Anti-Christ là ai?
Tiên Tri Toàn Thư »
Bài trước: Tiến Hóa hay Tạo Hóa |
BÀI 4: ANTI-CHRIST LÀ AI?
“Chúng tôi xin các bạn, các anh em, về sự hiện đến của Chúa chúng ta JESUS Christ và cuộc tụ họp của chúng ta về Ngài, để các bạn không vội bị dao động tâm trí hay náo động,
dù bởi linh nào, hay bởi lời nào, hay bởi thư nào như bởi chúng tôi, như thể ngày của Đấng Christ đã đến – đừng để người nào lừa dối các bạn theo bất cứ cách nào –
bởi trừ phi sự bội đạo đến trước, và con người gian ác, đứa con của sự hủy diệt, bị hiển lộ, là kẻ đối kháng và tự tôn lên trên tất cả những gì được gọi là Thần hoặc đối tượng thờ lạy,
đến nỗi hắn như Đức Chúa Trời ngồi trong đền thờ của Đức Chúa Trời, phô trương mình rằng hắn là Đức Chúa Trời.” [14] II Tê-sa-lô-ni-ca 2:1-4.
Thế lực bội đạo, tà ác chỉ đứng sau Sa-tan trong Kinh Thánh, được sứ đồ Giăng gọi là “Anti-Christ” ([23] I Giăng 2:18), là ai, hay là gì?
Người thì tin rằng thời điểm xuất hiện của Anti-Christ vẫn còn ở trong tương lai, kẻ thì cho rằng Anti-Christ đã đến và đã đi từ lâu rồi.
Tuy nhiên Kinh Thánh cho biết rõ ràng thế lực này đã và đang hoành hành ngay bây giờ, và sẽ còn tiếp tục tồn tại cho đến tận ngày Tận Thế.
Bài giảng này, theo [27] Đa-ni-ên 7, sẽ nhận dạng một cách chính xác và rõ ràng danh tính của Anti-Christ.
Dù vậy, đây mới chỉ là phần giới thiệu mà thôi.
Những bài giảng tiếp theo sẽ hé lộ những hoạt động chấn động địa cầu của thế lực này trong tương lai.
Những thông tin bạn chuẩn bị nhận được có thể gây bàng hoàng, sợ hãi, hay đau buồn.
Nhưng đừng quên, [27] Đa-ni-ên 7 đến từ Chúa – Đấng yêu thương chúng ta – và điều ấy có nghĩa Ngài phải chấp nhận luôn thẳng thừng gửi cho chúng ta Sự Thật, dù nó nhất thời có cay đắng đến đâu.
Hãy cầu nguyện để Ngài tiếp thêm sức mạnh và lòng dũng cảm để đối diện với Sự Thật ấy, và hãy đọc qua một lượt [27] Đa-ni-ên 7 trước khi tiến vào bài giảng này.
1. Bắt đầu khải tượng, Đa-ni-ên thấy bốn con thú từ biển đi lên.
Trong ngôn ngữ tiên tri, “biển”, hay một diện tích mặt nước nói chung, là biểu tượng cho thứ gì?
[27] Mặc Khải 17:15 Và vị ấy nói với tôi:
“Những màn nước mà ngươi thấy nơi mụ gái điếm ngồi là các dân tộc, và các nhóm người, và các nước, và các ngôn ngữ.”
Trong ngôn ngữ biểu tượng của Kinh Thánh, “biển”, hay một diện tích mặt nước nói chung,
là biểu tượng cho một khu vực đông đúc dân cư thuộc các dân tộc khác nhau, nói các thứ tiếng khác nhau.
2. Còn hình ảnh “con thú” là biểu tượng cho thứ gì?
[27] Đa-ni-ên 7:23 Con thú thứ tư sẽ là vương quốc thứ tư trên đất.
Bốn con thú trong khải tượng này là bốn vương quốc, chính là bốn đế chế trong khải tượng [27] Đa-ni-ên 2 mà chúng ta đã đề cập đến trong bài “Giấc mộng tiên tri“,
chúng lần lượt là: Ba-by-lon, Mê-đi Ba Tư, Hy Lạp, và La Mã.
Tuy nhiên, khải tượng trong chương 7 mở rộng hơn và cung cấp nhiều thông tin chi tiết hơn nhiều so với chương 2.
Chúng ta sẽ cùng thấy rõ điều đó ngay.
3. Con thú thứ nhất, hay đế chế Ba-by-lon, có các đặc điểm gì, với ý nghĩa như thế nào?
[27] Đa-ni-ên 7:4 Con thứ nhất như sư tử nhưng nó có cánh đại bàng.
Tôi nhìn cho đến khi các cánh nó bị nhổ bỏ, và nó bị nhấc lên khỏi đất và dựng trên hai bàn chân như người,
và trái tim con người được ban cho nó.
“Cánh” hay “cánh đại bàng” tượng trưng cho tốc độ ([24] Giê-rê-mi 4:13), đặc biệt là tốc độ chinh phạt.
Đế chế Ba-by-lon đã thôn tính các quốc gia xung quanh với tốc độ rất nhanh,
nhưng rồi hoàng đế Nê-bu-cát-nết-sa của Ba-by-lon cuối cùng trải qua một loạt biến cố đã nhận biết Đức Chúa Trời và trở về với Ngài ([27] Đa-ni-ên 4:34-37),
vì vậy con sư tử hung bạo trong khải tượng này được mô tả là đứng lên bằng hai chân và được ban cho trái tim con người.
4. Con gấu theo sau, hay đế chế Mê-đi Ba Tư, có các đặc điểm gì, với ý nghĩa như thế nào?
[27] Đa-ni-ên 7:5 Và kìa, một con thú khác thứ hai, giống như con gấu,
và một bên nó nhô cao lên, và ba khúc xương sườn ở trong mồm nó giữa răng nó.
Và người ta bảo nó thế này: ‘Hãy trỗi dậy, ăn nuốt nhiều thịt vào!’
Tiếp nối đế chế Ba-by-lon và thống trị vùng Trung Đông cổ là đế chế Mê-đi Ba Tư gồm hai tộc người: người Mê-đi và người Ba Tư,
trong đó tộc người Ba Tư trỗi dậy sau, nhưng rồi trở nên hùng mạnh hơn (con gấu đứng nghiêng hẳn về một bên).
Ba khúc xương sườn mà con gấu ngậm tượng trưng cho 3 đế chế chính bị nó tiêu diệt: Ba-by-lon, Ai Cập, và Ly-đi-a.
Đồng thời nếu tinh ý chúng ta có thể dễ dàng nhận ra, khải tượng [27] Đa-ni-ên 8 cũng song song với khải tượng ở chương 7 này mà chúng ta đang nghiên cứu.
Vì thế khi cần, có thể đối chiếu chéo hai khải tượng này với nhau để rút ra thêm thông tin.
5. Con báo, hay đế chế Hy Lạp, có các đặc điểm gì?
[27] Đa-ni-ên 7:6 Và sau đấy tôi nhìn thì kìa, một con khác như con báo, và nó có bốn cánh chim trên lưng mình.
Con thú cũng có bốn đầu và quyền cai trị được ban cho nó.
Bốn cánh của con báo (thay vì ở con sư tử chỉ có 2 cánh) tượng trưng cho tốc độ chinh phạt khủng khiếp của Hy Lạp dưới sự chỉ huy của Alexander Đại Đế.
Bốn đầu của con báo tượng trưng cho bốn vị đại tướng dưới quyền: Cassander, Lysimachus, Ptolemy, và Seleucus, đã xâu xé và chia cắt vương quốc sau khi Alexander qua đời ở tuổi 33.
6. Đế chế La Mã – vương quốc thứ tư – được mô tả như thế nào?
[27] Đa-ni-ên 7:7 Sau đấy, tôi thấy trong khải tượng ban đêm, và kìa:
một con thú thứ tư đáng sợ và khủng khiếp và mạnh mẽ vô cùng.
Và nó có răng lớn bằng sắt, ăn nuốt và nghiền nát, và giày đạp những gì còn lại với bàn chân mình.
Và nó khác với tất cả các con thú trước nó, và nó có mười cái sừng.
Khác với Hy Lạp sử dụng khí tài quân sự bằng đồng, người La Mã biết cách chế tạo vũ khí bằng sắt có sức mạnh vượt trội, và lại còn rẻ hơn nhiều.
Họ đánh phạt mọi quốc gia trên đường đi và không đế chế nào có thể chống cự nổi.
Ở đỉnh cao của mình, họ thống trị cả Châu Âu, đến tận Thổ Nhĩ Kỳ và Syria ở cực Đông đế chế, luôn cả Bắc Phi và Ai Cập cũng nằm trong lãnh thổ của họ.
7. Kinh Thánh có cho biết mười cái sừng của con thú này là gì không?
[27] Đa-ni-ên 7:24 Mười cái sừng từ chính vương quốc ấy là mười vua sẽ trỗi dậy.
Theo lịch sử, cùng với quá trình đế chế La Mã tan rã, có mười vương quốc đã nổi lên từ lãnh thổ đế chế ở Châu Âu, đòi tự trị.
Bảy trong số mười nước này vẫn sống sót cho đến ngày nay và trở thành bảy quốc gia Châu Âu.
Anglo-Saxons: Anh
Franks: Pháp
Alammani: Đức
Bergundis: Thụy Sĩ
Lombards: Ý
Visigoths: Tây Ban Nha
Suevi: Bồ Đào Nha
Heruli, Vandals và Ostrogoths: Đã diệt vong.
8. Trong khải tượng, điều gì xảy ra tiếp theo?
[27] Đa-ni-ên 7:8 Tôi đang suy nghĩ về các sừng ấy
thì kìa, một cái sừng nhỏ khác mọc lên giữa chúng, và ba cái trong các sừng trước bị nhổ tận gốc trước nó.
Và kìa, trên cái sừng này là những mắt như mắt người và cái mồm nói những điều to tát.
Tiếp theo, một cái sừng nhỏ rất đặc biệt đã trỗi dậy.
Đây chính là thế lực Anti-Christ được nhắc đến nhiều lần trong Kinh Thánh sau đó mà chúng ta cần xác định danh tính chính xác.
9. Danh sách đặc điểm nhận dạng của “cái sừng nhỏ” này mà [27] Đa-ni-ên 7 cung cấp gồm những gì?
<1>. Là một cái “sừng”, tức là một “vua” hay “vương quốc” (câu 24).
<2>. Mọc lên từ con thú thứ tư – La Mã (câu 7-8).
<3>. Mọc lên giữa 10 sừng, tức giữa mười vua ở khu vực Tây Âu (câu 8).
<4>. Ba trong số 10 sừng kia bị nhổ tận gốc trước mặt nó, tức là, ba trong mười vương quốc Tây Âu sẽ bị tiêu diệt tận gốc trước nó (câu 8).
<5>. Nó sẽ “khác” so với 10 vương quốc kia (câu 24).
<6>. Có miệng một người đứng đầu phát ngôn cho nó (câu 8).
<7>. Nó sẽ tranh chiến với các thánh đồ và chiến thắng (câu 21, 25).
<8>. Các thánh đồ sẽ bị phó vào tay nó trong “một kỳ, các kỳ và nửa kỳ” (câu 25).
<9>. Nó sẽ nói những lời xúc phạm Đấng Tối Cao (câu 25).
<10>. Nó định thay đổi thời gian và luật pháp (câu 25).
Xin lưu ý rằng tất cả những đặc điểm nhận dạng này đều lấy trực tiếp từ Kinh Thánh chứ không phải quan điểm suy đoán tự tưởng tượng của một ai.
Từ danh sách trên, chúng ta có thể dễ dàng đối chiếu với lịch sử và nhận dạng một cách chính xác thế lực duy nhất hội tụ đủ những đặc điểm này,
bàng hoàng thay, lại chính là Hội thánh Thiên Chúa Giáo Vatican tại Rome, tức Hội Thánh Công Giáo!
Hãy cùng xem xét kỹ.
10. Nhà thờ Công Giáo Vatican thực sự trùng khớp tất cả những đặc điểm nhận dạng này?
Chúng ta sẽ cùng rà soát từng đặc điểm nhận dạng một.
<1>. Là một cái “sừng”, tức là một “vua” hay “vương quốc” ([27] Đa-ni-ên 7:24).
Vatican là một quốc gia độc lập hẳn hoi chứ không chỉ đơn thuần là một tổ chức tôn giáo hay một nhà thờ thông thường, hiển nhiên thỏa mãn điểm <1>.
<2>. Mọc lên từ con thú thứ tư – đế chế Rô-ma hay La Mã ([27] Đa-ni-ên 7:7-8).
Vatican không chỉ tọa lạc tại Ý, mà còn ở chính thủ đô Rô-ma của đất nước này, hiển nhiên thỏa mãn điểm <2>.
<3>. Mọc lên giữa 10 sừng, tức giữa mười vua ở khu vực Tây Âu ([27] Đa-ni-ên 7:8).
Ý là một trong mười quốc gia thuộc khu vực Tây Âu trong danh sách kể trên. Vậy Vatican cũng thỏa mãn điểm <3>.
<4>. Ba trong số 10 sừng kia bị nhổ tận gốc trước mặt nó, tức là,
ba trong mười vương quốc Tây Âu sẽ bị nó tiêu diệt tận gốc ([27] Đa-ni-ên 7:8).
Các hoàng đế Châu Âu thời xưa phần lớn đều theo đạo Thiên Chúa, ủng hộ và chịu sự chi phối giật dây của Nhà Thờ Công Giáo, trừ ba hoàng đế của Ostrogoths, Heruli và Vandals.
Vậy là các hoàng đế Thiên Chúa giáo kia quyết định rằng những vương quốc này cần phải bị tận diệt.
Đầu tiên hoàng đế Zeno (474-491) sắp xếp một hiệp ước với Ostrogoths dẫn đến việc tận diệt vương quốc Heruli vào năm 493.
Sau đó hoàng đế Justinian (527-565) tiêu diệt Vandals vào năm 534 và cuối cùng là diệt luôn nốt Ostrogoths vào năm 538.
Thế là “ba cái sừng” đã bị “nhổ tận gốc” trước mặt cái sừng nhỏ.
<Mervyn Maxwell, God Cares, quyển 1, trang 129>
<5>. Nó sẽ “khác” so với 10 vương quốc kia ([27] Đa-ni-ên 7:24).
Vatican khác hẳn so với bất cứ vương quốc nào trên đời ở chỗ nó không chỉ là một thế lực chính trị, mà còn là một thế lực tôn giáo chi phối tâm linh con người.
Nhờ đó dù chỉ có lãnh thổ rất nhỏ bé, nó vẫn có sức ảnh hưởng cực kỳ lớn trên thế giới, nếu không phải là lớn nhất.
Nó đã thâm nhập và điều khiển ngay cả hợp chủng quốc Hoa Kỳ đến một mức độ rất đáng kể.
Các đặc vụ Jesuits của nó – được huấn luyện để xâm nhập vào mọi chính phủ, chính đảng, hội thánh, tôn giáo… thậm chí từ lúc trẻ –
sẵn sàng bỏ ra nhiều chục năm để dần dần leo được lên các vị trí cao trọng trong các tổ chức mình xâm nhập, nhằm chi phối, thôn tính và khuất phục chúng dưới ý chỉ của Tòa Thánh Công Giáo.
Ngay cả tổng thống Mỹ Joe Biden cũng là một Cơ Đốc nhân Công Giáo, một tín hữu dưới quyền Giáo Hoàng.
Hội thánh Công Giáo La Mã thực sự là một quốc gia vô cùng đặc biệt và hùng mạnh.
<6>. Có miệng một người đứng đầu phát ngôn cho nó ([27] Đa-ni-ên 7:8).
Người này không ai khác chính là Giáo Hoàng.
<7>. Nó sẽ tranh chiến với các thánh đồ và chiến thắng ([27] Đa-ni-ên 7:21, 25).
Việc tòa thánh Vatican từng bắt bớ và tàn sát vô số Cơ Đốc nhân là một sự thật hiển nhiên được biết đến một cách rộng rãi và được chính tòa thánh thừa nhận.
Các nhà sử học tính toán hơn 100 TRIỆU người đã bị giết hại vì đức tin của mình bởi tổ chức này.
Trong khi đó, hội thánh công giáo lại hiểu nhầm rằng họ đang giúp Đức Chúa Trời dọn dẹp bớt những kẻ ngoại đạo.
Giáo Hoàng John Paul II đã từng phải lên tiếng xin lỗi và cầu xin sự tha thứ cho tòa thánh vì những tội ác ấy,
nhưng sự thật đã mãi mãi ấn định vào dòng lịch sử: tòa thánh đã bắt bớ và giết hại vô số thánh đồ.
<8>. Các thánh đồ sẽ bị phó vào tay nó trong “một kỳ, các kỳ và nửa kỳ” ([27] Đa-ni-ên 7:25).
Một kỳ là một năm.
Các kỳ là hai kỳ là hai năm.
Nửa kỳ là nửa năm.
“Một kỳ, các kỳ và nửa kỳ” do vậy tổng cộng là 3 năm rưỡi.
Khoảng thời gian này còn được nhắc đi nhắc lại rất nhiều trong các lời tiên tri dưới định dạng 42 tháng, và 1.260 ngày (căn cứ theo cách tính thời gian của người Do Thái, gồm 30 ngày một tháng, 12 tháng một năm, ba đơn vị thời gian tiên tri trên đều là một).
Chìa khóa giải nghĩa mật mã tiên tri này là đây: bằng việc tra cứu chính Kinh Thánh,
ta có thể tìm ra trong ngôn ngữ tiên tri, một ngày trong khải tượng bằng một năm ngoài đời ([26] Ê-xê-chi-ên 4:6; [04] Dân số 14:34).
Hiểu thông được điểm này, ta có thể quy đổi 1.260 ngày trong khải tượng nói trên ra 1.260 năm thật ngoài đời.
Đối chiếu với lịch sử:
Vatican bắt đầu chính thức thống trị từ năm 538 sau Công Nguyên.
Phải đến năm 1798, Giáo Hoàng của họ mới bị bắt sống bởi tay viên tướng Louis-Alexandre Berthier của Napoleon và bị đưa về Pháp, nơi ông ta chết trong cảnh lưu đày.
Khoảng thời gian từ năm 538 đến 1798 sau Công Nguyên, quả nhiên bằng đúng 1,260 năm!
Ngay cả điểm <8> này cũng trùng khớp một cách không thể tưởng tượng nổi!
<Joseph Rickaby, “Tòa thánh Vatican ngày nay”, bài giảng về lịch sử tôn giáo, (London: Lẽ Thật Công Giáo Xã Luận, 1910), quyển 3, bài 24, trang 1.>
<9>. Nó sẽ nói những lời xúc phạm Đấng Tối Cao ([27] Đa-ni-ên 7:25). Nói cách khác: báng bổ.
Kinh Thánh định nghĩa tội báng bổ Đức Chúa Trời không chỉ đơn thuần là khi một người xúc phạm đến Ngài một cách trực tiếp, mà còn là khi một người:
– Mạo nhận mình là ngang hàng với Đức Chúa Trời ([04] Giăng 10:33).
– Mạo nhận mình có thẩm quyền tha thứ tội lỗi ([03] Lu-ca 5:21; [19] Hê-bơ-rơ 5:9).
Vatican tuyên bố giáo hoàng của họ là ngang hàng với Đức Chúa Trời.
Giáo hoàng Leo XIII nói, “Bọn ta giữ địa vị của Đức Chúa Trời Toàn Năng trên trái đất này.”(1)
Thêm một tuyên bố khác được đưa ra về giáo hoàng:
“Ông là một Đức Chúa Trời khác trên mặt đất.”(2)
Thêm vào đó, tòa thánh Vatican có tự xưng mình có thẩm quyền tha thứ tội lỗi không?
Hãy xem giáo lí Cơ Đốc công giáo viết gì:
“Một linh mục hay cha xứ có thật sự tha thứ được tội lỗi không, hay ông ta chỉ có thể tuyên bố là tội lỗi đã được tha?
Trả lời: linh mục hay cha xứ thực sự có thẩm quyền tha thứ tội lỗi bằng thẩm quyền được trao bởi Chúa Jesus Christ.”(3)
Việc mạo nhận thẩm quyền tha thứ tội lỗi này vô hình chung đẩy các linh mục, vốn chỉ là những người phàm tội lỗi, vào vị trí đầy áp lực của Đấng Christ: phải thay Ngài mà ngồi nghe dân sự thú nhận đủ mọi việc làm gian ác của họ.
Trong khi đây là vị trí không một ai đủ khả năng để cáng đáng cả, ngoài Cứu Chúa Vĩ Đại của chúng ta:
vừa là người, cảm thông được với mọi yếu đuối của chúng ta,
vừa là Thần, có quyền năng và ân điển để thêm sức cho chúng ta, nâng đỡ chúng ta đứng vững,
vừa sở hữu một bộ phẩm giá tối thượng, thánh khiết, vô tội và toàn hảo, ngập tràn yêu thương và công lý,
xứng đáng với mọi sự ngưỡng mộ và tin tưởng tuyệt đối từ phía chúng ta.
Các linh mục loài người, kể cả những người sống đạo đức nhất, với lương tâm trong sạch, không dự phần vào những việc ác của tổ chức tôn giáo, cũng đào đâu ra quyền năng như Chúa chúng ta để thực hiện việc tái tạo lại bản chất từ bên trong cho người tội nhân ăn năn?
Xưng mình có thẩm quyền tha thứ tội lỗi thực chất còn chất lên chính bản thân tòa thánh và các chức sắc của nó gánh nặng mà họ không thể mang nổi.
Vậy điểm “báng bổ” này cũng trùng khớp với tòa thánh Vatican.
(1)Giáo hoàng Leo XIII, Bức thông điệp “Sự hợp nhất Cơ Đốc giáo” ngày 20 tháng 6, 1894, dịch là Bức thông điệp vĩ đại của giáo hoàng Leo XIII (New York: Benziger, 1903), trang 304.
(2)Christopher Marcellus, Diễn văn tại hội đồng Lateran thứ năm, Mục IV (1512), bản viết tay SC, quyển 32, cột 761 (Latin).
(3)Joseph Deharbe, S.J., A Giáo lí hoàn chỉnh của hội thánh công giáo (New York: Schwartz, Kirwin & Fauss, 1924), trang 279.
<10>. Nó định thay đổi thời gian và luật pháp ([27] Đa-ni-ên 7:25).
Tòa thánh Vatican đã tự tiện thay đổi bộ luật Mười Mạng Lệnh của Đức Chúa Trời:
họ loại bỏ mạng lệnh thứ hai về cấm thờ lạy thần tượng, rồi chẻ đôi mạng lệnh thứ mười ra làm hai mạng lệnh để đủ số mười mạng lệnh như cũ,
và cuối cùng, cắt ngắn mạng lệnh thứ tư quy định về thời gian nghỉ từ 94 từ xuống còn 8 từ.
Độc giả có thể tự đối chiếu chính danh sách 10 mạng lệnh mà tòa thánh ghi trong quyển giáo lý Công Giáo của họ với Mười Mạng Lệnh của Đức Chúa Trời trong [02] Xuất Hành 20:2-17.
Không còn nghi ngờ gì nữa:
Vatican trùng khớp với tất cả các điểm nhận dạng được mô tả trong [27] Đa-ni-ên 7 của cái sừng nhỏ Anti-Christ.
Điều đó hoàn toàn không có nghĩa các tín hữu hay các chức sắc trong tòa thánh phải là những người gian ác.
Trái lại, trong hội thánh Công Giáo lại đầy rẫy những con cái thành tâm của Chúa, sống hết lòng với lượng ánh sáng mà mình nhận được, và đã cống hiến được vô vàn việc thiện cho nhân loại.
Tuy nhiên, bản thân TỔ CHỨC tòa thánh thì lại đầy sai lạc và những điều sai trái, tồn tại nhiều xa hoa nhũng nhiễu, đấu đá tranh giành quyền lực, gây nhiều khổ sở thậm chí cho chính các tín hữu và chức sắc lương thiện của mình, và bị Lời của Đức Chúa Trời lên án.
Không chỉ vậy, việc hội thánh Công Giáo chính là thế lực Anti-Christ còn chẳng phải là một tin giờ chót mới mẻ gì.
Các nhà Cải Chánh khai sinh ra các hội thánh Tin Lành từ mấy trăm năm trước, “John Wycliffe, William Tyndale (dịch giả bản dịch Kinh Thánh Tyndale), Martin Luther, John Calvin, Thomas Cranmer;
trong thế kỷ 17, Bunyan, các dịch giả của quyển Kinh Thánh King James và những người đăng bản tuyên xưng đức tin Westminster và Baptist; ngài Isaac Newton, John Wesley, Whitfield, Jonathan Edwards;
và gần đây hơn là Spurgeon, giám mục J.C. Ryle và bác sĩ Martin Lloyd-Jones;
những người này cùng vô số khác, thảy đều đã nhìn ra ngai vị Giáo Hoàng Công Giáo chính là Anti-Christ rồi.”
{Michael de Semlyen, Mọi con đường đều dẫn đến Rome (All Roads Lead to Rome), Dorchestor House Publications, trang 205, 1991}
Ánh sáng của sự thật đầy bàng hoàng này đã dẫn đến cuộc Cải Chánh vĩ đại, khai sinh ra Cải Chánh giáo Tin Lành, khi mà nhiều người đều đã nhận ra tòa thánh Công Giáo chính là thế lực Anti-Christ.
Nhiều nhà Cải Chánh, những người thậm chí còn xuất thân từ chính các linh mục và chức sắc của Vatican, đã mạnh mẽ đứng dậy kêu gọi nhà thờ cải cách.
11. Rất nhiều Cơ Đốc nhân ngày nay đã bị dạy sai về Anti-Christ. Tin nhận sự sai lạc có thể khiến cho việc tiếp nhận sự thật trở nên khó khăn hơn.
Để phòng bị điều đó, chúng ta đã được Kinh Thánh dạy phải làm gì khi nghe được một giáo lý mình chưa biết?
[05] Công Vụ 17:11 Cao quý hơn những người tại Tê-sa-lô-ni-ca, những người này là những người đã tiếp nhận Lời với tất cả lòng nhiệt thành,
hàng ngày tra xét Kinh Thư xem liệu những điều này có phải như vậy không.
[13] I Tê-sa-lô-ni-ca 5:21 Hãy kiểm nghiệm tất cả, giữ lấy điều gì tốt đẹp.
Mọi giáo lý đều cần phải được đối chiếu với Kinh Thánh với một tinh thần cởi mở để xác định tính chính xác.
Điều gì đúng thì cần phải được tiếp nhận.
12. Bạn đã sẵn sàng bước theo Chúa JESUS đến bất cứ nơi nào Ngài dẫn bạn đi chưa?
Rất nhiều lời tiên tri trong sách [27] Đa-ni-ên và [27] Mặc Khải sẽ được trình bày trong những bài giảng sắp tới.
Chúa đã ban những lời tiên tri này nhằm:
a. Hé lộ những sự kiện cuối cùng của trái đất, sẽ xảy ra ngay trước ngày Tận Thế.
b. Nhận diện những nhân vật chính sẽ tham gia phần kết của cuộc chiến giữa Đấng Christ và Satan.
c. Vạch trần thủ đoạn xảo quyệt của Satan nhằm lừa dối và hủy diệt tất cả chúng ta.
d. Chỉ ra nơi trú ẩn an toàn cho các thánh đồ trong ngày Phán Xét và đoàn kết tất cả những người con chân chính của Đức Chúa Trời dưới một ngọn cờ Chân Lý.
e. Tôn vinh Đức Chúa Trời và Con Trai Ngài, qua tình yêu thương, đức công chính, ơn Cứu Rỗi, sự thông hiểu tương lai tường tận và quyền năng làm chủ toàn cục của họ.
Phụ lục
Nguyên tắc biện giải một ngày trong thời gian tiên tri ra một năm trong thời gian thực.
Thông thường, một lời tiên tri chỉ có thể giải nghĩa được sau khi chúng đã ứng nghiệm,
tuy nhiên trong lịch sử đã có một trường hợp hãn hữu xảy ra vào năm 1838,
khi một nhà truyền giảng tên là Josiah Litch đã dùng chìa khóa giải nghĩa thời gian này của Kinh Thánh để tiên đoán được chính xác thời gian hoành hành của đế chế hồi giáo Ottoman được nói đến trong [27] Mặc Khải 9:13-15, từ trước khi nó sụp đổ.
Josiah Litch đã quy đổi “1 giờ, 1 ngày, 1 tháng, 1 năm” trong câu 15 ra đúng 391 năm 15 ngày theo đơn vị thời gian thực,
và từ đó tiên đoán rằng thế lực của đế chế Ottoman sẽ kết thúc vào đúng ngày 11 tháng 8 năm 1840, sau 391 năm 15 ngày nắm giữ quyền lực.
Và sự việc sau đó đã xảy ra đúng như thế.
Trong bài học tiếp theo, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu kỹ hơn về bộ luật Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, hay còn gọi là Mười Mạng Lệnh, mà thế lực Anti-Christ đã tìm cách thay đổi.
Được ghi khắc bởi chính ngón tay Đức Chúa Trời và được truyền phán bởi tiếng nói vang dội Ngài.
Hãy click vào “bài tiếp”.