Chương 4—Những người Waldenses

Giữa bóng tối đã ngự trên đất trong thời gian dài độc tôn của giáo hoàng, ánh sáng chân lý đã không thể bị dập tắt hoàn toàn. Trong mọi thời đại đều có những nhân chứng cho Đức Chúa Trời—những người trân quý đức tin nơi Đấng Christ là đấng trung bảo duy nhất giữa Đức Chúa Trời và loài người, những người coi Kinh Thánh là luật lệ duy nhất của đời sống, và những người đã tôn thánh ngày Sa-bát thực thụ. Thế giới nợ những người này biết bao nhiêu, hậu thế sẽ không bao giờ biết được. Họ bị dán nhãn là bọn dị giáo, động cơ của họ bị bài xích, nhân phẩm của họ bị bôi nhọ, các bài viết của họ bị đàn áp, xuyên tạc, hoặc cắt xén. Vậy mà họ vẫn đứng vững, và từ thời đại sang thời đại vẫn giữ vững đức tin mình trong sự tinh khiết của nó, như một di sản thiêng liêng cho các thế hệ mai sau. {GC 61.1}

Lịch sử của dân sự Đức Chúa Trời trong cái thời kỳ tăm tối đã theo gót sự độc tôn của Rome được ghi chép lại trên thiên đường, nhưng họ có rất ít chỗ trong các ghi chép của loài người. Ít ỏi thay những dấu vết về sự tồn tại của họ là có thể được tìm thấy, ngoại trừ trong những cáo buộc của những kẻ bức hại họ. Chính sách của Rome là xóa sạch mọi dấu vết bất đồng quan điểm với các giáo lý hoặc sắc lệnh của mình. Mọi thứ dị giáo, dù là con người hay văn bản, nó đều tìm cách hủy diệt. Những diễn đạt của sự ngờ hoặc, hay những chất vấn về thẩm quyền của các giáo điều giáo hoàng, là đủ để tước đoạt mạng sống của giàu hay nghèo, cao hay thấp. Rome cũng nỗ lực phá hủy mọi hồ sơ về sự tàn ác của nó đối với những người bất đồng chính kiến. Các hội đồng công giáo đã ra lệnh rằng các sách và ghi chép có chứa những hồ sơ như vậy phải bị phó vào lửa. Trước sự phát minh của máy in, sách có số lượng rất ít, và ở dạng không thuận lợi cho việc bảo quản; do đó có rất ít điều có thể ngăn cản bọn La Mã giáo thực hiện mục đích của chúng. {GC 61.2}

Chẳng có hội thánh nào trong giới hạn quyền lực của bọn La Mã giáo là có thể được để yên trong việc tận hưởng quyền tự do lương tâm. Ngay khi tòa thánh giành được quyền lực, nó đã vươn cánh tay mình ra để nghiền nát tất cả những ai từ chối sự chi phối của nó, và từng cái một nối tiếp nhau, các hội thánh khuất phục sự thống trị của nó. {GC 62.1}

Ở Anh, Cơ Đốc giáo nguyên thủy đã bén rễ từ rất sớm. Tin Lành đã được tiếp nhận bởi người Anh trong những thế kỷ đầu tiên sau đó đã không bị tha hóa bởi sự bội đạo của La Mã giáo. Sự bắt bớ từ các hoàng đế ngoại giáo, thứ đã vươn đến tận những bờ biển xa xôi này, đã là món quà duy nhất mà các hội thánh ban đầu ở Anh nhận được từ Rome. Nhiều Cơ đốc nhân, chạy trốn khỏi sự bắt bớ ở Anh, đã tìm được nơi ẩn náu ở Scotland; từ đó chân lý đã được mang đến Ireland, và ở tất cả các quốc gia này nó đã được đón nhận với sự mừng vui. {GC 62.2}

Khi người Saxon xâm lược Anh, ngoại đạo đã giành được quyền kiểm soát. Những kẻ chinh phục khinh miệt việc được chỉ dẫn bởi các nô lệ mình, và các Cơ đốc nhân đã buộc phải rút lui vào vùng núi và vùng đồng hoang hoang dã. Tuy nhiên ánh sáng, bị che giấu trong một thời gian, vẫn tiếp tục cháy. Ở Scotland, một thế kỷ sau, nó đã tỏa sáng ra với một sự rực rỡ đã vươn đến tận những vùng đất xa xôi. Từ Ireland, Columba ngoan đạo và các cộng sự của ông đã đến, những người mà, khi đã tập hợp về họ các tín đồ tản mác trên hòn đảo Iona cô đơn, đã lập nơi này thành trung tâm công tác truyền giáo của họ. Trong những nhà truyền đạo này có một người tuân giữ ngày Sa-bát của Kinh thánh, và như vậy chân lý này đã được giới thiệu vào dân chúng. Một trường học đã được thành lập tại Iona, từ ấy các nhà truyền giáo đã đi ra, không chỉ đến Scotland và Anh, mà còn cả Đức, Thụy Sĩ và thậm chí cả Ý. {GC 62.3}

Nhưng Rome đã hướng mắt mình đến Anh, và quyết tâm đem nó xuống dưới sự độc tôn của mình. Vào thế kỷ thứ sáu, những người truyền giáo của nó đã tiến hành cải đạo những người Saxon ngoại đạo. Chúng được tiếp đón với sự ưu ái bởi bọn mọi rợ ngạo mạn, và chúng đã xúi giục hàng ngàn người tuyên xưng đức tin La Mã. Khi công việc ấy đã tiến triển, các lãnh đạo công giáo và đám người cải đạo của chúng đã gặp phải những Cơ đốc nhân nguyên thủy. Một sự tương phản nổi bật đã được phơi bày. Nhóm thứ hai thì giản đơn, khiêm nhường và đúng Kinh thánh về phẩm cách, giáo lý và hành xử, trong khi nhóm thứ nhất thì thể hiện sự mê tín dị đoan, hào nhoáng và ngu ngạo của giáo hoàng. Tên sứ giả của Rome yêu cầu rằng các hội thánh Cơ Đốc này phải thừa nhận sự độc tôn của giáo hoàng tối cao. Người Anh nhu mì đáp lại rằng họ mong muốn yêu thương tất cả mọi người, nhưng giáo hoàng không được phép độc tôn trong hội thánh, và họ chỉ có thể dành cho ông ta sự thuận phục dành cho mọi người theo Đấng Christ. Những nỗ lực liên tục đã được thực hiện để đoạt được sự trung thành của họ với Rome; nhưng những Cơ đốc nhân khiêm tốn này, kinh ngạc trước sự ngạo mạn được bày tỏ bởi các sứ giả của nó, đã kiên định trả lời rằng họ không biết Giáo Chủ nào khác ngoài Đấng Christ cả. Giờ thì cái linh thực sự của tòa thánh đã được phơi bày. Tên lãnh đạo La Mã giáo đã nói: “Nếu chúng mày không chịu tiếp nhận những người anh em đem đến chúng mày hòa bình, chúng mày sẽ phải tiếp nhận những kẻ địch sẽ đêm đến chúng mày chiến tranh. Nếu chúng mày không chịu hiệp lại với bọn tao trong việc bày tỏ cho người Saxon con đường sự sống, chúng mày sẽ phải nhận từ họ đòn đánh của chết chóc.”—J. H. Merle D’Aubigne, Lịch sử của cuộc Cải cách của Thế kỷ XVI, b. 17, ch. 2. Đây đã không phải là những lời đe dọa suông. Chiến tranh, âm mưu và sự lừa dối đã được sử dụng chống lại những nhân chứng cho một đức tin theo Kinh Thánh này, cho đến khi các hội thánh của Anh bị hủy diệt, hoặc bị buộc phải phục tùng thẩm quyền của giáo hoàng. {GC 62.4}

Ở những vùng đất nằm ngoài phạm vi quyền lực của Rome, trong nhiều thế kỷ đã tồn tại những đoàn thể Cơ Đốc nhân đã gần như hoàn toàn được thoát khỏi sự suy đồi công giáo. Họ bị bao quanh bởi ngoại giáo và theo thời gian đã bị ảnh hưởng bởi những lầm lạc của nó; nhưng họ đã vẫn tiếp tục coi Kinh thánh là bộ luật duy nhất của đức tin và tuân thủ nhiều chân lý của nó. Những Cơ đốc nhân này tin vào tính vĩnh cửu của luật pháp Đức Chúa Trời và tuân giữ ngày Sa-bát của mạng lệnh thứ tư. Các hội thánh đã giữ lấy đức tin này và thực hành đã tồn tại ở Trung Phi và giữa những người Armenia ở Châu Á. {GC 63.1}

Nhưng trong số những người chống cự lại sự lấn quyền của thế lực giáo hoàng, người Waldenses đã đứng đầu. Tại chính vùng đất mà giáo hội đã cố định chỗ ngồi của mình, tại đó sự giả dối và suy đồi của nó đã bị chống cự lại một cách kiên quyết nhất. Trong nhiều thế kỷ, các hội thánh ở Piedmont đã giữ vững sự độc lập của họ; nhưng thời điểm cuối cùng cũng đến khi Rome nhất quyết yêu cầu sự phục tùng của họ. Sau những cuộc đấu tranh không hiệu quả chống lại sự bạo chúa của nó, các lãnh đạo của các hội thánh này đã miễn cưỡng thừa nhận sự độc tôn của cái thế lực mà dường như cả thế giới đều tôn kính. Tuy nhiên, đã có một số đã từ chối khuất phục thẩm quyền của giáo hoàng hay giám mục. Họ quyết tâm giữ vững lòng trung thành với Đức Chúa Trời và gìn giữ sự tinh khiết và giản dị của đức tin mình. Một cuộc phân rẽ đã xảy ra. Những người tuân theo đức tin cổ xưa giờ đã rút lui; một số, từ bỏ dãy Alps quê hương của mình, giương cao ngọn cờ chân lý ở những vùng đất ngoại; những người khác rút lui vào những thung lũng hẻo lánh và những thành lũy của đá núi, và ở đó đã gìn giữ được sự tự do của họ để thờ phượng Đức Chúa Trời. {GC 64.1}

Đức tin mà trong nhiều thế kỷ đã được giữ và dạy bởi các Cơ đốc nhân Waldenses là trái ngược hẳn với những giáo lý lầm lạc được đưa ra từ Rome. Niềm tin tôn giáo của họ được vững lập dựa trên lời được chép của Đức Chúa Trời, hệ thống chân chính của Cơ đốc giáo. Nhưng những người nông dân khiêm nhường đó, trong những nơi ẩn náu bí mật của họ, cách ly khỏi thế gian, và được ràng buộc vào lao động hàng ngày giữa các bầy gia súc của họ và các vườn nho của họ, đã không tự mình đạt được đến chân lý đối lập với những giáo điều và dị giáo của nhà thờ bội đạo. Đức tin của họ không phải là thứ mới được tiếp nhận. Niềm tin tôn giáo của họ là di sản của họ từ cha ông họ. Họ đã chiến đấu cho đức tin của hội thánh thời các sứ đồ,—”đức tin đã được một lần ban xong cho các thánh đồ.” Giu-đe 3. “Hội thánh trong đồng hoang,” chứ không phải là cái hệ thống phân cấp ngạo mạn ngự trị ở thủ đô vĩ đại của thế giới, mới là hội thánh thật của Đấng Christ, người bảo vệ các kho tàng chân lý mà Đức Chúa Trời đã ủy thác cho dân Ngài để trao cho thế giới. {GC 64.2}

Trong số những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sự ly khai của hội thánh thật khỏi Rome, đã là sự căm thù của bên thứ hai đối với ngày Sa-bát của Kinh thánh. Như đã được báo trước bởi tiên tri, thế lực công giáo đã quăng sự thật xuống đất. Luật pháp của Đức Chúa Trời đã bị chà đạp trong bụi đất, trong khi những truyền thống và phong tục của loài người đã được tôn cao. Các nhà thờ dưới sự cai trị của tòa thánh đã sớm bị buộc phải tôn vinh ngày Mặt Trời chủ nhật làm một ngày thánh. Giữa cái sai lầm và mê tín dị đoan thịnh hành, nhiều người, ngay cả dân sự chân chính của Đức Chúa Trời, đã trở nên bối rối đến nỗi trong khi họ giữ ngày Sa-bát, họ cũng kiêng cữ khỏi việc lao động cả vào ngày Mặt Trời chủ nhật. Nhưng điều này chưa làm thỏa mãn đám lãnh đạo công giáo. Chúng yêu cầu không chỉ ngày Mặt Trời chủ nhật được tôn thánh, mà cả ngày Sa-bát bị làm ô uế cơ; và chúng bài xích bằng thứ ngôn ngữ mạnh nhất những người dám bày tỏ sự tôn trọng đối với nó. Chỉ bằng cách chạy trốn khỏi thế lực của Rome mà bất cứ ai mới có thể tuân giữ luật pháp của Đức Chúa Trời trong bình an. (Xem Phụ lục.) {GC 65.1}

Người Waldenses đã nằm trong số những nhóm dân cư đầu tiên của Châu Âu có được một bản dịch của Kinh Thánh. (Xem Phụ lục.) Hàng trăm năm trước cuộc Cải Chánh, họ đã sở hữu Kinh thánh dưới dạng bản thảo bằng tiếng bản địa của mình. Họ đã có chân lý không bị pha tạp, và điều này khiến họ trở thành đối tượng đặc biệt của lòng căm thù và sự bắt bớ. Họ đã tuyên bố Giáo hội Rô-ma là Ba-by-lon bội đạo của thời tận thế, và trước hiểm nguy cho tính mạng mình, họ đã đứng lên chống lại sự thối nát của nó. Trong khi, dưới áp lực của sự bắt bớ kéo dài, một số người đã thỏa hiệp đức tin của mình, dần dần nhượng bộ những nguyên tắc đặc trưng của nó, thì những người khác đã giữ vững chân lý. Qua các thời đại của bóng tối và sự bội đạo, có những người Waldenses đã phủ nhận sự độc tôn của Rome, những người đã từ khước việc thờ hình tượng như trò thờ hình tượng, và là những người đã giữ ngày Sa-bát thật. Dưới những bão tố chống đối khốc liệt nhất, họ vẫn giữ vững đức tin của mình. Dù bị đâm bởi ngọn giáo Savoyard, và bị thiêu bởi giàn hỏa thiêu La Mã, họ vẫn đứng vững không nao núng vì Lời của Đức Chúa Trời và vinh hiển Ngài. {GC 65.2}

Đằng sau những bức tường thành cao ngất của những ngọn núi—trong mọi thời đại là nơi ẩn náu của những người bị bắt bớ và áp bức—người Waldenses đã tìm thấy một nơi ẩn náu. Ở đây ánh sáng của chân lý đã được giữ cháy giữa bóng tối của thời Trung cổ. Ở đây, trong một ngàn năm, những nhân chứng của chân lý đã duy trì đức tin cổ xưa. {GC 65.3}

Đức Chúa Trời đã chu cấp cho dân Ngài một thánh đường vô cùng vĩ đại, xứng đáng với những chân lý hùng mạnh được ủy thác cho sự tín nhiệm họ. Đối với những người lưu đày trung tín đó, những ngọn núi đã là một biểu tượng cho sự công chính bất biến của Jehovah. Họ đã chỉ con cái mình đến những đỉnh cao cao chót vót trên chúng trong sự hùng vĩ không đổi thay, và nói với chúng về Đấng mà với Ngài không có sự thay đổi hay bóng biến thiên nào. Đấng mà lời phán cũng trường tồn như những ngọn núi vĩnh cửu. Đức Chúa Trời đã vững lập các ngọn núi và thắt lưng chúng bằng sức mạnh; không cánh tay nào ngoại trừ của Sức Mạnh Vô Hạn có thể di chuyển chúng ra khỏi chỗ của mình. Tương tự như vậy, Ngài đã thiết lập luật pháp Ngài, nền tảng của chính phủ Ngài trên trời và dưới đất. Cánh tay của con người có thể vươn tới đồng loại của mình và hủy hoại mạng sống của họ; nhưng cánh tay đó chỉ có thể nhổ bật những ngọn núi khỏi nền móng của chúng và ném chúng xuống biển với mức độ dễ dàng như nó có thể thay đổi một điều răn trong luật pháp của Jehovah, hoặc xóa bỏ một trong những lời hứa của Ngài dành cho những ai thực thi ý muốn Ngài mà thôi. Trong sự trung thành với luật pháp của Ngài, các đầy tớ của Đức Chúa Trời phải vững vàng như những ngọn núi không thay đổi ấy. {GC 66.1}

Những ngọn núi bao quanh các thung lũng thấp đã là nhân chứng thường trực cho quyền năng sáng tạo của Đức Chúa Trời, và là sự đảm bảo không bao giờ thất bại về sự chăm sóc bảo vệ của Ngài. Những người hành hương đó đã học cách yêu mến những biểu tượng thầm lặng về sự hiện diện của Jehovah. Họ đã không hề thụ hưởng trong thói phàn nàn vì những gian khổ của phần mình; họ đã không bao giờ cô đơn giữa núi non hiu quạnh. Họ đã cảm tạ Đức Chúa Trời vì Ngài đã cung cấp cho họ một nơi trú ẩn khỏi cơn thịnh nộ và sự tàn ác của loài người. Họ vui mừng trong sự tự do của mình để thờ phượng trước Ngài. Thông thường khi bị truy đuổi bởi kẻ thù mình, sức mạnh của những ngọn núi đã minh chứng là một phòng tuyến chắc chắn. Từ nhiều vách đá cao ngất, họ đã reo vang lời ca ngợi Chúa, và quân đội của Rome đã không thể làm câm lặng những bài ca cảm tạ của họ. {GC 66.2}

Thuần khiết, giản đơn và nhiệt thành thay là lòng mộ đạo của những người theo Đấng Christ này. Họ đã coi trọng những nguyên tắc của chân lý trên cả nhà cửa và đất đai, bạn bè, họ hàng, thậm chí ngay cả chính mạng sống. Họ đã tha thiết tìm cách in dấu những nguyên tắc này vào trái tim của giới trẻ. Ngay từ thời thơ ấu sớm sủa nhất, người trẻ đã được dạy dỗ về Kinh thánh và được dạy phải coi là thiêng liêng những đòi hỏi của luật pháp Đức Chúa Trời. Các bản sao của Kinh thánh đã rất hiếm; cho nên những lời quý giá của nó đã được ghi nhớ. Nhiều người đã có thể lặp lại những phần lớn của cả Cựu Ước và Tân Ước. Những suy tư về Đức Chúa Trời, cũng vậy, được gắn liền với khung cảnh tuyệt vời của thiên nhiên và những phước hạnh khiêm nhường của cuộc sống hàng ngày. Những đứa trẻ nhỏ học cách nhìn lên Đức Chúa Trời với lòng biết ơn, như Đấng ban cho mọi ân huệ và mọi niềm an ủi. {GC 67.1}

Các bậc phụ huynh, dù dịu dàng và tình cảm, đã yêu thương con cái mình một cách quá khôn ngoan để cho phép chúng làm quen với thói tự thụ hưởng. Phía trước chúng là một cuộc đời của thử thách và gian khổ, có thể là cái chết của một tử đạo nhân. Chúng đã được giáo dục từ thuở ấu thơ đẻ chịu đựng khó khăn, chịu sự kiểm soát, nhưng vẫn phải tự mình suy nghĩ và hành động. Từ rất sớm, chúng đã được dạy dỗ gánh vác các trách nhiệm, thận trọng trong lời nói và hiểu được sự khôn ngoan của sự im lặng. Một lời nói thiếu thận trọng lọt vào tai kẻ thù của họ có thể gây nguy hiểm không chỉ đến tính mạng của người nói mà còn đến tính mạng của hàng trăm anh em của anh ta; vì giống như sói săn mồi, kẻ thù của chân lý cũng truy đuổi những người dám đòi quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo. {GC 67.2}

Người Waldenses đã hy sinh sự thịnh vượng trần thế của mình vì cớ chân lý, và với sự kiên nhẫn bền bỉ, họ đã lao khổ lấy miếng bánh ăn của mình. Mọi mảnh đất có thể canh tác được giữa núi non đều được cải tạo cẩn thận; các thung lũng và sườn đồi kém màu mỡ đã được làm cho sản sinh hoa màu. Sự cần kiệm và sự từ bỏ chính mình nghiêm khắc đã hình thành nên một phần của nền giáo dục mà trẻ em nhận được như di sản duy nhất của chúng. Chúng đã được dạy rằng Đức Chúa Trời thiết kế cuộc đời là một sự kỷ luật, và rằng các thiếu thốn của chúng chỉ có thể được chu cấp bằng lao động cá nhân, bằng sự suy tính trước, sự quan tâm và đức tin. Quá trình này vất vả và mệt mỏi, nhưng nó lành mạnh, đúng điều mà con người cần trong tình trạng sa ngã của mình, trường học mà Đức Chúa Trời đã cung cấp cho việc huấn luyện và phát triển của anh ta. Trong khi thanh thiếu niên được làm cho quen thuộc với sự vất vả và khó khăn, thì việc rèn luyện trí tuệ đã không bị sao nhãng. Chúng đã được dạy rằng mọi sức mạnh của chúng đều thuộc về Đức Chúa Trời, và rằng tất cả đều phải được cải thiện và phát triển cho sự phụng sự Ngài. {GC 67.3}

Các hội thánh Vaudois, trong sự thuần khiết và giản dị của họ, đã từa tựa như hội thánh thời các sứ đồ vậy. Từ khước quyền lực độc tôn của giáo hoàng và giám mục, họ coi Kinh thánh là thẩm quyền tối cao không thể sai lầm duy nhất. Các mục sư của họ, không giống như các linh mục hách dịch của Rome, đã đi theo tấm gương của Thầy họ, Đấng “đã chẳng đến để được phục vụ, mà để phục vụ”. Bọn họ đã chăn dắt bầy chiên của Đức Chúa Trời, dẫn họ đến những đồng cỏ xanh tươi và những nguồn nước sống của lời thánh Ngài. Cách xa khỏi những tượng đài của sự hào nhoáng và lòng kiêu hãnh của loài người, dân sự tập hợp lại, chẳng phải trong những nhà thờ tráng lệ hay thánh đường lớn, mà dưới bóng những ngọn núi, trong các thung lũng Alpine, hoặc, trong lúc nguy hiểm, trong một thành trì đá nào đó, để lắng nghe lời chân lý từ các đầy tớ của Đấng Christ. Các mục sư không chỉ rao giảng tin lành, mà họ còn thăm viếng người bệnh, dạy giáo huấn trẻ em, khiển trách những người sai phạm, và làm việc để giải quyết các tranh chấp và thúc đẩy sự hòa hợp và tình anh em. Trong thời bình, họ được duy trì bởi sự dâng hiến tự nguyện của dân sự; nhưng, giống như người thợ may lều Paul, mỗi người đều học một kỹ nghệ hay nghề nào đó mà bởi ấy, nếu cần, tự chu cấp cho chính mình. {GC 68.1}

Từ các mục sư của họ, các thanh thiếu niên đã nhận được sự hướng dẫn. Trong khi sự chú ý được dành cho các ngành học chung, Kinh Thánh đã được lập làm môn học chính. Các quyển Tin Lành của Ma-thi-ơ và Giăng đã được ghi nhớ, cùng với nhiều Thư tín. Họ cũng được tuyển dụng vào việc sao chép Kinh thánh. Một số bản thảo chứa toàn bộ Kinh Thư, số khác chỉ là những phần chọn lọc ngắn gọn, trong đó một số lời giải thích đơn giản của lời văn đã được thêm vào bởi những người thể có thể giải thích Kinh Thư. Như thế, những kho tàng chân lý đã bị che giấu biết bao lâu bởi những kẻ tìm cách tôn mình lên trên Đức Chúa Trời đã được đưa ra. {GC 68.2}

Bằng lao động kiên nhẫn, không mệt mỏi, đôi khi trong những hang động sâu thẳm, tối tăm của đất, bằng ánh sáng của những ngọn đuốc, Kinh thánh đã được viết ra, từng câu, từng chương. Cứ thế công việc tiếp tục, ý muốn được bày tỏ của Đức Chúa Trời ngời chiếu ra như vàng ròng; sáng sủa hơn, rõ ràng hơn và mạnh mẽ hơn biết bao vì những thử thách đã phải trải qua vì cớ nó, chỉ những người đã tham gia vào công việc ấy mới có thể nhận ra được. Các thiên sứ từ trời bao quanh những người làm công trung tín này. {GC 69.1}

Satan đã thúc giục các linh mục và giám mục công giáo chôn vùi lời chân lý dưới đống rác rưởi của sai lạc, tà thuyết và mê tín dị đoan; nhưng bằng một cách thức vi diệu nhất, nó đã được bảo tồn không tha hóa qua mọi thời đại bóng tối. Nó đã không mang dấu ấn của loài người, mà dấu ấn của Đức Chúa Trời. Loài người đã không mỏi mệt trong những nỗ lực của chúng để làm lu mờ ý nghĩa thẳng thừng, giản đơn của Kinh Thư, và làm cho nó mâu thuẫn với lời chứng của chính nó; nhưng giống như con tàu đại hồng thủy trên vực nước cuồn cuộn sóng, lời của Đức Chúa Trời đã vượt lên những bão tố đe dọa hủy diệt nó. Giống như mỏ quặng có những mạch vàng và bạc dồi dào ẩn dưới bề mặt, để tất cả phải đào bới thì mới khám phá được kho tàng quý giá của nó, thì Kinh Thánh cũng có những kho tàng chân lý chỉ được tiết lộ cho những người tìm kiếm tha thiết, khiêm tốn và siêng năng cầu nguyện. Đức Chúa Trời đã thiết kế Kinh Thánh để làm một cuốn sách giáo khoa cho toàn thể nhân loại, trong thời thơ ấu, tuổi trẻ và tuổi trưởng thành, và để được nghiên cứu xuyên suốt mọi thời đại. Ngài đã ban lời của Ngài cho loài người như một sự mặc khải về chính Ngài. Mọi chân lý mới được nhận ra đều là một sự bộc lộ mới mẻ về phẩm cách của vị Tác Giả của nó. Việc nghiên cứu Kinh Thư là phương tiện được chỉ định một cách thần thánh để đem con người vào mối liên kết gần hơn với Đấng Tạo Hóa của họ và ban cho họ một sự hiểu biết rõ ràng hơn ý muốn của Ngài. Nó là phương tiện giao tiếp giữa Đức Chúa Trời và loài người. {GC 69.2}

Trong khi những người Waldenses coi sự kính sợ Chúa là khởi đầu của sự khôn ngoan, họ đã không mù quáng trước tầm quan trọng của việc tiếp xúc với thế gian, một sự hiểu biết con người và đời sống năng động, trong việc mở rộng tâm trí và kích hoạt nhận thức. Từ các trường học của họ trên núi, một số thanh niên đã được gửi đến các cơ sở học tập ở các thành phố của Pháp hoặc Ý, nơi có lĩnh vực nghiên cứu, suy nghĩ và quan sát mở rộng hơn ở dãy Alps bản địa của họ. Các thanh niên được gửi đi như vậy đã bị tiếp cận bởi cám dỗ, họ đã chứng kiến những điều xấu xa, họ đã chạm trán với những tay sai quỷ quyệt của Satan, những kẻ đã thúc giục lên họ những tà thuyết tinh vi nhất và những sự lừa dối nguy hiểm nhất. Nhưng nền giáo dục của họ từ thời thơ ấu đã có thuộc tính chuẩn bị họ cho tất cả những thứ này. {GC 69.3}

Ở những trường học nơi họ đã đến, họ đã không được có bất cứ ai làm bạn tâm giao. Y phục của họ đã được chuẩn bị sao cho che giấu được kho báu quý giá nhất của họ—các bản thảo Kinh Thư. Những thứ này, thành quả của nhiều năm tháng lao khổ, họ mang theo mình, và bất cứ khi nào họ có thể làm như vậy mà không làm dấy lên sự nghi ngờ, họ thận trọng đặt vài phần nào đó trên đường đi của những người mà trái tim dường như cởi mở để đón nhận chân lý. Từ đầu gối của mẹ mình, thanh niên Waldenses đã được huấn luyện với mục đích này; họ hiểu công việc của mình và trung tín thực hiện nó. Những người cải đạo sang đức tin chân chính đã được đoạt lấy ở các cơ sở học tập này, và các nguyên tắc của nó thường xuyên được tìm thấy là đã thấm nhuần toàn bộ trường học; vậy mà đám lãnh đạo công giáo vẫn không thể, bằng cuộc điều tra gay gắt nhất, truy cái bị gọi là tà thuyết tha hóa ra được đến nguồn gốc của nó. {GC 70.1}

Linh của Đấng Christ là một linh truyền giáo. Động lực đầu tiên của trái tim được đổi mới là đưa cả những người khác đến với Đấng Cứu Độ. Ấy đã là linh của những Cơ Đốc nhân Vaudois. Họ cảm thấy rằng Đức Chúa Trời đòi hỏi nhiều ở họ hơn là chỉ đơn thuần gìn giữ chân lý trong sự thuần khiết của nó trong các hội thánh của chính họ; rằng một trách nhiệm trang nghiêm ngự trên họ, phải để ánh sáng của họ chiếu tỏa đến những người đang ở trong bóng tối; bằng quyền năng mạnh mẽ của lời Đức Chúa Trời, họ đã tìm cách phá vỡ gông cùm mà Rome đã áp đặt. Các mục sư Vaudois đã được đào tạo như những nhà truyền giáo, tất cả những ai mong muốn tiến vào mục vụ đều được yêu cầu trước hết phải có được một kinh nghiệm làm một nhà truyền giáo. Mỗi người phải phục vụ ba năm ở một khu vực truyền giáo nào đó trước khi phụ trách một hội thánh ở quê nhà. Công việc phục vụ này, đòi hỏi ngay từ đầu sự từ bỏ chính mình và sự hy sinh, đã là màn giới thiệu xứng hợp đến cuộc đời mục sư trong những thời kỳ thử thách linh hồn con người đó. Những thanh niên được tấn phong vào chức vụ thánh đã nhìn thấy trước mắt mình không phải viễn cảnh của sự giàu có và vinh quang trần thế, mà là một cuộc đời lao khổ và nguy hiểm, và có thể là số phận của một tử đạo nhân. Các nhà truyền giáo đã ra đi theo từng đôi, như khi Jesus phái các môn đồ Ngài đi vậy. Mỗi thanh niên thường được gắn với một người có tuổi và kinh nghiệm, người thanh niên ở dưới sự hướng dẫn của người bạn đồng hành của mình, người phải chịu trách nhiệm cho việc huấn luyện của anh ta, và là người mà các hướng dẫn anh ta được yêu cầu phải tuân thủ. Những người đồng công này không phải lúc nào cũng ở bên nhau, nhưng thường xuyên gặp nhau để cầu nguyện và cố vấn, nhờ đó củng cố lẫn nhau trong đức tin. {GC 70.2}

Việc cho biết mục tiêu sứ mệnh của họ sẽ đảm bảo sự thất bại của nó; do đó họ đã cẩn thận che giấu con người thực sự của mình. Mọi mục sư đều có kiến thức về một kỹ nghệ hay nghề nào đó, và các nhà truyền giáo đã thực hiện công việc của mình dưới vỏ bọc một công việc thế tục. Thông thường họ chọn nghề thương gia hoặc bán rong. “Họ đã mang lụa, đồ trang sức và các mặt hàng khác, vào thời điểm đó không dễ mà mua được ngoại trừ ở những khu chợ xa xôi; và họ đã được chào đón như những thương gia nơi họ đúng ra sẽ bị hắt hủi với tư cách những nhà truyền giáo.”—Wylie, quyển 1, chương 7. Trong lúc đó, trái tim họ đã được dâng lên Đức Chúa Trời để nhận được sự khôn ngoan để trình bày một kho báu còn quý hơn vàng hay ngọc. Họ đã bí mật mang theo mình những bản sao Kinh thánh, toàn bộ hoặc một phần; và bất cứ khi nào có cơ hội, họ đều thu hút sự chú ý của khách hàng mình đến những bản thảo này. Thường thường, một mối quan tâm đọc lời của Đức Chúa Trời đã được khơi dậy như vậy, và một phần nào đó đã được vui vẻ để lại cho những ai mong muốn tiếp nhận nó. {GC 71.1}

Công việc của những nhà truyền giáo này đã bắt đầu ở các đồng bằng và thung lũng dưới chân chính những ngọn núi của họ, nhưng nó đã vượt xa những giới hạn này. Với đôi chân trần và trong bộ y phục thô và lấm lem đi đường như của Thầy mình, họ đã đi qua các thành phố lớn và thâm nhập vào những vùng đất xa xôi. Họ rải hạt giống quý giá ở khắp nơi. Các hội thánh đã mọc lên trên đường đi của họ, và máu của các tử đạo nhân đã làm chứng cho chân lý. Ngày của Đức Chúa Trời sẽ phơi bày một mùa gặt bội thu các linh hồn thu hoạch được bởi công lao của những con người trung tín này. Được che đậy và im lặng, lời của Đức Chúa Trời đã đi qua giới Cơ Đốc và gặp được sự đón nhận vui mừng trong những tổ ấm và trái tim của con người. {GC 71.2}

Đối với người Waldenses, Kinh Thư không chỉ đơn thuần là bản ghi lại những hành xử của Đức Chúa Trời với con người trong quá khứ, và là một sự mặc khải về các trách nhiệm và nghĩa vụ ở hiện tại, mà còn là sự bộc lộ những hiểm nguy và vinh quang của tương lai. Họ tin rằng sự kết thúc của muôn vật không còn xa nữa, và cùng với việc họ nghiên cứu Kinh Thánh với lời cầu nguyện và nước mắt, họ càng có ấn tượng sâu sắc hơn với những lời quý giá của nó và với nhiệm vụ của họ là cho người khác biết những chân lý cứu rỗi của nó. Họ đã thấy được kế hoạch cứu rỗi được bày tỏ rõ ràng trong các trang giấy thiêng liêng, và họ tìm được niềm an ủi, hy vọng và bình an trong việc tin vào Jesus. Cùng với việc ánh sáng chiếu rọi sự hiểu biết của họ và làm vui mừng trái tim họ, họ khao khát được chiếu những tia sáng của nó lên những người đang ở trong bóng tối của sai lạc công giáo. {GC 72.1}

Họ đã thấy rằng dưới sự hướng dẫn của giáo hoàng và linh mục, đông đảo đang nỗ lực vô ích để nhận được sự tha thứ bằng cách hành hạ thân xác mình vì tội lỗi của linh hồn mình. Bị dạy dỗ tin cậy vào những việc lành của mình để cứu lấy mình, họ cứ luôn nhìn lên bản thân họ mà thôi, tâm trí họ chìm đắm trong tình trạng tội lỗi của họ, thấy chính mình phải chịu cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời, hành hạ linh hồn và thể xác, mà chẳng tìm được sự giải thoát nào. Những linh hồn thành tâm đã bị trói buộc bởi các giáo lý của Rome như vậy đấy. Hàng ngàn người đã ruồng bỏ bạn bè và người thân, và sống cả đời mình trong các phòng giam của tu viện. Bằng những cuộc kiêng ăn lặp lại thường xuyên và đánh đòn dã man, bằng những buổi thức canh thâu đêm, bằng việc phủ phục trong nhiều giờ mệt mỏi trên những tảng đá lạnh lẽo, ẩm ướt ở nơi ở ảm đạm của họ, bằng những cuộc hành hương dài ngày, bằng việc sám hối nhục nhã và tra tấn khủng khiếp, hàng ngàn người đã tìm kiếm một cách vô ích để có được sự bình an của lương tâm. Bị đè nén bởi cảm giác tội lỗi và bị ám ảnh bởi nỗi sợ hãi trước cơn thịnh nộ báo thù của Đức Chúa Trời, nhiều người đã thống khổ mãi, cho đến khi tự nhiên kiệt sức nhường bước, và không có một tia sáng hay hy vọng nào, họ chìm vào trong mồ mả. {GC 72.2}

Người Waldenses khao khát được bẻ bánh sự sống cho những linh hồn đang đói khát này, để mở ra cho họ những sứ điệp bình an trong những lời hứa của Đức Chúa Trời, và chỉ họ đến Đấng Christ là niềm hy vọng cứu rỗi duy nhất của họ. Cái giáo lý rằng những việc lành có thể đền chuộc cho sự vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời, họ cho là dựa trên sự giả dối. Việc lệ thuộc vào công đức của con người truy cản tầm nhìn lại khỏi tình yêu thương vô hạn của Đấng Christ. Jesus đã chết như sinh tế cho loài người vì chủng tộc sa ngã không thể làm được gì để tiến cử mình lên Đức Chúa Trời. Công đức của một Đấng Cứu Độ đã bị đóng đinh thập tự và phục sinh là nền tảng của đức tin Cơ Đốc. Sự lệ thuộc của linh hồn vào Đấng Christ là thực hữu, và kết nối của nó với Ngài phải gần gũi như một chi thể với thân thể, hay một cái cành với cây nho. {GC 73.1}

Các giáo lý của các giáo hoàng và các linh mục đã dẫn dắt con người nhìn lên phẩm cách của Đức Chúa Trời, và thậm chí của Đấng Christ, là nghiêm khắc, u ám và khó gần. Đấng Cứu Độ đã bị trình bài là thiếu hụt lòng thương cảm dành cho con người trong tình trạng sa ngã của anh ta đến mức sự trung bảo của các linh mục và các thánh phải được thỉnh ra. Những người mà tâm trí đã được soi sáng bởi lời của Đức Chúa Trời mong mỏi được chỉ những linh hồn này đến Jesus là Đấng Cứu Độ nhân hậu, yêu thương của họ, đứng với vòng tay dang rộng mời gọi tất cả đến với Ngài với gánh nặng tội lỗi của họ, lo lắng và mệt mỏi của họ. Họ mong mỏi dẹp tan những trở ngại mà Satan đã chồng chất lên để con người không thể nhìn thấy những lời hứa, và trực tiếp đến với Đức Chúa Trời, xưng nhận tội lỗi mình, và nhận được sự tha thứ và bình an. {GC 73.2}

Nhà truyền giáo Vaudois đã háo hức mở ra cho tâm trí đang cầu hỏi những chân lý quý giá của tin lành. Ông thận trọng biên soạn những phần Kinh Thánh được viết cẩn thận. Niềm vui lớn nhất của ông là mang lại hy vọng cho linh hồn thành tâm, bị sứt mẻ vì tội lỗi, những người chỉ có thể thấy được một Đức Chúa Trời của sự báo ứng, chờ đợi để thực thi công lý. Với môi run rẩy và mắt đẫm lệ, thường xuyên là trên đầu gối đã quỳ xuống, ông đã mở ra cho anh em mình những lời hứa quý giá bày tỏ niềm hy vọng duy nhất của tội nhận. Như vậy, ánh sáng chân lý đã xuyên thấu nhiều tâm trí tâm trí tăm tối, cuốn lại đám mây của sự u ám, cho đến khi Mặt Trời Công Chính chiếu vào trái tim với sự chữa lành trong những tia sáng Ngài. Thường có trường hợp một đoạn Kinh thánh nào đó đã được đọc đi đọc lại, người nghe mong muốn nó được lặp lại, như thể anh ta muốn bảo đảm với mình rằng anh ta đã nghe đúng. Đặc biệt sự lặp lại của những lời này đã được mong cầu một cách thiết tha: “máu của Jesus Christ Con Trai Ngài tẩy sạch chúng ta khỏi mọi tội lỗi.” 1 Giăng 1:7. “Như Mô-sê đã giương cao con rắn lên trong hoang mạc, cũng vậy, Con Trai Loài Người phải được giương cao lên, để tất cả những ai tin vào Ngài ấy sẽ không bị hư mất, mà có sự sống vĩnh cửu.” Giăng 3:14, 15. {GC 73.3}

Nhiều người đã hết bị lừa dối về những tuyên bố của Rome. Họ đã nhìn ra, vô ích thay là sự trung bảo của loài người hay các thiên sứ cho tội nhân. Khi ánh sáng chân chính tỏa xuống tâm trí họ, họ đã kêu lên với sự vui mừng: “Đấng Christ là thầy tế lễ của tôi; máu Ngài là tế lễ của tôi; bàn thờ Ngài là nơi xưng tội của tôi.” Họ quăng mình hoàn toàn vào công đức của Jesus, lặp lại những lời, “không có đức tin thì không thể làm hài lòng Ngài.” Hê-bơ-rơ 11:6. “chẳng có danh nào khác được ban cho dưới trời giữa loài người, mà bởi ấy chúng ta phải được cứu.” Công vụ 4:12. {GC 74.1}

Sự đảm bảo về tình yêu thương của một Đấng Cứu Độ dường như đã quá lớn lao để một số linh hồn đáng thương bị giông bão tấn công này nhận ra được. Lớn thay sự nhẹ nhõm mà nó mang lại, cả một trận lụt ánh sáng đã đổ xuống trên họ, đến nỗi họ dường như đã được đưa lên thiên đường. Bàn tay họ đã được đặt một cách tín thác vào bàn tay của Đấng Christ; bàn chân họ đã được vững lập trên Vầng Đá của Các Thời Đại. Mọi nỗi sợ hãi cái chết đều bị xua tan. Họ giờ có thể thèm muốn nhà tù và giàn hỏa thiêu nếu họ có thể bởi ấy mà tôn vinh danh Đấng Cứu Chuộc mình. {GC 74.2}

Trong những nơi bí mật lời của Đức Chúa Trời đã được được đưa ra và đọc như vậy đấy, đôi khi cho một linh hồn đơn lẻ, đôi khi cho một nhóm nhỏ đang khao khát ánh sáng và chân lý. Thường xuyên cả đêm đã được trải qua theo cách này. Sự kinh ngạc và ngưỡng mộ của những người nghe lớn đến nỗi vị sứ giả của lòng thương xót đã không hề ít khi bị buộc phải ngừng việc đọc của mình lại cho đến khi sự thấu hiểu có thể nắm bắt được tin mừng của sự cứu rỗi. Thường xuyên những lời như thế này được thốt lên: “Liệu Đức Chúa Trời có thật sự chấp nhận lễ vật của tôi không? Liệu Ngài có mỉm cười trên tôi không? Liệu Ngài có tha thứ cho tôi không?” Câu trả lời đã được đọc: “Hãy đến với Ta, tất cả những ai lao khổ và gánh nặng, và Ta sẽ cho các con nghỉ ngơi.” Ma-thi-ơ 11:28. {GC 74.3}

Đức tin nắm lấy lời hứa, và lời hồi đáp mừng vui đã được nghe thấy: “Không còn những cuộc hành hương dài để thực hiện nữa; không còn những cuộc hành trình đau đớn đến các thánh địa nữa. Tôi có thể đến với Jesus như tôi là, tội lỗi và bất khiết, và Ngài sẽ không khinh bỏ lời cầu nguyện thống hối. ‘Tội lỗi của con đã được tha thứ cho con.’ Của tôi, thậm chí của tôi, cũng có thể được tha thứ!” {GC 75.1}

Một cơn thủy triều của niềm vui thiêng liêng sẽ đổ đầy trái tim, và danh Jesus sẽ được tôn vinh bằng sự ngợi khen và cảm tạ. Những linh hồn phước hạnh đó trở về nhà mình để lan truyền ánh sáng, để nhắc lại cho những người khác, hết khả năng có thể, trải nghiệm mới của họ; rằng họ đã tìm thấy Đường Đi chân chính và sống động. Có một quyền năng kỳ lạ và trang nghiêm trong lời Kinh Thư phán truyền thẳng vào trái tim của những người đang khát khao chân lý. Ấy là tiếng của Đức Chúa Trời, và nó mang sự xác quyết đến cho những người nghe. {GC 75.2}

Vị sứ giả của chân lý đã ra đi đường mình; nhưng vẻ ngoài khiêm nhường của người, sự chân thành và nhiệt thành sâu sắc của người, đã là những chủ đề thường xuyên được đề cập. Trong nhiều trường hợp những thính giả của người đã không hỏi người rằng người đến từ đâu hay đang đi đâu. Họ đã quá choáng ngợp, ban đầu là với sự kinh ngạc, và sau đó là với lòng biết ơn và niềm vui sướng, đến nỗi họ đã không nghĩ đến việc hỏi người. Khi họ nài nỉ người đi cùng họ về nhà họ, người đã trả lời rằng người phải thăm viếng chiên lạc của bầy nữa. Có thể chăng người là một vị thiên sứ của Thiên Đường? Họ băn khoăn. {GC 75.3}

Trong nhiều trường hợp vị sứ giả của chân lý không còn được nhìn thấy nữa. Người đã lên đường mình đến những vùng đất khác, hoặc đang tiêu hao sinh mạng mình trong một nhà ngục nào đó không biết rõ, hay có lẽ xương cốt người đã trắng lại tại nơi người đã làm chứng cho chân lý. Nhưng những lời người để lại đã không thể bị hủy hoại. Chúng đã đang thực hiện công việc của mình trong trái tim con người; kết quả phước hạnh sẽ chỉ có thể được nhận biết đầy đủ vào phiên phán xét. {GC 75.4}

Các nhà truyền giáo Waldenses đã xâm lược vương quốc của Satan, và các thế lực của bóng tối đã tỉnh dậy với sự cảnh giác lớn hơn. Mọi nỗ lực để thúc đẩy chân lý đã bị theo dõi bởi tên chúa tể của cái ác, và hắn kích động những sợ hãi của các tay sai mình. Các lãnh đạo công giáo đã thấy một điềm báo của hiểm nguy đối với công cuộc của chúng từ những lao khổ của những người lữ hành khiêm nhường này. Nếu ánh sáng của chân lý được cho phép chiếu tỏa không bị cản trở, nó sẽ quét đi đám mây nặng nề của sai lạc đã vây phủ dân sự. Nó sẽ hướng tâm trí con người lên duy nhất Đức Chúa Trời và cuối cùng sẽ hủy hoại vị thế độc tôn của Rome. {GC 76.1}

Chính bản thân sự tồn tại của cái dân sự này, giữ vững đức tin của hội thánh cổ xưa, đã là một lời chứng liên tục cho sự bội đạo của Rome, và vì vậy kích động lòng căm thù và bắt bớ cay đắng nhất. Sự từ chối của họ trong việc giao nộp Kinh Thư cũng là một cái tội mà Rome không thể dung thứ. Nó quyết tâm xóa sổ họ khỏi đất. Bấy giờ bắt đầu những cuộc thập tự chinh tồi tệ nhất chống lại dân sự của Đức Chúa Trời tại những mái nhà của họ trên núi non. Bọn thẩm giáo đã được cử ra lần theo dấu vết họ, và cái cảnh A-bên vô tội gục ngã trước tên Ca-in sát nhân đã thường xuyên tái diễn. {GC 76.2}

Hết lần này đến lần kia đất đai màu mỡ của họ đã bị tàn phá, nhà ở và nhà nguyện của họ bị quét tan, đến nỗi nơi đã từng là những cánh đồng phì nhiêu và những mái nhà của một dân sự siêng năng, vô tội, chỉ còn lại một hoang mạc. Cũng như con dã thú càng trở nên điên cuồng bởi mùi vị của máu, cơn cuồng nộ của bọn công giáo cũng được thổi lên cường độ lớn hơn bởi những thống khổ của các nạn nhân chúng. Nhiều người trong những nhân chứng này của một đức tin tinh khiết đã bị truy đuổi qua núi non và săn lùng triệt hạ trong những thung lũng mà họ đang ẩn nấp, được bao bọc bởi những rừng cây hùng vĩ và những đỉnh núi đá. {GC 76.3}

Không một tội danh nào có thể được đem ra chống lại phẩm giá đạo đức của nhóm người bị cấm đoán này. Ngay cả các kẻ thù của họ cũng tuyên bố họ là một dân sự hòa bình, yên lặng, ngoan đạo. Cái tội to của họ là họ đã không chịu thờ phượng Đức Chúa Trời theo ý muốn của giáo hoàng. Vì cái tội này, mọi sự sỉ nhục, xúc phạm, và tra tấn mà con người và quỷ dữ có thể phát minh ra được đã được chất lên họ. {GC 76.4}

Khi Rome đến một thời điểm đã quyết tâm tận diệt giáo phái bị căm ghét ấy, một sắc lệnh đã được ban ra bởi giáo hoàng, kết án họ là bọn dị giáo, và phó họ cho việc tàn sát. (Xem Phụ Lục.) Họ đã không bị buộc tội là những kẻ lười biếng, hay trí trá, hay bừa bãi; nhưng được tuyên bố rằng họ có một vẻ ngoài của sự tin kính và thánh thiện, quyến dụ “con chiên của bầy thật.” Vì vậy giáo hoàng đã hạ lệnh “giáo phái độc ác và đáng ghê tởm đó,” nếu họ “từ chối bỏ đạo, hãy bị nghiền nát như rắn độc.”—Wylie, quyển 16, chương 1. Tên độc tài ngạo mạn ấy có tiên liệu được việc phải đối mặt với những lời đó một lần nữa không nhỉ? Hắn có biết rằng chúng đã được biên lại trong sổ sách của thiên đường, để đối mặt với hắn vào phiên phán xét không? “Khi các ngươi làm vậy cho một người thấp kém nhất trong những anh em này của Ta,” Jesus phán, “thì cũng như là đã làm cho Ta.” Ma-thi-ơ 25:40. {GC 77.1}

Cái sắc lệnh này kêu gọi tất cả các thành viên nhà thờ tham gia cuộc thập tự chinh chống lại đám người dị giáo. Như một sự khích lệ để tham gia vào công việc tàn ác này, nó “tha miễn mọi hình phạt và đau đớn từ giáo hội, chung và riêng; nó giải thoát tất cả những người tham gia cuộc thập tự chinh khỏi mọi lời thề mà họ có thể đã tuyên thệ; nó hợp pháp hóa quyền sở hữu của họ đối với bất cứ tài sản nào mà họ có thể đã chiếm đoạt một cách bất hợp pháp; và hứa hẹn sự tha thứ cho mọi tội lỗi của họ, những ai giết được bất cứ kẻ dị giáo nào. Nó hủy bỏ mọi hợp đồng được thực hiện có lợi cho người Vaudois, ra lệnh cho những người giúp việc của họ từ bỏ họ, cấm mọi người cung cấp cho họ bất cứ sự hỗ trợ nào và trao quyền cho mọi người chiếm hữu tài sản của họ.”—Wylie, quyển 16, chương 1. Tài liệu này bày tỏ một cách rõ ​​ràng cái linh chủ mưu đứng sau hậu trường. Ấy là tiếng gầm của con rồng, chứ không phải giọng nói của Đấng Christ, là thứ được nghe thấy trong đó. {GC 77.2}

Đám lãnh đạo công giáo đã không chịu điều chỉnh nhân cách của chúng theo tiêu chuẩn vĩ đại của luật pháp Đức Chúa Trời, nhưng đã dựng lên một tiêu chuẩn phù hợp cho chúng, và quyết tâm buộc mọi người phải tuân theo tiêu chuẩn này vì Rome muốn vậy. Những thảm kịch khủng khiếp nhất đã được thực hiện. Những tên linh mục và giáo hoàng suy đồi và báng bổ đã thực hiện cái công việc mà Satan đã chỉ định cho chúng. Lòng thương xót không có chỗ trong bản chất của chúng. Cùng một cái linh đã đóng đinh thập tự Đấng Christ và sát hại các sứ đồ, cùng cái thứ đã thúc đẩy tên Nero khát máu chống lại những người trung tín vào thời của hắn, đã đang hoạt động để trừ bỏ khỏi đất những người Đức Chúa Trời yêu thương. {GC 77.3}

Những bắt bớ đã được thực hiện trong nhiều thế kỷ lên dân sự kính sợ Đức Chúa Trời này đã được chịu đựng bởi họ với lòng nhẫn nại và kiên định đến tôn vinh Đấng Cứu Chuộc của họ. Bất chấp những cuộc thập tự chinh chống lại họ, và trò đồ sát vô nhân đạo mà họ đã phải chịu, họ đã tiếp tục gửi các nhà truyền giáo của mình đi để phân tán chân lý quý giá. Họ đã bị săn lùng đến chết; nhưng máu của họ đã nhuần tưới hạt giống đã được gieo, và nó đã không thất bại trong việc kết quả. Thế là người Waldenses đã làm chứng cho Đức Chúa Trời trong hàng thế kỷ trước cả khi Luther ra đời. Bị rải rác ra nhiều vùng đất, họ gieo trồng những hạt giống mà phong trào Cải Chánh, thứ đã bắt đầu vào thời của Wycliffe, đã lớn lên rộng và sâu trong những ngày của Luther, và sẽ được tiếp nối tiến lên cho đến tận khi thời gian khép lại bởi những người sẵn sàng chịu đựng tất cả vì “lời của Đức Chúa Trời, và vì lời chứng của Jesus Christ.” Mặc Khải 1:9. {GC 78.1}