666 và Dấu của Con Thú

Tiên Tri Toàn Thư »

BÀI 9: 666 VÀ DẤU CỦA CON THÚ

A-đam và Ê-va có hai người con trai đầu tiên khác nhau xa cả về tính cách và lối sống.

Ca-in thích thú với nghề trồng trọt và xây dựng,

còn A-bên say mê rong ruổi trên những đồng cỏ và núi đồi với bầy chiên của mình.

Sau khi tội lỗi đến với thế gian này vì sự nổi loạn của A-đam và Ê-va, Đức Chúa Trời đã phải lập tức can thiệp để mở cho họ một con đường sống.

Ngài tuyên bố sẽ phái một Đấng Giải Cứu đến để chịu thay án tử hình cho họ và đánh bại “con rắn”.

Một giáo lễ hiến tế được thiết lập để chỉ đến Người Anh Hùng vĩ đại sẽ đến ấy – JESUS Christ Con Trai Đức Chúa Trời –

và khắc ghi trong tâm trí con người hiểu rằng máu phải đổ để tội lỗi được tha thứ ([19] Hê-bơ-rơ 9:22).

Một con chiên tượng trưng cho Chúa JESUS đã bị hiến tế ([27] Mặc Khải 13:8), tấm lông của nó đã được làm thành tấm che thân cho A-đam và Ê-va,

còn nó thì phải chịu chết trong cảnh trần truồng.

Nhưng khi giáo lễ này tiếp tục được A-đam và Ê-va truyền lại cho hai con, thì họ lại có thái độ tiếp nhận khác hẳn.

A-bên theo đức tin vâng phục vào lời Đức Chúa Trời đã mang một chiên con đến để làm vật hy sinh cho những tội lỗi của mình,

còn Ca-in cho rằng không nhất thiết phải nghe theo lời Đức Chúa Trời một cách chính xác như Ngài phán.

Ông ta cho rằng hệ thống hiến tế này thật rườm rà

và tin rằng miễn là mình mang đến một lễ vật và thờ phượng Đức Chúa Trời, những chi tiết còn lại chỉ là những tiểu tiết không quan trọng.

Vậy, Ca-in mang đến lễ vật nông sản là công việc của tay mình làm ra, để rồi phải đứng nhìn trong ghen tức

khi lửa từ trời giáng xuống thu nhận lễ vật của em trai, còn lễ vật của mình thì bị bỏ lại.

Đức Chúa Trời sau đó đã khuyên nhủ Ca-in hãy khiêm nhường và vâng phục lời Ngài, nhưng Ca-in kiên quyết nổi loạn đến cùng.

A-bên cũng cố gắng thuyết phục anh mình, nhưng Ca-in càng nổi điên lên.

Đến lúc cơn điên ấy nguội lại, xác người em trai đã nằm sóng soài dưới chân ông.

Không khó để hình dung toàn thể cư dân vô tội của vũ trụ đã lạnh cóng người lại như thế nào trước vụ sát nhân đầu tiên trong lịch sử này.

“Tội lỗi” đang từng bước phơi bày bản chất xấu xa tột độ của nó.

Và thế là Đức Chúa Trời tuyên bố một lời nguyền rủa trên Ca-in,

và khi ông ta phàn nàn về hình phạt của mình, Ngài đã đánh dấu lên thân thể ông ta để những thế hệ sau sẽ không tìm cách giết hại Ca-in để trả thù.

Sách [27] Mặc Khải cho chúng ta biết:

trong những ngày cuối cùng, sẽ lại có một trận chiến nổ ra quanh chủ đề thờ phượng.

Và rồi cả thế giới sẽ chia làm hai nhóm:

một nhóm mang Ấn của Đức Chúa Trời Hằng Sống, thờ phượng Ngài,

nhóm còn lại đối chọi hoàn toàn với họ, bắt bớ bức hại họ.

Hãy dành vài phút đọc thêm phân đoạn [27] Mặc Khải 14:6-11 trước khi chúng ta cùng tiến vào bài giảng này.

1. Đối chọi với Ấn của Đức Chúa Trời, Con Thú trong [27] Mặc Khải 13 có gì?

[27] Mặc Khải 13:16, 17 Nó cũng khiến tất cả – nhỏ và lớn, cả giàu lẫn nghèo, cả tự do lẫn nô lệ – để chúng cho họ một dấu trên tay phải họ hoặc trên trán họ,

và để không người nào có thể mua hay bán được nếu không có dấu ấy, danh của con thú, hay số của danh nó.

Danh của Con Thú, hay “Số của danh Con Thú“, là hai góc nhìn khác nữa mô tả “Dấu của Con Thú“, thứ đối chọi với Ấn của Đức Chúa Trời.

Trong bài giảng “Con Thú thứ nhất“, chúng ta đã xác định được Số của danh Con Thú

chỉ đến chính tước hiệu Vicarius Filii Dei – Đại Diện Con Trai Đức Chúa Trời – của Giáo Hoàng.

***Cho nên việc thừa nhận Giáo Hoàng là “Đại Diện Con Trai Đức Chúa Trời”, tức thừa nhận thẩm quyền của ông ta, chính là nhận “số của danh Con Thú”.

2. Danh của Con Thú là thế nào?

[27] Mặc Khải 13:1 Và tôi đứng trên bãi cát biển, và thấy một con thú từ biển lên,

có mười sừng và bảy đầu, và trên các sừng của nó là mười vương miện,

và trên các đầu của nó là danh báng bổ.

Kinh Thánh định nghĩa tội báng bổ Đức Chúa Trời không chỉ đơn thuần là khi một người xúc phạm đến Ngài một cách trực tiếp, mà còn là khi:

– Coi thứ không phải Thần là Thần. ([04] Giăng 10:33)

– Coi thứ không phải Thần là có sở hữu những thẩm quyền chỉ thuộc về Thần. ([03] Lu-ca 5:21; [19] Hê-bơ-rơ 5:9)

3. Theo Kinh Thánh nói thì thần mà Con Thú đang thờ có phải là Đức Chúa Trời không, hay là ai?

[27] Mặc Khải 13:4 Và người ta thờ lạy con rồng, kẻ đã ban thẩm quyền cho con thú.

[27] Mặc Khải 12:9 Và con rồng lớn bị ném xuống, là con rắn xưa, kẻ được gọi là Ma QuỷSa-tan, kẻ lừa dối cả thế gian.

Thần mà tất cả những kẻ thuộc về Con Thú thờ lạy không phải là Cha chúng ta, mà trái lại chính là Satan, dù họ có biết điều đó hay không.

4. Bản thân Con Thú tuyên bố thần nào là Đức Chúa Trời của nó?

Ở bài giảng trước, “Con thú thứ nhất“, chúng ta đã xác định được Con Thú thứ nhất trong [27] Mặc Khải 13 chính là hội thánh Công Giáo La Mã Vatican.

Theo giáo lý chính thức của Vatican, thì nó coi thần nào là Đức Chúa Trời của nó?

Giáo lý hội thánh Công Giáo, trang 234:

Bí ẩn Ba Ngôi chí thánh là bí ẩn tâm điểm của đức tin và đời sống Cơ Đốc.

Đó là bí ẩn của Đức Chúa Trời trong chính Ngài.

Nó vì vậy là cội nguồn của tất cả các bí ẩn khác của đức tin, là ánh sáng chiếu rọi chúng.

Nó là giáo lý cơ bản nhất và trọng yếu nhất trong “hệ thống chân lý của đức tin”.

Tín điều Athanasian. Tân giáo lí, trang 67, 68:

“Đây là đức tin Công Giáo, chúng ta thờ một Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Trời Ba Ngôi và Ba Ngôi hợp nhất,

mà không nhầm lẫn giữa các Đấng và không phân chia bản thể;

vì Đức Chúa Cha là một Thân Vị,

Đức Chúa Con là một nữa, Đức Chúa Thánh Linh là một nữa,

nhưng địa vị Đức Chúa Trời của Đức Cha, Đức Con, Đức Thánh Linh là một,

vinh quang như nhau, cùng uy nghi đến đời đời.”

Đây chính là vị thần được thờ phượng tại Vatican.

Được gọi là “bí ẩn Ba Ngôi chí thánh”,

hay còn được biết đến là khái niệm “Đức Chúa Trời Cha, Đức Chúa Trời Con, Đức Chúa Trời Thánh Linh, ba trong một và một trong ba.”

Nếu bạn không hiểu thế tức là như thế nào, đừng ngạc nhiên, bởi khái niệm ấy vốn không được thiết kế để hiểu.

Đó là đặc điểm của Babylon – lộn xộn.

Cái khái niệm về một ông thần to gấp 3 lần Cha chúng ta, do Ngài và hai vị nữa to tương đương hợp thể lại thành này, dĩ nhiên không hề có trong Kinh Thánh,

bởi mãi đến hội đồng Nicaea năm 325 sau Công Nguyên – mấy trăm năm sau khi các Sứ Đồ đã chết sạch – nó mới được ra đời.

Trên thực tế, chỉ có một kẻ trong cả vũ trụ đủ xấc láo để xưng mình là to hơn cả Đức Chúa Trời mà thôi.

Quả nhiên, đến [27] Mặc Khải 13:4 thì Kinh Thánh đã nói thẳng ra cái thần mà tất cả những kẻ đi theo Con thú thờ lạy ấy, không ai khác chính là con rồng Satan.

Xem bài “Cha, Con và Thánh Linh” nếu bạn đã bỏ lỡ mất nó.

***Cho nên: chối bỏ ánh sáng Chân Lý mà Chúa gửi đến để kiên quyết coi thần Ba Ngôi của Con Thú là Đức Chúa Trời, chính là nhận danh báng bổ của Con Thú.

Người làm điều này nghiễm nhiên bị tính là thành viên của Con Thú, mang danh nó trên mình.

Cũng như Ấn của Đức Chúa Trời Hằng Sống (ngày Sa-bát) là dấu hiệu chỉ về Cha chúng ta,

Dấu của con Thú Vatican cũng là dấu hiệu chỉ về Thần của nó, tức cái Thần Ba Ngôi Ông-Mặt-Trời này.

5. Vậy cái Dấu của Con Thú chỉ đến vị thần của nó là gì?

Chính Vatican tự xưng dấu hiệu thẩm quyền của nó, đối chọi trực tiếp với Ấn của Đức Chúa Trời, là gì?

{Peter Geiermann, Sách hỏi đáp giáo lý Công Giáo của người nhập đạo (The Convert’s Catechism of Catholic Doctrine), St. Louis: B. Herder Book Co., bản 1957, trang 50}

“Hỏi. Ngày Sa-bát là ngày nào?

Đáp. Ngày thứ bảy là ngày Sa-bát.

Hỏi. Vậy tại sao chúng ta lại giữ thánh ngày Mặt Trời (Sunday – chủ nhật) thay vì ngày thứ bảy?

Đáp. Chúng ta giữ ngày Mặt Trời thay vì thứ bảy vì hội thánh Công giáo đã chuyển thánh tính của ngày thứ bảy sang ngày Mặt Trời.

{Stephen Keenan, Sách hỏi đáp giáo lý (A Doctrinal Catechism) [FRS No. 7.], 3rd American ed., rev.: New York, Edward Dunigan & Bro., 1876, trang 174.}

“Hỏi. Các bạn có cách gì chứng minh hội thánh Công giáo Vatican có thẩm quyền thay đổi và thiết lập các giáo lí và các ngày nghỉ lễ không?

“Đáp. Nếu Vatican không có thẩm quyền ấy, nó đã không thể làm nổi điều mà mọi nhà thần học hiện đại đều đồng tình với nó

– nó đã không thể thay thế việc giữ thánh ngày thứ bảy, bằng việc giữ thánh ngày Mặt Trời, tức ngày thứ nhất của tuần, một thay đổi hoàn toàn không hề ghi trong Kinh Thánh.

{Sách hỏi đáp giáo lý Douay 1649 (The Douay Catechism of 1649), trang 143}

“Hỏi. Ngày Mặt Trời, hay ngày của Chúa nói chung, là gì?

Đáp. Ấy là ngày biệt hiến bởi các Sứ Đồ để vinh danh Ba Ngôi chí thánh.”

Vậy, chính tòa thánh Vatican đã tuyên bố dấu ấn thẩm quyền của nó, nhằm vinh danh vị thần “Ba Ngôi chí thánh” của nó,

là thay thế việc giữ thánh ngày Sa-bát thứ bảy bằng việc giữ thánh ngày Mặt Trời, ngày thứ nhất của tuần

– ngày mà các giáo sĩ Công Giáo khi đến Việt Nam đã dạy người Việt Nam gọi hẳn sang là Chủ nhật, thậm chí Chúa Nhật –

một thay đổi mười mươi trái Kinh Thánh mà hầu như toàn bộ các Cơ Đốc nhân ngày nay đều cúi đầu vâng phục, thậm chí còn đứng ra để bênh vực, biện hộ giúp,

đối chọi trực tiếp với Ấn của Đức Chúa Trời mà chúng ta đã tìm hiểu trong bài giảng trước.

Tóm lại, danh của Con Thú, hay số của danh Con Thú, phản ánh ra ngoài thành Dấu của Con Thú chính là:

Đầu phục thần Ba Ngôi của Con Thú – tức Ma Quỷ – làm Đức Chúa Trời mình,

hay thừa nhận thẩm quyền của Giáo Hoàng là Đại Diện Con Trai Đức Chúa Trời,

là những điều sẽ phán ánh ra ngoài thành hành động cụ thể là BỎ NGÀY SA-BÁT TRONG MƯỜI MẠNG LỆNH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI MÀ GIỮ THÁNH NGÀY THỨ NHẤT CỦA TUẦN.

6. Dấu của Con Thú vì sao lại nguy hiểm?

[06] Rô-ma 6:16 Các bạn không biết rằng các bạn giao nộp mình làm nô lệ vào sự vâng phục thứ gì, các bạn là nô lệ của thứ mà các bạn vâng phục sao?

Hoặc của tội lỗi, vào cái chết;

hoặc của sự vâng phục, vào sự công chính.

[23] I Giăng 3:4 Mọi người phạm tội cũng là làm điều vô pháp, và tội lỗi là sự vô pháp.

Việc chuyển ngày thờ phượng từ ngày Sa-bát thứ bảy sang ngày Mặt Trời, còn gọi là ngày chủ nhật, chính là Dấu của Con Thú chỉ đến vị Thần Ba Ngôi Ông-Mặt-Trời của nó.

Thủ đoạn này tối hiểm độc ở chỗ, nó ép buộc/lừa lọc/dụ dỗ một người đã tin nhận Chúa và được cứu,

trở lại vi phạm trực tiếp một cách có chủ ý một điều trong luật pháp Mười Mạng Lệnh của Đức Chúa Trời, để rồi từ đó lại hư mất tiếp.

7. Điều gì sẽ xảy ra với những người con chân chính của Đức Chúa Trời đang thờ phượng nhầm ngày Mặt Trời?

[04] Giăng 10:16 Ta còn có chiên khác chưa thuộc về bầy này,

Ta cũng phải đem những con đó về, và chúng sẽ nghe tiếng Ta.

Chúa sẽ gọi họ trở về với chân lý của Ngài.

Những ai thực sự là con chiên chân chính của Đấng đã phán “Ta LÀ Chân Lý” sẽ nghe được tiếng của Chân Lý trong lương tâm,

và sẽ vâng phục ngay cả khi điều đó gây khó khăn cho công việc của họ hay chuốc cho họ sự thù địch từ chính hội thánh mà họ đang sinh hoạt.

Những người này có một đặc điểm sẽ mãi mãi khiến họ khác biệt hoàn toàn so với tất cả những ai tự xưng mình là Cơ Đốc nhân nhưng thực ra chưa phải:

đối với họ, Chúa luôn luôn là đầu tiên và số một.

Tất cả những thứ còn lại, dù là gia đình, bạn bè, công việc, hay chính bản thân hội thánh họ sinh hoạt đi chăng nữa, đều phải đứng dưới Chúa và quy phục đường lối của Ngài.

8. Giữ ngày Sa-bát nhưng lại thờ Thần Ba Ngôi của Con Thú thì có được đóng Ấn của Đức Chúa Trời Hằng Sống không?

[02] Xuất Hành 20:3 Con CHỚ CÓ THẦN NÀO KHÁC trước mặt Ta.

[27] Mặc Khải 7:2 Và tôi thấy một thiên sứ khác lên từ hướng mặt trời mọc, có ấn của Đức Chúa Trời Hằng Sống.

Đương nhiên là làm sao ta có thể nhận được Ấn của Đức Chúa Trời Hằng Sống khi phạm tội đi thờ thần khác được?

Ấn ấy trước tiên là của Đức Chúa Trời Hằng Sống cơ mà?

Thiết nghĩ, mạng lệnh thứ nhất quy định về việc thờ phượng AI

ắt hẳn không thể kém quan trọng hơn mạng lệnh thứ tư quy định về việc thờ phượng KHI NÀO được.

Nếu Đức Chúa Trời đã yêu cầu phải vâng phục mạng lệnh thứ tư,

Ngài chắc chắn yêu cầu vâng phục mạng lệnh mà Ngài đã ưu tiên để trên đầu danh sách.

9. Dấu của Con Thú và Ấn của Đức Chúa Trời có thể nhìn thấy được trên thân thể không?

[26] Ê-xê-chi-ên 3:7 Cả nhà Is-ra-ên, chúng đều là những kẻ cứng trán và rắn tâm!

[21] Truyền đạo 9:10 Mọi việc tay con tìm được để làm, hãy làm với sức lực mình.

Trái với nhiều người nhầm tưởng, cả dấu của con thú lẫn Ấn của Đức Chúa Trời đều không phải là thứ nhìn thấy được trên thân thể.

Nó không phải là vắc-xin hay chip điện tử nào đâu ạ, ngay cả khi bản thân chúng có là những thứ tốt đẹp hay xấu xa.

Bởi xuyên suốt Kinh Thánh, “trán” là biểu tượng của tâm trí,”tay” là biểu tượng của việc làm.

“Trên tay” hay “giữa hai mắt” là những biểu tượng được dùng để chỉ hành vi và suy nghĩ của con người ([05] Nhị Luật 6:8; 11:18).

Một người nhận dấu của Con Thú lên trán

khi thờ Thần Ba Ngôi làm Đức Chúa Trời của mình và/hoặc tin rằng ngày Mặt Trời là ngày Sa-bát, bất chấp sự thật hiển nhiên trong Kinh Thánh.

Một người nhận dấu của con thú lên tay

khi giữ thánh ngày chủ nhật và cố tình làm việc vào ngày Sa-bát của Đức Chúa Trời vì bất cứ lí do gì, như công việc, gia đình, bạn bè, hội thánh, v.v…

Mặc dù những dấu này không nhìn thấy được bằng mắt thường, Đức Chúa Trời biết rõ người nào có dấu gì ([16] II Ti-mô-thê 2:19).

Thực chất, mỗi người đều tự đóng dấu chính mình bởi lựa chọn tự mình đưa ra.

Nếu ta thờ Đức Chúa Trời Hằng Sống và Chân Thật, tôn trọng và vâng phục ngày Sa-bát của Ngài, Ngài sẽ đóng ấn ta là người con thuộc về Ngài.

Nếu ta thờ Thần Ba Ngôi của Con Thú, và/hoặc tôn trọng, vâng phục ngày Sa-bát giả của nó, cố tình phạm tội chống lại Mười Mạng Lệnh của Đức Chúa Trời,

ta sẽ bị đánh dấu là nô lệ của Con Thú.

Đương nhiên, vẫn sẽ có nhiều người hoàn toàn không giữ thánh ngày Sa-bát mà vẫn cứ được lên Thiên Đường, vì họ hoàn toàn không biết do chưa bao giờ có cơ hội tìm hiểu.

Còn bản thân họ lại là những người con hết lòng vâng phục Đức Chúa Trời trong phạm vi những gì được Ngài cho biết.

Tuy nhiên, những người không có lòng vâng phục, đã biết mà còn cứ cố tình phạm tội, hoặc “không biết” do chủ tâm chối bỏ tri thức ([28] Ô-sê 4:6)

thì lại là chuyện hoàn toàn khác.

“Vì khi chúng ta cố ý phạm tội sau khi đã nhận được tri thức chân lý rồi, thì không còn sinh tế nào cho tội lỗi nữa đâu,

nhưng một sự chờ đợi khủng khiếp nọ sự phán xét và lửa thịnh nộ sẽ thiêu nuốt những kẻ chống nghịch mà thôi.” [19] Hê-bơ-rơ 10:26.

10. Điều gì sẽ xảy ra với những người trung tín với Đức Chúa Trời, chống cự lại Dấu của Con Thú và Thần của nó?

[27] Mặc Khải 13:17 Không người nào có thể mua hay bán được

nếu không có dấu ấy, danh của con thú, hay số của danh nó.

[27] Mặc Khải 13:15 Bất cứ ai không thờ lạy tượng con thú ấy hãy bị giết chết.

Những người “cứng đầu” sẽ bị đồng loạt dán nhãn là những kẻ cuồng tín cực đoan,

và sẽ phải đón nhận lệnh trừng phạt về kinh tế bằng một phương cách nào đó khiến cho họ không còn mua bán được nữa.

Và rồi sắc lệnh trừng phạt sẽ được đẩy lên thành tử hình dành cho những ai không chịu cúi đầu khuất phục.

Sắc lệnh trừng phạt kinh tế nói trên sẽ đẩy đời sống của phần lớn những người trung tín vào tình trạng vô cùng nghèo đói và cùng khổ,

đặc biệt là nếu họ không có đất đai trồng trọt ở thôn quê để tự chủ về lương thực và nhu yếu phẩm.

Và khi sắc lệnh tử hình được ban ra, họ sẽ buộc phải trốn chạy đến những nơi hoang vu vắng người để giữ lấy mạng.

Những ngày cuối cùng của lịch sử trái đất sẽ giống như tận thế zombie vậy:

khi những kẻ hư mất, dưới sự kích động điên cuồng của quỷ dữ, lao theo các thánh đồ để vồ lấy ăn tươi nuốt sống họ,

thì rồi khi ấy sẽ có người trong chúng ta quay sang nói với anh em mình:

“Cậu biết đấy, tôi nghĩ tôi đã từng thấy cảnh này trên một bộ phim.”

Và trong tình cảnh khốn cùng ấy, các thánh đồ sẽ buộc phải học cách nương nhờ hoàn toàn nơi Chúa – nếu như đến lúc ấy mà họ vẫn chưa học xong bài học tối quan trọng này.

Đến giờ, việc nghỉ ngày thứ nhất của tuần để thay thế cho ngày Sa-bát thứ bảy đã được Con Thú lan tỏa xong xuôi gần như ra toàn nhân loại rồi,

chỉ còn chờ ban hành án phạt cho việc bất tuân nữa mà thôi.

Chân Lý về Ấn của Đức Chúa Trời giờ đây có thể nói là sứ điệp chủ lực duy nhất để thực hiện công tác gỡ mọi người ra khỏi việc nhận lãnh phải Dấu của Con Thú.

11. Điều gì sẽ xảy đến với những người nhận dấu của Con Thú?

[27] Mặc Khải 14:9-11 “Nếu kẻ nào thờ lạy con thú và hình tượng nó, và nhận dấu lên trán mình hay lên tay mình, 

thì kẻ ấy sẽ được uống rượu thịnh nộ của Đức Chúa Trời, rót không pha loãng vào chén thịnh nộ của Ngài,

và sẽ bị đau đớn trong lửa và lưu huỳnh trước mắt các thiên sứ thánh và trước mắt Chiên Con.

 Và khói của sự đau đớn chúng bốc lên đến mãi mãi.

Và chúng ngày và đêm đều không có nghỉ ngơi, những kẻ thờ lạy con thú và hình tượng nó, và bất cứ ai nhận dấu của danh nó.”

Trong khi những người có Ấn của Đức Chúa Trời được thừa hưởng sự sống vĩnh cửu sau khi chịu khổ ít lâu,

thì phần dành cho những kẻ nhận Dấu của Con Thú – công khai chống nghịch Mười Mạng Lệnh của Đức Chúa Trời – chính là lời nguyền rủa khủng khiếp nhất toàn Kinh Thánh.

Sứ điệp này đã được đưa đến bạn để vạch trần trò lừa bịp ngày tận thế của Ma Quỷ, cho phép bạn có thể đưa ra lựa chọn đúng đắn cho chính mình.

Thiên sứ của Chúa và quỷ sứ của Con Rồng ngay bây giờ đang đứng bên bạn

để chờ xem bạn quyết định sẽ để bên nào đóng dấu ấn của họ lên bạn.

Bạn chọn gì đây?

Đức Chúa Trời Hằng Sống và Chân Thật, Cha chúng ta, và Ấn của Ngài;

hay bạn sẽ không lựa chọn Chúa,

để Thần Ba Ngôi của Con Thú được đóng lên bạn Dấu của nó?

Phụ lục

I. Tòa thánh Vatican truy vấn các giáo hội Tin Lành

Những người Tin Lành đã liên tục chất vấn Vatican điều này:

“Sao các vị dám tự tiện thay đổi luật pháp của Đức Chúa Trời?”

(Nhà Thờ Công Giáo Vatican đúng là đã tự tiện sửa lại Mười Mạng Lệnh của Đức Chúa Trời thật:

họ xóa bỏ điều số 2 về cấm thờ hình tượng, chẻ đôi điều số 10 ra để bù lại cho đủ số mười điều…)

Nhưng rồi Vatican đã hồi âm bằng câu hỏi còn hóc búa hơn.

Đây là tuyên bố chính thức:

“Các bạn nói với chúng tôi rằng ngày thứ bảy chỉ là ngày Sa-bát của người Do Thái, và ngày Sa-bát của Cơ Đốc nhân đã được đổi thành Chủ Nhật.

Đổi! Bởi ai?

Ai có thẩm quyền thay đổi một mạng lệnh được bày tỏ rõ ràng của Đức Chúa Trời Toàn Năng?

Khi Đức Chúa Trời phán, ngươi hãy nhớ giữ ngày thứ bảy làm thánh,

kẻ nào dám nói, không, chúng tôi cứ thích làm đủ các thứ việc trần tục vào đúng cái ngày thứ bảy đấy; và rồi sẽ giữ ngày thứ nhất để thay thế?

Đây là một câu hỏi quan trọng, mà chúng tôi biết các bạn không trả lời nổi.

Các bạn xưng mình là những người Cải Chánh giáo Tin Lành; đi theo Kinh Thánh và chỉ duy nhất Kinh Thánh mà thôi;

vậy mà trong một vấn đề tối quan trọng như việc biệt riêng và giữ thánh một trong bảy ngày, các bạn lại đi ngược lại lời dạy bảo rõ ràng trong Kinh Thánh ấy,

và đưa một ngày khác lên thay thế ngày mà Đức Chúa Trời đã đích thân chỉ định.

Mạng lệnh giữ thánh ngày thứ bảy là một trong Mười Mạng Lệnh của Đức Chúa Trời; các bạn tin rằng chín điều còn lại vẫn còn hiệu lực;

vậy ai trao cho các bạn thẩm quyền để tự tiện thay đổi mạng lệnh thứ tư?

Nếu các bạn thực sự nhất quán với nguyên tắc của mình, tuân theo Kinh Thánh và chỉ Kinh Thánh mà thôi,

chúng tôi cho rằng các bạn hãy nên đưa được ra đây ít nhất một phân đoạn trong Tân Ước có nói một cách thật rõ ràng rằng, mạng lệnh thứ tư đã được thay đổi.”

{Thư viện giáo lí Cơ Đốc: Sao các người không giữ thánh ngày Sa-bát? (London: Burns and Oates, Ltd.), pp. 3, 4}

II. Gốc tích thần Ba Ngôi

Cái khái niệm Thần Ba Ngôi “ba trong một một trong ba” này chui từ đâu ra?

[27] Mặc Khải 17:5 Và trên trán mụ là một danh được ghi:

“Bí ẩn, Ba-by-lon vĩ đại, mẹ của các gái điếm và những thứ ghê tởm của đất.”

[01] Khởi Nguyên 10:8, 10 Và Cút sinh Nim-rốt.

Hắn bắt đầu trở nên hùng bá trên đất…

Và khởi đầu vương quốc của hắn là Ba-by-lon, và Ê-réc, và Ạc-cát, và Can-nê trong đất Si-na.

Cái tên của Nimrod có nghĩa là “Nổi Loạn”.

Các nhà sử học cho biết hắn chính là người đã sáng lập ra tín ngưỡng thờ mặt trời, thời đó sử dụng cả lửa và rắn trong việc thờ phượng.

{Hai Babylon, Alexander Hislop, trang 51}

Sau khi hắn chết, mẹ ruột kiêm vợ của hắn là Semiramis phao vu rằng linh hồn của Nimrod đã bay lên nhập vào mặt trời.

Không dừng lại ở đó, không lâu sau, bà ta đột nhiên có thai một cách “thần kỳ”: ánh sáng từ mặt trời đã chiếu xuống và thụ thai cho bà ta;

và đứa con trai bà ta sinh ra – Tammuz – chính là người “Cha” Nimrod tái sinh trong hình hài người “Con”.

Và thế là cả ba người Nimrod, Semiramis và Tammuz

được thờ làm Thần Mặt Trời Ba Ngôi “ba trong một, một trong ba” đầu tiên trong lịch sử.

Dân chúng xúm lại để xây dựng một tòa tháp cao chọc trời làm trung tâm thờ phượng ngoại đạo cho vị thần Mặt Trời Ba Ngôi này – mà thực chất chính là Ma Quỷ.

Biểu tượng của tôn giáo thờ thần mặt trời này là ngôi sao Triquetra, là phần giao nhau giữa 3 vòng tròn tượng trưng cho mặt trời mọc, mặt trời giữa trưa, và mặt trời lặn.

Chính là biểu tượng của Thần Ba Ngôi mà ngày nay được sử dụng tràn lan trong các hội thánh sai lạc.

Đối mặt với sự việc này, Đức Chúa Trời đã làm gì?

[01] Khởi Nguyên 11:7, 9 Nào, Chúng Ta hãy ngự xuống, và ở đó Chúng Ta sẽ làm tan rã ngôn ngữ của chúng…

Vì thế, người ta gọi tên nó là Ba-by-lon, vì tại đó YHWH đã làm tan rã ngôn ngữ cả trái đất, và từ đó YHWH phân tán họ ra khắp cả mặt đất.

Thấy trước được rằng cái tòa tháp này sẽ là cả một cơn ác mộng, Đức Chúa Trời đã lập tức can thiệp giải tán toàn bộ đám đông:

Ngài bàn với Con Trai, và Họ cùng ngự xuống làm lộn xộn ngôn ngữ của những kẻ gian ác này

khiến chúng không thể nào tiếp tục phối hợp xây tháp hay sống cùng nhau được nữa, và phải tản đi khắp bốn phương trời.

Và thế là khắp nơi trỗi dậy đủ mọi tín ngưỡng thờ Thần Ba Ngôi khác nhau, chỉ khác nhau mỗi tên gọi của các thần, đã thay đổi sau khi ngôn ngữ của họ bị xáo trộn:

– Ba Ngôi của Babylon: Nimrod, Tammuz, Semiramis.

– Ba Ngôi của Ai Cập: Osiris, Horus, Isis.

– Ba Ngôi của Hy Lạp: Zeus, Apollo, Athena.

– Ba Ngôi của Ấn Độ: Brahma, Vishnu, Shiva.

– Ba Ngôi của Rome: Jupiter, Mars, Venus.

– Ba Ngôi của Việt Nam: Lạc Long Quân, Âu Cơ, Hùng Vương

(Hùng Vương được tin là con trai của Lạc Long Quân và Âu Cơ, thờ vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm.

Dân tộc Việt Nam vẫn xưng mình là “con RỒNG, cháu tiên” cho đến tận ngày nay).

Cùng các thể loại Ba Ngôi khác.

III. Đức Chúa Trời có mấy Ngôi?

Chúng ta sẽ cùng đi lại lần lượt các nhân chứng trong Kinh Thánh xem họ tin gì về Đức Chúa Trời.

1) Phi-e-rơ tin ai là Đức Chúa Trời?

[01] Ma-thi-ơ 16:16 Si-môn Phi-e-rơ trả lời, thưa: “Ngài là Đấng Christ, Con Trai Đức Chúa Trời Hằng Sống!”

[21] I Phi-e-rơ 1:3 Chúc tụng Đức Chúa Trời, cũng là Cha của Chúa chúng ta JESUS Christ.

=> Trả lời: Phi-e-rơ tin Đức Chúa Trời chính là Cha của Chúa JESUS.

2) Giăng tin ai là Đức Chúa Trời?

[24] II Giăng 3 Ân điển, sự thương xót, bình an hãy ở với chúng ta

từ Đức Chúa Trời là Cha, và từ Chúa JESUS Christ Con Trai của Cha, trong Chân Lý và tình yêu thương.

=> Trả lời: Giăng tin Đức Chúa Trời chính là Đấng chúng ta gọi là Cha, Chúa JESUS Christ là Con Trai của Đức Chúa Trời.

3) Gia-cơ tin ai là Đức Chúa Trời?

[20] Gia-cơ 1:27 Tôn giáo trong sạch và không hoen ố trước Đức Chúa Trời, cũng là Cha, là đây:

thăm viếng kẻ mồ côi và người góa bụa trong cơn hoạn nạn của họ, và giữ mình không khiếm khuyết khỏi thế gian.

=> Trả lời: Gia-cơ cũng tin Đức Chúa Trời chính là Đấng chúng ta gọi là Cha.

4) Giu-đe tin ai là Đức Chúa Trời?

[26] Giu-đe 1 Giu-đe, đầy tớ của JESUS Christ, em trai của Gia-cơ,

gửi những người được kêu gọi, được thánh hóa trong Đức Chúa Trời là Cha, và được gìn giữ trong JESUS Christ.

=> Trả lời: Giu-đe cũng tin Đức Chúa Trời chính là Đấng chúng ta gọi là Cha.

5) Phao-lô bảo ai mới là Đức Chúa Trời?

[07] I Cô-rinh-tô 8:6 Nhưng với chúng ta:

chỉ có một Đức Chúa Trời, là Cha,… và một Chúa, là JESUS Christ.

[07] I Cô-rinh-tô 1:3 và một loạt các lời chào thăm ở các thư tín khác của ông:

Ân điển cho các bạn, và bình an từ Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, và Chúa JESUS Christ.

=> Trả lời: theo Phao-lô, chỉ có MỘT Đức Chúa Trời duy nhất – rất rõ ràng – và đó chính là Đức Chúa Cha.

6) Người Do Thái, theo lời Chúa JESUS, tin ai là Đức Chúa Trời mình?

[04] Giăng 8:54 Chính Cha Ta là Đấng tôn vinh Ta,

Ðấng mà các ngươi bảo rằng: “Ngài là Ðức Chúa Trời chúng tôi”.

=> Trả lời: theo Chúa JESUS, Đức Chúa Trời của người Do Thái chính là Cha Ngài.

7) Chính Chúa JESUS nói ai là Đức Chúa Trời?

Ngài có tự nhận mình là Đức Chúa Trời không, hay một Đấng khác không phải Ngài mới là Đức Chúa Trời?

[04] Giăng 17:3 Này là sự sống vĩnh cửu:

rằng họ có thể nhận biết Cha là Ðức Chúa Trời chân chính DUY NHẤT,

và JESUS Christ, Đấng Cha sai đến.

[27] Mặc Khải 3:2 Ta không thấy các công việc của con được trọn vẹn trong mắt Đức Chúa Trời của Ta.

=> Trả lời: Chúa JESUS không liệt bản thân mình làm Đức Chúa Trời,

mà làm chứng rằng Cha Ngài mới là Đức Chúa Trời DUY NHẤT, đồng thời là Đức Chúa Trời của chính Ngài.

Điều này được Chúa tuyên bố một cách nhất quán cả trước và sau khi Ngài đã thăng thiên (sách [27] Mặc Khải được viết khoảng năm 92-95 sau Công Nguyên, xấp xỉ 60 năm sau sự kiện thập tự giá).

Mọi lời chứng trong Kinh Thánh đều rất rõ ràng về việc Chúa JESUS và Cha là hai Đấng riêng biệt,

trong đó, Cha chính là Đức Chúa Trời DUY NHẤT, và Chúa JESUS chính là Con Trai Độc Sanh của Đức Chúa Trời.

Vì sao đến ngày nay cộng đồng Cơ Đốc nhân lại bối rối và nhầm lẫn lung tung về danh tính của vị Đức Chúa Trời duy nhất – Cha chúng ta – một chân lý cơ bản, đơn giản nhất,

được trình bày xuyên suốt từ đầu đến cuối Kinh Thánh bằng những lời văn không thể thẳng thừng hơn,

chính là nhờ giáo lý Đức Chúa Trời Ba Ngôi mà tòa thánh Công Giáo Vatican ban hành năm 325 sau Công Nguyên tại hội đồng Nicaea.

Không lạ gì, vì đến thời điểm này, chúng ta đã biết kẻ đứng đằng sau tổ chức đó chính là ai – ngay cả khi trong đó đầy những Cơ Đốc nhân thực thụ, thành tín và hết lòng với Đức Chúa Trời.

Trong bài học tiếp theo, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu danh tính của Con Thú thứ hai, thế lực sẽ ban hành cái Dấu của Con Thú và ép buộc mọi cư dân của đất phải thờ lạy Con Thú thứ nhất.

Click vào “bài tiếp” để nắm lấy tri thức này, và biết rằng mình cần phải đề phòng thế lực nào trong những ngày cuối cùng này.

Vẫn chưa có bộ Tiên Tri Toàn Thư trong tay?

Bài học này chỉ là một phần của bộ Tiên Tri Toàn Thư gồm toàn những kiến thức màu nhiệm tương đương.

Tôi sẽ gửi bạn trọn bộ Tiên Tri Toàn Thư MIỄN PHÍ đến đâu?