Chương 1—Sự hủy phá Giê-ru-sa-lem
“Giá mà chính ngươi cũng biết trong ngày này của ngươi những điều thuộc về bình an ngươi; nhưng bây giờ chúng đã bị che khuất khỏi mắt ngươi. Vì những ngày sẽ đến trên ngươi, và quân thù của ngươi sẽ đắp lũy chung quanh ngươi, và bao vây ngươi, và công phá ngươi khắp phía. Và chúng sẽ san bằng ngươi và các con cái của ngươi ở nơi ngươi. Và chúng sẽ không để lại nơi ngươi một tảng đá nào trên một tảng đá nào, vì việc ngươi đã không biết thời điểm thăm viếng của ngươi.” Lu-ca 19:42-44. {GC 17.1}
Từ mỏm núi Ô-liu, Jesus nhìn xuống Giê-ru-sa-lem. Tươi đẹp và bình an thay quang cảnh đã được bày ra trước Ngài. Ấy đã là mùa lễ Vượt Qua, và từ mọi vùng đất con cái của Gia-cốp đã tụ họp lại đó để kỷ niệm lễ hội lớn của quốc gia. Giữa những vườn cây và vườn nho, và những con dốc xanh mướt nạm những chiếc lều của những người hành hương, mọc lên những ngọn đồi bậc thang, những cung điện oai vệ và những bức tường thành đồ sộ của thủ đô Is-ra-ên. Con gái của Si-ôn dường như kiêu ngạo nói rằng, Ta ngồi làm một nữ hoàng và sẽ chẳng hề biết sự buồn khổ; khi ấy cũng đáng yêu và tự coi mình vững chắc trong ân sủng của Thiên đường, như khi nhiều năm trước, người nhạc sĩ hoàng gia đã hát: “Cao vút đẹp đẽ, niềm vui của cả trái đất, là núi Si-ôn, …thành của Đức Vua Vĩ Đại.” Thi Ca 48:2. Toàn cảnh là những tòa nhà tráng lệ của đền thờ. Những tia nắng mặt trời đang lặn làm sáng lên màu trắng như tuyết của những bức tường cẩm thạch và lấp lánh hoàng kim cánh cổng và tòa tháp và đỉnh chóp. Nó đứng “đẹp đẽ toàn hảo”, niềm kiêu hãnh của nước Do Thái. Người con nào của Is-ra-ên có thể nhìn lên quang cảnh ấy mà không bồi hồi vui sướng và ngưỡng mộ! Nhưng những suy nghĩ khác xa đang xâm chiếm tâm trí của Jesus. “Và khi Ngài đến gần, thấy thành, Ngài than khóc trên nó.” Lu-ca 19:41. Giữa niềm hân hoan toàn thể của cuộc tiến vào khải hoàn, trong khi những cành cọ vẫy chào, trong khi những tiếng hô-sa-na hân hoan đánh thức tiếng vang của những ngọn đồi, và hàng nghìn thanh âm tuyên bố Ngài là vua, Đấng Cứu Chuộc của thế gian bị choáng ngợp với một nỗi đau buồn đột ngột và bí ẩn. Ngài, Con Trai Đức Chúa Trời, Đấng Được Hứa của Is-ra-ên, Đấng mà quyền năng đã đánh bại cái chết và gọi những tù binh của nó ra khỏi mồ mả, đã giàn giụa nước mắt, chẳng phải với nỗi đau buồn bình thường, mà với nỗi đau đớn mãnh liệt, không thể kìm nén. {GC 17.2}
Nước mắt của Ngài không phải dành cho bản thân Ngài, mặc dù Ngài biết rõ chân Ngài đang hướng về đâu. Trước mặt Ngài là vườn Ghết-sê-ma-nê, cảnh thống khổ đang đến gần của Ngài. Cổng chiên cũng đã ở trong tầm mắt, qua đó trong nhiều thế kỷ, các nạn nhân cho việc hiến tế đã được dẫn đến, cũng là thứ sẽ mở ra cho Ngài khi Ngài “bị dắt đi như cừu đến nơi làm thịt.” Ê-sai 53:7. Cách đó không xa là đồi Đầu Lâu, nơi chịu đóng đinh thập tự. Trên con đường mà Đấng Christ sắp bước đi, nỗi kinh hoàng của bóng tối khủng khiếp sẽ phải giáng xuống khi Ngài sẽ đem linh hồn mình làm tế lễ tội lỗi. Nhưng chẳng phải sự chiêm nghiệm những cảnh tượng này là điều đã phủ bóng đen lên Ngài trong giờ phút hân hoan này. Chẳng một điềm báo nào về nỗi thống khổ siêu phàm của chính Ngài phủ mây đen lên tâm linh phi kỷ đó. Ngài đã khóc thương cho muôn nghìn người bị hủy diệt của Giê-ru-sa-lem—vì sự mù quáng và không chịu ăn năn của những người mà Ngài đến để ban phước và cứu rỗi. {GC 18.1}
Lịch sử hơn một nghìn năm của sự ưu ái đặc biệt và sự bảo hộ chăm chút của Đức Chúa Trời, được bày tỏ cho tuyển dân, đã được mở ra trước mắt Jesus. Ở đó là núi Mô-ri-a, nơi đứa con của lời hứa, một nạn nhân không chống cự, đã được trói vào bàn thờ—biểu tượng cho lễ hiến tế Con Trai Đức Chúa Trời. Ở đó giao ước phước lành, lời hứa vinh quang về Đấng Mê-si-a, đã được xác nhận với vị tổ phụ của những người trung tín. Khởi Nguyên 22:9, 16-18. Ở đó ngọn lửa tế lễ vươn lên trời từ sân đập lúa của Ọt-nan đã quay đi lưỡi gươm của vị thiên sứ hủy diệt (1 Sử Ký 21)-một biểu tượng xứng hợp cho sự hy sinh và công tác trung bảo của Đấng Cứu Chuộc cho loài người tội lỗi. Giê-ru-sa-lem đã được vinh dự bởi Đức Chúa Trời hơn cả trái đất. Chúa đã “chọn Si-ôn,” Ngài đã “mong muốn nó làm nơi ngự của Ngài” Thi Ca 132:13. Ở đó, trong nhiều thời đại, các nhà tiên tri thánh đã đưa ra thông điệp cảnh báo của mình. Ở đó các thày tế lễ đã dâng hương mình, và đám mây khói hương, cùng lời cầu nguyện của những người thờ phượng, đã thăng lên trước Đức Chúa Trời. Ở đó hàng ngày máu của những con chiên bị giết đã được dâng, chỉ đến Chiên Con của Đức Chúa Trời. Ở đó Đức Giê-hô-va đã bày tỏ sự hiện diện của Ngài trong đám mây vinh quang trên ngai thi ân. Ở đó là chân của cây cầu thang bí ẩn nối liền đất với trời (Khởi Nguyên 28:12; Giăng 1:51)—chiếc cầu thang mà trên ấy các thiên sứ của Đức Chúa Trời xuống và lên, và là thứ mở ra cho thế gian con đường tiến vào nơi Chí Thánh. Nếu Is-ra-ên với tư cách một quốc gia đã giữ vững lòng trung thành của mình với Thiên Đường, Giê-ru-sa-lem đã đứng vững mãi mãi, được chọn bởi Đức Chúa Trời. Giê-rê-mi 17:21-25. Nhưng lịch sử của cái dân tộc được sủng ái ấy lại là một chuỗi dài trượt lùi và phản loạn. Họ đã chống cự lại ân điển của Thiên Đường, lạm dụng các đặc quyền của mình, và khinh bỏ các cơ hội của mình. {GC 18.2}
Mặc dù Is-ra-ên đã “nhạo báng các sứ giả của Đức Chúa Trời, và khinh rẻ lời Ngài, và chế nhạo các nhà tiên tri Ngài” (2 Sử Ký 36:16), Ngài vẫn đã bày tỏ chính Ngài cho họ là “YHWH Đức Chúa Trời thương xót và nhân từ, chậm giận, và đầy tốt lành và chân thật” (Xuất Hành 34:6); bất chấp sự chối bỏ liên tục, lòng thương xót của Ngài đã tiếp tục sự nài khuyên mình. Với hơn cả là một tình thương yêu của một người cha dành cho đứa con mình chăm sóc, Đức Chúa Trời đã “gửi lời đến chúng, sớm hôm gửi lời bởi tay các sứ giả Ngài vì thương xót dân Ngài và nơi ngự Ngài.” 2 Sử Ký 36:15. Khi sự khiển trách, lời khuyên nài, và quở trách đều đã thất bại, Ngài đã gửi đến họ món quà cao quý nhất của Thiên Đường; thật, Ngài đã dốc dổ cả Thiên Đường xuống trong một Món Quà ấy. {GC 19.1}
Chính Con Trai Đức Chúa Trời đã được gửi đến để khuyên nài cái thành phố không chịu ăn năn ấy. Chính Đấng Christ đã đem Is-ra-ên làm một cây nho tuyển ra khỏi Ai Cập. Thi Ca 80:8. Chính tay Ngài đã đuổi đám dân ngoại đạo đi trước mặt nó. Ngài đã trồng nó “trên một ngọn đồi màu mỡ.” Sự bảo hộ chăm chút của Ngài đã rào quanh nó. Các đầy tớ Ngài đã được gửi đến để nuôi dưỡng nó. “Có điều gì làm được cho vườn nho của Ta nữa,” Ngài kêu lên, “mà Ta chưa làm cho nó không?” Ê-sai 5:1-4. Dù khi Ngài trông mong nó sinh nho, nó đã sinh nho dại, nhưng với một hy vọng vẫn mong mỏi về sự kết quả, Ngài đã đích thân đến vườn nho Ngài, để nếu may ra thì nó có thể được cứu khỏi sự hủy diệt. Ngài đào quanh cây nho Ngài; Ngài cắt tỉa nó và thương yêu nó. Ngài đã không mỏi mệt trong nỗ lực của mình để cứu lấy cây nho này mà Ngài trồng. {GC 19.2}
Trong ba năm, vị Chúa Tể của ánh sáng và vinh quang đã vào và ra giữa dân Ngài. Ngài đã “rong ruổi làm việc thiện và chữa lành tất cả những người bị áp chế bởi Ma Quỷ,” chữa lành những người trái tim tan vỡ, công bố cho những người bị cầm tù sự ân xá, phục hồi thị giác cho người mù, khiến người què được đi và người điếc được nghe, tẩy sạch người phong hủi, vực người chết dậy, và truyền giảng Tin Lành cho người nghèo. Công Vụ 10:38; Lu-ca 4:18; Ma-thi-ơ 11:5. Cho mọi tầng lớp, lời kêu gọi từ ái đều được đưa ra như nhau: “Hãy đến với Ta, tất cả những ai lao khổ và gánh nặng, và Ta sẽ cho các con nghỉ ngơi.” Ma-thi-ơ 11:28. {GC 20.1}
Dù bị trả lại điều dữ cho điều lành, và lòng căm ghét cho tình yêu thương của mình (Thi Ca 109:5), Ngài vẫn vững vàng theo đuổi sứ mệnh thương xót của Ngài. Không bao giờ người tìm kiếm ân điển Ngài bị đẩy đi. Một người vô gia cư lang thang, sự mắng nhiếc và túng quẫn làm phần hàng ngày của Ngài, Ngài đã sống để phục vụ cho các nhu cầu và làm nhẹ bớt những khổ đau của loài người, để khuyên nài họ nhận lãnh món quà của sự sống. Từng đợt sóng của lòng thương xót, bị đẩy trở lui bởi những trái tim ương ngạnh đó, đã trở lại trong một cơn thủy triều còn mạnh mẽ hơn của tình yêu thương xót khôn tả. Nhưng Is-ra-ên đã quay khỏi người Bạn lớn nhất và người Cứu Giúp duy nhất của nàng ta. Những khuyên nài của tình yêu thương Ngài đã bị khinh bỏ, những lời cố vấn Ngài đã bị hắt hủi, những cảnh báo Ngài đã bị chế nhạo. {GC 20.2}
Giờ khắc của hy vọng và dung tha đã nhanh chóng trôi qua; chén thịnh nộ trì hoãn bấy lâu của Đức Chúa Trời đã gần đầy. Đám mây bấy lâu nay đã tụ lại qua các thời đại bội đạo và phản loạn, giờ đen kịt với nỗi khốn khổ, đang chuẩn bị nổ tung xuống một dân tộc tội lỗi; và Đấng duy nhất có thể cứu họ khỏi số phận đang gần đến của họ thì đã bị coi thường, bị ngược đãi, bị chối bỏ, và sắp sửa bị đóng đinh thập tự. Khi Đấng Christ sẽ bị treo trên thập tự giá đồi Đầu Lâu, ngày tháng của Is-ra-ên với tư cách là một quốc gia được ân sủng và ban phước bởi Đức Chúa Trời sẽ kết thúc. Sự hư mất của dù chỉ một linh hồn là một tai ương nặng nề hơn vô hạn lần lợi tức và kho tàng của cả một thế giới; vậy mà khi Đấng Christ nhìn xuống Giê-ru-sa-lem, sự diệt vong của cả một thành phố, cả một quốc gia, đã ở trước mặt Ngài-thành phố đó, quốc gia đó, kẻ đã từng là kẻ được chọn của Đức Chúa Trời, báu vật riêng của Ngài. {GC 20.3}
Các nhà tiên tri đã than khóc trên sự bội đạo của Is-ra-ên và những hoang tàn khủng khiếp mà bởi ấy tội lỗi của họ đã bị trừng trị. Giê-rê-mi đã ước ao mắt mình là một nguồn nước mắt, để ông có thể than khóc ngày đêm cho những kẻ bị giết của con gái dân mình, cho đàn chiên của Chúa đã bị bắt đi làm phu tù. Giê-rê-mi 9:1; 13:17. Vậy thì, nỗi đau buồn của Đấng mà tầm nhìn tiên tri có thể thấu thị không chỉ nhiều năm, mà nhiều thời đại, sẽ là thế nào! Ngài chứng kiến thiên sứ hủy diệt với gươm giương cao chống lại thành phố đã bao lâu nay là nơi ngự của Đức Giê-hô-va. Từ sườn núi Ô-liu, chính địa điểm mà sau đó đã được chiếm đóng bởi Titus và quân đội của ông ta, Ngài nhìn khắp qua thung lũng đến các sân và cổng vòm linh thiêng, và với đôi mắt đẫm lệ Ngài nhìn thấy, trong một khung cảnh khủng khiếp, những bức tường bị bao vây bởi quân đội ngoại xâm. Ngài nghe thấy tiếng bước chân của các đoàn quân hành quân ra trận. Ngài nghe thấy tiếng những bà mẹ và trẻ em kêu khóc xin bánh trong thành phố bị vây công. Ngài nhìn thấy Nhà thánh và đẹp đẽ của nàng, các cung điện và các ngọn tháp của nàng, bị phó cho lửa, và nơi chúng từng đứng, chỉ còn lại những đống đổ nát âm ỉ cháy. {GC 21.1}
Nhìn xuống các thời đại, Ngài đã thấy dân giao ước bị phân tán khắp mọi xứ, “như những xác tàu đắm trên một bờ biển hoang vu.” Trong quả báo tạm thời sắp giáng xuống con cái của nó, Ngài nhìn thấy chỉ mới là ngụm đầu tiên từ chén thịnh nộ mà trong cuộc phán xét cuối cùng, nó phải uống cạn đến tận cặn của nó. Lòng thương xót thần thánh, tình yêu thương mòn mỏi, được thốt ra trong những lời thê lương: “Ôi Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem, kẻ giết hại các nhà tiên tri và ném đá những người được phái đến với mình! Biết bao lần Ta đã muốn gom con cái ngươi lại như gà mẹ túc con mình lại dưới cánh, mà các ngươi nào có muốn! Ôi ước gì ngươi, một quốc gia được ưu đãi hơn mọi quốc gia khác, đã biết thời điểm cuộc thăm viếng của ngươi và những điều thuộc về bình an của ngươi! Ta đã ngăn lại vị thiên sứ của công lý, Ta đã kêu gọi ngươi đến với sự ăn năn, nhưng vô ích. Chẳng phải chỉ đơn thuần là các đầy tớ, những người được ủy nhiệm và các nhà tiên tri mà ngươi đã từ chối và loại bỏ đâu, mà là Đấng Thánh của Is-ra-ên, Đấng Cứu Chuộc ngươi. Nếu ngươi bị hủy diệt, một mình ngươi phải chịu trách nhiệm. “Các ngươi không đến cùng Ta để được sự sống.” Ma-thi-ơ 23:37; Giăng 5:40. {GC 21.2}
Đấng Christ nhìn thấy Giê-ru-sa-lem là biểu tượng của thế giới đã cứng lòng trong lòng ngờ vực và nổi loạn, và đang nhanh chóng tiến đến gặp những phán xét báo ứng của Đức Chúa Trời. Những đau khổ của một giống loài sa ngã, đè nặng lên tâm hồn Ngài, đã ép ra từ đôi môi Ngài tiếng than khóc đắng cay vượt quá mức chịu đựng. Ngài nhìn thấy bản ghi chép tội lỗi được ghi lại trong những đau khổ, nước mắt và máu của con người; trái tim Ngài tràn đầy thương xót vô hạn cho những người đau khổ và thống khổ trên thế gian; Ngài khao khát cứu giúp tất cả họ. Nhưng ngay cả bàn tay của Ngài cũng không thể ngăn cản được làn sóng đau khổ của con người; chỉ có số ít người mới tìm kiếm nguồn giúp đỡ duy nhất của họ. Ngài sẵn sàng đổ hết tâm hồn mình cho đến chết, để mang sự cứu rỗi đến gần họ; nhưng chỉ có số ít người sẽ đến với Ngài để họ có thể có sự sống. {GC 22.1}
Vị Vua uy nghiêm của thiên đường trong nước mắt! Con Trai Đức Chúa Trời vô hạn đang buồn rầu trong tâm hồn, cúi đầu trong đau khổ! Cảnh tượng ấy đổ đầy cả thiên đường với nỗi bàng hoàng. Cảnh tượng đó cho chúng ta thấy tội lỗi tột cùng của tội lỗi; nó cho thấy một nhiệm vụ khó khăn như thế nào, ngay cả đối với Quyền năng vô hạn, để cứu những người có tội khỏi hậu quả của việc vi phạm luật của Đức Chúa Trời. Đấng Christ, nhìn xuống thế hệ cuối cùng, đã thấy thế giới rơi vào một sự lừa dối tương tự như sự lừa dối đã gây ra sự tàn phá của Jerusalem. Tội lỗi lớn nhất của người Do Thái là họ đã từ chối Đấng Christ; tội lỗi lớn nhất của thế giới Cơ đốc giáo sẽ là họ từ chối luật pháp của Đức Chúa Trời, nền tảng của chính phủ của Ngài trên trời và dưới đất. Những mệnh lệnh của Đức Giê-hô-va sẽ bị khinh thường và coi thường. Hàng triệu người trong nô lệ của tội lỗi, nô lệ của Satan, phải chịu hình phạt chết thứ hai, sẽ từ chối lắng nghe những lời lẽ chân thật trong ngày được thăm viếng của họ. Sự mù quáng khủng khiếp! Sự mê muội kỳ lạ! {GC 22.2}
Hai ngày trước lễ Vượt Qua, khi Đấng Christ lần cuối cùng rời khỏi đền thờ, sau khi lên án thói đạo đức giả của đám lãnh đạo Do Thái, Ngài lại đi ra ngoài cùng các môn đồ đến Núi Ô-liu và ngồi với họ trên sườn dốc cỏ nhìn xuống thành phố. Một lần nữa, Ngài nhìn lên các bức tường, tháp canh và cung điện của nó. Một lần nữa Ngài nhìn thấy đền thờ trong vẻ rực rỡ chói lọi của nó, một vương miện xinh đẹp tô điểm cho ngọn núi thiêng liêng. {GC 23.1}
Một nghìn năm trước, vị tác giả Thi Ca đã ngợi tôn ân sủng của Đức Chúa Trời đối với Is-ra-ên khi biến nhà thánh của nàng thành nơi ở của Ngài: “Trong Sa-lem cũng có đền tạm của Ngài, và nơi ở của Ngài trên Si-ôn.” Ngài “đã chọn chi tộc Giu-đa, Núi Si-ôn mà Ngài yêu thích. Và Ngài đã xây dựng đền thánh của Ngài như những cung điện cao ngất.” Thi Ca 76: 2; 78: 68, 69. Đền thờ đầu tiên đã được dựng lên trong thời kỳ thịnh vượng nhất của lịch sử Is-ra-ên. Kho báu khổng lồ cho mục đích này đã được Vua Đa-vít thu thập, và các bản kế hoạch cho việc xây dựng nó đã được lập bởi sự cảm thúc thần thánh. 1 Sử ký 28: 12, 19. Sa-lô-môn, vị vua khôn ngoan nhất của Is-ra-ên, đã hoàn thành công việc. Ngôi đền này là tòa nhà nguy nga tráng lệ nhất mà thế giới từng thấy. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đã tuyên bố qua tiên tri A-ghê về đền thờ thứ hai: “Vinh quang của ngôi nhà sau này sẽ lớn hơn ngôi nhà trước.” “Ta sẽ làm rung chuyển tất cả các quốc gia, và Người mong muốn của tất cả các quốc gia sẽ đến: và Ta sẽ làm cho nhà này đầy vinh quang, Chúa vạn quân phán vậy.” A-ghê 2: 9, 7. {GC 23.2}
Sau khi đền thờ bị Nê-bu-cát-nết-sa phá hủy, nó được xây dựng lại khoảng năm trăm năm trước khi sự giáng sinh của Đấng Christ bởi những người đã trở về một đất nước hoang tàn và gần như hoang vắng sau một cuộc giam cầm dài cả đời. Sau đó, có những người già trong số họ đã từng thấy vinh quang của đền thờ Sa-lô-môn và họ đã khóc tại nền móng của tòa nhà mới, vì nó phải thua kém so với tòa nhà trước đây. Tình cảm chiếm ưu thế được mô tả một cách mạnh mẽ bởi nhà tiên tri: “Ai trong các ngươi còn lại đã thấy ngôi nhà này trong vinh quang đầu tiên của nó? và bây giờ các ngươi thấy nó như thế nào? chả lẽ nó không phải là vô ích trong mắt các ngươi sao?” Hê-gai 2:3; Ê-xơ-ra 3:12. Sau đó, lời hứa được đưa ra rằng vinh quang của ngôi nhà sau này sẽ lớn hơn vinh quang của ngôi nhà trước. {GC 23.3}
Tuy nhiên, đền thờ thứ hai không sánh được với đền thờ thứ nhất về mặt tráng lệ; cũng không được thánh hóa bởi những dấu hiệu hữu hình về sự hiện diện thiêng liêng vốn có ở đền thờ thứ nhất. Không có sự biểu hiện của sức mạnh siêu nhiên để đánh dấu sự thánh hiến của nó. Không có đám mây vinh quang được nhìn thấy bao phủ Thánh địa mới được dựng lên. Không có lửa từ trời giáng xuống để thiêu rụi tế lễ trên bàn thờ của nó. Shekinah không còn ngự giữa các chê-rúp ở nơi thánh nhất; hòm giao ước, ngai thương xót và bảng đá chứng không được tìm thấy ở đó. Không có tiếng nói nào vang lên từ trời để cho thầy tế lễ biết ý muốn của Đức Giê-hô-va. {GC 24.1}
Suốt hàng thế kỷ, dân Is-ra-ên đã vô ích cố gắng chứng tỏ lời hứa của Đức Chúa Trời ban cho qua A-ghê đã được thực hiện; nhưng lòng kiêu ngạo và lòng ngờ vực đã làm họ mù quáng không nhận ra ý nghĩa thực sự của lời tiên tri. Đền thờ thứ hai không được vinh danh bằng đám mây vinh quang của Đức Giê-hô-va, mà bằng sự hiện diện sống động của Niềm Khát Khao Của Mọi Nước trong đó ngự trọn vẹn của Thần tính thuộc thể – là chính Đức Chúa Trời được bày tỏ trong xác thịt. Niềm Khát Khao Của Mọi Nước đã thực sự đến đền thờ của Ngài khi Người Na-xa-rét dạy dỗ và chữa lành trong sân đền thiêng liêng. Trong sự hiện diện của Đấng Christ, và chỉ trong điều này, đền thờ thứ hai mới vượt qua đền thờ thứ nhất về vinh quang. Nhưng Is-ra-ên đã từ chối Món quà thiên đàng đã được ban cho. Cùng với Người Thầy khiêm nhường đã đi ra khỏi cổng vàng của nó ngày hôm đó, vinh quang đã vĩnh viễn rời khỏi đền thờ. Lời của Đấng Cứu Rỗi đã được ứng nghiệm: “Nhà của các ngươi bị bỏ lại cho các ngươi, hoang tàn.” Ma-thi-ơ 23:38.
Các môn đồ đã tràn ngập sự kinh ngạc và nỗi bàng hoàng trước lời tiên đoán của Đấng Christ về sự sụp đổ của đền thờ, và họ mong muốn hiểu rõ hơn về ý nghĩa của những lời Ngài phán. Tài sản, công sức và kỹ năng kiến trúc đã được dành tặng một cách hào phóng trong hơn bốn mươi năm để nâng cao vẻ tráng lệ của nó. Hê-rốt Đại đế đã đổ cả giàu sang La Mã lẫn của báu Do Thái lên nó, và thậm chí cả vị hoàng đế của thế giới cũng đã làm phong phú thêm nó bằng các tặng vật của mình. Những khối đá cẩm thạch trắng khổng lồ, có kích thước gần như phi thường, được chuyển từ Rome đến cho mục đích này, đã hình thành một phần trong cấu trúc của nó; và các môn đồ đã thu hút sự chú ý của Thầy mình về chúng khi nói: “Kìa, những khối đá thể nào! Và những tòa nhà thể nào!” Mác 13:1. {GC 24.3}
Với những lời này, Jesus đã đưa ra câu trả lời trang nghiêm và sửng sốt: “Thật, Ta bảo các con, nơi này sẽ chẳng hề còn lại một khối đá nào chồng lên được một khối đá mà không bị phá đổ.” Ma-thi-ơ 24:2. {GC 25.1}
Với sự sụp đổ của Giê-ru-sa-lem, các môn đồ đã liên kết các sự kiện của sự hiện đến đích thân của Đấng Christ trong vinh quang nhất thời để chiếm lấy ngai vàng của đế chế hoàn cầu, trừng phạt những người Do Thái không ăn năn, và phá bỏ khỏi quốc gia ách thống trị của người La Mã. Chúa đã nói với họ rằng Ngài sẽ đến lần thứ hai. Cho nên khi đề cập đến sự phán xét trên Giê-ru-sa-lem, tâm trí họ quay trở lại sự hiện đến đó; và khi họ đang tụ tập xung quanh Đấng Cứu Độ trên Núi Ô-li-ve, họ hỏi: “Khi nào những điều này sẽ xảy đến? Và, dấu hiệu của sự quang lâm Ngài và của tận thế là gì?” Câu 3. {GC 25.2}
Tương lai đã được che lại một cách nhân từ đối với các môn đồ. Nếu vào thời điểm đó họ đã hiểu được đầy đủ hai sự thật khủng khiếp – sự thống khổ và cái chết của Đấng Cứu chuộc, và sự hủy diệt của thành phố và đền thờ của họ – họ sẽ bị choáng ngợp bởi nỗi kinh hoàng. Đấng Christ đã trình bày trước họ một phác thảo về những sự kiện nổi bật sẽ diễn ra trước khi kết thúc thời gian. Lời Ngài lúc đó chưa được hiểu đầy đủ; nhưng ý nghĩa của chúng sẽ được mở ra khi dân sự của Ngài cần sự hướng dẫn được ban cho trong đó. Lời tiên tri mà Ngài phán ra có hai tầng nghĩa; trong khi báo trước sự hủy diệt của Giê-ru-sa-lem, nó cũng mô phỏng những nỗi kinh hoàng của ngày cuối cùng vĩ đại. {GC 25.3}
Jesus đã tuyên bố cho các môn đồ đang lắng nghe những đoán phạt sẽ giáng xuống trên Is-ra-ên bội đạo, và đặc biệt là quả báo trừng phạt sẽ giáng xuống họ vì sự chối bỏ và đóng đinh thập tự của họ với Đấng Mê-si-a. Những dấu hiệu không thể nhầm lẫn sẽ đi trước đỉnh điểm khủng khiếp. Giờ phút đáng sợ sẽ đến đột ngột và nhanh chóng. Và Đấng Cứu Độ đã cảnh báo các môn đồ Ngài: “Vậy khi nào các con thấy thứ ghê tởm của sự hoang tàn, thứ đã được nói đến bởi nhà tiên tri Đa-ni-ên, đứng ở nơi thánh (ai đọc, hãy hiểu) bấy giờ những ai ở trong Giu-đê, hãy bỏ chạy lên núi.” Ma-thi-ơ 24:15, 16; Lu-ca 21:20, 21. Khi những cờ hiệu thần tượng của người La Mã được dựng lên trên khu đất thánh, kéo dài vài furlong bên ngoài tường thành, thì những người theo Đấng Christ phải tìm kiếm sự an toàn trong cuộc chạy trốn. Khi dấu hiệu cảnh báo được trông thấy, những người muốn trốn thoát không được chậm trễ. Trên khắp xứ Giu-đê cũng như trong chính Giê-ru-sa-lem, tín hiệu cho cuộc chạy trốn phải được tuân theo ngay lập tức. Người nào tình cờ đang ở trên mái nhà không được xuống nhà, ngay cả để cứu những báu vật quý giá nhất của mình. Những người đang làm việc trong các cánh đồng hoặc vườn nho không được dành thời gian để quay lại lấy chiếc áo khoác bên ngoài đã để lại khi họ đang làm việc dưới cái nắng nóng của ngày. Họ không được do dự một phút nào, kẻo họ bị cuốn vào sự hủy diệt chung. {GC 25.4}
Dưới triều đại của Hê-rốt, Giê-ru-sa-lem không chỉ được trang hoàng lộng lẫy, mà còn bởi việc xây dựng các tháp, tường thành và pháo đài, thêm vào sức mạnh tự nhiên của địa thế nó, nó gần như đã được kể là bất khả xâm phạm. Người nào vào thời điểm này dám công khai tiên đoán sự hủy diệt của nó, sẽ, giống như Nô-ê trong thời đại của ông, bị coi là kẻ báo động khùng điên. Nhưng Đấng Christ đã phán: “Trời và đất sẽ qua đi, nhưng những lời của Ta sẽ chẳng hề qua đi đâu” (Ma-thi-ơ 24:35). Bởi tội lỗi của nàng, cơn thịnh nộ đã được phán quyết nghịch lại Giê-ru-sa-lem, và sự vô tín ương ngạnh của nàng đã làm cho sự diệt vong của nàng chắc chắn. {GC 26.1}
Chúa đã tuyên bố qua nhà tiên tri Mi-chê: “Hãy nghe điều này, các thủ lĩnh của nhà Gia-cốp, và các lãnh đạo của nhà Is-ra-ên, những kẻ ghê tởm công lý và bẻ cong mọi điều ngay thẳng. Chúng xây Si-ôn bằng máu, và Giê-ru-sa-lem bằng tội ác. Các thủ lĩnh nó xét xử vì hối lộ, và các thầy tế lễ nó dạy dỗ vì thù lao, và các kẻ tiên tri nó tiên đoán vì tiền: rồi chúng nương tựa Chúa để nói: “Chẳng phải Chúa đang ở giữa chúng ta sao? Tai họa sẽ chẳng đến trên chúng ta đâu!” Mi-chê 3:9-11. {GC 26.2}
Những lời này đã mô tả một cách trung thực những cư dân thối nát và tự phụ của Giê-ru-sa-lem. Trong khi tuyên bố tuân thủ chặt chẽ các giới luật của luật pháp Đức Chúa Trời, chúng đã vi phạm tất cả các nguyên tắc của nó. Chúng căm thù Đấng Christ vì sự trong sạch và thánh khiết của Ngài đã phơi bày sự gian ác của chúng; và chúng buộc tội Ngài là nguyên nhân của tất cả những rắc rối mà chúng phải gánh chịu do hậu quả của tội lỗi chúng. Mặc dù chúng biết Ngài không tội lỗi, chúng đã tuyên bố rằng cái chết của Ngài là cần thiết cho sự an toàn của chúng với tư cách một quốc gia. “Nếu chúng ta cứ để ông ta như vậy”, đám lãnh đạo Do Thái nói, “tất cả đều sẽ tin vào ông ta, và người Rô-ma sẽ đến và lấy đi của chúng ta cả vị trí lẫn dân tộc.” Giăng 11:48. Nếu Đấng Christ bị thí bỏ, chúng có thể một lần nữa trở thành một dân tộc mạnh mẽ, đoàn kết. Như vậy, chúng đã suy luận, và chúng đồng thuận với quyết định của thầy tế lễ cả của chúng, rằng sẽ tốt hơn khi để một người chết cho dân và cả dân tộc không bị hủy diệt. {GC 27.1}
Đám lãnh đạo Do Thái đã xây dựng “Si-ôn bằng máu, và Giê-ru-sa-lem bằng tội ác” như thế đấy. Mi-chê 3:10. Vậy mà, trong khi chúng giết hại Đấng Cứu Độ của mình vì Ngài đã quở trách tội lỗi của chúng, sự tự-cho-mình-công-chính của chúng đã đến mức chúng coi mình như là dân sự được ưu ái của Đức Chúa Trời và trông đợi Chúa giải cứu chúng khỏi kẻ thù của chúng. “Vì vậy,” nhà tiên tri tiếp tục, “vì cớ các ngươi, Si-ôn sẽ bị cày như ruộng, và Giê-ru-sa-lem sẽ thành đống đổ nát, và núi của Nhà sẽ thành những nơi cao của một cánh rừng.” Câu 12. {GC 27.2}
Trong gần bốn mươi năm sau khi sự diệt vong của Giê-ru-sa-lem đã được tuyên bố bởi chính Đấng Christ, Chúa đã trì hoãn các phán xét của Ngài đối với thành phố ấy và quốc gia ấy. Kỳ diệu thay là sự chậm giận của Đức Chúa Trời đối với những kẻ chối bỏ tin lành của Ngài và những kẻ sát hại Con Trai của Ngài. Ẩn dụ về cái cây không trái tượng trưng cho cách hành xử của Đức Chúa Trời đối với quốc gia Do Thái. Mệnh lệnh đã được đưa ra, “Hãy đốn nó đi; chứ vì sao để nó choán đất?” (Lu-ca 13:7) nhưng lòng thương xót thần thánh đã dung tha nó thêm ít lâu nữa. Vẫn còn nhiều người trong dân Do Thái không biết gì về phẩm chất và công việc của Đấng Christ. Và những đứa trẻ đã chưa được thụ hưởng những cơ hội hay nhận được ánh sáng mà cha mẹ chúng đã khinh bỏ. Qua sự rao giảng của các sứ đồ và các cộng sự của họ, Đức Chúa Trời sẽ khiến cho ánh sáng chiếu lên chúng; chúng sẽ được cho phép xem tiên tri đã được ứng nghiệm như thế nào, không chỉ nơi sự giáng sinh và cuộc đời của Đấng Christ, mà còn nơi cái chết và sự phục sinh của Ngài. Con cái không bị kết án vì tội lỗi của cha mẹ; nhưng khi, với một tri thức về tất cả ánh sáng đã được ban cho cha mẹ mình, con cái chối bỏ ánh sáng bổ sung được ban cho chúng, thì chúng trở thành kẻ dự phần vào tội lỗi của cha mẹ và đổ đầy lường tội lỗi của mình. {GC 27.3}
Sự chậm giận của Đức Chúa Trời đối với Giê-ru-sa-lem chỉ càng vững lập người Do Thái trong sự ngoan cố không ăn năn của chúng. Trong lòng thù hận và tàn ác của mình đối với các môn đồ của Jesus chúng đã từ chối lời đề nghị cuối cùng của lòng thương xót. Bấy giờ Đức Chúa Trời rút lại sự bảo vệ của Ngài khỏi chúng và cất bỏ quyền năng kiềm tỏa của Ngài khỏi Sa-tan và các thiên sứ của hắn, và quốc gia ấy bị bỏ lại cho sự điều khiển của người lãnh đạo mà nó đã chọn. Con cái nó đã khinh bỏ ân điển của Đấng Christ, thứ đúng ra đã cho phép họ khuất phục những thôi thúc gian ác của mình, và giờ những thứ này trở thành bên thắng cuộc. Satan đã khơi dậy những đam mê mãnh liệt và đồi bại nhất của linh hồn. Con người không còn lý luận nữa; chúng đã mất lý trí-—bị điều khiển bởi sự bốc đồng và giận dữ mù quáng. Chúng đã trở nên như Satan trong sự tàn ác của mình. Trong gia đình và trong quốc gia, trong giai cấp cao nhất và thấp nhất, đều có sự nghi ngờ, đố kỵ, hận thù, xung đột, nổi loạn, giết người. Không có sự an toàn ở bất cứ đâu. Bạn bè và người thân đã phản bội lẫn nhau. Cha mẹ giết con cái mình, và con cái cha mẹ mình. Những người cai trị của người dân không có năng lực để cai trị chính mình. Những đam mê không được kiểm soát đã khiến họ trở thành bạo chúa. Người Do Thái đã chấp nhận lời chứng dối để kết án Con Trai vô tội của Đức Chúa Trời. Giờ những lời vu cáo khiến đời sống của chính chúng trở nên bấp bênh. Bằng hành động của mình, từ lâu chúng đã nói: “Hãy ngưng Đấng Thánh của Is-ra-ên lại khỏi trước mặt chúng tôi”. Ê-sai 30:11. Giờ mong cầu của chúng đã được thực hiện. Sự kính sợ Đức Chúa Trời không còn quấy rầy chúng nữa. Sa-tan đứng đầu quốc gia ấy, và các thẩm quyền tôn giáo và dân sự cao nhất nằm dưới sự thống trị của hắn. {GC 28.1}
Các thủ lĩnh của các phe đối lập có lúc liên kết với nhau để cướp bóc và tra tấn những nạn nhân khốn khổ của chúng, và rồi chúng lại lao vào lực lượng của nhau và tàn sát không thương tiếc. Ngay cả sự tôn nghiêm của đền thờ cũng không thể kiềm chế sự hung tàn khủng khiếp của chúng. Những người thờ phượng bị đánh hạ trước bàn thờ, và đền thánh bị làm ô uế với thi thể của những người bị giết. Ấy vậy mà trong sự tự phụ mù quáng và báng bổ của mình, những kẻ chủ mưu của công việc địa ngục này đã công khai tuyên bố rằng chúng không có nỗi lo sợ nào rằng Giê-ru-sa-lem sẽ bị phá hủy cả, vì nó là thành phố của chính Đức Chúa Trời. Để củng cố quyền lực của mình vững chắc hơn, chúng đã mua chuộc các tiên tri giả để tuyên bố, ngay cả khi các quân đoàn La Mã đang vây công đền thờ, rằng dân chúng phải chờ đợi sự giải cứu từ Đức Chúa Trời. Cho đến tận lúc cuối cùng, các đoàn người vẫn bám chắc lấy niềm tin rằng Đấng Tối Cao sẽ can thiệp để đánh bại kẻ thù của họ. Nhưng Is-ra-ên đã khinh bỏ sự bảo vệ thần thánh, và giờ nó không còn sự bảo vệ nào hết. Giê-ru-sa-lem bất hạnh! Bị chia rẽ bởi những bất đồng nội bộ, máu của con cái nó bị giết bởi bàn tay của nhau nhuộm đỏ đường phố của nó, trong khi quân đội ngoại xâm đánh sập các công sự của nó và giết chết các lính chiến của nó! {GC 29.1}
Tất cả những lời tiên đoán được đưa ra bởi Đấng Christ liên quan đến sự hủy diệt của Giê-ru-sa-lem đã được ứng nghiệm đến từng chi tiết. Người Do Thái đã trải nghiệm được chân lý của lời cảnh cáo của Ngài: “Với mức mà các ngươi đo, ấy sẽ được đo cho các ngươi.” Ma-thi-ơ 7:2. {GC 29.2}
Các dấu lạ và phép màu xuất hiện, báo trước tai họa và diệt vong. Vào giữa đêm, một ánh sáng bất thường chiếu lên đền thờ và bàn thờ. Trên những đám mây lúc hoàng hôn là hình ảnh những cỗ chiến xa và lính chiến tập hợp cho chiến trận. Các thầy tế lễ phục vụ ban đêm trong đền thánh đã bị làm cho kinh hoàng bởi những âm thanh bí ẩn; đất rung chuyển, và nhiều tiếng nói đã được nghe thấy la lên: “Chúng ta hãy rời khỏi đây mau.” Cánh cổng lớn phía đông, nặng đến mức khó có thể đóng được bởi hàng chục người, và được cài chặt bằng những thanh sắt khổng lồ cắm sâu vào vỉa hè bằng đá cứng, bị mở tung lúc nửa đêm mà không có bất cứ tác nhân thấy được nào.—Milman, Lịch sử của người Do Thái, quyển 13. {GC 29.3}
Trong bảy năm, một người đàn ông tiếp tục đi lên và xuống các đường phố của Giê-ru-sa-lem, tuyên bố những tai ương sẽ đến trên thành phố. Ngày và đêm anh ta tụng bài ai ca điên dại: “Một tiếng nói từ phía đông! một tiếng nói từ phía tây! một tiếng nói từ bốn ngọn gió! một tiếng nói chống lại Giê-ru-sa-lem và chống lại đền thờ! một tiếng nói chống lại các chú rể và các cô dâu! một tiếng nói chống lại toàn dân!”—Sđd. Sinh vật kỳ lạ này đã bị giam cầm và đánh đòn, nhưng không một lời phàn nàn nào thoát ra khỏi môi anh ta. Đối với sự xúc phạm và ngược đãi, anh ta chỉ trả lời: “Khốn thay, khốn thay cho Giê-ru-sa-lem!” “Khốn thay, khốn thay cho những cư dân ở đó!” Tiếng kêu cảnh báo của anh ta đã không ngừng lại cho đến khi anh ta bị giết trong cuộc vây công mà anh ta đã báo trước. {GC 30.1}
Không một Cơ đốc nhân nào thiệt mạng trong sự hủy diệt của Giê-ru-sa-lem. Đấng Christ đã đưa ra lời cảnh báo cho các môn đồ của Ngài, và tất cả những ai tin lời Ngài đều trông đợi dấu hiệu đã hứa. “Khi nào các con thấy Giê-ru-sa-lem bị vây hãm bởi các đạo quân,” Jesus phán, “thì khi ấy hãy biết rằng sự hoang tàn của nó đã gần kề. Vậy những ai ở trong Giu-đê, hãy bỏ chạy lên núi; và những ai ở giữa nó, hãy ra khỏi nó, và những ai ở ngoài ngoại ô, đừng trở vào trong nó.” Lu-ca 21:20, 21. Sau khi quân La Mã dưới trướng Cestius đã bao vây thành phố, họ bất ngờ từ bỏ cuộc vây công khi mọi thứ đều có vẻ thuận lợi cho việc tấn công ngay lập tức. Những người bị bao vây, tuyệt vọng về khả năng kháng cự thành công, sắp sửa đầu hàng khi vị tướng La Mã rút quân mà không có bất cứ lý do rõ ràng nào. Nhưng sự quan phòng nhân từ của Đức Chúa Trời đã dẫn dắt các sự kiện vì lợi ích của dân Ngài. Dấu hiệu đã hứa đã được ban cho các Cơ đốc nhân đang chờ đợi, và giờ một cơ hội được ban cho tất cả những ai muốn tuân theo lời cảnh báo của Đấng Cứu Độ. Các sự kiện đã bị chi phối đến nỗi cả người Do Thái lẫn người La Mã đều không cản trở được cuộc trốn chạy của các Cơ đốc nhân. Khi Cestius rút lui, những người Do Thái, tập hợp từ Giê-ru-sa-lem, đã truy đuổi đội quân đang rút lui của ông ta; và trong khi cả hai lực lượng đều đang tham chiến toàn diện như vậy, các Cơ Đốc nhân đã có cơ hội rời khỏi thành phố. Vào thời điểm này, đất nước cũng đã được dẹp sạch những kẻ thù có thể tìm cách ngăn chặn họ. Vào thời điểm cuộc vây công, người Do Thái đang tập trung tại Giê-ru-sa-lem để giữ Lễ Lều Trại, và do đó, các Cơ Đốc nhân trên khắp vùng đất đã có thể chạy trốn mà không bị cản trở. Không chậm trễ, họ bỏ chạy đến một nơi an toàn—thành phố Pella, thuộc xứ Pê-rê, bên kia Giô-đanh. {GC 30.2}
Các lực lượng Do Thái, đang truy đuổi Cestius và quân đội của ông ta, đã lao vào hậu đội của họ với sự hung bạo đến mức đe dọa họ với sự hủy diệt hoàn toàn. Rất khó khăn người La Mã mới thành công trong công tác rút lui của mình. Người Do Thái thoát được mà gần như không bị tổn thất gì, và cùng với chiến lợi phẩm của mình trở về Giê-ru-sa-lem trong sự đắc thắng. Tuy nhiên, thành công nhất thời này chỉ mang lại cho chúng điều dữ. Nó truyền cảm hứng cho chúng với tinh thần ngoan cố chống trả lại người La Mã, thứ đã nhanh chóng mang đến tai ương khôn tả cho thành phố bị định cho sự hủy diệt. {GC 31.1}
Khủng khiếp thay là những thảm họa đã giáng xuống Giê-ru-sa-lem khi cuộc vây công được tiếp tục trở lại bởi Titus. Thành phố đã được đổ đầy vào thời điểm Lễ Vượt Qua, khi hàng triệu người Do Thái tụ họp lại bên trong các bức tường của nó. Các kho dự trữ lương thực của họ, mà nếu được bảo quản cẩn thận sẽ chu cấp cho cư dân trong nhiều năm, đã bị hủy hoại trước đó qua sự ghen tị và trả thù của các phe phái tranh giành, và giờ tất cả nỗi kinh hoàng của nạn đói được trải nghiệm. Một đấu lúa mì đã được bán lấy một ta-lâng. Những cơn đói dữ dội đến mức con người gặm cả da của thắt lưng và giày dép và lớp bọc khiên của họ. Những số lượng lớn dân chúng lẻn ra ngoài vào ban đêm để hái những loại cây dại mọc bên ngoài các bức tường thành, mặc dù nhiều người đã bị bắt và bị xử tử bằng sự tra tấn dã man, và thường những người trở về an toàn đã bị cướp đoạt những gì họ đã hái được trong nguy cơ lớn đến như vậy. Những sự tra tấn vô nhân đạo nhất đã được thực hiện bởi những kẻ nắm quyền, để ép ra từ những người thiếu thốn những nguồn cung cấp ít ỏi cuối cùng mà họ có thể đã che giấu. Và những trò tàn ác này không phải là hiếm khi được thực hiện bởi những kẻ mà chính họ đã được ăn no, và những kẻ chỉ đơn thuần mong muốn tích trữ một kho dự trữ lương thực cho tương lai. {GC 31.2}
Hàng ngàn người đã diệt vong vì nạn đói và bệnh dịch. Tình cảm tự nhiên dường như đã bị phá hủy. Những người chồng cướp đoạt vợ mình, và những người vợ chồng mình. Con cái bị nhìn thấy giật thức ăn từ miệng cha mẹ già của chúng. Câu hỏi của nhà tiên tri, “Người phụ nữ có quên được đứa con đang bú của mình?” đã nhận được câu trả lời bên trong những bức tường của thành phố bị định cho sự hủy diệt đó: “Bàn tay những phụ nữ thương xót nấu con cái mình: chúng trở thành thức ăn cho họ trong sự hủy diệt của con gái dân tôi.” Ê-sai 49:15; Ca thương 4:10. Một lần nữa, lời tiên tri cảnh báo được đưa ra mười bốn thế kỷ trước đã được ứng nghiệm: “Người phụ nữ dịu dàng trong anh em, và thanh tao, người chẳng dám đặt bàn chân mình xuống đất vì thanh tao và vì dịu dàng, mắt nàng sẽ hung ác với người chồng trong lòng nàng, và với con trai nàng, và với con gái nàng, … và với con cái nàng mà nàng đang sinh ra, vì nàng sẽ bí mật ăn chúng bởi sự thiếu thốn mọi thứ, trong cuộc vây hãm và trong cảnh khốn cùng mà kẻ thù anh em sẽ dồn ép anh em ở tất cả các cổng anh em.” Nhị Luật 28:56, 57. {GC 32.1}
Các thủ lĩnh La Mã đã cố gắng gây kinh hoàng cho người Do Thái và bởi ấy khiến họ đầu hàng. Những tù nhân đã phản kháng khi bị bắt sẽ bị đánh đòn, tra tấn và đóng đinh trước tường thành. Hàng trăm người bị xử tử hàng ngày theo cách này, và công việc kinh khiếp này vẫn tiếp tục cho đến khi, dọc theo Thung lũng Giô-sa-phát và tại Gô-gô-tha, những cây thánh giá đã được dựng lên với số lượng lớn đến nỗi gần như không còn chỗ để di chuyển giữa chúng. Kinh khủng biết bao là sự hành quyết của cái lời thề rủa khủng khiếp đã thốt ra trước ngai tòa Phi-lát: “Máu của nó cứ ở trên chúng tôi, và trên con cháu chúng tôi.” Ma-thi-ơ 27:25. {GC 32.2}
Titus đã sẵn lòng chấm dứt cảnh tượng đáng sợ ấy, và như vậy dung tha cho Giê-ru-sa-lem toàn bộ sự diệt vong của nó rồi. Ông đã đầy kinh hoàng khi chứng kiến các thi thể người chết chất thành đống trong thung lũng. Như một người bị bùa mê, ông đã nhìn từ đỉnh Ô-liu xuống ngôi đền tráng lệ và ra lệnh rằng không được sờ đến một hòn đá nào của nó. Trước khi định chiếm lấy cứ điểm này, ông đã tha thiết kêu gọi đám lãnh đạo Do Thái đừng ép ông làm ô uế nơi thánh ấy bằng máu. Nếu chúng chịu tiến ra và chiến đấu ở bất kỳ nơi nào khác, không người La Mã nào sẽ xâm phạm sự tôn nghiêm của đền thờ. Bản thân Josephus, trong một lời kêu gọi hùng hồn nhất, đã khuyên nài chúng đầu hàng để cứu lấy bản thân chúng, thành phố của chúng và nơi thờ phượng của chúng. Nhưng lời lẽ của ông đã bị đáp lại bằng những lời nguyền rủa cay đắng. Thương tiễn đã được ném về ông, vị trung gian con người cuối cùng của chúng, khi ông đứng nài xin chúng. Người Do Thái đã chối bỏ lời khuyên nài của Con Trai Đức Chúa Trời, và giờ sự trách cứ và khuyên nài chỉ khiến chúng càng thêm quyết tâm kháng cự đến cùng. Vô ích thay là những nỗ lực của Titus để cứu lấy đền thờ; một Đấng vĩ đại hơn ông đã tuyên bố rằng sẽ không một viên đá nào còn được để lại trên nhau. {GC 32.3}
Sự ngoan cố mù quáng của đám lãnh đạo Do Thái, và những tội ác ghê tởm xảy ra trong thành phố bị bao vây, đã kích động sự kinh hoàng và phẫn nộ của người La Mã, và Titus cuối cùng quyết định chiếm lấy đền thờ bằng công phá. Tuy nhiên, ông quyết tâm rằng nếu có thể thì nó phải được cứu khỏi sự hủy diệt. Nhưng mệnh lệnh của ông đã bị phớt lờ. Sau khi ông đã lui về lều của mình vào ban đêm, những người Do Thái, xông ra từ đền thờ, đã tấn công các binh lính bên ngoài. Trong cuộc giao tranh, một cây đuốc đã được ném bởi một người lính qua một lỗ hở ở hiên, và ngay lập tức các căn buồng lót bằng gỗ bá hương xung quanh nhà thánh bốc cháy. Titus lao đến nơi ấy, theo sau là các tướng lĩnh và lính lê dương của ông, và ra lệnh quân lính dập tắt ngọn lửa. Lời của ông đã bị phớt lờ. Trong cơn cuồng nộ của mình những người lính ném những cây đuốc cháy vào các căn buồng liền kề với đền thờ, và rồi với gươm mình họ tàn sát rất nhiều những người đã tìm nơi trú ẩn ở đó. Máu đổ xuống các bậc thang đền thờ như nước. Hàng nghìn hàng nghìn người Do Thái diệt vong. Vượt lên âm thanh của chiến trận, những giọng nói đã được nghe thấy la lên: “Y-ca-bốt!”—vinh quang đã ra đi. {GC 33.1}
“Titus nhận thấy không thể kiềm chế được cơn thịnh nộ của binh lính; ông tiến vào cùng với các sĩ quan của mình, và quan sát bên trong dinh thự thiêng liêng. Sự lộng lẫy khiến họ kinh ngạc; và khi ngọn lửa chưa xâm nhập vào nơi thánh, ông đã đưa ra một nỗ lực cuối cùng để cứu lấy nó, và lao ra, một lần nữa hô hào binh lính dừng lại tiến trình của đám cháy. Các chỉ huy trăm quan đã nỗ lực cưỡng chế sự vâng phục với các sĩ quan chỉ huy của ông; nhưng ngay cả sự tôn trọng dành cho hoàng đế cũng nhường chỗ cho lòng căm thù điên cuồng chống lại người Do Thái, sự phấn khích dữ dội của trận chiến, và niềm hy vọng không thể thỏa mãn của việc cướp đoạt chiến lợi phẩm. Những người lính nhìn thấy mọi thứ xung quanh họ tỏa sáng bằng vàng, tỏa sáng rực rỡ trong ánh sáng hoang dại của ngọn lửa; họ cho rằng những kho báu không thể đo lường đã được chất chứa trong đền thánh. Một người lính, không hay biết, thọc một ngọn đuốc đang cháy vào giữa bản lề của cánh cửa: toàn bộ tòa nhà bốc cháy ngay lập tức. Khói và lửa mù mịt buộc các sĩ quan phải rút lui, và tòa nhà cao quý bị bỏ mặc cho số phận của nó. {GC 33.2}
“Đó là một cảnh tượng kinh khủng đối với người La Mã – nó còn là thế nào đối với người Do Thái? Toàn bộ đỉnh đồi trên thành phố, rực cháy như một ngọn núi lửa. Từng tòa nhà nối tiếp nhau đổ xuống, với một tiếng sập lớn, và bị nuốt chửng trong vực lửa. Những mái nhà bằng gỗ bá hương giống như những tấm lửa; những đỉnh chóp mạ vàng tỏa sáng như những cọc nhọn ánh đỏ; các tháp cổng bốc lên những cột lửa và khói cao lớn. Những ngọn đồi lân cận được chiếu sáng; và những nhóm người đen đen được nhìn thấy đang theo dõi tiến độ của cuộc hủy diệt trong nỗi lo âu khủng khiếp: những bức tường và đỉnh cao của thành phố phía trên đầy những khuôn mặt, một số tái nhợt với nỗi đau đớn của sự tuyệt vọng, số khác cau có với khát vọng báo thù không thể thực hiện. Tiếng quát thét của binh lính La Mã khi họ chạy tới chạy lui, và tiếng tru rống của quân nổi dậy đang diệt vong trong biển lửa, hòa lẫn với tiếng gầm của đám cháy và tiếng gỗ đổ ầm ầm. Tiếng vang của các núi đáp lại hoặc vọng lại tiếng kêu của những người ở trên các đỉnh cao; dọc theo các bức tường vang vọng tiếng hét và than khóc; những người đang hấp hối vì đói tập hợp sức lực còn lại của mình để kêu lên một tiếng kêu của thống khổ và hoang tàn. {GC 34.1}
“Cuộc tàn sát bên trong thậm chí còn khủng khiếp hơn cảnh tượng bên ngoài. Nam và nữ, già và trẻ, quân nổi dậy và thầy tế lễ, những kẻ đã chiến đấu và những kẻ đã cầu xin sự thương xót, đã bị chặt chém trong sự đồ tàn không phân biệt. Số lượng kẻ bị giết vượt quá số lượng kẻ giết người. Lính lê dương phải leo qua hàng đống xác chết để tiếp tục công việc tiêu diệt”.—Milman, Lịch sử người Do Thái, quyển 16. {GC 35.1}
Sau sự hủy diệt của đền thờ, cả thành phố nhanh chóng rơi vào tay người La Mã. Đám lãnh đạo Do Thái đã từ bỏ các tòa tháp bất khả xâm phạm của chúng, và Titus tìm được chúng đơn độc. Ông nhìn lên chúng kinh ngạc và tuyên bố rằng Đức Chúa Trời đã phó chúng vào tay ông; vì không một chiến cụ nào, dù mạnh mẽ đến đâu, có thể thắng nổi những chiến lũy khủng khiếp đó. Cả thành phố lẫn đền thờ đều bị san bằng đến tận nền móng, và nền đất mà trên ấy nhà thánh tọa lạc đã “bị cày như ruộng”. Giê-rê-mi 26:18. Trong cuộc vây công và tàn sát sau đó, hơn một triệu người đã diệt vong; những người sống sót bị bắt đi làm tù binh, bị bán làm nô lệ, bị kéo đến Rome để tôn vinh chiến thắng của kẻ chinh phục, bị ném cho dã thú trong đấu trường, hoặc bị phân tán như những kẻ lang thang vô gia cư trên khắp đất. {GC 35.2}
Người Do Thái đã rèn ra gông cùm của chính mình; họ đã đổ đầy cho chính mình chén báo thù. Trong sự tận diệt xảy đến với họ với tư cách là một quốc gia, và trong tất cả những tai ương theo sau trong sự phân tán của họ, họ chỉ đang gặt lấy mùa màng do chính tay họ đã gieo. Nhà tiên tri nói: “Is-ra-ên, hủy diệt mình;” “Vì ngươi đã vấp ngã bởi tội ác mình.” Ô-sê 13:9; 14:1. Những thống khổ của họ thường được thể hiện như một hình phạt giáng xuống họ bởi sắc lệnh trực tiếp của Đức Chúa Trời. Kẻ lừa dối vĩ đại tìm cách che giấu công việc của chính hắn như vậy đấy. Bởi sự từ chối một cách ngoan cố tình yêu và lòng thương xót thần thánh, người Do Thái đã khiến cho sự bảo vệ của Đức Chúa Trời bị rút khỏi họ, và Sa-tan đã được phép cai trị họ theo ý hắn. Những tàn ác khủng khiếp đã được thực thi trong sự hủy diệt của Giê-ru-sa-lem là một trình diễn của quyền năng báo thù của Sa-tan đối với những ai chịu khuất phục sự điều khiển của hắn. {GC 35.3}
Chúng ta không thể biết mình mắc nợ Đấng Christ đến thế nào cho sự bình an và sự bảo vệ mà chúng ta được thụ hưởng. Chính quyền năng kiềm tỏa của Đức Chúa Trời đã ngăn cản loài người khỏi việc trôi hoàn toàn xuống dưới sự điều khiển của Sa-tan. Những kẻ bất vâng phục và vô ơn có lý do rất lớn để biết ơn lòng thương xót và sự nhẫn nhịn của Đức Chúa Trời trong việc kiểm soát quyền năng tàn bạo, ác độc của kẻ tà ác. Nhưng khi con người vượt qua giới hạn của sự chịu đựng thần thánh, sự kiềm chế đó sẽ bị loại bỏ. Đức Chúa Trời không đứng về phía tội nhân với tư cách là người hành quyết bản án chống lại sự vi phạm; nhưng Ngài bỏ mặc những kẻ từ chối lòng thương xót của Ngài cho chính chúng, để gặt lấy những gì chúng đã gieo. Mỗi tia sáng bị từ chối, mỗi lời cảnh báo bị coi thường hoặc bị phớt lờ, mỗi tham dục được nuông chiều, mỗi vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời, đều là một hạt giống gieo xuống sẽ mang lại mùa màng chắc chắn của nó. Linh của Đức Chúa Trời, bị chống cự lại một cách kiên trì, cuối cùng bị rút khỏi tội nhân, và rồi chẳng còn lại quyền năng nào để kiểm soát những tham dục xấu xa của linh hồn, và chẳng còn sự bảo vệ nào khỏi sự tà ác và thù địch của Satan. Sự hủy diệt của Giê-ru-sa-lem là một lời cảnh báo đáng sợ và trang nghiêm cho tất cả những ai đang khinh lờn với những đề nghị của ân điển thần thánh và chống lại những khuyên nài của lòng thương xót thần thánh. Chưa bao giờ có một lời chứng nào quả quyết hơn được ban cho về lòng căm ghét tội lỗi của Đức Chúa Trời và về hình phạt chắc chắn sẽ giáng xuống kẻ có tội. {GC 36.1}
Lời tiên tri của Đấng Cứu Độ liên quan đến sự đoán phạt của các phán xét đối với Giê-ru-sa-lem sẽ còn một sự ứng nghiệm khác nữa, trong đó sự hoang tàn khủng khiếp đó chỉ là một cái bóng mờ mà thôi. Trong số phận của thành phố được chọn, chúng ta có thể chứng kiến sự diệt vong của một thế giới đã từ chối lòng thương xót của Đức Chúa Trời và chà đạp lên luật pháp của Ngài. Tăm tối thay là những ghi chép về sự khốn khổ của loài người mà trái đất đã chứng kiến trong những thế kỷ tội ác dài đằng đẵng của nó. Trái tim đau đớn, và tâm trí đến ngất xỉu đi trong việc suy tư. Khủng khiếp thay là hậu quả của việc từ chối thẩm quyền của Thiên Đường. Nhưng một cảnh còn đen tối hơn đã được trình bày trong những mặc khải về tương lai. Những ghi chép về quá khứ,—một cuộc diễu hành dài của hỗn loạn, xung đột và cách mạng, “chiến trận của chiến binh … với sự đảo lộn, và y phục cuộn trong máu,” (Ê-sai 9:5),—những điều này có là gì, trong sự tương phản với nỗi kinh hoàng của cái ngày đó khi Linh kiềm tỏa của Đức Chúa Trời sẽ bị rút hoàn toàn khỏi kẻ ác, không còn kiểm soát sự bộc phát của tham dục con người và cơn thịnh nộ Sa-tan! Bấy giờ thế giới sẽ chứng kiến, hơn bao giờ hết, kết quả của sự cai trị của Sa-tan. {GC 36.2}
Nhưng trong ngày đó, cũng như vào thời điểm Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt, dân sự của Đức Chúa Trời sẽ được giải cứu, tất cả những ai được tìm thấy trong số những người sống. Ê-sai 4:3. Đấng Christ đã tuyên bố rằng Ngài sẽ đến lần thứ hai để gom những người trung tín của Ngài lại về Ngài: “và rồi mọi dân tộc của đất sẽ than khóc, và sẽ thấy Con Trai Loài Người đến trên mây trời với quyền năng và vinh quang lớn. Và Ngài sẽ phái các thiên sứ Ngài với tiếng kèn lớn, và họ sẽ tập hợp những người được chọn của Ngài từ bốn hướng gió, từ cùng trời cho đến cuối chúng.” Ma-thi-ơ 24:30, 31. Bấy giờ, những người bất vâng phục Tin Lành sẽ bị thiêu nuốt với linh của miệng Ngài và bị hủy diệt với sự rực rỡ của sự quang lâm của Ngài. 2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:8. Giống như Is-ra-ên xa xưa, kẻ ác tự hủy diệt mình; chúng vấp ngã bởi tội ác mình. Bởi một đời sống tội lỗi, chúng đã tự đặt mình quá bất hòa với Đức Chúa Trời đến nỗi, bản chất của chúng đã trở nên quá đồi bại với điều ác, đến nỗi sự bày tỏ của vinh hiển Ngài đối với chúng là một quầng lửa thiêu đốt. {GC 37.1}
Loài người hãy cẩn thận kẻo họ sao nhãng bài học được truyền đạt cho họ qua lời của Đấng Christ. Như khi Ngài cảnh báo các môn đồ của Ngài về sự hủy diệt của Giê-ru-sa-lem, cho họ một dấu hiệu về sự hủy diệt đang đến gần, để họ có thể trốn thoát; cũng vậy Ngài đã cảnh báo thế giới về cái ngày của sự hủy diệt sau cùng và đã ban cho họ những dấu hiệu về sự gần đến của nó, để tất cả những ai muốn có thể chạy trốn khỏi cơn thịnh nộ sắp đến. Jesus tuyên bố: “Và sẽ có những dấu lạ nơi mặt trời, và mặt trăng, và các vì sao, và trên đất, nỗi cùng khốn của các nước.” Lu-ca 21:25; Ma-thi-ơ 24:29; Mác 13:24-26; Mặc Khải 6:12-17. Những ai xem thấy những điềm báo về sự đến của Ngài phải “biết rằng nó đã gần kề, ngay cửa.” Ma-thi-ơ 24:33. “Vậy hãy thức canh,” là những lời khuyên dạy của Ngài. Mác 13:35. Những người nghe lời cảnh báo sẽ không bị bỏ lại trong bóng tối, rằng ngày đó sẽ ập đến trên họ cách bất ngờ. Nhưng đối với những người không thức canh, “ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm trong ban đêm vậy.” 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:2-5. {GC 37.2}
Thế giới đang không hề sẵn sàng hơn để ghi nhận sứ điệp cho thời điểm này hơn là những người Do Thái tiếp nhận lời cảnh báo của Đấng Cứu Độ về Giê-ru-sa-lem. Đến khi nào nó có thể, ngày của Đức Chúa Trời sẽ đến trên những kẻ vô đạo cách bất ngờ. Khi cuộc sống đang diễn ra trong vòng quay không thay đổi của nó; khi con người mải mê trong lạc thú, trong kinh doanh, trong buôn bán, trong kiếm tiền; khi các lãnh đạo tôn giáo đang phóng đại sự tiến bộ và khai sáng của thế giới, còn người dân bị ru ngủ trong một sự an toàn giả tạo—khi đó, như khi tên trộm lúc nửa đêm lẻn vào trong ngôi nhà không được canh gác, thì sự hủy diệt cũng sẽ thình lình đến trên những kẻ bất cẩn và vô đạo, “và họ sẽ chẳng hề chạy thoát được.” Câu 3. {GC 38.1}