Mười Điều Răn

Tiên Tri Toàn Thư »

BÀI 5: MƯỜI ĐIỀU RĂN

Sau khi đế chế Mê đi-Ba Tư đã chinh phạt xong Ba-by-lon, vua Đa-ri-út của đế chế đã hạ lệnh xử tử toàn bộ các quan chức của Ba-by-lon, trừ một người.

“Người đặc biệt” đó là Đa-ni-ên, đầy tớ của Đấng Tối Cao.

Bảy mươi năm trước, ông đã bị lưu đày từ Giu-đa qua Ba-by-lon và phải phụng sự trong hoàng cung với tư cách cố vấn cho các vua Ba-by-lon.

Đa-ni-ên nổi tiếng toàn quốc là có một “Linh siêu phàm”. [27] Đa-ni-ên 5:12, 6:3.

Vua Đa-ri-út không chỉ tha mạng cho Đa-ni-ên, mà cuối cùng còn “tính lập ông trên toàn vương quốc.” [27] Đa-ni-ên 6:3.

Khi các quan chức Mê đi-Ba Tư được tin nhà vua định đưa một thằng tù nhân lưu đày già nua lên làm sếp của chúng thì lòng đố kỵ tức thì nổi bừng lên.

Chúng lên kế hoạch để dụ vua Đa-ri-út kí vào một sắc lệnh có hiệu lực 30 ngày, để hễ ai cầu hỏi bất kỳ vị thần hay người nào ngoài nhà vua đều sẽ bị quẳng vào hang sư tử. [27] Đa-ni-ên 6:7.

Những kẻ này biết rõ rằng Đa-ni-ên là người có đời sống cầu nguyện tin kính và vâng phục tuyệt đối các mạng lệnh của Đức Chúa Trời ông, trong đó có mạng lệnh không thờ phượng bất kỳ thần nào khác [02] Xuất Hành 20:3.

Đúng như dự đoán của chúng, khi Đa-ni-ên nghe được về sắc lệnh này thì càng quyết ý bất chấp mạng sống mà công khai đức tin của mình,

và lũ quan lại ấy đã dễ dàng bắt quả tang ông quỳ gối cầu nguyện với Đức Chúa Trời, lại còn ở bên cánh cửa sổ mở toang – y hệt như mọi khi.

Khi vua Đa-ri-út phát hiện mình đã bị chơi xỏ và người bạn thân sắp bị quẳng vào hang sư tử, vua đã tìm đủ mọi cách để giải cứu Đa-ni-ên khỏi sắc lệnh mà mình đã ký, nhưng vô ích.

Luật đã ban ra không thể thu về được nữa, và Đa-ni-ên vẫn cứ bị ném xuống hang sư tử ấy.

Tuy nhiên Đức Chúa Trời đã lập tức can thiệp, sai thiên sứ xuống bịt mồm đám thú dữ lại và bảo vệ người đầy tớ trung tín của Ngài. [27] Đa-ni-ên 6:22.

Những lời tiên tri cho chúng ta biết trong những ngày cận tận thế, dân Chúa rồi sẽ phải đứng trước một lựa chọn tương tự:

Vâng phục theo Luật Pháp của ai, Đức Chúa Trời, hay loài người.

Trước khi tiến vào câu hỏi đầu tiên, chúng ta hãy cùng đọc một lượt bộ luật Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, hay còn gọi là Mười Mạng Lệnh.

[02] Xuất Hành 20:2-17: “Ta là YHWH Đức Chúa Trời của con, Đấng đã đem con ra khỏi đất Ai Cập, khỏi nhà nô lệ.

(1) Con chớ có thần nào khác trước mặt Ta.

(2) Con chớ làm cho mình hình chạm hay bất cứ hình dạng gì của những gì ở trên trời hay những gì ở dưới đất, hay những gì ở trong nước dưới đất.

Con chớ sấp mình xuống với chúng hay phụng thờ chúng.

Vì Ta là YHWH Đức Chúa Trời của con, là Đức Chúa Trời ghen tuông, trừng trị sự đồi bại của cha ông lên con cháu, lên thế hệ thứ ba và lên thế hệ thứ tư những kẻ ghét Ta.

Và tỏ lòng nhân từ cho hàng nghìn thế hệ những người yêu mến Ta và vâng giữ các mạng lệnh Ta.

(3) Con chớ lấy danh YHWH Đức Chúa Trời của con cách vô ích, vì YHWH sẽ chẳng coi là vô tội kẻ lấy danh Ngài cách vô ích.

(4) Hãy nhớ ngày Sa-bát, để tôn thánh nó.

Sáu ngày con hãy lao động và làm tất cả công việc mình.

Còn ngày thứ bảy là Sa-bát của YHWH Đức Chúa Trời của con, con không được làm bất cứ công việc gì:

con, và con trai con, và con gái con, tôi trai con và tớ gái con, và thú vật của con, và khách lạ của con là người đang ở trong các cổng con.

Vì sáu ngày YHWH đã tạo dựng trời và đất, biển, và tất cả những gì ở trong chúng, và Ngài nghỉ vào ngày thứ bảy.

Vì vậy, YHWH ban phước cho ngày Sa-bát và thánh hóa nó.

(5) Hãy hiếu kính cha mình và mẹ mình, để các ngày của con được kéo dài trên đất mà YHWH Đức Chúa Trời của con ban cho con.

(6) Con chớ giết người.

(7) Con chớ ngoại tình.

(8) Con chớ trộm cắp.

(9) Con chớ làm chứng dối chống lại người lân cận mình.

(10) Con chớ tham muốn nhà người lân cận mình.

Con chớ tham muốn vợ người lân cận mình, hay tôi trai của người, hay tớ gái của người, hay bò của người, hay lừa của người, hay bất cứ gì thuộc về người lân cận mình.”

1. Bộ luật Mười Mạng Lệnh của Đức Chúa Trời có bao giờ thay đổi hay bãi bỏ được không?

[03] Lu-ca 16:17 Trời và đất qua đi còn dễ hơn một nét của Luật Pháp bị phế.

[19] Thi Ca 111:7, 8 Mọi điều răn Ngài đều chắc chắn, được lập vững bền vĩnh viễn mãi mãi, được thực thi trong sự chân thật và ngay thẳng.

[39] Ma-la-chi 3:6 Ta là YHWH: Ta bất biến.

Dù với bất kỳ lý do nào Mười Mạng Lệnh của Đức Chúa Trời cũng không thể nào sửa đổi hay bãi bỏ được.

Chúng cũng bất biến như chính Đức Chúa Trời vậy.

Trong Kinh Thánh, có ba lần một vị hoàng đế (Hê-rốt, A-suê-ru, Đa-ri-út) ra một mạng lệnh rồi sau đó muốn rút lại mà còn không nổi.

Đến những sắc lệnh của những vị vua phàm trần còn không thể thay đổi,

vậy mà có người lại cho rằng những quy luật đạo đức vĩnh cửu của Đức Chúa Trời Toàn Năng – được đích thân Ngài dùng tiếng nói tuyên bố và dùng ngón tay khắc lên đá – lại có thể thay đổi được!

Liệu có bao giờ trộm cắp, giết người, thờ tà thần… có thể ngừng bị coi là một tội ác được không?

Hãy xem bảng so sánh sau giữa Đức Chúa Trời và Luật Pháp của Ngài.

Mô tả:

Đức Chúa Trời:

Luật Pháp:

TỐT LÀNH

[03] Lu-ca 18:19

[06] Rô-ma 7:12

THÁNH

[23] Ê-sai 5:16

[06] Rô-ma 7:12

CÔNG BÌNH

[05] Nhị Luật 32:4

[06] Rô-ma 7:12

TRỌN VẸN

[01] Ma-thi-ơ 5:48

[19] Thi Ca 19:7

YÊU THƯƠNG

[23] I Giăng 4:8

[06] Rô-ma 13:10

CÔNG CHÍNH

[02] Xuất Hành 9:27

[19] Thi Ca 19:9

CHÂN THẬT

[05] Nhị Luật 32:4

[19] Thi Ca 119:142,151

TRONG SẠCH

[23] I Giăng 3:3

[19] Thi Ca 19:8

THUỘC LINH

[04] Giăng 4:24

[06] Rô-ma 7:14

BẤT BIẾN

[39] Ma-la-chi 3:6

[01] Ma-thi-ơ 5:18

VĨNH CỬU

[01] Khởi Nguyên 21:33

[19] Thi Ca 111:7,8

Luật Pháp của Đức Chúa Trời không thể thay đổi được bởi chúng, về mặt bản chất, chính là bản mô phỏng phẩm chất của chính Đức Chúa Trời.

Ngài đã từ chính những phẩm giá của bản thân mình: yêu thương, công bình, thành tín, thánh khiết, trung thực… mà phác ra bộ luật đạo đức để điều hành và quản trị mọi sinh vật thông minh cấp cao này.

Những từ ngữ nào tôn quý nhất trong Kinh Thánh được dùng để miêu tả Đức Chúa Trời cũng đồng thời được dùng để miêu tả luật pháp ấy.

Thay đổi bộ luật mười điều ấy cũng bất khả thi như thay đổi chính Đức Chúa Trời vậy.

2. Theo Kinh Thánh, tội lỗi là gì?

[23] I Giăng 3:4 Tội lỗi là sự vô pháp (vi phạm luật pháp).

[06] Rô-ma 3:20 Bởi luật pháp là sự nhận biết tội lỗi.

[06] Rô-ma 7:7 Tôi đã không biết đến tội lỗi nếu không bởi luật pháp,

vì tôi cũng đã không biết được sự tham lam rồi nếu luật pháp không nói: “Ngươi chớ tham lam“.

[20] Gia-cơ 2:10, 11 Vì người nào giữ toàn bộ luật pháp, nhưng phạm vào một điều, trở thành có tội tất cả. 

Vì Đấng phán: “Chớ ngoại tình,” cũng đã phán: “Chớ giết người.”

Nếu bạn không ngoại tình, nhưng bạn giết người, bạn trở thành kẻ vi phạm luật pháp.

Hết sức rõ ràng, “chớ giết người”, “chớ ngoại tình”, “chớ tham lam” đều là các trích dẫn trực tiếp từ Mười Mạng Lệnh của Đức Chúa Trời trong [02] Xuất Hành 20:2-17.

Sự vi phạm dù chỉ một trong Mười Mạng Lệnh ấy CHÍNH LÀ TỘI LỖI.

Satan căm ghét luật pháp của Đức Chúa Trời và luôn tìm cách tấn công luật pháp ấy

vì tuy nó không phải là thứ cứu chuộc được chúng ta, nó vẫn chỉ ra cho con người biết được tội lỗi của họ để họ ăn năn và nhận ra mình cần đến một Đấng Cứu Chuộc.

3. Chúa JESUS – Đấng Cứu Chuộc của chúng ta – có vâng giữ trọn vẹn cả bộ luật Mười Mạng lệnh của Tình Yêu Thương đó không?

[04] Giăng 15:10 Ta đã vâng giữ các mạng lệnh của Cha Ta.

Bất chấp có thể có những Cơ Đốc nhân ngày nay vào hùa cùng bọn Pha-ri-si thời xưa để cáo buộc Chúa JESUS là đã vi phạm mạng lệnh của Cha Ngài,

chính bản thân Chúa JESUS đường hoàng tuyên bố Ngài đã giữ trọn cả Mười Mạng Lệnh.

Ngài là tấm gương cho chúng ta noi theo ([21] I Phi-e-rơ 2:21), đặc biệt là tinh thần kiên quyết không đầu hàng cám dỗ hay thỏa hiệp với tội lỗi, kể cả khi phải chịu khổ.

Thứ mà Chúa JESUS không vâng giữ, là những lề luật mà loài người tự tiện bịa ra rồi chất lên trên những mạng lệnh của Cha Ngài, ví dụ: không được chữa bệnh trong ngày Sa-bát.

Những thứ lề luật nhân tạo ác độc này, những thứ trắng trợn đi ngược lại Tình Yêu Thương và Lẽ Phải,

không những không bao giờ được quy định trong Kinh Thánh mà còn bị Chúa chúng ta khiển trách với những lời lẽ thẳng thừng nhất.

4. Ngoài Chúa JESUS ra, có ai trong nhân loại không phải tội nhân không?

[06] Rô-ma 3:23tất cả đều đã phạm tội và thiếu hụt vinh quang của Đức Chúa Trời.

Rất tiếc, ngoài Chúa JESUS ra, không có một người nào là có trái tim hoàn toàn trong sáng trong tình yêu thương trọn vẹn cả.

Tất cả chúng ta đều đã sa ngã, tội lỗi từ trong bản chất, không một người nào không phải là tội nhân.

5. Kết cục tất yếu của việc phạm tội là gì?

[06] Rô-ma 6:23 Tiền công của tội lỗi là cái chết.

Nếu Luật Pháp của Đức Chúa Trời có thể thay đổi được thì Chúa JESUS đã không phải chết thay cho chúng ta trên thập tự giá.

Bản thân việc Ngài không còn cách nào khác để cứu chúng ta ngoài việc chấp nhận để cho một lũ côn đồ gian ác sỉ nhục và tra tấn Ngài đến chết,

chính là bằng chứng hùng hồn nhất cho thấy Luật ấy là không thể thay đổi được.

6. Nhiều người nói rằng Mười Mạng Lệnh không còn hiệu lực trong thời Tân Ước nữa. Chính Chúa JESUS nói sao về điều này?

[01] Ma-thi-ơ 19:17 Nếu con muốn vào sự sống, hãy tuân giữ các mạng lệnh.

[04] Giăng 14:15 Nếu các con yêu Ta, hãy vâng giữ các mạng lệnh của Ta.

[27] Mặc Khải 14:12 Đây là lòng nhẫn nại của các thánh đồ.

Đây là những người vâng giữ các mạng lệnh của Đức Chúa Trời và đức tin JESUS.

[01] Ma-thi-ơ 5:18, 19 Cho đến khi trời và đất qua đi, một chấm hay một nét cũng không thể qua đi khỏi luật pháp được, cho đến khi tất cả được hoàn tất. 

Do đó, nếu kẻ nào vi phạm một trong những mạng lệnh tối thiểu này, và dạy người ta như vậy, hắn sẽ bị gọi là nhỏ nhất trong Vương Quốc Thiên Đường.

Để tránh cho chúng ta hiểu nhầm, Chúa đã nói rất rõ thời điểm “tất cả được hoàn tất” trong câu này là khi trời và đất đã phải qua đi rồi.

Và trời đất, lần cuối cùng kiểm tra, vẫn đang còn đây.

Ý ở đây không phải là những người đó sẽ vẫn được vào Vương Quốc Thiên Đường nhưng có một địa vị nhỏ hơn đâu,

mà có nghĩa những cư dân trong Vương Quốc Thiên Đường sẽ coi đó là những kẻ cặn bã nhất.

Bởi không có tội ác nào lớn bằng việc bản thân mình cố tình phạm tội xong, không những không chịu ăn năn mà còn đi dạy cho người khác phạm tội theo.

[01] Ma-thi-ơ 5:19 …nhưng ai thực hiện và dạy dỗ, người ấy sẽ được gọi là vĩ đại trong Vương Quốc Thiên Đường.

Ta có thể thấy cả Tân Ước phơi bày rất rõ ràng rằng những người con chân chính của Đức Chúa Trời sẽ vâng giữ các mạng lệnh của Ngài.

Thế giới ngày nay đang gặp quá nhiều rắc rối quá lớn vì quá nhiều người đang cho rằng việc vâng phục các mạng lệnh của Đức Chúa Trời không còn là điều quan trọng.

Kinh Thánh đã nói trước về thời đại của chúng ta như thế này: “Thời điểm cho YHWH hành động: người ta đã bãi bỏ luật pháp Ngài.” [19] Thi Ca 119:126.

7. Những lời tiên tri trong Kinh Thánh đã báo trước chính thế lực nào là kẻ âm mưu tìm cách thay đổi Luật Pháp của Đức Chúa Trời, chống đối lại những định luật bất di bất dịch này?

[27] Đa-ni-ên 7: 25 Và hắn sẽ nói những lời xúc phạm Đấng Tối Cao, và làm tiêu hao các thánh đồ của Đấng Tối Cao.

Hắn định thay đổi thời gian và luật pháp.

Lời tiên tri này của sách Đa-ni-ên đang nói đến chính thế lực “cái sừng nhỏ” mà về sau được sứ đồ Giăng gọi bằng cái tên “Anti-Christ”,

nổi tiếng là thế lực tà ác chỉ đứng ngay sau chính Ma Quỷ trong Kinh Thánh.

Thật đau đớn và bàng hoàng thay, thế lực này lại chính là Tòa Thánh Công Giáo La Mã Vatican trên quy mô TỔ CHỨC,

dù nó có thể có rất nhiều tín hữu và chức sắc lương thiện là các con dân chân chính và thành tâm của Chúa.

Xem bài “Anti-Christ là ai?

Tòa thánh Vatican đã tự tiện thay đổi bộ luật Mười Mạng Lệnh của Đức Chúa Trời:

họ loại bỏ Mạng Lệnh thứ hai về cấm thờ lạy thần tượng, rồi chẻ đôi Mạng Lệnh thứ mười ra làm hai mạng lệnh để đủ số mười mạng lệnh như cũ,

và cuối cùng, cắt ngắn mạng lệnh thứ tư quy định về thời gian nghỉ từ 94 từ xuống còn 8 từ.

Vô tình thì đành một nhẽ, nhưng chủ tâm chống nghịch lại Luật Pháp của Đức Chúa Trời, thì là điều mà Lời Chúa thẳng thừng lên án.

Và nếu Ngài đã lên án ngay cả hội thánh Cơ Đốc lớn nhất thế giới mà không hề nể mặt, Ngài chắc chắn sẽ càng không vị nể bất cứ ai dám làm theo giống như vậy.

8. Chẳng phải sống dưới ân điển, bằng đức tin, có nghĩa là không cần vâng giữ các mạng lệnh của Đức Chúa Trời nữa hay sao?

[06] Rô-ma 6:15 Chúng ta sẽ phạm tội vì chúng ta không ở dưới luật pháp mà ở dưới ân điển ư? Không thể nào!

[06] Rô-ma 3:31 Chúng ta làm vô hiệu luật pháp bởi đức tin sao? Không thể nào!

Nhưng chúng ta làm vững bền luật pháp.

Những người đã từng làm ác và vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời, sau khi nhờ Chúa JESUS mà nhận được sự tha thứ

thì đúng ra càng phải thấy mình có trách nhiệm gấp đôi mà sống cho tử tế, vâng phục luật pháp ấy với cả trái tim.

Việc đến sống dưới ân điển, bằng đức tin đầu phục, thậm chí sẽ còn tự động thiết lập tinh thần tuân thủ các mạng lệnh của Đức Chúa Trời.

“Làm vững bền luật pháp” chính là như vậy.

9. Nhưng chẳng phải vâng giữ Mười Mạng Lệnh là điều rất khó hay sao? Làm thế nào mà chúng ta có thể làm nổi cái điều đấy?

[11] Phi-líp 4:13 Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng Christ ban năng lực cho tôi.

[06] Rô-ma 8:3, 4 Đức Chúa Trời đã phái Con Trai của chính Ngài  đến trong hình hài của xác thịt tội lỗi,

và về tội lỗi, đã kết án tội lỗi trong xác thịt, để sự công chính của luật pháp được làm trọn trong chúng ta,

những người bước đi không theo xác thịt, mà theo Linh.

[08] II Cô-rinh-tô 5:17 Vậy nếu người nào ở trong Đấng Christ thì là một tạo vật mới,

những gì cũ đã qua đi, kìa, tất cả đều trở nên mới.

Đương nhiên, bằng sức riêng mình, chúng ta không thể chống nổi Satan và những cám dỗ mạnh kinh người của hắn.

Nhưng khi một người đã chết về xác thịt và được tái sinh trong Thánh Linh, Thánh Linh đến ngự trong người đó,

và sự hiện diện trong linh hồn chúng ta, của Đấng đã đánh bại Ma Quỷ chỉ với một cơ thể người phàm, lập tức khiến cho cán cân sức mạnh thay đổi.

Chỉ cần người tội nhân ăn năn liên tục ở trong Chúa và duy trì một mối liên kết liên tục với Ngài,

Thánh Linh của Ngài sẽ liên tục thổi bùng lên trong trái tim anh ta một khao khát mãnh liệt được sống lương thiện theo đúng ý muốn tốt đẹp của Đức Chúa Trời,

một khao khát đi kèm với quyền năng mạnh hơn mọi thứ tư dục và cám dỗ của Quỷ Dữ, khiến cho việc sống một đời sống vâng phục và ngoan đạo trở nên khả thi.

Với sức mạnh của Đấng Christ, Cơ Đốc nhân có thể chiến thắng được tội lỗi, với điều kiện là họ hàng ngày phải đưa ra lựa chọn không bước theo xác thịt nữa, mà bước theo Thánh Linh.

Thói quen hàng ngày lệ thuộc vào quyền năng của Đức Chúa Trời để chống cự lại cám dỗ cũng sẽ từ từ chỉ cho các Cơ Đốc nhân thấy rõ:

chúng ta hoàn toàn phải trông cậy Ngài liên tục giữ gìn cho khỏi phạm tội,

còn bản chất con người mình thì thực chất dễ dàng sa ngã như thế nào.

Đấy là điều mà chính Sứ Đồ Phao-lô khi xưa đã nhận ra ([06] Rô-ma 7:21-25).

10. Giao ước cũ, hay Cựu Ước, là gì? Tại sao nó lại thất bại?

[05] Nhị Luật 4:13 Và Ngài công bố cho anh em giao ước Ngài mà Ngài đã truyền cho anh em thực hiện, Mười Mạng Lệnh, và viết chúng lên hai bảng đá.

[02] Xuất Hành 24:7 Họ (dân Is-ra-ên) nói: “Mọi điều YHWH phán, chúng tôi sẽ thi hành và nghe!”

[19] Hê-bơ-rơ 8:8, 9 Vì khi khiển trách họ, Ngài phán: 

“‘Kìa, những ngày tới,’ Chúa phán, ‘Ta cũng sẽ lập với nhà Is-ra-ên và với nhà Giu-đa một giao ước mới,

không như giao ước mà Ta đã lập với các tổ phụ họ trong ngày Ta cầm tay bọn chúng để dẫn bọn chúng ra khỏi đất Ai Cập,

vì bọn chúng đã không ở lại trong giao ước Ta, nên Ta đã bỏ mặc bọn chúng,’ Chúa phán.

Cựu Ước là bộ luật Mười Mạng Lệnh của Đức Chúa Trời viết trên hai bảng đá, dựa trên lời hứa vâng phục của người phàm để vận hành (CHÚNG TÔI sẽ thi hành).

Và đó là lý do vì sao nó thất bại.

Vấn đề của Cựu Ước là ở con người, chứ không phải ở Đức Chúa Trời hay mạng lệnh của Ngài.

11. Giao ước mới, hay Tân Ước, có đơn thuần là Mười Mạng Lệnh không, hay là gì?

[23] Ê-sai 42:6 Ta sẽ ban Con làm giao ước của dân, làm ánh sáng của các dân ngoại.

[19] Hê-bơ-rơ 8:10 ‘Vì đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Is-ra-ên sau những ngày đó,’  Chúa phán, ‘Ta sẽ đặt luật pháp Ta vào trí họ và ghi chúng lên tâm họ.

Tân Ước không còn chỉ đơn thuần là bộ Mười Điều Luật tối thiểu của Đức Chúa Trời dưới dạng văn tự nữa,

mà là phiên bản hoàn chỉnh, kiện toàn và trọn vẹn của mọi yêu cầu của Ngài được thực hiện trong đời sống của một con người.

Đó là một Đấng cụ thể, chính là Đấng Christ trong các bạn, niềm hy vọng của vinh quang ([12] Cô-lô-se 1:27).

Một khi một người tiếp nhận Chúa JESUS vào cư ngụ và làm chủ trong linh hồn mình đơn thuần bằng việc xưng nhận đầu phục Ngài bằng đức tin,

Ngài sẽ lập tức bao phủ chính Ngài – với tất cả sự thánh khiết và công chính của Ngài, cùng tinh thần tuân thủ luật pháp của Cha Ngài – lên người ấy,

và mọi chiến thắng của Ngài trước mọi cám dỗ và xu hướng tội lỗi sẽ là của người ấy, để đoạt lấy bằng đức tin.

Rất nhiều người đã làm chứng về quyền năng của Chúa JESUS trong việc bẻ gãy hoàn toàn xiềng xích của tội lỗi:

khi đến với Đấng Christ, họ đang là một người nghiện ma túy, hoặc bia rượu, thuốc lá, hoặc phim khiêu dâm,

nhưng khi đầu phục Ngài và tin nhận lấy Ngài, một quyền năng mạnh mẽ phủ lên người họ, và mọi nghiện ngập tức thì bị bẻ gãy ngay tại chỗ.

Ấy là một phép màu đến từ Chúa, được Ngài kích hoạt thuần túy bởi đức tin của người tiếp nhận Ngài.

Và chúng ta cần phải hiểu Đấng Christ – Đấng mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta – đã chiến thắng tuyệt đối và trọn vẹn trước mọi tội lỗi như thế nào,

và có một đức tin quyết trọn vẹn vào Ngài để phép màu ấy sẽ được thực hiện trong chúng ta hàng ngày, khi chúng ta hằng giữ mắt mình nhìn lên Ngài.

12. Nếu Đấng Christ là sự công chính toàn hảo và vâng phục trọn vẹn Đức Chúa Trời đến như vậy,

thì những người vẫn còn đang tiếp tục cố tình vi phạm Mười Mạng Lệnh – là mười yêu cầu tối thiểu của Đức Chúa Trời – có thể nào đang có Chúa JESUS sống trong mình được không?

[23] I Giăng 2:3, 4 Bởi điều này chúng ta biết rằng chúng ta biết Ngài: Nếu chúng ta vâng giữ các mạng lệnh Ngài

Người nào nói: “Tôi biết Ngài,” mà không vâng giữ các mạng lệnh Ngài, ấy là kẻ dối trá, và Sự Thật không ở trong người ấy.

[03] Lu-ca 6:46 Sao các con gọi Ta, ‘Chúa, Chúa,’ và không làm điều Ta phán?

Sao chúng ta có thể dám xưng mình là người theo Chúa nếu chúng ta vẫn ngang nhiên cố tình gian dâm, trộm cắp, thờ lạy thần tượng, hay vi phạm bất cứ điều gì trong Mười yêu cầu tối thiểu nhất của Đức Chúa Trời?

Việc vâng phục Chúa nói chung, và vâng giữ Mười Mạng Lệnh của Ngài nói riêng, không phải là thứ cứu chúng ta,

nhưng là dấu hiệu cho thấy liệu một người đã thực sự đầu phục Chúa hay chưa.

Sự ăn năn chân chính không chỉ bao gồm tinh thần thống hối nhận lỗi, mà còn phải có cả tinh thần sẵn sàng chuộc lỗi, sửa lỗi nữa.

Những điều sai trái mà chúng ta đã phạm với Chúa, chúng ta phải xin lỗi Ngài.

Những điều sai trái mà chúng ta đã phạm với người khác, chúng ta phải xin lỗi cả Chúa lẫn người mà chúng ta đã làm tổn hại.

Và rồi trong khả năng của mình, mọi tổn hại mà chúng ta đã gây ra cho Chúa và cho người khác, chúng ta phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả.

Vật trộm cắp phải được trả lại, các tổn hại phải được đền bù thỏa đáng, trong tối đa khả năng của chúng ta.

Có rất nhiều người miệng xưng nhận Chúa, nhưng tâm thì chưa đầu phục Ngài, không chịu chuộc lỗi, sửa lỗi, và vẫn chống nghịch Mười Mạng Lệnh Ngài.

Kinh Thánh thẳng thừng cho biết thế vẫn chưa phải là đã ăn năn, tin nhận và đầu phục Chúa thực sự,

dù người ấy có là tín hữu, hay chấp sự, hay mục sư, hay Giáo Hoàng đi chăng nữa.

13. Đối với người tội nhân ăn năn đã được tha tội, đâu là động lực thúc đẩy họ vâng giữ luật pháp của Đức Chúa Trời?

[23] I Giăng 5:3 Đây là tình yêu thương Đức Chúa Trời, rằng chúng ta hãy tuân giữ các mạng lệnh của Ngài.

[06] Rô-ma 13:10 Tình yêu thương là sự làm trọn luật pháp.

[01] Ma-thi-ơ 22:37, 39 Ngươi hãy yêu Chúa, Đức Chúa Trời ngươi, với cả trái tim mình, và với cả linh hồn mình, và với cả tâm trí mình…

’Ngươi hãy yêu người lân cận mình như chính mình.

Tình Yêu Thương là động cơ chính đáng duy nhất cho một đời sống vâng phục.

Bốn mạng lệnh đầu tiên là về quan hệ của ta với Chúa.

Khi ta yêu mến Ngài, việc vâng phục những mạng lệnh ấy trở thành một niềm vui.

Sáu mạng lệnh tiếp theo là về quan hệ của ta với những người xung quanh.

Khi ta yêu mến người lân cận, ta sẽ không còn muốn làm gì gây tổn thương đến họ nữa.

Chúng ta sẽ không vâng phục các Mạng Lệnh của Đức Chúa Trời để được cứu, nhưng vì cớ Tình Yêu Thương,

bởi chúng ta ĐÃ ĐƯỢC CỨU bởi ân điển diệu kỳ của Ngài.

14. Vâng giữ luật pháp của Đức Chúa Trời mang lại những lợi ích tuyệt vời nào?

[20] Châm ngôn 29:18 Còn người giữ luật pháp, phước cho người!

[19] Thi Ca 119:165 Bình an lớn dành cho những người yêu mến luật pháp Ngài, và chẳng có điều vấp phạm nào dành cho họ.

Những mạng lệnh của Chúa đâu phải là song sắt cầm tù chúng ta để ngăn cấm hạnh phúc và giới hạn tự do của chúng ta?

Chúng là hàng rào bảo vệ ngăn chúng ta không trèo qua mà rơi xuống vực!

Chúng là các ơn phước của Đức Chúa Trời, là những bảo vệ cho hạnh phúc của chúng ta.

Chính chúng ta với sự cứng đầu của mình cứ thích đi ngược lại nguyên tắc sống Yêu Thương của Đấng Tạo Hóa để rồi tự chuốc lấy biết bao đau khổ cho bản thân và cho những người xung quanh.

Trong khi đó, hạnh phúc, niềm vui, bình an, và cả một cuộc sống trọn vẹn đến với những ai vâng giữ luật pháp của Đức Chúa Trời.

Thảo nào vua Đa-vít chẳng nói rằng chúng còn đáng quý hơn vàng! [19] Thi Ca 19:10.

Từng mạng lệnh một đều ngăn cấm những tội lỗi cụ thể mà sự vi phạm luôn tự động đi kèm theo hậu quả nặng nề.

Chẳng hạn mạng lệnh “chớ giết người”, được đặt ra đâu phải để tước đoạt của chúng ta niềm vui thú được thoải mái xả súng vào người khác?

Mà để ngăn chúng ta phải đền mạng khi đến lượt người khác giết lại chúng ta.

Nhờ luật này được ban hành và siết chặt, chúng ta mới có thể được tự do xuống phố đi lại mà không phải nơm nớp lo sợ mình sẽ bị giết bất cứ lúc nào!

Hay mạng lệnh “chớ ngoại tình”, được đặt ra đâu phải để tước đoạt của chúng ta niềm vui thú được gian dâm?

Mà để bảo vệ chính chúng ta khỏi các tổn thương sẽ xảy đến khi tội lỗi này được thực hiện.

Có bao nhiêu đứa bé sơ sinh bị nạo phá sát hại, bao nhiêu gia đình tan nát,

bao nhiêu tâm hồn bị tổn thương vĩnh viễn vì tội lỗi này đã được thực hành bởi quá nhiều người trong thế hệ gian ác và dâm loạn này?

15. Thực chất, bộ luật của Đức Chúa Trời được hoạch định để mang lại hạnh phúc cho chính chúng ta,

và chúng ta cũng vốn được thiết kế để sống theo bộ luật ấy, xây dựng mối quan hệ yêu thương với Chúa và với những người xung quanh.

Nếu xe ô tô còn nên hoạt động theo đúng chỉ dẫn của nhà sản xuất, chẳng phải con người chúng ta sẽ càng cần phải đầu phục và vâng lời “Nhà Sản Xuất” của mình hay sao?

Phụ lục

I. Những hiểu nhẩm tiêu biểu về Tân Ước

Có hai sai lầm thường hay bị mắc phải trong sự nhận thức về Tân Ước:

1) Nhầm tưởng rằng Tân Ước vẫn chỉ đơn thuần vẫn là Mười Mạng Lệnh mà thôi, chẳng qua là được khắc ghi trên trái tim thay vì trên hai bảng đá.

Điều này không đúng,

bởi [23] Ê-sai 51:7 cho biết, ngay từ thời Cựu Ước, dân sự của Chúa đã là những người có luật pháp của Ngài ghi tạc trong trái tim rồi, chẳng cần phải chờ đến tận sau khi Chúa JESUS hồi sinh.

2) Nhầm tưởng rằng có Chúa trong người thì không cần vâng giữ Mười Mạng Lệnh nữa.

Quả thật, không có tà thuyết nào của Ma Quỷ có thể rung chuyển cả Thiên Đường với sự phẫn nộ hơn là chính cái tà thuyết này,

bởi nó là sự sỉ nhục công khai cả cuộc đời vâng phục trọn vẹn đầy máu và nước mắt của Con Trai Đức Chúa Trời,

và là sự hạ bệ đức hy sinh cao cả của Ngài tại thập tự giá xuống thành một tờ giấy phép phạm tội thoải mái cho những kẻ làm ác tiếp tục ngụp lặn trong bùn đen của tội lỗi.

Tà thuyết này bắt đầu trỗi dậy vào cuối thế kỷ 19, khi cộng đồng Cơ Đốc nhân bắt đầu phát hiện ra

mình bấy lâu nay vẫn hiểu sai và bất vâng phục một trong Mười Mạng Lệnh của Đức Chúa Trời,

và vì không muốn phải vâng phục một điều ấy, những kẻ gian ác đã tìm cách dẹp bỏ cả Mười Điều bằng việc sáng tác ra tà thuyết này và phổ biến nó.

Trước thời điểm ấy, Cơ Đốc nhân khắp các hội thánh khác nhau vẫn luôn nhất trí về trách nhiệm vâng phục Mười Mạng Lệnh.

Cả hai nhầm tưởng trên về Tân Ước đều không chính xác, dẫn đến cái nhìn lệch lạc về hành trình theo Chúa.

Thiết tưởng khi Chúa JESUS quay trở lại, hội thánh chân chính của Ngài sẽ không thể nào vẫn còn mập mờ hiểu chưa rõ về một trong những chân lý quá cơ bản của lời Ngài.

II. Cách thức chứng đạo bằng Mười Mạng Lệnh

Quy trình gồm ba bước hết sức đơn giản như sau:

1) Chỉ cho người ta thấy một cách ngắn gọn: có một Đấng Tạo Hóa trên đời.

Tham khảo bài “Giấc Mộng Tiên Tri” và “Tiến Hóa hay Tạo Hóa” để nắm các kiến thức cần có.

2) Chuyển chủ đề: sử dụng Mười Mạng Lệnh để cáo trách lương tâm họ.

Hỏi họ những câu hỏi sau:

– Bạn có cho rằng mình cũng là một người lương thiện tử tế không?

– Thử kiểm tra điều đó bằng vài câu hỏi nhé: bạn đã nói dối bao giờ chưa?

– Bạn đã lấy thứ gì không phải của mình bao giờ chưa?

Download một bộ phim lậu hay phần mềm không bản quyền chẳng hạn?

– Chúa dạy: “nhìn một phụ nữ để thèm muốn nàng là đã ngoại tình với nàng trong trái tim mình rồi.”

Bạn đã bao giờ nhìn một người khác và nổi dục tình lên trong tâm chưa?

– Chúng ta mới đi qua 3 trong số 10 Mạng Lệnh, là bộ luật đạo đức của Đức Chúa Trời.

Nào, chưa cần đi qua 7 điều kia, nếu Ngài cứ chẻ hoe theo luật mà xử bạn, thì bạn sẽ vô tội hay có tội?

– Vậy thì Thiên Đường hay Hỏa Ngục?

3) Nào, Đức Chúa Trời không hề vui thích trong việc có con người nào phải vào Hỏa Ngục cả, vì Ngài yêu thương loài người.

Và chính vì quá yêu thương loài người, Ngài đã chấp nhận trả một cái giá rất đắt để làm một việc cho bạn và tôi KHÔNG PHẢI vào Hỏa Ngục nữa.

Bạn đã từng nghe ấy là việc gì chưa?

=> Trình bày thập tự giá cho họ.

Nguyên tắc chứng đạo chung là:

“Luật pháp cho kẻ kiêu ngạo, ân điển cho người khiêm nhường.”

Người nào đã hạ mình nhận biết mình là tội nhân, thì đem đến cho họ sứ điệp ân điển của thập tự giá.

Còn người nào kiêu ngạo tự xưng mình công chính, thì dùng luật pháp để hạ họ xuống.

Những hội thánh bãi bỏ Mười Mạng Lệnh của Chúa ngày nay không biết mình đã đánh mất công cụ lợi hại như thế nào trong việc đưa tội nhân đến với sự ăn năn tin nhận Chúa,

và vì thế các hoạt động truyền giảng của họ thay vì cáo trách thẳng lên lương tâm con người bằng Mười Mạng Lệnh, cũng đã chuyển thành các cuộc vui chơi ca hát,

lấy sướng vui và tư lợi làm “mồi câu” lôi kéo và níu giữ tín hữu.

Đây là một sai lầm rất lớn, đã phải trả giá bằng việc tín hữu liên tục rời bỏ đức tin hàng loạt sau khi họ vỡ mộng tìm kiếm tư lợi trong đời này và nhận ra

“tất cả những người muốn sống tin kính trong Đấng Christ JESUS đều sẽ bị bắt bớ”. [16] II Ti-mô-thê 3:12.

Trong khi việc ca hát vui vẻ khi đến với Chúa là điều hoàn toàn chính đáng, và chúng ta cũng hoàn toàn có thể được rất nhiều phước lành, thậm chí là cả phước lành về mặt tài chính,

tất cả những thứ này không thể được phép chiếm mất vị trí của sự ăn năn phục thiện và niềm khao khát tìm kiếm sự Cứu Rỗi cho linh hồn mình,

để trở thành lý do cốt lõi vì sao một người cần phải đầu phục Chúa.

Bạn phải nhận ra mình là tội nhân trước mặt Chúa thì mới có thể đứng vững được trong Ngài,

và quá trình ấy cần đến Mười Mạng Lệnh, phải được giữ vững như mười Điều Luật tối thiểu của Đức Chúa Trời mà con người phải có trách nhiệm vâng phục,

và chỉ có thể tìm được sự tha thứ cho việc vi phạm chúng, cũng như sức mạnh và trái tim thánh khiết để yêu mến việc vâng phục chúng, trong Đấng Christ JESUS, Con Trai Đức Chúa Trời.

Trong bài học tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn về mối quan hệ Cha-Con giữa 2 Đấng ấy,

cùng cách thức mà họ ở cùng và ban sức mạnh cho chúng ta đánh bại mọi nghịch cảnh và tội lỗi.

Hãy click vào “bài tiếp”.

Vẫn chưa có bộ Tiên Tri Toàn Thư trong tay?

Lấy về trọn bộ Tiên Tri Toàn Thư MIỄN PHÍ tại đây »