng tối trước khi đi ngủ của mình để đọc Kinh Thánh và đẩy nhanh tốc độ lên thêm 3-4 chương nữa mỗi ngày.

Hãy cần mẫn đọc TỐI THIỂU 7 chương/ngày chia cho 2 buổi sáng và tối. Buổi nào bạn quên, buổi sau hãy đọc bù lại.

Kể cả khi bạn đọc phải những đoạn mà bạn không hiểu, hãy cứ đọc hết, và mỗi ngày cứ cần mẫn đọc tiếp.

Chìa khóa giải mã những phân đoạn mà bạn tạm thời chưa hiểu sẽ được tìm thấy trong những đoạn sau.

Đó là cách mà Chúa thiết kế Kinh Thánh, để thử nghiệm sự nghiêm túc của người tìm kiếm Chân Lý, và tưởng thưởng cho những người có cam kết và sự nhẫn nại bền bỉ.

Chỉ cần duy trì tốc độ này, bạn sẽ đọc xong toàn bộ Kinh Thánh và bộ Tiên Tri Toàn Thư trong đúng 188 ngày.

Cá nhân mình đã hoàn thành lượt đọc đầu tiên trong khoảng 6 tháng, và mình tin rằng nhiều người có thể dễ dàng làm tốt hơn như vậy.

Với việc xây dựng thói quen dành thời gian hàng ngày với Chúa như vậy, bạn đã có nền tảng tốt để bắt đầu hành trình tìm kiếm Chân Lý.

Giờ bạn hãy đọc nốt phần Phụ Lục bên dưới.

Các bài học thường sẽ có các phần Phụ Lục này, mở rộng thêm nữa kiến thức mà từng bài đã trình bày.

Đừng bỏ qua những châu ngọc ấy của Chân Lý.

Phụ lục

Vì sao các bản dịch Kinh Thánh khác nhau lại khác nhau? Đâu mới là bản dịch chuẩn?

Một câu hỏi được dấy lên: vì sao các bản dịch Kinh Thánh hiện hành lại vênh nhau về mặt nội dung, khi mà Lời của Đức Chúa Trời chỉ có một? Làm sao để biết đâu mới là bản dịch chuẩn?

Video ngắn dưới đây sẽ giúp bạn trả lời cặn kẽ nghi vấn ấy:

Bản thảo tiếng gốc chuẩn xác duy nhất của Kinh Thánh, bản thảo Đa Số, đã được dịch ra tiếng Việt và post lên website này cho mọi người đọc MIỄN PHÍ.

Xin hãy bấm vào liên kết “Kinh Thánh Đa Số” ở trên thanh menu đầu trang, hoặc bấm vào ĐÂY.

Kinh Thánh được chia ra làm hai nửa.

Nửa thứ nhất gọi là “Cựu Ước“, gồm 39 sách được bôi màu xanh, có chứa lịch sử công tác cứu linh và các lời tiên tri chỉ đến Đấng Cứu Thế sẽ đến.

Nửa thứ hai gọi là “Tân Ước“, gồm 27 sách được bôi màu đỏ, là khi Đấng Cứu Thế ấy đã đến, trong đó 4 sách đầu tiên của Tân Ước là 4 lời chứng của các nhân chứng khác nhau về những gì họ được chứng kiến tận mắt về cuộc đời của Đấng Cứu Thế ấy, gọi là 4 sách Tin Lành.

Để tiện cho việc tra cứu, tất cả các sách Cựu Ước sẽ được bôi màu Xanh, tất cả các sách Tân Ước sẽ được bôi màu Đỏ, và từng sách đều sẽ có đánh số trong ngoặc vuông ở trước để thể hiện là sách thứ mấy trong Cựu Ước hay Tân Ước.

Ví dụ:

[01] Khởi Nguyên 2:3-7 là sách thứ 01 của Cựu Ước (màu xanh), chương 2, câu 3 đến câu 7.

[27] Mặc Khải 12:17 là sách thứ 27 của Tân Ước (màu đỏ), chương 12, câu 17.

Với những người lần đầu đọc Kinh Thánh, mình khuyên hãy đọc theo trình tự sau:

1) Sách thứ 03 của Tân Ước, tức sách [03] Lu-ca, chứa đầy đủ cốt truyện về cuộc đời của Đấng Cứu Thế nhất trong cả 4 sách đầu tiên của Tân Ước, còn được gọi là 4 sách Tin Lành, là những lời chứng của các nhân chứng khác nhau về cuộc đời của Đấng Cứu Thế.

2) Sách thứ 05 của Tân Ước, tức sách [05] Công Vụ. Sách này có cùng một tác giả là Lu-ca, kể về câu chuyện của hội thánh tiếp nối ngay sau những gì xảy ra trong sách [03] Lu-ca.

Chính vì thế nên trong 4 sách Tin lành, độc giả nên chọn đọc sách [03] Lu-ca để cốt truyện được liền mạch với sách [05] Công Vụ.

3) Trở về Cựu Ước, đọc từ đầu đến cuối.

4) Đọc hết phần Tân Ước còn lại.

Cùng với đó, thấu hiểu rằng có rất nhiều người đọc Kinh Thánh, cũng như viên quan Ê-thi-ô-pi quản lý kho tàng của nữ hoàng Can-đác trong [05] Công Vụ 8:30-31,

khi được hỏi “Thế ông có hiểu được thứ mình đang đọc không?” đã phải thốt lên “Sao tôi có thể nếu không người nào hướng dẫn tôi?”,

Loạt bài giảng Tiên Tri Toàn Thư, mà bài này chính là bài đầu tiên, đã được chuẩn bị sẵn để giải nghĩa và giúp bạn nhanh chóng hiểu được tất cả các giáo lý căn bản và những bí ẩn tiên tri quan trọng nhất trong toàn Kinh Thánh, những gì đã, đang, và sẽ sớm xảy ra.

Từ những đế chế và đế vương vĩ đại đã trỗi dậy và suy vong khắp thế giới, đến những người con của lẽ phải đã quả cảm đối mặt ngay cả với cái chết để chiến đấu vì chân lý làm người,

ĐÂY chính là hành trình đi tìm SỰ THẬT, hay Chân Lý, nền tảng vững chắc duy nhất cho một đức tin chân chính.

Hãy tín thác mình cho Đức Chúa Trời với lời cầu nguyện: “Con xin đầu phục mình cho Ngài, và xin sẵn sàng trả BẤT CỨ CÁI GIÁ NÀO để được biết và làm theo Chân Lý. Xin Ngài hãy bày tỏ cho con Chân Lý Ngài.”

Và rồi hãy biết RÕ rằng Chúa sẽ KHÔNG BAO GIỜ bỏ mặc một linh hồn nào thành tâm tìm kiếm Chân Lý ở lại trong bóng tối của sai lạc.

Ngài SẼ GỬI chân lý Ngài và đầy tớ Ngài đến bạn.

Tuy nhiên, cùng lúc đó, Ma Quỷ cũng sẽ gửi những tà thuyết của hắn và đầy tớ của hắn đến.

Vậy bạn phải làm gì?

Hãy sử dụng Kinh Thánh – Lời của Đức Chúa Trời – để “kiểm nghiệm TẤT CẢ, giữ lấy điều gì tốt đẹp.” [13] I Tê-sa-lô-ni-ca 5:21.

Tôi đã trao toàn bộ quyền lực tự quyết thuộc linh vào tay bạn khi đưa cho bạn quyển Kinh Thánh và dắt bạn đến với Chúa.

Giờ tôi xin tự xưng là đầy tớ của Ngài, đưa bộ Tiên Tri Toàn Thư này đến bạn, và kêu gọi bạn đọc và KIỂM TRA TÔI thật kỹ xem tôi có giảng gì sai Kinh Thánh không.

Đồng thời, trên căn cứ của việc đã kêu gọi bạn kiểm tra chính tôi thật kỹ, tôi cũng yêu cầu bạn kiểm tra TẤT CẢ NHỮNG KẺ KHÁC THẬT KỸ hệt như vậy.

Chớ tín thác linh hồn mình vào tay bất cứ con người nào. Kể cả là giáo hoàng. Hãy tin vào Chúa, và dùng Lời Ngài kiểm tra kỹ mọi giáo lý được đưa đến mình. Quyền lực giờ đã nằm trọn trong tay bạn.

Bài học tiếp theo sẽ đề cập đến vấn đề lớn nhất trong mối quan hệ giữa chúng ta với Đức Chúa Trời: Ngài yêu thương chúng ta, trong khi Ngài là vị Thần của Công Lý, còn chúng ta là những tội nhân.

Làm cách nào Đức Chúa Trời có thể gỡ tội được cho chúng ta và bãi miễn được bản án tử hình treo trên đầu chúng ta, cứu chúng ta thoát khỏi cảnh diệt vong, đi vào sự sống vĩnh cửu bên Ngài?

Hãy click vào link “bài tiếp” được đặt ở bên dưới bên phải mỗi bài giảng, để tiến sang bài học tiếp theo của bộ Tiên Tri Toàn Thư này.

Vẫn chưa có bộ Tiên Tri Toàn Thư trong tay?

Lấy về trọn bộ Tiên Tri Toàn Thư MIỄN PHÍ tại đây »