Ấn của Đức Chúa Trời
Tiên Tri Toàn Thư »
BÀI 8: ẤN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Ngày hôm ấy là một ngày khủng khiếp mà Ê-xê-chi-ên không bao giờ có thể quên.
Có lẽ ít có người chăn bầy nào trong suốt lịch sử dân Chúa phải trải qua một trải nghiệm kinh hoàng như của ông:
bị Chúa nắm tóc lôi đi ([26] Ê-xê-chi-ên 8:3),
bị bắt phải chứng kiến tất cả những việc làm gian ác, phản bội và bỉ ổi đang xảy ra trong vòng dân Chúa
khiến Đức Chúa Trời phải rời xa Đền Thánh của Ngài.
Họ thờ lạy mặt trời và cả thần Tam-mun một cách công khai,
họ phỉ báng và chà đạp lên Mười Mạng Lệnh thánh,
chọc giận Đức Chúa Trời đến mức “dù họ có kêu la thấu đến tai Ta, Ta cũng chẳng thèm nghe”. [26] Ê-xê-chi-ên 8:18.
Tệ hại hơn cả, tất cả những điều bỉ ổi trên được dẫn đầu bởi chính những trưởng lão của hội thánh – những chức sắc cao nhất. [26] Ê-xê-chi-ên 8:11.
Điều gì phải đến cũng đã đến.
Thấy rõ những đứa con phản loạn và gian ác này sẽ không còn quay đầu phục thiện nữa, Đấng Tối Cao gầm lên ngay bên tai nhà tiên tri:
“Các đao phủ của thành hãy đến gần, và mỗi người với khí giới hủy diệt của mình trong tay mình!” [26] Ê-xê-chi-ên 9:1.
Nhìn sáu chiến thần của Đức Chúa Trời bước vào, Ê-xê-chi-ên chỉ còn biết mếu máo khóc.
Đức Chúa Trời gọi viên thiên sứ đứng đầu:
“Hãy đi qua giữa thành, là giữa Giê-ru-sa-lem,
và ghi một dấu ấn lên trán những người nào đang than thở và đang khóc lóc về mọi điều kinh tởm đang được thực hiện ở giữa nó!” [26] Ê-xê-chi-ên 9:4.
Và rồi Ngài quay sang phán với năm vị thiên sứ còn lại:
“Hãy đi qua thành theo sau vị ấy và đánh giết!
Mắt các ngươi không được thương tiếc, các ngươi cũng không được xót thương!
GIẾT HẾT: người già người trẻ, và trinh nữ, và trẻ em, và đàn bà!
Nhưng chớ đến gần mọi kẻ mà trên nó là cái dấu ấn ấy.
Và hãy bắt đầu từ Đền Thánh của Ta!” [26] Ê-xê-chi-ên 9:5-6.
Sách [27] Mặc Khải sau đó đã mở rộng cho chúng ta khải tượng của Ê-xê-chi-ên và xác nhận cho chúng ta biết:
ngày Đức Chúa Trời đặt dấu chấm hết cho cái thế giới người ăn thịt người, cá lớn nuốt cá bé này, chỉ có những người được Ngài đánh dấu mới được chừa lại mà thôi.
Hãy dành vài phút đọc thêm phân đoạn [27] Mặc Khải 7:1-4 và [27] Mặc Khải 14:1-5 trước khi chúng ta cùng tiến vào bài giảng này.
1. Những ai được bảo vệ khỏi bảy đại nạn cuối cùng, tức bảy bát thịnh nộ của Đức Chúa Trời trong [27] Mặc Khải 16?
[27] Mặc Khải 7:3 “Đừng làm hại đất, hay biển, hay các cây cối,
cho đến khi chúng ta đã đóng ấn các đầy tớ của Đức Chúa Trời chúng ta trên trán họ!”
Và tôi nghe số người được đóng ấn là: một trăm bốn mươi bốn nghìn.
Những người được “đóng ấn” trên trán, gồm một trăm bốn mươi bốn nghìn người sẽ không phải hứng chịu cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời trong ngày phán xét ([19] Thi Ca 91:7-11).
2. Điều đầu tiên cần phải nắm chắc về Ấn ấy là gì?
[27] Mặc Khải 7:2 Một thiên sứ khác lên từ hướng mặt trời mọc, có ấn của Đức Chúa Trời Hằng Sống.
[27] Mặc Khải 14:1 Và tôi nhìn xem, và kìa, Chiên Con đứng trên núi Si-ôn,
và cùng Ngài là một trăm bốn mươi bốn nghìn người có danh Ngài và danh Cha Ngài ghi trên trán họ.
Chi tiết đầu tiên mà ta được biết về cái ấn, chính là danh tính chủ nhân của nó:
nó thuộc về một nhân vật có danh xưng là “Đức Chúa Trời Hằng Sống”, và là danh của Chiên Con và Cha Chiên Con ghi trên trán.
Trong Kinh Thánh, “trán” hay “giữa hai mắt” là biểu tượng của tâm trí ([26] Ê-xê-chi-ên 3:7).
Nói cách khác, ấn của Đức Chúa Trời Hằng Sống đóng trên trán
trước tiên chính là sự nhận biết chính xác Chiên Con và Cha Chiên Con, được tin nhận xác quyết trong tâm trí.
Chính sự nhận biết này mới là cội rễ của những dấu hiệu khác có thể nhìn thấy được trên họ, mà chúng ta sẽ cùng đi sâu tìm hiểu trong bài giảng này.
3. “Chiên Con” chính là ai?
[04] Giăng 1:29 Hôm sau Giăng thấy JESUS đến với ông thì nói:
“Kìa! Chiên Con của Ðức Chúa Trời, Ðấng cất đi tội lỗi của thế gian!
Xuyên suốt Kinh Thánh, “chiên con” chính là biểu tượng chỉ đến chính Chúa JESUS,
là Đấng đóng vai trò vật hiến tế gánh lấy tội lỗi của loài người lên chính mình Ngài,
và từ đó giành được quyền danh chính ngôn thuận bãi miễn án tử hình của tội lỗi cho bất cứ ai đến với Ngài bằng đức tin ăn năn đầu phục.
4. Vậy Cha của Chiên Con là ai?
[04] Giăng 17:3 Này là sự sống vĩnh cửu:
rằng họ có thể nhận biết Cha là Ðức Chúa Trời chân chính duy nhất, và JESUS Christ, Đấng Cha sai đến.
[07] I Cô-rinh-tô 8:6 Chỉ có một Đức Chúa Trời, là Cha.
[13] I Tê-sa-lô-ni-ca 1:9-10 …thể nào các bạn đã quay về với Đức Chúa Trời khỏi các thần tượng,
để phục vụ Đức Chúa Trời hằng sống và chân chính, và để chờ đợi Con Trai Ngài từ trời,
Đấng mà Ngài đã vực dậy từ kẻ chết, JESUS, Đấng giải cứu chúng ta khỏi cơn thịnh nộ đang đến.
[04] Giăng 3:16 Vì Ðức Chúa Trời yêu thương thế gian thể này: đến nỗi đã ban Con Trai Độc Sanh của Ngài,
để tất cả những ai tin vào Ngài ấy sẽ không bị hư mất, mà có sự sống vĩnh cửu.
Cha của Chiên Con chính là vị Đức Chúa Trời chân chính DUY NHẤT, là vị “Đức Chúa Trời Hằng Sống” có ấn đóng trên trán nhóm 144.000 người.
Cha và Con thực sự là hai Cha Con ruột,
trong đó, Đức Cha chính là Đức Chúa Trời, đã trực tiếp sinh ra Chúa JESUS Con Trai Ngài từ trước khi ban Con ấy cho thế gian,
theo đúng nghĩa đen của từ “monogenes” tiếng Hy Lạp, được dịch và hiểu một cách nhất quán là “độc sanh” xuyên suốt cả 9 lần nó xuất hiện trong Kinh Thánh.
Việc ngồi bịa ra một vị Đức Chúa Trời khác bằng cách hợp thể Cha và Chúa JESUS lại với một nhân vật thứ ba nữa
để tạo ra một ông thần to gấp ba lần – như một giáo lý sai lạc nhất định vẫn hay dạy tràn lan khắp các hội thánh – là điều đặc biệt nguy hiểm,
bởi nó không chỉ báng bổ Đức Chúa Trời, mà còn làm biến dạng sự nhận biết chính xác về danh tính của Ngài và Con Trai Ngài,
dẫn đến sự thờ phượng lệch lạc sai đối tượng và trực tiếp ngăn chúng ta nhận lãnh Ấn của Đức Chúa Trời Hằng Sống được mô tả trong phân đoạn [27] Mặc Khải 7:2-3 nói trên.
5. Vậy Ấn của Đức Chúa Trời – dấu hiệu phân biệt những người nhận biết Ngài với phần còn lại của thế gian là gì?
[26] Ê-xê-chi-ên 20:12 Ta cũng đã ban cả cho chúng những ngày Sa-bát của Ta
để làm một dấu hiệu giữa Ta và giữa chúng
để chúng nhận biết rằng Ta là YHWH, Đấng Thánh Hóa chúng.
[26] Ê-xê-chi-ên 20:20 Hãy biệt thánh những ngày sa-bát của Ta,
và chúng sẽ làm dấu hiệu giữa Ta và giữa các con,
để biết rằng Ta là YHWH Đức Chúa Trời của các con.
[02] Xuất Hành 31:13 Các con phải tuyệt đối giữ những ngày Sa-bát của Ta:
vì nó là một dấu hiệu giữa Ta và giữa các con cho các thế hệ các con,
để nhận biết rằng Ta là YHWH, Đấng thánh hóa các con.
Dấu hiệu nhận biết giữa Đức Chúa Trời Hằng Sống và dân sự Ngài, bao gồm cả chúng ta là những người Do Thái thuộc linh ([06] Rô-ma 2:29),
chính là ngày Sa-bát thứ bảy quy định ở mạng lệnh thứ tư thuộc Mười Mạng Lệnh.
Nó chính là mạng lệnh duy nhất mà Đức Chúa Trời đã mở đầu bằng “HÃY NHỚ”,
và cũng chính là mạng lệnh mà ngày nay Satan đã thành công lừa cho hầu như toàn bộ cộng đồng Cơ Đốc nhân toàn thế giới quên đi
– bao gồm cả các mục sư lẫn các giáo sư thần học “tài cao hiểu rộng” khắp các hội thánh lớn nhỏ;
hệt như thành tích mà khi xưa hắn đã thực hiện được trong việc bịt mắt cả dân tộc Do Thái cùng bao giáo sư Pha-ri-si “tài giỏi” chối bỏ Con Trai Đức Chúa Trời.
Mạng lệnh thứ tư này phân biệt hẳn Đức Chúa Trời với tất cả các thần khác mà loài người tự tưởng tượng ra.
Trong mạng lệnh ấy có chứa cả danh Ngài (YHWH), cả chức vụ của Ngài (Tạo Hóa), và cả lãnh thổ thẩm quyền của Ngài (trời, đất, biển và muôn vật).
Ấn của Đức Chúa Trời Hằng Sống
chính là sự nhận biết chính xác danh tính vị Đức Chúa Trời chân chính duy nhất và Con Trai Ngài,
thể hiện ra ngoài qua việc tuân giữ mạng lệnh thứ tư về ngày Sa-bát
như một phần HIỂN NHIÊN của bộ luật bất biến Mười Mạng Lệnh.
Cũng như chúng ta không thể vì tin Chúa mà được phép vi phạm 9 mạng lệnh còn lại
mà đi theo thần khác, thờ lạy hình tượng, báng bổ danh Chúa, bất hiếu, giết người, gian dâm, trộm cắp, dối trá hay tham lam,
chúng ta cũng không thể được phép vi phạm mạng lệnh thứ tư về việc giữ thánh ngày Sa-bát.
Mặc dù không phải tất cả những ai giữ ngày Sa-bát
đều đã nhận biết vị Đức Chúa Trời duy nhất chính là Cha, và Chúa JESUS thực sự là Con Trai Độc Sanh của Ngài theo đúng nghĩa đen,
nhưng đúng là những người có Ấn của Ngài đóng trên trán đều sẽ vâng phục mạng lệnh thứ tư này.
6. Thế chủ nhật không phải là ngày Sa-bát à?!
[01] Khởi Nguyên 2:2, 3 Và vào ngày thứ bảy Ðức Chúa Trời hoàn tất công việc của Ngài mà Ngài đã làm,
và vào ngày thứ bảy Ngài nghỉ khỏi mọi công việc của Ngài mà Ngài đã làm.
Và Ðức Chúa Trời ban phước cho ngày thứ bảy và thánh hóa nó.
[03] Lê-vi 23:32 Từ chiều tối cho đến chiều tối, các con sẽ nghỉ Sa-bát mình.
Ngày thứ nhất của tuần, tức cái ngày vẫn bị gọi nhầm là chủ nhật, không phải là ngày Sa-bát thật của Chúa theo đúng Kinh Thánh.
Thực ra cũng có rất nhiều người mặc dù đang giữ ngày Sa-bát nhầm sang ngày thứ nhất này, nhưng ấy chỉ đơn thuần vì họ không để ý
chứ họ thực tâm vẫn đang trung thành với Ngài và có tinh thần vâng giữ cả Mười Mạng Lệnh của Ngài,
khác hẳn với những kẻ chủ tâm chống đối và bãi bỏ cả Mười Mạng Lệnh chính vì họ đang cố tình vi phạm một trong số chúng.
Trong sáu ngày đầu tiên của tuần lễ sáng thế, Chúa đều lần lượt tạo ra các khoảng không gian (trời, đất, biển),
rồi lấp đầy các khoảng không gian ấy bằng các tạo vật của Ngài (mặt trời, trăng, sao, cây cối, chim, thú, cá…).
Thế nhưng sau khi hoàn tất công việc ấy, Ngài không tạo ra một khoảng không gian nữa, mà tạo ra một khoảng THỜI GIAN, rồi lấp đầy khoảng thời gian ấy bằng CHÍNH NGÀI.
Hãy để ý nước cờ cực kỳ cao tay của Chúa
khi tạo ra một khoảng THỜI GIAN THÁNH thay vì một KHÔNG GIAN THÁNH:
nếu Chúa tạo ra một thánh địa chẳng hạn, những kẻ gian ác có thể ngăn cản bạn đến với Ngài bằng việc bắt bớ, cầm tù;
nhưng nếu là một khoảng “thời gian”, thì bằng bất cứ thủ đoạn tra tấn tù đày nào, cũng chẳng ai có thể ngăn được khoảng thời gian thánh ấy đều đặn đến với bạn hàng tuần cả.
Ngày Sa-bát là khoảng thời gian hàng tuần từ lúc mặt trời lặn ngày thứ sáu đến lúc mặt trời lặn ngày thứ bảy.
Theo cách tính mà Đức Chúa Trời truyền cho người Do Thái, một ngày bắt đầu vào lúc mặt trời lặn (chiều tối) và kết thúc vào lúc mặt trời lặn ngày hôm sau.
Cách xác định thời gian của một ngày này đã có từ ngày đầu tiên của buổi sáng thế, “có buổi tối và có buổi sáng: ngày thứ nhất.” [01] Khởi Nguyên 1:5.
Trên đời có một số người được tôn xưng là nhà tiên tri mà không hề biết ngày Sa-bát.
Cá biệt còn có một ông người Hàn Quốc tên là Ahn Sahng-hong, được tôn xưng là Đấng Christ,
và một bà người Hàn Quốc tên là Zhang Gil-jah, được tôn xưng là Đức Chúa Trời MẸ,
vậy mà nhầm lẫn ngày Sa-bát bắt đầu vào lúc mặt trời mọc ngày thứ bảy thay vì mặt trời lặn ngày thứ sáu theo đúng Kinh Thánh,
dạy dỗ toàn bộ dân sự giữ ngày Sa-bát sai giờ để rồi vẫn vi phạm vào Mười Mạng Lệnh của Đức Chúa Trời.
Ấy là còn chưa nói đến những danh hiệu phạm thượng của hai kẻ này là sự báng bổ phản Kinh Thánh, vi phạm trắng trợn cả ba mạng lệnh thứ nhất, thứ hai và thứ ba đến thế nào.
Như thế, sự thật về ngày Sa-bát có thể được sử dụng để vạch mặt mọi kẻ tiên tri giả này trước mặt những dân sự đang bị chúng lừa dối.
Lời khuyên của mình khi đối mặt với những hội nhóm này là đừng mất thời gian lắng nghe họ đánh trống lảng sang các giáo lý trên trời dưới đất
– như hội đức chúa trời mẹ này rất thích rao giảng về việc phải giữ Lễ Vượt Qua –
mà hãy cứ dùng ngày Sa-bát mà tập trung tấn công thẳng vào thân vị bịp bợm của lãnh đạo hội là toàn bộ hệ thống giáo lý của chúng
– mà trong đó có thể có khá nhiều điều đúng và xuôi tai trộn lẫn vào để phục vụ mục đích quyến dụ – phải sụp đổ.
7. Chúa JESUS có bao giờ vi phạm mạng lệnh của Cha Ngài về ngày Sa-bát không?
[04] Giăng 15:10 Ta đã vâng giữ các mạng lệnh của Cha Ta, và ở lại trong tình yêu thương của Ngài.
[03] Lu-ca 4:16 Và Ngài đi đến Na-xa-rét, nơi Ngài đã được nuôi nấng.
Và theo thói quen của mình vào ngày sa-bát, Ngài vào trong nhà hội, và đứng dậy để đọc.
Giữ thánh ngày Sa-bát trái lại còn là thói quen của Chúa JESUS.
Các lãnh đạo tôn giáo người Do Thái buộc tội Chúa JESUS và cả các môn đồ là vi phạm ngày Sa-bát,
nhưng trên thực tế, Ngài chỉ vi phạm đống truyền thống và lề thói mà những kẻ này tự tiện đặt ra cho ngày Sa-bát mà thôi.
Trong ngày này, những THÁNH VỤ khẩn cấp của Tình Yêu Thương như cứu linh, cứu mạng, chữa trị và giảm thiểu các đau đớn cho người đau bệnh… vẫn hoàn toàn được phép như những ngày khác.
Chỉ có các TỤC VỤ, như lao động kiếm sống đơn thuần, học hành, mua bán, giao nhận hàng hóa, thể dục, làm việc nhà, giặt giũ phơi phóng hay nấu nướng, đi đường xa không cần thiết…
nhìn chung là những việc hoàn toàn có thể làm ngoài ngày Sa-bát, là bị cấm mà thôi.
Ấy cũng là lý do vì sao mà trong Kinh Thánh ngày thứ sáu của tuần được gọi là “ngày chuẩn bị” ([03] Lu-ca 23:54),
khi những người giữ ngày Sa-bát có thể chuẩn bị quần áo, đồ ăn, v.v… từ trước ngày Sa-bát,
để khi ngày Sa-bát đến, chúng ta có thể hâm nóng lại đồ ăn đã nấu sẵn nếu cần thiết rồi tận hưởng mà không phải nhọc công phân tâm vào việc nấu nướng,
để tâm trí thư thái cho việc thờ phượng Chúa, và có thể đi dạo nhẹ nhàng trong thiên nhiên, nhìn ngắm những công việc của bàn tay Ngài và tưởng niệm Ngài:
nhìn chung là có được sự nghỉ ngơi tối đa, cả về thể xác lẫn tâm linh, trong Ngài, vào khoảng thời gian thánh hàng tuần này.
Các bạn có thể cài đặt một ứng dụng báo giờ Sa-bát, ví dụ như “The Sabbath App“,
để biết chính xác vào thứ sáu mỗi tuần thì mặt trời sẽ lặn và ngày Sa-bát sẽ bắt đầu vào mấy giờ ở nơi các bạn sinh sống, và kéo dài đến mấy giờ hôm sau.
*Lưu ý: có một điều khá khôn ngoan đẻ làm là bạn hãy chủ động thông báo cho các cửa hàng mà bạn mua đồ online và các bên chuyển phát rằng bạn không nhận hàng trong ngày Sa-bát.
Nếu có bên nào giao hàng cho bạn vào ngày này, đừng vi phạm mạng lệnh của Đức Chúa Trời bằng cách nhận nó, mà hãy từ chối và biến chính việc ấy thành một dịp làm chứng cho Chúa:
rằng từ mặt trời lặn thứ sáu đến mặt trời lặn thứ bảy là ngày Sa-bát của Ngài, bạn không giao dịch hay nhận hàng.
8 Phao-lô có thói quen như thế nào về ngày Sa-bát?
[05] Công Vụ 18:4 Ông biện luận trong nhà hội cứ mỗi ngày sa-bát, và thuyết phục những người Do Thái và những người Hy Lạp.
[05] Công Vụ 17:2 Theo thói quen, Phao-lô tiến vào với bọn họ, và trong ba ngày Sa-bát, ông biện luận với họ từ Kinh Thư.
Sứ Đồ Phao-lô rõ ràng cũng giữ thánh ngày Sa-bát thứ bảy.
Và bối cảnh thời gian trong những phân đoạn này hiển nhiên là SAU KHI Chúa JESUS đã chịu đóng đinh trên thập tự giá.
9. Các Sứ Đồ có gặp những người ngoại tại hội thánh vào các ngày Sa-bát thứ bảy không?
[05] Công Vụ 13:42 Và khi những người Do Thái ra khỏi nhà hội, các dân ngoại thỉnh cầu những lời này được rao giảng cho họ vào ngày Sa-bát sau.
[05] Công Vụ 16:13, 14 Và vào ngày sa-bát, chúng tôi ra ngoài thành, cạnh sông, nơi lời cầu nguyện thường được dâng.
Và ngồi xuống, chúng tôi rao giảng cho các phụ nữ đang nhóm họp lại.
Và một phụ nữ nọ lắng nghe, tên là Ly-đi, người bán đồ màu tím của thành Thi-a-ti-rơ, người thờ kính Đức Chúa Trời,
mà Chúa đã mở tâm để chú ý đến những điều được nói bởi Phao-lô.
Hiển nhiên, các môn đồ được nói đến trong các phân đoạn này là những người ngoại,
và họ cũng nhóm họp vào ngày Sa-bát mà Chúa đã chỉ định không khác gì các môn đồ người Do Thái.
Nó chẳng có vấn đề gì để mà phải đổi sang ngày khác cả.
10. Chúa JESUS có ý muốn dân Ngài tiếp tục giữ ngày Sa-bát sau khi Ngài đã dùng cái chết để đền chuộc tội lỗi cho họ không?
[01] Ma-thi-ơ 24:20 Hãy cầu nguyện để cuộc trốn chạy của các con không xảy ra vào mùa đông hay vào ngày sa-bát.
Chúa JESUS khi ấy đang tiên đoán sự sụp đổ của Giê-ru-sa-lem, sự kiện mà Ngài biết là sẽ xảy ra vào năm 70 sau Công Nguyên (gần 40 năm sau).
Nhưng Ngài vẫn khuyên bảo các môn đồ hãy cầu nguyện để không phải bỏ chạy khỏi đội quân xâm lược vào ngày Sa-bát.
Rất rõ ràng rằng, Chúa JESUS vẫn muốn dân Ngài giữ ngày Sa-bát ngay cả sau khi Ngài chết trên thập tự giá, sống dậy, và về trời.
11. Những dân sự chân chính của Đức Chúa Trời trước ngày tận thế, theo Kinh Thánh nói, có giữ thánh ngày Sa-bát không?
[27] Mặc Khải 12:17 Và con rồng (Satan) nổi giận với người phụ nữ
và ra đi giao chiến với phần còn lại của dòng dõi nàng,
là những người vâng giữ các mạng lệnh của Đức Chúa Trời
và có lời chứng của JESUS.
[27] Mặc Khải 14:12 Đây là lòng nhẫn nại của các thánh đồ.
Đây là những người vâng giữ các mạng lệnh của Đức Chúa Trời và đức tin JESUS.
Những phân đoạn Kinh Thánh trên hiển nhiên nói đến hội thánh tận thế của Chúa,
và ở mỗi đoạn đều nói rõ ra rằng họ sẽ vẫn cứ giữ đủ các mạng lệnh của Đức Chúa Trời
– bao gồm, đương nhiên rồi, mạng lệnh thứ tư về ngày Sa-bát.
12. Những người được cứu sẽ tiếp tục giữ ngày Sa-bát sau khi Chúa trở lại và đón họ đi, cho đến mãi mãi chứ?
[23] Ê-sai 66:22, 23 “Vì như trời mới và đất mới mà Ta sắp tạo dựng sẽ đứng vững trước mặt Ta,” YHWH tuyên phán,
“dòng dõi các con và danh các con sẽ đứng vững như vậy.”
…Cứ từ ngày sa-bát đến ngày sa-bát, mọi xác thịt sẽ đến để thờ lạy trước mặt Ta.” YHWH phán.
Kinh Thánh cho biết những người được cứu chuộc mọi thời đại sẽ cùng giữ ngày Sa-bát của Đức Chúa Trời cho đến đời đời.
Điều này cũng dễ hiểu, bởi ngày Sa-bát vốn là thứ Đức Chúa Trời đã ấn định từ trước khi tội lỗi xâm nhập thế gian, tốt đẹp và thánh khiết ([01] Khởi Nguyên 2:2, 3).
Chẳng có lý do gì để Ngài xóa bỏ nó sau khi phục hồi muôn vật cả.
13. Sao ta có thể biết được ngày Sa-bát cổ xưa trong Kinh Thánh chính là khoảng thời gian từ mặt trời lặn thứ sáu đến mặt trời lặn thứ bảy ngày nay?
[03] Lu-ca 23:54-56 Và hôm ấy là ngày Chuẩn Bị, và ngày Sa-bát sắp bắt đầu.
Những phụ nữ đi theo, là những người đã cùng đến với Ngài từ Ga-li-lê, đã nhìn thấy ngôi mộ và thân thể Ngài đã được đặt như thế nào.
Trở về, họ chuẩn bị hương liệu và dầu thơm.
Và thật, ngày Sa-bát họ đã nghỉ ngơi theo Mạng Lệnh.
[03] Lu-ca 24:1-3 Nhưng đến ngày thứ nhất của tuần lễ, từ sáng rất sớm họ đã đến mộ, mang theo hương liệu mà họ chuẩn bị và vài người nọ cùng với họ.
Nhưng họ thấy tảng đá đã được lăn đi khỏi mộ.
Và khi tiến vào, họ không thấy thân thể của Chúa JESUS đâu.
Chúng ta có thể biết chắc chắn được cái “ngày thứ bảy” Kinh Thánh nói đến chính là mặt trời lặn thứ sáu đến mặt trời lặn thứ bảy ngày nay, chứ không phải chủ nhật,
dựa vào những phân đoạn trong 4 sách Tin Lành của Kinh Thánh nói về cái chết, sự chôn cất và sự hồi sinh của Chúa JESUS, ví dụ như [03] Lu-ca 23:54 – 24:3 ở trên.
Phân đoạn cho biết, Ngài chết vào ngày Chuẩn Bị của người Do Thái, tức ngày thứ sáu ngày nay,
và vì ngày Sa-bát sắp đến gần nên các môn đồ buộc phải vâng phục mạng lệnh mà tạm trở về để nghỉ ngơi.
Sau khi ngày Sa-bát kết thúc, đến ngày thứ nhất của tuần khi họ trở lại thì Chúa đã hồi sinh.
Ngày Chúa hồi sinh này chính là ngày mà đến tận ngày nay, nhiều cộng đồng dân Chúa vẫn kỷ niệm lễ Phục Sinh hàng năm, chính là một ngày chủ nhật.
Ngày Sa-bát, do vậy, là ngày nằm ngay sau ngày thứ sáu, và ngay trước ngày chủ nhật ngày nay.
Cả hai dữ kiện ấy đều nhất quán cho thấy nó chỉ có thể là ngày thứ bảy mà thôi,
và cụ thể là khoảng thời gian từ lúc các môn đồ buộc phải bỏ dở công việc ướp xác Chúa trở về nghỉ ngơi theo luật định
– mặt trời lặn ngày thứ sáu – cho đến mặt trời lặn ngày hôm sau.
Một số hệ phái như nhóm “đức chúa trời mẹ” vin vào việc các nữ môn đồ phải đến sáng ngày thứ nhất của tuần mới ra thăm mộ Chúa – chứ không ra thăm luôn từ tối thứ bảy –
để kết luận rằng vậy thì ngày Sa-bát hẳn phải bắt đầu từ mặt trời mọc ngày thứ bảy cho đến khi mặt trời mọc ngày thứ nhất mới kết thúc.
Họ cố tình lờ đi sự thật hiển nhiên đã được trình bày rõ ràng trong chính phân đoạn này rằng:
các môn đồ đã buộc phải bỏ dở công việc ướp xác Chúa mà trở về từ CHIỀU TỐI NGÀY THỨ SÁU như thế nào để giữ ngày Sa-bát,
cho thấy một cách rõ ràng không thể chối cãi ngày Sa-bát đã phải bắt đầu từ lúc mặt trời lặn ngày thứ sáu rồi.
Nếu ngày Sa-bát phải đến lúc mặt trời mọc ngày thứ bảy mới bắt đầu, thì các môn đồ đã hoàn toàn có thể tiếp tục công việc ướp xác Chúa thâu đêm cho đến khi làm xong.
Còn về lý do vì sao các môn đồ không đến thăm mộ Chúa luôn từ tối thứ bảy, ngay sau khi hết ngày Sa-bát, thì rất đơn giản:
họ đang bị suy sụp hoàn toàn bởi nỗi tuyệt vọng sau khi chứng kiến Đấng Christ tắt thở trên thập tự giá.
Họ suy sụp đến mức đến tận sáng ngày thứ nhất, cũng chỉ có các nữ môn đồ là gượng được dậy để ra thăm mộ Chúa mà thôi,
còn các nam môn đồ thân cận của Chúa đều tê liệt đến mức không gượng dậy nổi mà đi cùng họ.
Một trong số các nam môn đồ – Thomas – đã phải được Chúa hiện đến tận nơi cho cậu ta sờ tay vào dấu đinh trên tay và vết đâm trên hông Ngài
– mới hồi phục lại được khỏi nỗi suy sụp sau nhiều ngày ([04] Giăng 20:27-29).
14. Chẳng phải lịch đã từng bị đổi rồi sao?
Lịch đã được đổi một lần vào tháng mười năm 1582, nhưng việc đổi lịch không hề ảnh hưởng đến chu kì tuần.
Mười ngày sau ngày 4/10/1582 đã bị dỡ bỏ khỏi lịch, và cái ngày mà đúng ra là thứ sáu ngày 5/10/1582 đã trở thành thứ sáu ngày 15/10/1582. Biểu đồ dưới đây sẽ giúp bạn hình dung tốt hơn.
THÁNG MƯỜI 1582
Sun. | Mon. | Tue. | Wed. | Thu. | Fri. | Sat. |
1 | 2 | 3 | 4 | 15 | 16 | |
17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 |
24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 |
31 |
Có thể thấy rõ: thứ tự các ngày trong tuần không hề bị xáo trộn. Ngày thứ nào của tuần khi xưa vẫn nguyên xi là ngày thứ nấy của tuần ngày nay, bao gồm cả ngày thứ bảy Sa-bát của tuần.
15. Giữ ngày chủ nhật thay cho ngày thứ bảy thì có được không?
Điều đáng kể là giữ được tinh thần của luật pháp, chứ câu chữ của luật pháp đâu có quan trọng gì?
[01] Ma-thi-ơ 5:27, 28 Các con đã nghe bảo rằng: ‘chớ ngoại tình.’
Nhưng Ta bảo các con rằng: tất cả những ai nhìn một người phụ nữ để thèm muốn nàng là đã ngoại tình với nàng trong trái tim mình rồi.
Trong bài giảng trên đỉnh núi, Chúa JESUS đã giảng giải cho chúng ta thấy câu chữ của luật pháp (chớ ngoại tình),
và tinh thần của luật pháp (từng ý nghĩ thèm muốn được suy tưởng thôi đã là ngoại tình trong tâm rồi) không hề mâu thuẫn với nhau, mà trái lại, còn là sự nâng cấp của nhau.
Câu chữ của luật pháp chỉ như mẫu giáo, còn tinh thần của luật pháp thì như đại học vậy.
Một người không thể nói “tôi có trình độ đại học” trong khi phép tính 1+1 bằng mấy của mẫu giáo cũng không biết.
Tương tự, một người cũng không thể nói rằng “trong lòng tôi không hề có ham muốn gì khi tôi ngủ với vợ người lân cận mình”,
hay “tôi không hề có ác ý gì với người hàng xóm khi tôi giết anh ta” được.
Đến câu chữ của luật pháp còn đang cố tình làm trái, thì sao có thể ngụy biện là đang vâng phục tinh thần của luật pháp?
Tương tự như vậy, nếu một người đã biết mà cứ khăng khăng giữ thánh bất kỳ ngày nào khác mà không giữ thánh ngày thứ bảy,
thì không thể nói rằng người đó vẫn đang vâng phục mạng lệnh thứ tư của Đức Chúa Trời theo tinh thần của mạng lệnh được.
16. Thế còn [12] Cô-lô-se 2:16: “Đừng để người nào phán xét các bạn về các Sa-bát” thì sao?
Ai đã chịu nghiên cứu cả Cựu Ước, sẽ biết ngoài ngày Sa-bát hàng tuần ra,
người Do Thái còn bảy ngày Sa-bát hàng NĂM, quy định trong luật pháp Mô-se ([03] Lê-vi 23).
Tính theo lịch Do Thái, chúng là:
– Ngày thứ nhất của tuần lễ Bánh Không Men (15 tháng thứ nhất – câu 6, 7).
– Ngày thứ bảy của tuần lễ Bánh Không Men (21 tháng thứ nhất – câu 8).
– Ngày lễ Ngũ Thập (ngày thứ 50 tính từ ngày dâng bông trái đầu mùa – câu 15, 16, 21).
– Ngày lễ Thổi Kèn (mùng 1 tháng thứ bảy – câu 24, 25).
– Ngày lễ Đền Chuộc (mùng 10 tháng thứ bảy – câu 27, 28).
– Ngày thứ nhất của Lễ Lều Tạm (15 tháng thứ bảy – câu 34, 35).
– Ngày thứ tám của Lễ Lều Tạm (22 tháng thứ bảy – câu 36).
Vậy, chúng ta cần bình tĩnh đọc cả phân đoạn và đối chiếu với các phân đoạn khác của Kinh Thánh,
để xác định xem Phao-lô đang bác bỏ những ngày Sa-bát nào trong câu [12] Cô-lô-se 2:16:
ngày Sa-bát hàng tuần thuộc Mười Mạng Lệnh, hay những ngày Sa-bát hàng năm trong giáo lễ Mô-sê.
Quả nhiên, ngay câu 14, bên trên, chúng ta được cung cấp lý do “đừng để người nào phán xét các bạn về các Sa-bát” là Chúa JESUS đã:
[12] Cô-lô-se 2:14 hủy bỏ các giáo lễ chép tay chống lại chúng ta, những thứ nghịch với chúng ta,
và cất bỏ nó khỏi vị trí chắn giữa, đóng đinh nó lên thập tự giá.
Vậy đâu là bộ luật CHÉP TAY, CHỐNG LẠI người Is-ra-ên và TRÁI NGƯỢC với họ?
Rõ ràng không phải Mười Mạng Lệnh của Đức Chúa Trời rồi,
vì chúng được Đức Chúa Trời dùng ngón tay khắc lên đá, chứ không phải được chép tay.
Chỉ có cái quyển sách luật pháp Mô-sê do nhà tiên tri ấy chép tay, đặt cạnh Hòm Chứng Ước để làm chứng chống lại dân Is-ra-ên ([05] Nhị Luật 31:26)
mới có thể là thứ đang được nói đến ở đây mà thôi.
Đống luật pháp Mô-sê được nói đến ở đây là những quy định về việc cắt bì, các nghi lễ hiến tế, lễ hội, tiệc tùng hàng năm, tất cả những thứ được lập nên để chỉ đến Đấng Christ.
Ví dụ, luật ăn thịt Chiên Con của Lễ Vượt Qua phải cẩn thận không được để gãy cái xương nào ([02] Xuất Hành 12:46).
Luật này, công bằng mà nói, đối với cá nhân người phải vâng phục nó có lẽ chẳng mang lại ích lợi gì cả,
nhưng lại có công dụng để thế giới sau này nhận ra Đấng Christ chính là Chiên Con Lễ Vượt Qua:
Ngài chết trên thập tự giá, khắp người không có cái xương nào gãy cả!
Nơi Đấng Christ, tất cả những giáo lễ này – mà bản chất là những lời tiên tri chỉ đến Ngài nhưng được xây dựng hẳn lên thành nếp sinh hoạt văn hóa tôn giáo –
đã được ứng nghiệm, và không còn hiệu lực nữa.
Thế nên ở câu 17 ngay sau đó Phao-lô mới gọi chúng là “những thứ là bóng của những gì sắp đến, còn thân hình là Đấng Christ”.
Phao-lô chỉ đang muốn truyền đạt một chân lý vô cùng đơn giản:
KHÔNG MỘT AI được cứu mà không phải bởi đức tin nơi sự hy sinh của Chúa JESUS.
Những tín hữu Tân Ước chúng ta sống sau khi Ngài đến thì nhìn về thập tự giá trong quá khứ để được cứu,
còn những tín hữu Cựu Ước sống trước khi Ngài đến thì nhìn về thập tự giá trong tương lai,
và họ làm như vậy qua việc giữ các giáo lễ chỉ đến Đấng Christ.
[12] Cô-lô-se 2:16 có lẽ là một trong những câu bị Cơ Đốc nhân hiện đại hiểu nhầm một cách tai hại nhất.
Trong [22] II Phi-e-rơ 3:16, Sứ Đồ Phi-e-rơ có nói về các thư tín của Phao-lô như sau:
“Trong ấy là một số điều khó hiểu mà những kẻ vô học và bất định đã xuyên tạc, cũng như với các Kinh Thư còn lại, cho sự hủy diệt của chính mình.”
Ý của ông, rất rõ ràng, Phao-lô hay phải xử lí những người Do Thái cố chấp vào luật pháp của Mô-sê, mà bọn này thì toàn là luật gia với giáo sư thần học cả,
nên những lời biện luận ông viết cho họ cũng nhiều khi hàn lâm và khó hiểu theo.
Nhiều tín hữu không phải người Do Thái, không biết về luật pháp Mô-se khi nhìn thấy mấy dòng kiểu như [12] Cô-lô-se 2:14 thì nhảy cẫng lên,
“a ha, luật pháp đã bị bãi bỏ, giờ chỉ cần xưng nhận đức tin rồi có thể thoải mái phạm tội, tha hồ gian ác vẫn cứ được cứu như thường”,
và rồi họ chạy theo tư dục mà hư mất mãi mãi.
Vậy còn ngày Sa-bát hàng tuần trong Mười Mạng Lệnh thì có bỏ nốt không?
Hãy xem chính Phao-lô sau đó viết gì:
[19] Hê-bơ-rơ 4:4, 9, 10 Và Đức Chúa Trời nghỉ vào ngày thứ bảy khỏi mọi công việc Ngài…
Thế thì vẫn còn một Sa-bát cho dân sự của Đức Chúa Trời.
Vì người nào tiến vào sự an nghỉ của Ngài, người ấy cũng sẽ nghỉ khỏi các công việc mình,
cũng như Đức Chúa Trời khỏi việc của Ngài.
Cùng một loạt các câu Kinh Thánh khác nói về trách nhiệm vâng giữ Mười Mạng Lệnh của Cơ Đốc nhân đã trích dẫn xuyên suốt bài giảng này.
17. Trong đêm bị phản nộp để chịu giết hại vì chúng ta, Chúa đã phán:
“Nếu các con yêu Ta, hãy vâng giữ các mạng lệnh của Ta.”
Ý muốn của Ngài trong việc chúng ta hãy tuân giữ cả Mười Mạng Lệnh, bao gồm mạng lệnh thứ tư nghỉ ngơi ngày Sa-bát, là đã quá rõ ràng rồi.
Câu hỏi mấu chốt dành cho từng cá nhân chúng ta ở đây, chẳng còn là “đâu là ý muốn Chúa” nữa, mà chỉ còn là:
“Con có yêu Ta không?”
Nếu câu trả lời của bạn là “có”, và bạn đã quyết vâng phục mạng lệnh của Chúa, nghỉ ngơi trong ngày thánh của Ngài,
hãy TIN CHẮC rằng Ngài sẽ quan phòng và đổ phước dồi dào trên bạn theo lòng vâng phục của bạn đối với Ngài, và ban cho bạn công việc đúng ý muốn Ngài,
nơi bạn có thể tuân thủ các mạng lệnh Ngài và tích lũy tài lực để chuẩn bị cơ sở vật chất cho việc đối mặt với sắc lệnh “Dấu của Con Thú” sắp tới, mà chúng ta sẽ cùng tìm hiểu trong bài giảng sau.
Phụ lục
Tà thuyết “Sa-bát mặt trăng” (Lunar Sabbath)
Một số người đưa ra thứ học thuyết quái đản rằng ngày Sa-bát của mạng lệnh thứ tư không phải tính theo chu kỳ bảy ngày,
mà luôn rơi vào các ngày mùng 8, 15, 22 và 29 của mỗi tháng âm tính theo lịch mặt trăng.
Bằng chứng mạnh nhất mà những người theo thuyết Lunar Sabbath này đưa ra
là các phân đoạn trong sách [02] Xuất Hành, mà họ bảo rằng ngày Sa-bát đã rơi vào ngày 15 của 3 tháng liên tiếp, là tháng thứ nhất, thứ hai và thứ ba theo lịch Do Thái,
là lịch tính theo chu kỳ mặt trăng (như lịch âm vậy).
Đúng là, nếu ngày Sa-bát được tính theo chu kỳ cứ 7 ngày, thì không thể có chuyện ngày 15 của ba tháng âm liên tiếp cùng rơi vào ngày Sa-bát được.
Nếu điều trên thực sự có xảy ra, đó sẽ là một bằng chứng rất mạnh
cho thấy ngày Sa-bát của mạng lệnh thứ tư được tính theo lịch tháng chứ không được tính theo chu kỳ tuần 7 ngày.
Tuy nhiên, nếu chỉ có 1 ngày 15, thậm chí không có ngày 15 nào trong ba tháng này có thể được chứng minh bằng Kinh Thánh là ngày Sa-bát của mạng lệnh thứ tư,
thì toàn bộ lập luận “Sa-bát mặt trăng” sẽ sụp đổ hoàn toàn.
Chúng ta sẽ cùng kiểm chứng lập luận mà họ đưa ra trong cả ba phân đoạn thuộc sách [02] Xuất Hành, theo từng tháng một,
xem có ngày 15 nào của ba tháng này có thể chứng minh được là ngày Sa-bát không.
1) Ngày 15 của tháng thứ nhất – [02] Xuất Hành 12.
Theo [02] Xuất Hành 12, ngày 14 của tháng thứ nhất là ngày Lễ Vượt Qua (câu 6, câu 11).
Vào buổi chiều ngày 14 là lúc sinh tế Lễ Vượt Qua bị giết (câu 6), máu được bôi lên hai thanh cửa (câu 7),
thịt được quay trên lửa và được ăn vào buổi tối ấy, tức là sau khi mặt trời lặn ngày 14, đến buổi tối thuộc ngày 15 (câu 8).
Ngày 15 tháng thứ nhất chính là thời điểm Đức Chúa Trời dẫn dân Israel ra khỏi Ai Cập (câu 17, xem thêm [04] Dân Số 33:3).
Khởi hành một chuyến đi xa nhọc mệt là điều mười mươi không được phép làm trong ngày Sa-bát,
và đúng ra chỉ riêng việc Chúa đã dẫn họ khởi hành chuyến đi rời khỏi Ai Cập tiến vào hoang mạc vào ngày này, đã là đủ để chứng minh nó KHÔNG PHẢI là ngày Sa-bát trong Mười Mạng Lệnh rồi.
Bất chấp điều đó, những người theo thuyết “Sa-bát mặt trăng” vẫn kiên quyết cho rằng ngày 15 là một ngày Sa-bát của mạng lệnh thứ tư, với trích dẫn:
[03] Lê-vi 23:6-7 Và vào ngày mười lăm tháng này là lễ Bánh Không Men lên YHWH:
các con hãy ăn bánh không men bảy ngày.
Vào ngày thứ nhất sẽ là kỳ hội họp thánh cho các con, chớ làm bất cứ công việc lao động nào.
Thế nhưng, đây hoàn toàn không phải một câu quy định ngày Sa-bát hàng tuần của Mười Mạng Lệnh,
mà là một trong những câu quy định một trong bảy ngày Sa-bát hàng NĂM của Israel trong thời Cựu Ước – đã làm rõ trong câu hỏi số 16 trong bài học ở trên.
Quả nhiên, ngay câu 8 bên dưới cho chúng ta biết,
sau khi ngày 15 – ngày đầu tiên của tuần lễ bánh Không Men – được chỉ định làm một ngày Sa-bát hàng năm,
thì ngày 21 – ngày thứ bảy của tuần lễ bánh Không Men – cũng được chỉ định làm một ngày Sa-bát hàng năm,
bất chấp việc nó chỉ cách ngày 15 có 6 ngày, thay vì 7 ngày!
[03] Lê-vi 23:8 Và các con hãy đem dâng tế lễ lửa lên YHWH bảy ngày.
Vào ngày thứ bảy sẽ là kỳ hội họp thánh,
chớ làm bất cứ công việc lao động nào.
Chính phân đoạn này mà những người theo thuyết “Sa-bát mặt trăng” sử dụng để tìm cách chứng minh
ngày Sa-bát là ngày mùng 8, 15, 22, 29 của mỗi tháng theo lịch âm, lại phản chứng ngược lại luận điểm đó của họ,
khi chỉ ra ngày 21 của tháng thứ nhất là một ngày nghỉ hoàn toàn tương đương với ngày 15!
Tóm lại, trong tháng thứ nhất:
– Ngày 15 là ngày di chuyển nên không thể là ngày Sa-bát của mạng lệnh thứ tư được.
– Điều đó kéo theo ngày mùng 8, 22, 29 cũng đều không thể là ngày Sa-bát.
– Ngày 15 tháng thứ nhất đã được lập làm một trong bảy ngày Sa-bát hàng NĂM, chứ không phải ngày Sa-bát hàng tuần trong Mười Mạng Lệnh.
– Ngày 21 tháng thứ nhất, chứ không phải ngày 22, tức là 6 ngày sau ngày 15 thay vì 7 ngày, đã được lập làm một ngày nghỉ hoàn toàn tương đương như ngày 15.
2) Ngày 15 của tháng thứ hai – [02] Xuất Hành 16.
[02] Xuất Hành 16:1-5 Và họ khởi hành từ Ê-lim, và cả hội chúng con cháu Is-ra-ên tiến vào đồng hoang Sin giữa Ê-lim và giữa Si-nai
vào ngày mười lăm tháng thứ hai từ khi họ ra khỏi đất Ai Cập.
Và cả hội chúng con cháu Is-ra-ên cằn nhằn với Mô-se và với A-rôn trong đồng hoang.
Và con cháu Is-ra-ên nói với họ: “Giá mà chúng tôi chết bởi tay YHWH trong đất Ai Cập khi chúng tôi ngồi bên nồi thịt, khi chúng tôi ăn bánh no nê!
Vì các ông đã đem chúng tôi ra đồng hoang này để giết cả hội đoàn này bằng cơn đói.”
Và YHWH phán với Mô-se: “Kìa, Ta sẽ mưa bánh xuống cho các con từ trời, và dân chúng sẽ đi ra và lượm phần hàng ngày
để Ta thử nghiệm họ xem họ có bước đi trong luật pháp Ta hay không.
Và rồi, vào ngày thứ sáu thì họ sẽ chuẩn bị thứ họ đem về, và nó sẽ gấp đôi những gì họ lượm được hằng ngày.”
Những người theo thuyết “Sa-bát mặt trăng” ở đây lập luận rằng:
ngày 15 dân Is-ra-ên tiến vào hoang mạc Sin, họ oán trách Mô-se và A-rôn, và Chúa đã cho mưa mana xuống từ buổi sáng ngay sau đó là ngày 16 trong 6 ngày,
đến ngày thứ bảy, có thể xác định là ngày 22, Kinh Thánh đã cho biết chính là một ngày Sa-bát.
Vậy có thể xác định trong tháng thứ hai này, những ngày mùng 8, 15, 22 và 29 là những ngày Sa-bát.
Lập luận này thoạt nghe thì có vẻ hợp lý, tuy nhiên bị hổng ở một chỗ khiến cho toàn bộ lập luận sụp đổ:
Kinh Thánh đâu có cho biết dân Is-ra-ên đã cằn nhằn với Mô-se và A-rôn vào cùng ngày 15 khi họ tiến vào hoang mạc Sin?
Lời văn chỉ cho biết: dân sự cằn nhằn sau khi họ đã vào trong hoang mạc, còn chính xác vào lúc nào, cùng ngày 15 hay mấy ngày sau đó, thì hoàn toàn không hề nói rõ.
Chúng ta hãy cùng đọc kỹ lại câu 1 và 2.
[02] Xuất Hành 16:1-2 Và họ khởi hành từ Ê-lim, và cả hội chúng con cháu Is-ra-ên tiến vào đồng hoang Sin giữa Ê-lim và giữa Si-nai vào ngày mười lăm tháng thứ hai từ khi họ ra khỏi đất Ai Cập.
Và cả hội chúng con cháu Is-ra-ên cằn nhằn với Mô-se và với A-rôn trong đồng hoang.
Trên thực tế, câu Kinh Thánh còn cho biết thêm:
ngày 15 của tháng thứ hai lại là một ngày nữa mà dân Israel phải di chuyển thay vì nghỉ ngơi (tiến vào hoang mạc Sin), nên không thể là một ngày Sa-bát của mạng lệnh thứ tư được.
Tóm lại, trong tháng thứ hai:
– Ngày 15 là ngày di chuyển nên không thể là ngày Sa-bát của mạng lệnh thứ tư được.
– Điều đó kéo theo ngày mùng 8, 22, 29 cũng đều không thể là ngày Sa-bát.
– Không hề có bằng chứng nào cho thấy dân chúng đã cằn nhằn cùng vào ngày 15.
– Không hề có bằng chứng nào cho thấy ma-na đã bắt đầu rơi vào ngày 16, hay ngày 16 là ngày thứ nhất của tuần,
để rồi có thể kết luận ngày Sa-bát mà ma-na ngừng rơi sau đó chính là ngày 22.
3) Ngày 15 của tháng thứ ba – [02] Xuất Hành 19.
[02] Xuất Hành 19:1-2 Vào tháng thứ ba con cháu Is-ra-ên ra khỏi đất Ai Cập, vào ngày này, họ tiến vào đồng hoang Si-nai.
Và họ khởi hành từ Rê-phi-đim và tiến vào đồng hoang Si-nai và đóng trại trong đồng hoang.
Và tại đó, Is-ra-ên đóng trại trước núi.
Những người theo thuyết “Sa-bát mặt trăng” cho rằng thuật ngữ “vào ngày này” của câu văn Kinh Thánh là chỉ ngày 15 của tháng thứ ba,
vì cũng vào ngày 15 của tháng thứ nhất dân Israel đã rời khỏi Ai Cập, cũng vào ngày 15 của tháng thứ hai họ đã vào hoang mạc Sin.
Lập luận ấy có thể tạm chấp nhận được đi.
Thế nhưng căn cứ vào đâu mà nói rằng ngày 15 ấy là ngày Sa-bát??
Trên thực tế, trong chính câu văn Kinh Thánh này chúng ta lại được cho biết rằng:
ấy một lần nữa lại là một ngày mà dân Israel phải di chuyển thay vì nghỉ ngơi (tiến vào đồng hoang Si-nai),
và vì thế nó KHÔNG THỂ là ngày Sa-bát hàng tuần của Mười Mạng Lệnh được.
Tóm lại, trong tháng thứ ba:
– Ngày 15 là ngày di chuyển nên không thể là ngày Sa-bát của mạng lệnh thứ tư được.
– Điều đó kéo theo ngày mùng 8, 22, 29 cũng đều không thể là ngày Sa-bát.
Mỉa mai thay, chính cái “bằng chứng mạnh nhất” của những người theo thuyết “Sa-bát mặt trăng”, lại cung cấp cho chúng ta 12 bằng chứng phản chứng,
là các ngày mùng 8, 15, 22 và 29 của cả ba tháng thứ nhất, thứ hai và thứ ba,
ĐỀU KHÔNG PHẢI LÀ NGÀY SA-BÁT!
4) Đó là còn chưa kể đến:
– Cụm từ “bảy tuần lễ” theo lịch tiêu chuẩn sẽ là 49 ngày.
Nhưng nếu theo cái lịch “Sa-bát mặt trăng” này, bảy tuần lễ sẽ luôn luôn là 51-52 ngày
(vì khoảng thời gian từ sau ngày 29 của một tháng, tức là từ ngày 30, cho đến ngày mùng 8 của tháng sau sẽ luôn nhiều hơn 7 ngày).
Trong khi đó [03] Lê-vi 23:15-16 và [27] Đa-ni-ên 9 đều xác nhận rằng “bảy tuần lễ” chỉ là 49 ngày mà thôi.
Điều này phản chứng một cách thẳng thừng cái lịch Sa-bát mặt trăng này.
– Để thiết lập được thuyết “Sa-bát mặt trăng”, cần phải lôi được từ trong Kinh Thánh ra ít nhất 2 tháng cạnh nhau có cùng một ngày của cả hai tháng đều rơi vào ngày Sa-bát.
Và điều này là không thể, vì cả Kinh Thánh chỉ có DUY NHẤT MỘT sự kiện mà một ngày Sa-bát của mạng lệnh thứ tư có thể lần được ra chính xác là ngày mùng mấy của tháng mà thôi:
sự kiện thập tự giá nơi Chúa JESUS hy sinh thân mình làm giá chuộc thế gian, được nói đến trong câu hỏi số 13 của bài.
– Cuộc chiến “Ấn của Đức Chúa Trời” và “Dấu của Con Thú” sẽ phải xoay quanh một thứ đủ đơn giản
để một người có tư duy đơn giản cũng có thể dễ dàng nhìn rõ được và đưa ra quyết định cho linh hồn mình.
Thế nhưng toàn bộ cái thuyết “Sa-bát mặt trăng” này thì lại cực kỳ phức tạp cả về lập luận lẫn tính toán của nó,
hoàn toàn không thể nhận biết bằng bất cứ một câu “Chúa phán rằng” rõ ràng và thẳng thừng nào trong Kinh Thánh cả.
Bản thân điều này đã cho thấy nó hẳn phải có vấn đề rồi.
Thực chất, cái thuyết “Sa-bát mặt trăng” này không gì hơn là một tà thuyết nhằm lừa dối những dân sự đã đang giữ ngày Sa-bát thứ bảy từ bỏ ngày thánh này,
và lại còn là một tà thuyết được xây dựng trên nền tảng lập luận yếu kém lỏng lẻo đến thảm hại,
mặc dù cực kỳ phức tạp để ngăn không cho những dân sự có tâm trí đơn giản có thể truy lùng được vấn đề đến tận gốc rễ và phát hiện được bản chất tà thuyết của nó,
qua đó gây hoang mang, chấn thương đức tin cho họ.
Mục vụ này rất hân hạnh được vạch trần nó một cách rõ ràng tại đây.
Trong bài học tiếp theo, chúng ta sẽ xác định xem cái “Dấu của Con Thú”, thứ đối chọi trực tiếp với Ấn của Đức Chúa Trời, là cái gì.
Click “bài tiếp” để tiếp tục hành trình theo đuổi Chân Lý của bạn và nắm lấy tri thức tối quan trọng này.