Lời Chứng của JESUS

Tiên Tri Toàn Thư »

BÀI 12: LỜI CHỨNG CỦA JESUS

A-háp, tên hôn quân của Is-ra-ên, muốn tái chiếm lại thành Ra-mốt Ga-la-át từ tay người A-ram,

và hắn cần một người đồng minh.

Thế là A-háp cầu hỏi vua Giô-sa-phát của Giu-đa để liên minh chống lại kẻ thù chung.

Giô-sa-phát hồi âm, cho biết ông sẵn sàng hợp lực với A-háp,

nhưng với điều kiện là họ phải trước hết hỏi ý kiến Đức Chúa Trời.

A-háp thì từ nhiều năm về trước đã rời bỏ Chúa mà đi theo thờ lạy Ba-anh, một tà thần ngoại đạo.

Vậy, hắn cho gọi 400 “nhà tiên tri” của Ba-anh đến để hỏi xem mình có nên tiến đánh Ra-mốt Ga-la-át hay không.

Trước mặt hai vị vua, đám tiên tri rởm này đồng lòng tuyên bố như đúng rồi: “Hãy lên, và Chúa sẽ phó vào tay vua!” [11] I Các Vua 22:6.

Nhưng vua Giô-sa-phát vẫn nằng nặc đòi được nghe từ một nhà tiên tri thực thụ của Đức Chúa Trời.

A-háp đành cho biết vẫn còn một người còn sót lại, tên Mi-chê.

“Nhưng tôi ghét ông ta, vì ông ta chẳng nói tiên tri lành về tôi đâu,

mà thay vào đó là dữ” – hắn hờn dỗi ([11] I Các Vua 22:8).

Trước sự cương quyết của Giô-sa-phát, A-háp miễn cưỡng cử người đi “đón” Mi-chê.

Nhà tiên tri can trường đã thẳng thừng tuyên bố số phận không thể tránh khỏi của tên hôn quân bội đạo:

A-háp sẽ PHẢI TỬ TRẬN trong cuộc chiến sắp tới với người A-ram

– nếu hắn đủ ngu để mạo hiểm tham chiến trong tình trạng đang sống bất vâng phục Chúa một cách cố ý và đang ở dưới cơn thịnh nộ của Ngài.

Và giờ thì A-háp đứng trước một lựa chọn thật khó khăn:

nên tin lời 400 tiên tri phát biểu những điều thuận tai,

hay tin lời một nhà tiên tri đơn độc của Đức Chúa Trời nói điều nghịch nhĩ?

Sau vài phút đắn đo, tên hôn quân ấy vẫn quyết cứng cổ rắn tâm lại đến cùng,

không còn để lại bất cứ khoảng không nào để Chúa tha mạng cho hắn.

Việc Ngài cho hắn lắng nghe lời cảnh báo khủng khiếp của nhà tiên tri Ngài đã là cơ hội cuối cùng dành cho A-háp.

Và hắn đã phỉ nhổ vào nó.

Hắn thậm chí còn tìm cách thuyết phục Giô-sa-phát hãy bỏ ngoài tai lời cảnh báo của nhà tiên tri Mi-chê

và hợp lực cùng hắn trong cuộc chiến sắp tới.

Không chỉ vậy, hắn còn nghiễm nhiên cho rằng mình có thể qua mặt được Đấng Toàn Năng bằng cách cải trang, khoác áo giáp kín mít lên người và lùi xa về hậu đội.

Và đến khi A-háp hiểu ra được sự gian ác đã làm cho mình trở nên ngu xuẩn đến thế nào khi chống lại Lời của Đức Chúa Trời

thì đã quá muộn.

Giữa loạn quân, một mũi tên lạc duy nhất đã bay đến xuyên qua đúng chỗ mấu nối trên áo giáp của A-háp,

và chính cái bộ áo giáp hoành tráng cồng kềnh “kín mít” đấy đã góp phần cùng với chiến sự ác liệt

khiến hắn không thể sơ cứu một vết thương nhỏ, để rồi phải chảy máu đến chết ngay trên chiến xa của mình.

Chúa JESUS đã cảnh báo trong những ngày cuối cùng, thế gian này sẽ đầy rẫy bọn tiên tri giả ([01] Ma-thi-ơ 24:11).

Đó là lý do vì sao chúng ta phải học cách phân biệt giữa nhà tiên tri thật với những kẻ giả mạo.

Đây là vấn đề sống còn,

bởi tin lời một kẻ tiên tri giả, hay chối bỏ một nhà tiên tri thật của Đức Chúa Trời

thì đều tai hại như nhau cả!

1. Có hay không việc hội thánh “phần còn lại” của Chúa sẽ được Ngài ban cho một nhà tiên tri trước khi Ngài trở lại?

[27] Mặc Khải 12:17 Và con rồng nổi giận với người phụ nữ

và ra đi giao chiến với phần còn lại của dòng dõi nàng,

là những người vâng giữ các mạng lệnh của Đức Chúa Trời có lời chứng của JESUS.

[27] Mặc Khải 19:10 …Ta là đầy tớ đồng bạn của ngươi và của các anh em ngươi, những người có lời chứng của JESUS.

Hãy thờ lạy Đức Chúa Trời.

Vì lời chứng của JESUS là Linh tiên tri. (Preuma tes Propheteias – Spirit of Prophecy)

[27] Mặc Khải 22:9 …Ta là đầy tớ đồng bạn của ngươi và của các anh em ngươi là các nhà tiên tri.

“Lời chứng của JESUS” LÀ “Linh tiên tri”.

Sứ đồ Giăng và các anh em của ông LÀ “các nhà tiên tri”.

Lời cắt nghĩa thẳng thừng này mà Giăng đã ghi lại trong cùng chính sách [27] Mặc Khải lập tức loại bỏ tất cả các biện giải lung tung khác trên đời.

Phần còn lại của dòng dõi người nữ sẽ có “linh tiên tri”, tức là sẽ có ít nhất một “nhà tiên tri” trong vòng bọn họ.

Trước cái ngày trọng đại mà Chúa JESUS trở lại để quét sạch mọi cái ác khỏi vũ trụ,

đặt dấu chấm hết cho cái thế giới sa ngã, người ăn thịt người này và thiết lập một thế giới mới không còn tội ác /và tội nhân,

Ngài sẽ ban cho Hội thánh cuối cùng ít nhất một nhà tiên tri,

để giúp chuẩn bị dân sự của Ngài sẵn sàng cho sự kiện đỉnh cao nhất của lịch sử loài người.

Cũng cần lưu ý là trong lịch sử ấy, bên cạnh các nam tiên tri

cũng đã từng xuất hiện cả các nữ tiên tri, như bà An-ne trong [03] Lu-ca 2:36 chẳng hạn.

Ân tứ này không phân biệt nam, nữ.

Đặc điểm nhận dạng đầu tiên của nhà tiên tri này sẽ là:

người ấy “vâng giữ các Mạng Lệnh của Đức Chúa Trời“,

trong đó nghiễm nhiên có mạng lệnh thứ tư về việc giữ thánh ngày Sa-bát, từ mặt trời lặn thứ 6 đến mặt trời lặn thứ 7.

Tất cả những ai xưng là nhà tiên tri mà không vâng giữ như vậy và/hoặc dạy dỗ sai về vấn đề này,

lập tức có thể liệt ngay vào hàng tiên tri giả.

2. Biết làm phép màu có phải là dấu hiệu nhận biết chắc chắn một nhà tiên tri thực thụ không?

[01] Ma-thi-ơ 24:24 Vì những kẻ giả Christ và bọn tiên tri giả sẽ trỗi dậy và đưa ra nhiều dấu lạphép màu lớn

để lừa dối, nếu có thể, cả những người được chọn.

Rõ ràng là không rồi.

Phép lạ chỉ là bằng chứng cho quyền năng siêu nhiên mà thôi, thứ có thể đến từ Chúa hoặc từ Ma Quỷ.

Khi Mô-se đến đối mặt Pha-ra-ôn, và Chúa thi triển một loạt các phép màu qua tay ông,

các phù thủy của Pha-ra-ôn cũng đã đáp trả bằng ma thuật của Ma Quỷ.

Chỉ vì một người có thể làm phép lạ không có nghĩa rằng người ấy là của Chúa.

Ngay cả phép lạ ban cho sự sống, quyền năng chỉ thuộc về duy nhất Chúa ([27] Mặc Khải 1:18) và Satan không thể thực hiện nổi,

hắn vẫn có thể giả mạo được bằng ảo ảnh,

như khi hắn có vẻ dường như đã thực sự biến được những cây gậy chết thành những con rắn sống trước mặt Pha-ra-ôn và Mô-se trong [02] Xuất Hành 7:11-12,

giả mạo ngay cả quyền năng đặc trưng của Đấng Tạo Hóa là biến vật chết thành vật sống.

Cho nên trừ phi kẻ chết đã được xác thực mười mươi là đã chết và khi được hồi sinh dậy có thể được kiểm tra là đã thực sự sống lại, như trong trường hợp của La-xa-rơ,

thì khả năng nó vẫn có thể là một ảo ảnh của Ma Quỷ để lừa dối sẽ không thể được loại bỏ hoàn toàn.

Chúa JESUS cho biết trong những ngày cuối cùng, bọn tiên tri giả và những kẻ giả mạo Đấng Christ không những sẽ xuất hiện rất đông,

mà nhiều kẻ trong số bọn giả mạo này còn biết làm cả phép lạ bằng quyền năng của Satan.

Đây là lý do vì sao ta phải lôi tất cả ra kiểm tra.

3. Vậy sau việc vâng giữ các mạng lệnh của Đức Chúa Trời,

bài kiểm tra thứ hai để phân biệt một nhà tiên tri chân chính với bọn giả mạo là gì?

[23] Ê-sai 8:20 Hãy theo luật pháplời chứng!

Nếu chúng không nói như lời này, thì là vì trong chúng không có ánh sáng!

“Luật Pháp và Lời Chứng” chính là ngôn ngữ thời Cựu Ước để chỉ “Kinh Thánh”.

Nói cách khác, mọi thông điệp từ bất cứ ai xưng là tiên tri của Chúa đều phải được đối chiếu với Kinh Thánh.

Chúng ta phải dùng Kinh Thánh để kiểm chứng nhà tiên tri, chứ không phải dùng nhà tiên tri để kiểm chứng Kinh Thánh.

Mọi nhà tiên tri chân chính sẽ luôn đồng ý 100% với Lời của Đức Chúa Trời.

Đây là bài kiểm tra quan trọng nhất.

[07] I Cô-rinh-tô 14:32 Các linh của các nhà tiên tri cũng thuận phục các nhà tiên tri.

Tức là, một nhà tiên tri chân chính sẽ luôn có tâm linh ưng thuận việc được kiểm tra xác thực bởi những nhà tiên tri khác.

Người nào tự xưng là nhà tiên tri mà dám cất mình lên trên các nhà tiên tri để không chịu sự kiểm duyệt bởi các ghi chép của họ (Kinh Thánh),

người ấy có thể được xác định ngay lập tức là tiên tri giả.

“Kẻ tiên tri ấy đã nói điều ấy cách tự phụ, chớ co rúm lại khỏi hắn.” [05] Nhị Luật 18:22.

Kẻ nào đang tự tưởng rằng mình là một nhà tiên tri, ngươi nghĩ mình có thể vượt qua nổi một bài kiểm tra này không?

Đức Chúa Trời đã để dành sẵn cái gì cho những kẻ nói dối, lại còn là dám nói dối NHÂN DANH NGÀI, ngươi biết rồi chứ?

Trừ phi ngươi ăn năn một cách triệt để với nỗ lực hết sức mình để đính chính và đảo ngược lại những điều dữ ngươi đã nói và làm,

sẽ không có Thiên Đường nào cho ngươi hết đâu.

Hãy liệu mà co rúm mình lại trước Đức Chúa Trời, run rẩy kính sợ Ngài và ăn năn đi.

4. Bài kiểm tra thứ ba cho một nhà tiên tri là gì?

[23] I Giăng 4:2 Bởi điều này các bạn biết Linh của Đức Chúa Trời:

mọi linh nào tuyên xưng JESUS Christ đã đến trong xác thịt là từ Đức Chúa Trời.

[04] Giăng 3:29, 30 Niềm vui của tôi đây vậy là đã được trọn.

Đấng đó phải được tăng lên, còn tôi giảm xuống.

Một nhà tiên tri của Đức Chúa Trời phải luôn thừa nhận và dạy các chân lý về Chúa JESUS Christ,

rằng Ngài thật sự là Con Trai Đức Chúa Trời trong hình hài con người.

Họ đồng thời cũng luôn tìm cách tôn cao Chúa JESUS,

coi đó mới là niềm vui trọn vẹn của mình chứ không bao giờ tìm kiếm vinh quang hay danh vọng cho bản thân.

Trong khi đó, bọn tiên tri giả thì luôn tìm cách thu hút sự chú ý của người khác về phía những tư tưởng của chúng

và xa rời khỏi Lời mà Đức Chúa Trời đã truyền dạy trong Kinh Thánh.

5. Bài kiểm tra thứ tư cho một nhà tiên tri là gì?

[01] Ma-thi-ơ 7:16 Các con sẽ nhận biết được chúng bởi bông trái của chúng.

Đương nhiên điều này không có nghĩa các nhà tiên tri là những thánh nhân toàn hảo.

Trên thực tế, các nhà tiên tri của Đức Chúa Trời còn thường hay mắc những sai lầm ngớ ngẩn là đằng khác:

Mô-se làm trái lời Đức Chúa Trời tại Mê-ri-ba,

Ê-li-gia bị một mụ đàn bà dọa cho bỏ chạy thục mạng,

Giô-na tìm cách trốn khỏi mặt Đức Chúa Trời…

Tuy nhiên, ít nhất thì thường phải có một sự nhất quán nhất định giữa những gì mà những nhà tiên tri dạy dỗ với đời sống của chính họ.

6. Bài kiểm tra thứ năm cho một nhà tiên tri là gì?

[24] Giê-rê-mi 28:9 khi lời của nhà tiên tri xảy đến,

nhà tiên tri ấy sẽ được nhận biết rằng YHWH thật sự đã sai người.

Đúng là trong giao tiếp thông thường, một nhà tiên tri vẫn có thể sai sót, nói nhầm không khác gì một người bình thường cả.

Nhà tiên tri Na-than trong [10] II Sa-mu-ên 7 là một ví dụ.

Khi vua Đa-vít đề cập với Na-than về việc xây cất một đền thờ cho Chúa,

Na-than đã đáp ngay lại một cách rất hồn nhiên ngây thơ:

“Mọi điều trong tâm bệ hạ, hãy đi làm đi, vì YHWH ở với bệ hạ” ([10] II Sa-mu-ên 7:3);

chỉ để rồi sau đó Đức Chúa Trời đã phải bảo Na-than quay lại nói với Đa-vít rằng con trai Đa-vít mới là người sẽ xây cất đền thờ, chứ không phải vua.

Tuy là như thế, nhưng một khi nói đến việc truyền đạt lại những tri thức mà Chúa đã huấn luyện cho mình để giáo dục và cảnh báo dân sự,

một nhà tiên tri chân chính sẽ luôn nói chính xác.

Những thông điệp hay khải tượng về tương lai nhận được từ Ngài, cũng rất hãn hữu mới bị Ngài đổi ý và thu hồi,

như trường hợp của nhà tiên tri Giô-na và thành Ni-ni-ve,

khi Chúa đã tuyên bố sẽ hủy diệt thành phố ấy,

nhưng rồi vì dân thành run rẩy trước Lời Ngài phán và ăn năn quay khỏi tội lỗi mình

nên Ngài lại đổi ý và không xuống tay.

Dù vậy, cần lưu ý rằng

biết nói tiên tri chính xác không thôi thì chưa đủ để chứng thực đó là một nhà tiên tri thực thụ.

[05] Nhị Luật 13:1-3 cảnh báo rằng

đôi khi Đức Chúa Trời sẽ cho phép những dấu lạ của bọn tiên tri giả được ứng nhiệm

để thử lòng yêu mến và trung thành của dân sự đối với Ngài.

Những kẻ này sau khi thực hiện được dấu lạ rồi, sẽ bắt đầu tìm cách lôi kéo dân sự xa rời Kinh Thánh và Đức Chúa Trời.

Trong khi đó, một nhà tiên tri chân chính thì sẽ luôn đưa dẫn con người trở về thờ kính Đức Chúa Trời đúng theo Kinh Thánh.

7. Ba động tác mà Sứ Đồ Phao-lô lệnh cho dân sự thực hiện khi gặp phải những thông điệp tiên tri chưa rõ thật giả là gì?

[13] I Tê-sa-lô-ni-ca 5:20, 21 Chớ coi thường các lời tiên tri.

Hãy kiểm nghiệm tất cả, giữ lấy điều gì tốt đẹp.

Phao-lô nói chúng ta không được khinh dể, hay coi thường, những lời tiên tri.

Thay vào đó, chúng ta còn phải chủ động kiểm tra đối chiếu những gì nghe thấy với Kinh Thánh

để phát hiện những gì tốt đẹp và chân thật mà làm theo.

8. Chúng ta thực ra đang chối bỏ ai khi chối bỏ một nhà tiên tri chân chính?

[03] Lu-ca 7:30 Nhưng những người Pha-ri-si và các luật gia chối bỏ sự răn dạy của Ðức Chúa Trời dành cho mình,

không chịu báp-tem bởi ông (nhà tiên tri Giăng báp-tít).

[14] II Sử Ký 20:20 Hãy tin vào YHWH Đức Chúa Trời các ngươi thì các ngươi sẽ được vững vàng;

hãy tin vào các nhà tiên tri của Ngài thì các ngươi sẽ được thành công!

Rõ ràng, phần lớn những thông điệp mà Đức Chúa Trời truyền dạy cho loài người

đều được phán qua các nhà tiên tri mà Ngài lựa chọn cả.

Do vậy, chối bỏ một nhà tiên tri chân chính thì đương nhiên cũng như chối bỏ chính Đức Chúa Trời vậy.

Chính dân tộc Is-ra-ên thời Cựu Ước đã phải nước mất nhà tan khi chối bỏ các nhà tiên tri mà Đức Chúa Trời gửi đến cho họ.

Ngược lại, biết tiếp nhận một nhà tiên tri chân chính và vâng phục những lời nhắn nhủ yêu thương mà Cha đã phán truyền qua họ

lập tức cho phép chúng ta gặt hái được ngay một đống ơn phước dồi dào từ Đức Chúa Trời,

và quan trọng hơn cả, xích mối quan hệ của chúng ta với Cha lại gần hơn nữa.

9. Người được xưng là nhà tiên tri của hội thánh cuối cùng là ai?

Người ấy có vượt qua được các bài kiểm tra không?

Tháng 12 năm 1844, một nhóm thiếu nữ Cơ Đốc dòng Methodist đang quỳ gối cầu nguyện ở Portland, Maine,

thì Ellen Harmon – một thiếu nữ 17 tuổi với sức khỏe suy nhược – nhận được khải tượng đầu tiên.

Khi Ellen (mà sau này trở thành Ellen White khi cô kết hôn với một mục sư trẻ tuổi tên James White) kể lại những gì Đức Chúa Trời đã mặc khải cho cô,

cô tiếp tục nhận được khải tượng trong suốt 70 năm sau đó – cho đến ngày qua đời năm 1915.

Cũng như những hiện tượng xảy đến cho các nhà tiên tri như đã miêu tả trong Kinh Thánh,

có những hiện tượng siêu nhiên kì lạ đã xảy ra với Ellen White trong những lúc cô nhận được khải tượng.

Cũng như nhà tiên tri Đa-ni-ên, cô ngừng hô hấp trong thời gian ở trong khải tượng và thường bị kiệt sức lúc ban đầu ([27] Đa-ni-ên 10:8, 17).

Nhiều khải tượng kéo dài đến bốn tiếng đồng hồ, nhưng cô không hề hít thở gì trong suốt thời gian đó.

Các bác sĩ đã khám nhiệm tận nơi, thậm chí một tấm gương đã được giơ lên sát mặt cô

để nếu cô có hô hấp dù chỉ một chút ít, sẽ lập tức có hơi nước đọng lại ngay trên gương.

Và họ cuối cùng đã phải thừa nhận là cô đã không hô hấp gì trong thời gian nhận được khải tượng.

Trong một số lần, cô lại nhận được sức mạnh thể chất đáng kinh ngạc ([27] Đa-ni-ên 10:18, 19).

Mặc dù Ellen chỉ nặng khoảng 43 cân, các nhân chứng cho biết từng chứng kiến

cô một tay cầm quyển Kinh Thánh loại tại gia nặng gần 8 cân trong tư thế giang tay suốt 30 phút khi đang ở trong khải tượng.

Những hiện tượng ấy minh chứng một điều:

có một sức mạnh siêu nhiên đứng sau những gì đã xảy ra với Ellen White.

Chỉ là, cần phải hết sức cẩn thận

vì sự siêu nhiên thì vừa có thể là đến từ Đức Chúa Trời, nhưng cũng không loại trừ khả năng là đến từ Satan giả dạng.

Vì thế khi đối mặt với một nhà tiên tri có yếu tố siêu nhiên, Cơ Đốc nhân càng cần phải tỉnh táo và đặc biệt cẩn thận,

kiểm chứng bằng những gì ghi trong Kinh Thánh để phát hiện thật giả.

Áp dụng năm bài kiểm tra từ Kinh Thánh

Chúng ta hãy cùng khảo sát cả cuộc đời lẫn mục vụ của Ellen White xem có vượt qua được tất cả các bài kiểm tra xác định một nhà tiên tri chân chính hay không.

Bài kiểm tra thứ nhất – Mười Mạng Lệnh của Đức Chúa Trời.

Bản thân chính là một trong những nhà sáng lập của hội thánh Phục Lâm ngày-thứ-bảy (Seventh-day Adventists),

một trong những thông điệp chủ chốt của Ellen White hiển nhiên là sự vâng phục Mười Mạng Lệnh, trong đó có ngày Sa-bát thứ bảy.

Mặc dù sau khi bà ấy chết đi, hội thánh đã tiếp nhận giáo lý ba ngôi và vi phạm mạng lệnh thứ nhất trên quy mô tổ chức,

nhưng Ellen White vẫn cứ là nhà tiên tri duy nhất trong lịch sử hiện đại vâng phục và dạy dỗ dân sự vâng phục một cách chính xác Mười Mạng Lệnh của Đức Chúa Trời.

Hãy xem các chỉ dẫn được cảm thúc của bà ấy, dạy dỗ dân sự cách giữ ngày Sa-bát, là tuyệt vời và chỉn chu đến như thế nào:

“Vào thứ sáu, hãy để việc chuẩn bị cho ngày Sa-bát được hoàn tất.

Hãy đảm bảo quần áo đều đã sẵn sàng và mọi việc nấu nướng đã được thực hiện xong.

Giày hãy được đánh và việc tắm rửa hãy được hoàn tất.

Nếu các bạn lập điều ấy thành luật, các bạn có thể làm được.

Ngày Sa-bát không được đem thí cho việc vá sửa quần áo,

cho việc nấu nướng thức ăn,

cho việc tìm kiếm lạc thú,

hay cho bất cứ công việc thế gian nào khác.

Trước khi mặt trời lặn, mọi công việc thế tục hãy được để sang một bên

và mọi giấy tờ thế tục hãy được dẹp khỏi tầm mắt.

Các bậc cha mẹ, hãy giải thích việc làm của mình và mục đích của nó cho con cái mình,

và hãy để chúng chia sẻ trong việc chuẩn bị của các bạn

để giữ ngày Sa-bát theo mạng lệnh.” {6T 355.3}

“Không việc nấu nướng nào là hãy được thực hiện vào ngày đó.

Chỉ dẫn mà Đức Chúa Trời ban cho Is-ra-ên không được để bị phớt lờ.

“Hãy nướng những gì anh em sẽ nướng, và nấu những gì anh em sẽ nấu,”

vì “ngày mai là ngày nghỉ Sa-bát thánh cho YHWH.” Xuất Hành 16:23.

Ý của Đức Chúa Trời là đúng như những gì Ngài phán khi Ngài ban những chỉ dẫn này;

và liệu chúng ta, những người đang trình bày cho dân sự những đòi hỏi của luật pháp thánh,

có lại tự mình vi phạm luật pháp ấy, chỉ để thỏa mãn vị giác không?

Đức Chúa Trời nghiêm cấm.

Đôi khi đã có những lúc mà trong ngày Sa-bát đã có một lượng nấu nướng được thực hiện nhiều gần như những ngày khác;

và các phước lành của Đức Chúa Trời đã bị cản lại ở ngoài bởi thất bại của chúng ta

để tôn vinh Ngài trong việc giữ ngày Sa-bát theo mạng lệnh.” {Manuscript 8, 1882}

“Trong khi việc nấu nướng trong ngày Sa-bát cần phải được tránh, thì việc ăn đồ ăn nguội lạnh là không cần thiết.

Vào thời tiết lạnh, đồ ăn chuẩn bị từ hôm trước hãy được hâm nóng lên.

Và hãy để các bữa ăn, dù giản dị, thật ngon miệng và bắt mắt.

Hãy cung cấp một thứ gì đó sẽ được coi là một đặc sản, thứ gì đó mà gia đình không phải ngày nào cũng có.” {6T 357.3}

“Chúng ta muốn đồ ăn ngon miệng, bổ dưỡng vào tất cả các ngày trong tuần;

nhưng vào ngày Sa-bát, hãy để người đầu bếp của các bạn có được ngày nghỉ của mình, thay vì nấu nướng cho một gia đình.

Mọi cấp dưỡng hãy được thực hiện vào thứ sáu.” {Review and Herald, June 8, 1897}

Về thời gian của ngày Sa-bát, bà ấy không chỉ trình bày rất rõ ràng nó là ngày thứ bảy của tuần thay vì ngày thứ nhất,

mà còn nhận biết chính xác nó bắt đầu vào lúc mặt trời lặn ngày thứ sáu hàng tuần,

chứ không bị nhầm lẫn thành lúc mặt trời mọc ngày thứ bảy như nhiều tiên tri giả có biết về ngày Sa-bát thứ bảy

nhưng vẫn bị nhầm lẫn thời gian của nó (điển hình là christ giả Ahn Sang Hong và đức chúa trời “mẹ” rởm Zhang Gil-jah).

Trong sách “Ân Tứ Thuộc Linh” (Spiritual Gifts) quyển 2, trang 75-76 chẳng hạn,

Ellen White đã trình bày niềm tin ấy của mình rất rõ ràng:

‘Người anh em N. hỏi liệu tôi có thể kể lại sứ điệp của mình tại Boston,

và liệu họ có sẵn lòng lắng nghe, và rồi đánh giá.

“Có,” họ trả lời, “hãy đến Boston vào Sabbath tiếp theo, chúng tôi muốn có được vinh hạnh lắng nghe cô ấy.”

Và rồi chúng tôi lên kế hoạch đến Boston,

nhưng ĐẾN TỐI, vào LÚC BẮT ĐẦU NGÀY SA-BÁT,

tôi được bày tỏ trong khải tượng rằng chúng tôi không được đi đến Boston, nhưng đi hướng ngược lại đến Randolph.’

Trên thực tế, TẤT CẢ những người được xưng là “nhà tiên tri” trong lịch sử hiện đại, ngoại trừ Ellen White,

đều đã bị đánh trượt thẳng cẳng bởi chỉ một bài kiểm tra đầu tiên này,

khiến cho một mình bà ấy còn lại là ứng cử viên duy nhất có khả năng là nhà tiên tri của Hội Thánh Thật Cuối Cùng.

Nhưng chúng ta hãy cứ cùng kiểm chứng xem bà ấy có vượt qua được nốt các bài kiểm tra còn lại không.

Bài kiểm tra thứ hai – sự hài hòa tuyệt đối với Kinh Thánh

Chỉ cần đọc bất kì quyển sách nào của Ellen White,

bạn cũng có thể dễ dàng nhận ra bà liên tục tìm cách dẫn dắt người đọc đến với Kinh Thánh,

và mọi thứ bà nói đều đồng ý tuyệt đối với Kinh Thánh ấy.

Và ngay cả khi đã viết được như vậy rồi, bà cũng không bao giờ coi những gì mình viết là ngang hàng hay ở trên Kinh Thánh.

Toàn bộ mục đích của chúng là làm sao kêu gọi dân Chúa trở về với Lời của Đức Chúa Trời và coi đó là chân lý tuyệt đối của Ngài.

Hãy xem những tuyên bố nhấn mạnh của Ellen White về việc Kinh Thánh là bộ luật duy nhất cho đức tin:

{Ellen G. White – Cuộc Đại Chiến (The Great Controversy), trang 204.2}

‘Trong thời đại của chúng ta, đã xảy ra sự xa rời nghiêm trọng các giáo lí Cơ Đốc ghi trong Kinh Thánh,

và chúng ta cần phải trở lại nguyên tắc vĩ đại của những người Tin Lành

–Kinh Thánh, và chỉ duy nhất Kinh Thánh, là bộ luật cho đức tin và nghĩa vụ của con người.’

{Ellen G. White – Lời Chứng cho Hội Thánh (Testimonies for the Church) quyển 2, trang 605} bà cũng đồng thời viết:

‘Những lời chứng được viết không phải để đưa đến ánh sáng mới,

mà để khắc sâu vào trái tim một cách rõ ràng nhất có thể các chân lý cảm thúc đã được bày tỏ rồi.

Nghĩa vụ của con người với Đức Chúa Trời và đồng loại đã được chỉ rõ trong Lời của Đức Chúa Trời;

vậy mà chỉ có một số rất nhỏ trong các bạn là vâng phục những ánh sáng đã được mặc khải này.

Không có thêm chân lý mới nào được mang đến hết đâu;

mà Đức Chúa Trời qua Lời Chứng đã tổng kết những chân lý vĩ đại đã được ban cho từ trước,

và theo cách riêng của Ngài, đã đưa chúng đến trước dân sự để thức tỉnh và khắc sâu chúng lên tâm trí,

để không ai còn có thể ngụy biện trước Ngài được nữa.’

Mặc dù chính Ellen White liên tục nhấn mạnh rằng những gì bà viết không bao giờ được phép coi là một phần của Kinh Thánh, chúng vẫn đầy rẫy sự cảm thúc của Đức Chúa Trời.

Rất nhiều nhà tiên tri vĩ đại nhất của Ngài – như Giăng Báp-tít chẳng hạn – đều được Đức Chúa Trời cảm thúc,

nhưng họ lại chẳng viết ra sách nào trong Kinh Thánh cả.

Những gì Ellen White viết có thể được coi là một ánh sáng nhỏ để dẫn đến ánh sáng lớn hơn: Kinh Thánh.

Kinh Thánh vẫn cứ giữ thẩm quyền giáo lí tối cao.

Còn các lời chứng của Chúa JESUS mà Ngài ban cho qua nhà tiên tri của Ngài

tồn tại như một phần bình luận, chú thích, phân tích được cảm thúc về Kinh Thánh,

có tác dụng vạch mặt mọi kiểu biện giải bẻ cong Kinh Thánh

và cho biết cách biện giải chính xác, thẳng thừng, đúng ý Chúa là gì về từng giáo lý một,

để kết thúc mọi cuộc tranh luận của những kẻ cứ cố tình cãi cùn để chối bỏ chân lý.

Trên thực tế, chính tính chính xác và thẳng thừng, không thể chối cãi lại nổi của những lời chứng này

mới là lý do chủ yếu vì sao những kẻ kiên quyết không chịu từ bỏ sai lạc của mình đã chối bỏ luôn nhà tiên tri của Chúa,

và rồi còn trù dập, ngăn cấm người khác nhắc đến bà ấy và các Lời Chứng mà Chúa đã cho bà ấy chép xuống từ Ngài,

chứ không phải là vì bà ấy giảng dạy bất cứ điều gì trái Kinh Thánh cả!

{Ellen G. White, Lời chứng cho hội thánh (Testimonies for the church) quyển 4, trang 245, khổ 3}

‘Khi các anh em biểu lộ ra cái linh của Con Rồng, để tranh chiến với những người tin rằng Đức Chúa Trời đã truyền phán ánh sáng và sự an ủi cho họ qua các Lời Chứng,

thì ấy là lúc để các anh chị em khẳng định quyền tự tại và tự do lương tâm trọn vẹn của mình.

Đức Chúa Trời đã ban cho họ ánh sáng, và việc trân trọng ánh sáng và nói về nó để làm vững mạnh và khích lệ lẫn nhau LÀ QUYỀN CỦA HỌ.’

Bài kiểm tra thứ ba – Dạy các chân lý về Chúa JESUS Christ

Những sách của Ellen White

– như Niềm Khát Khao của các thời đại (The Desire of Ages),

Các Bài Giảng của Đấng Christ (Christ’s Object Lessons),

Các bước đến Đấng Christ (Steps to Christ)

và Suy tư từ Đỉnh núi Ơn Phước (Thoughts from the Mount of Blessings) –

đều làm chứng cho việc bà đã vượt qua bài kiểm tra này một cách hết sức xuất sắc.

Trong mọi tác phẩm, bà ấy không bao giờ tìm cách tôn vinh cá nhân mình, mà liên tục tìm cách dồn mọi sự chú ý của người đọc lên Chúa JESUS.

Bài kiểm tra thứ tư – Một đời sống ngoan đạo

Báo chí, bình luận về việc Ellen White qua đời, đã nói:

“Cuộc đời của bà White là một tấm gương đáng để chúng ta noi theo…

Bà đã là một môn đồ khiêm nhường, tận hiến của Đấng Christ, không bao giờ mỏi mệt ngừng tay khỏi việc thiện…

Bà được vinh danh và kính trọng bởi tất cả những ai biết trân trọng tinh thần xả thân lao khổ

để nâng cao phẩm chất con người và hạnh phúc cho nhân loại của những nữ anh hùng cao quý.

Cái chết của bà đánh dấu thêm một sự ra đi của một nhà lãnh đạo tôn giáo xuất chúng,

một người mà trong suốt gần 90 năm đã sống một cuộc đời tràn đầy những việc tốt, tình yêu thương và những lời cầu nguyện chân thành nhất cho toàn nhân loại.”

{Star (St. Helena, California), 23 tháng 7, 1915.}

Bài kiểm tra thứ năm – Những lời tiên tri chính xác

Một số ít những lời tiên tri về tương lai được mặc khải qua Ellen White có thể dễ dàng được kiểm chứng.

Những dự đoán dưới đây nghe như thể tít báo giật hằng ngày của thời đại ngày nay,

nhưng chúng đã được viết còn trước cả khi những phương thức di chuyển hiện đại được phát minh:

{Ellen G. White – Thông điệp cho giới trẻ (Messages to the youth), trang 89.2} (in lại từ bài viết trong Những dấu chỉ của Thời Đại (The Signs of the Times), 21 tháng 4, 1890):

‘Thảm họa đường sắt sẽ trở nên càng ngày càng phổ biến;

hỗn loạn, va chạm, và chết chóc bất ngờ sẽ xảy ra trên những tuyến giao thông lớn.’

Ellen White sống ở cái thời mà các bác sĩ vẫn còn đang đi khuyên những bệnh nhân hen suyễn hãy hút thuốc lá cho bổ phổi,

và mọi người vẫn còn tin rằng ăn thịt thì khỏe mạnh hơn ăn chay.

Nhiều quan niệm y học khác nhau xuất hiện, nhưng không hề có bất cứ bằng chứng khoa học nào.

Dinh dưỡng học còn chưa ra đời.

Vậy mà trong bối cảnh ấy, Ellen White đã viết hàng đống sách về sức khỏe và dinh dưỡng học.

Tiến sĩ Clive McCay, cựu giáo sư dinh dưỡng học tại đại học Cornell, xác nhận tính chính xác của Ellen White trong ngành dinh dưỡng:

‘Bất chấp việc những tác phẩm của bà White đã được viết từ trước khi ngành khoa học dinh dưỡng hiện đại ra đời từ rất rất lâu,

đến giờ vẫn chưa có cẩm nang nào tốt hơn những gì bà đã viết.’

{Clive M. McCay, “Một quan chức dinh dưỡng thảo luận về bà E.G. White,” Review and Herald, 26 tháng 2, 1959, trang 10}

Mà thực ra thì điều này cũng không có gì là quá khó hiểu cả, khi ta xét đến việc Ai đã đọc cho bà ấy chép những tri thức ấy xuống giấy.

Song song với việc vạch mặt tất cả các tà thuyết để thanh tẩy hội thánh khỏi mọi điều dối trá,

cải cách sức khỏe chính là một trong những sứ mệnh chính mà Chúa đã dấy Ellen White lên để thực hiện,

để giúp con dân Ngài có thể sốc lại thể lực mà hoàn tất sứ mệnh của mình trong thời đại Cận Tận Thế cuối cùng này,

khi mà sinh lực của loài người đã suy kiệt thảm hại hơn tất cả các thời đại trước chúng ta, và điều kiện môi trường trái đất đã trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết.

Kinh Thánh đã cho biết trong những ngày cuối cùng, ân tứ tiên tri đúng là sẽ lại xuất hiện.

Các bằng chứng cho thấy rất rõ ràng Ellen G. White đã vượt qua tất cả các bài kiểm tra xác định nhà tiên tri chân chính một cách rất xuất sắc.

Mục vụ này xin mời bạn hãy đọc thử những gì bà ấy đã viết và áp dụng nguyên tắc mà sứ đồ Phao-lô đã nói

“chớ coi thường các lời tiên tri.

Hãy kiểm nghiệm tất cả, giữ lấy điều gì tốt đẹp.” [13] I Tê-sa-lô-ni-ca 5:20, 21.

Cũng xin lưu ý: các bạn hãy tìm đọc những quyển sách được bà White đích thân chấp bút và đích thân đọc duyệt nội dung trước khi đích thân xuất bản,

tức những quyển sách được xuất bản trước khi bà ấy qua đời năm 1915.

Những quyển sách được biên tập và/hoặc hiệu đính sau khi bà ấy đã chết, dù là “sử dụng những lời chứng của Ellen G. White”,

đều rõ ràng không hề được nhà tiên tri ấy xác nhận là có trình bày chính xác các chân lý bà ấy đã được ban hay không.

Đặc biệt, sau khi bà White chết đi và hội thánh SDA đã sa ngã tin theo Ba Ngôi,

họ đã tiếp tục xuất bản nhiều quyển sách trích dẫn lời bà White và mạo nhận uy tín của bà,

nhưng thực ra đã bị họ biên tập và/hoặc hiệu đính chỉnh sửa lại để cổ xúy cho tà thuyết này,

điển hình là quyển “Evangelism” biên tập bởi Leroy E. Froom – kẻ đã tiêm nhiễm tà thuyết Ba Ngôi vào hội thánh SDA

và bị tình nghi là gián điệp của hội Jesuit thuộc Công Giáo La Mã cài vào.

Giờ thì có lẽ chỉ có Chúa mới biết được có bao nhiêu sai lạc đã bị chèn vào trong các sách như vậy.

Chúng mặc dù chứa rất nhiều ánh sáng, vì đã sao chép lại rất nhiều lời của bà White,

nhưng nếu có đọc chúng thì luôn phải hết sức cẩn thận, để dùng Kinh Thánh phát hiện ra những điểm trái với các chân lý mà bình thường chính Ellen G. White vẫn dạy, như bà ấy đã dặn trước:

“Kinh Thánh, và chỉ duy nhất Kinh Thánh, là bộ luật cho đức tin và nghĩa vụ của con người.”

{Ellen G. White – Cuộc Đại Chiến (The Great Controversy), trang 204, 205}

Khi nào Chúa muốn, để rồi Ngài ban cho Mục Vụ MTB những quyển sách của bà White có ngày xuất bản trước khi bà ấy qua đời

– những ấn phẩm cũng được cảm thúc bởi Đức Chúa Trời rồi được gìn giữ tinh khiết nguyên vẹn –

Mục Vụ MTB sẽ scan lại và phiên dịch ra tiếng Việt, rồi đăng cả hai lên song song cho các anh chị em người Việt cùng đọc.

Xin mọi người hãy thường xuyên cầu nguyện lên Chúa về việc này.

Danh sách tên của chúng là như sau:

01) A Word to the “Little Flock.” 1847. [WLF] – Một lời gửi “bầy chiên nhỏ”.

02) A Sketch of the Christian Experience and Views of Ellen G. White. 1851. [ExV] + Notes of Explanation. 1853.  – Một phác họa trải nghiệm Cơ Đốc nhân và các quan điểm của Ellen G. White + các ghi chú giải thích.

03) Supplement to the Christian Experience and Views of Ellen G. White. 1854. [ExV54] – Bổ sung trải nghiệm Cơ Đốc nhân và các quan điểm của Ellen G. White.

04) An Appeal to Mothers. 1864. [ApM] – Một lời kêu gọi các bà mẹ.

05) An Appeal to the Youth. 1864. [AY] – Một lời kêu gọi thanh niên.

06) A Solemn Appeal. 1870. [SA] – Một lời kêu gọi trang nghiêm.

07) Life Sketches of James and Ellen White. 1880. [LS80] – Các phác họa cuộc đời của James và Ellen White.

08) Early Writings of Ellen G. White. 1882. [EW] – Các ghi chép ban đầu của Ellen G. White.

09) Sketches From the Life of Paul. 1883. [LP] – Các phác họa từ cuộc đời của Phao-lô.

10) Historical Sketches of the Foreign Missions of the Seventh-day Adventists. 1886. [HS] – Các phác họa lịch sử của các mục vụ nước ngoài của những người Phục Lâm ngày-thứ-bảy.

11) The Great Controversy Between Christ and Satan. 1888. [GC88] – Cuộc Đại Chiến giữa Đấng Christ và Satan.

12) Life Sketches of James and Ellen White. 1888. [LS88] – Các phác họa cuộc đời của James và Ellen White.

13) The Sanctified Life. 1889. [SL] – Cuộc đời được thánh hóa.

14) Christian Temperance and Bible Hygiene. 1890. [CTBH] – Sự tiết độ Cơ Đốc nhân và phép vệ sinh theo Kinh Thánh.

15) Patriarchs and Prophets. 1890. [PP] – Các tộc trưởng và các tiên tri.

16) Gospel Workers. 1892. [GW92] – Người làm công Tin Lành.

17) Steps to Christ. 1892. [SC] – Các bước đến Đấng Christ.

18) Christian Education. 1893. [CE] – Giáo dục Cơ Đốc nhân.

19) Christ Our Savior. 1896. (Story of Jesus. 1900. [SJ]) – Christ Đấng Cứu Chuộc của chúng ta. (Câu chuyện của JESUS).

20) Thoughts From the Mount of Blessing. 1896. [MB] – Các suy tư từ Đỉnh Ơn Phước.

21) Healthful Living. 1897. [HL] – Sống khỏe.

22) Special Testimonies on Education. 1897. [SpTEd] – Những lời chứng đặc biệt về giáo dục.

23) The Desire of Ages. 1898. [DA] – Niềm Khát Khao của các thời đại.

24) The Southern Work. 1898, 1901. [SW] – Công việc miền nam.

25) Christ’s Object Lessons. 1900. [COL] – Những bài giảng minh họa của Đấng Christ.

26) Testimonies on Sabbath-School Work. 1900. [TSS] – Các lời chứng về công việc trường Sa-bát.

27) Manual for Canvassers. 1902. [MC] – Cẩm nang cho những người vận động.

28) Education. 1903. [Ed] – Giáo dục.

29) The Ministry of Healing. 1905. [MH] – Mục vụ chữa trị.

30) The Acts of the Apostles. 1911. [AA] – Công vụ các sứ đồ.

31) The Great Controversy Between Christ and Satan. 1911. [GC] – Cuộc Đai Chiến giữa Đấng Christ và Satan.

32) Counsels to Parents, Teachers, and Students. 1913. [CT] – Những tư vấn cho các bậc cha mẹ, giáo viên và học sinh.

33) Gospel Workers. 1915. [GW] – Người làm công Tin Lành. (Đã được đọc bởi bà White và gửi cho nhà in từ năm 1914, như đã được nói rõ trong quyển [LS], trang 434.2)

34-37) The Spirit of Prophecy. 4 vols. 1870, 1877, 1878, 1884. [1SP, 2SP, 3SP, 4SP] – Linh Tiên Tri. 4 quyển.

38-46) Testimonies for the Church. 9 vols. 1855–1909. [1T, 2T, 3T, 4T, 5T, 6T, 7T, 8T, 9T] – Các lời chứng cho hội thánh. 9 quyển.

47-50) Spiritual Gifts. 4 vols (the 2 short vol. 4a and 4b are counted as 1 vol). 1858, 1860, 1864. [1SG, 2SG, 3SG, 4aSG, 4bSG] – Các ân tứ thuộc linh. 4 quyển. (2 quyển ngắn 4a và 4b được tính là 1 quyển)

***Hết sức lưu ý rằng ngay cả 50 đầu sách trên, những ấn bản đang được lưu hành ngày nay của chúng cũng rất có thể đã bị biên tập chỉnh sửa lại

để cổ xúy cho tà thuyết Ba Ngôi mà hội thánh SDA sau khi bà White chết đi đã tiếp nhận.

Chúng ta sẽ chưa thể xác định được liệu chúng có đúng như bản gốc đã được bà White đọc duyệt nội dung và xuất bản hay không,

cho đến khi chúng ta có được ấn bản cổ được xuất bản trước 1915 của chúng để đối chiếu.

Vì vậy nếu độc giả có đọc các ấn bản hiện đại của các sách này thì cũng phải cẩn thận đề phòng các thêm thắt ba ngôi của hội thánh SDA.

Còn ngoài ra, việc đọc các sách này sẽ đặc biệt hữu ích cho sự phát triển thuộc linh.

Chúng là kho báu mà Chúa đã đặc biệt ban cho Hội Thánh Thật Cuối Cùng của Ngài,

mà chúng ta bằng việc tận dụng triệt để, học đạo một năm có thể còn hơn người khác học mười năm!

Xin đừng bỏ lỡ ơn phước lớn lao này.

Phụ lục

I. Ellen White có thay đổi đức tin của mình sang tin nhận giáo lý ba ngôi không?

Trong thời đại của hội thánh SDA Tiên Phong, cả hội thánh không hề chấp nhận giáo lý ba ngôi.

Điều này được công khai thừa nhận bởi cả các lãnh đạo hội thánh SDA Hiện Đại ngày nay là những người đã tin theo tà thuyết này,

và đồng thời được thể hiện rất rõ ràng qua các văn bản, ghi chép của tất cả các nhà Tiên Phong,

điển hình như “tuyên ngôn niềm tin” (statements of beliefs) của hội thánh vào năm 1872,

hay “những nguyên tắc nền tảng của những người Phục Lâm ngày-thứ-bảy” (fundamental principles of the seventh-day Adventists) xuất bản trong niên sổ (yearbook) của hội thánh năm 1889,

đều khác xa so với bộ 28 niềm tin căn bản của hội thánh SDA Hiện Đại,

như nhà sử học George Knight của hội thánh SDA ngày nay thẳng thừng thừa nhận:

“Phần lớn các nhà sáng lập của giáo hội SDA sẽ không thể gia nhập được hội thánh ngày nay nếu họ phải chấp thuận các tín lý cơ bản của hệ phái.

Cụ thể hơn, phần lớn sẽ không thể đồng tình với tín lý số 2, về giáo lý ba ngôi.”

{Ministry, tháng 10, 1993, trang 10}

Tuy nhiên hội thánh SDA Hiện Đại sau này khi đã tiếp nhận giáo lý ba ngôi, đã đi rêu rao rằng

chính nhà tiên tri Ellen G. White, một trong những nhà sáng lập Tiên Phong của hội, đã thay đổi niềm tin của mình và tiếp nhận tà thuyết này

sau khi viết xong quyển “Niềm khát khao của các thời đại” (Desire of Ages) vào năm 1898.

Lời rêu rao này có phải là sự thật không?

Hãy xem chính bà White nói gì:

{Ellen G. White, lá thư 150 (letter 150), 15/5/1906, khổ 9}

‘Tôi sẽ là một người lính canh không trung tín, nếu tôi giữ im lặng,

khi tôi thấy chính những nền tảng của đức tin chúng ta bị phá đi bởi những kẻ đã rời bỏ khỏi đức tin, và bây giờ đang trôi dạt, không một mỏ neo.

Trong thời điểm này, khi các tà thuyết đang được dạy dỗ, chúng ta phải dạy cùng thứ chân lý mà chúng ta đã dạy trong suốt nửa thế kỷ vừa rồi.

Tôi đã không hề thay đổi đức tin của mình một chấm hay một nét.’

{Ellen G. White, lá thư 38 (letter 38), 1906}

‘Bằng chứng được ban cho trong trải nghiệm ban đầu của chúng ta có cùng một sức mạnh mà nó đã có hồi đó,

chân lý vẫn nguyên xi như nó mãi mãi đã từng là, và không một cái đinh hay một cột trụ nào có thể bị xê dịch khỏi tòa nhà chân lý.

Những gì đã được tìm ra từ Lời Chúa vào năm 1844, 1845, và 1846, vẫn là chân lý đến từng chi tiết.’

Cả hai tuyên ngôn này đều được xuất bản vào năm 1906,

tức là rất lâu sau ngày xuất bản quyển “Niềm khát khao của các thời đại” vào năm 1898, đến tận những năm cuối đời của bà ấy,

cho thấy bà ấy không hề phá bỏ một chấm một nét nền tảng đức tin của mình trong suốt nửa thế kỷ.

Nhiều anh chị em Cơ Đốc nhân ngày nay vì thấy hội thánh SDA Hiện Đại đã sai lạc tin nhận giáo lý ba ngôi

nên cũng chối bỏ luôn nhà tiên tri Ellen White, vì tưởng rằng bà ấy cũng tin ba ngôi như vậy, nên hẳn phải là một tiên tri giả.

Tuy nhiên điều đó đơn thuần là không hề đúng.

Mục vụ này xin khuyến khích các bạn đọc các ghi chép của bà ấy, và chiếm lấy cho mình pho tri thức đồ sộ mà Chúa đã đọc cho bà ấy chép xuống.

Chỉ cần để ý đề phòng những chỗ đã bị chỉnh sửa, biên tập lại để cổ xúy cho giáo lý ba ngôi là được.

{Ellen G. White, Review and Herald, 3/12/1908, khổ 2}

‘Có thể chẳng thấy có cái miếu thờ nào đâu, chẳng có hình tượng nào để nhìn thấy được bằng mắt thường;

vậy mà chúng ta vẫn có thể đang thực hành tội thờ hình tượng.

Việc thần tượng hóa những tư tưởng ưa thích và đồ vật cũng dễ dàng như việc tạo ra những thần bằng đá hay gỗ vậy.

Muôn nghìn người đang có một quan niệm sai lạc về Đức Chúa Trời và các đặc tính của Ngài.

HỌ ĐANG PHỤC VỤ MỘT VỊ THẦN GIẢ KHÔNG KHÁC GÌ CÁC ĐẦY TỚ CỦA BA-ANH.’

II. Chúa không cho phép gọi hội thánh SDA Hiện Đại là Babylon?

Có một trích dẫn của bà White mà những kẻ đã rời bỏ khỏi các Chân Lý trụ cột đức tin – mà Chúa đã thiết lập qua các nhà Tiên Phong của hội thánh SDA – để đi theo thần ba ngôi,

nhưng vẫn đủ trơ trẽn để tiếp tục mạo nhận mình là những người Phục Lâm ngày-thứ-bảy, thường xuyên lôi ra trích dẫn để bảo vệ tổ chức sa ngã của họ.

{Ellen G. White, Các thông điệp chọn lọc (Selected messages) quyển 2, 63.2}

‘Chúa đã không hề ban cho cậu sứ điệp nào để gọi những người Phục Lâm ngày-thứ-bảy là Babylon, và để gọi dân sự của Đức Chúa Trời ra khỏi ấy.’

Câu hỏi: thế những người Phục Lâm ngày-thứ-bảy sống cùng thời với bà White mà bà ấy đang bảo vệ trong trích dẫn này,

là những người SDA Hiện Đại đã quay khỏi các Chân Lý trụ cột đức tin để tiếp nhận thần ba ngôi của con thú,

hay rõ ràng là những người SDA Tiên Phong?

Vậy thì ai mới không được phép gọi ai là Babylon ở đây?

III. Trích dẫn “Ba Đấng Sống của bộ ba thiên thượng” (three living persons of the heavenly trio)

trong quyển “Evangelism” do Leroy E. Froom biên tập,

chỉnh sửa ghi chép của bà White để cổ súy giáo lý ba ngôi.

Một trong những trích dẫn kinh điển mà Leroy E. Froom đã bẻ cong lời của bà White và chèn vào quyển “Evangelism” nhằm cổ xúy cho tà thuyết ba ngôi, chính là đây:

{Special Testimonies, Series B, No. 7, pp. 62, 63. (1905)” {Evangelism, pp. 614, 615}}

‘There are three living persons of the heavenly trio;

in the name of these three great powers

–the Father, the Son, and the Holy Spirit–

those who receive Christ by living faith are baptized,…’

Tạm dịch: “Có ba Đấng sống của bộ ba thiên thượng;

nhân danh ba quyền năng vĩ đại này

– Cha, Con, và Thánh Linh –

những người nhận lãnh Đấng Christ bởi đức tin sống được báp-tem,…”

Thời điểm mà câu này được chấp bút, đã được ghi rõ là vào năm 1905.

Đây chính là khoảng thời gian cuối gian đoạn 1900-1905 mà bà White phải chống trả lại một phiên bản của giáo lý ba ngôi đang tìm cách xâm nhập hội thánh

qua một quyển sách tên là Đền Thờ Sống (Living Temple), viết bởi bác sĩ Kellogg, một người có ảnh hưởng rất lớn trong hội.

Để các bạn có thể nắm rõ hơn bối cảnh sự tình, đây là trích đoạn từ lá thư của A.G.Daniells, một nhà Tiên Phong của hội thánh SDA và lúc bấy giờ đang là mục sư hội trưởng Tổng Hội, gửi cho con trai của bà White là W.C. White:

{A. G. Daniells to W. C. White. October 29, 1903. pp. 1, 2}

‘Từ khi bế mạc hội đồng tôi đã cảm thấy mình nên viết cho cậu mật báo về kế hoạch của bác sĩ Kellogg về việc hiệu đính và tái xuất bản quyển “Đền Thờ Sống”…

Ông ấy bảo với tôi rằng ông ấy giờ tin vào Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con, và Đức Chúa Thánh Linh

(nguyên văn là “God the Father, God the Son, and God the Holy Spirit)

Tôi trình bày trước ông ấy những phản đối mà tôi tìm thấy trong giáo lý, và cố gắng chỉ cho ông ấy thấy giáo lý này quá quá trái ngược với tin lành

đến mức tôi không thể thấy có bất cứ cách nào hiệu đính lại chỉ bằng cách thay đổi đôi chỗ dùng từ.

Chúng tôi tranh luận vấn đề một lúc một cách ôn hòa, nhưng tôi cảm thấy chắc chắn rằng khi chúng tôi chia tay, vị bác sĩ không hề hiểu nổi chính mình, hay bản chất của giáo lý ông ấy dạy.

Và tôi không thể thấy bằng cách nào ông ấy có thể hồi đầu trở lại, và trong vài ngày sửa được quyển sách để nó có thể ổn được.’

Theo A.G.Daniells, một trong những vấn đề lớn nhất mà ông ấy đang tìm cách mật báo cho W.C. White, con trai của bà White,

là tay bác sĩ Kellogg này đã trở thành người tin vào “Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con, và Đức Chúa Thánh Linh”,

và ông ta đang tìm cách lan tỏa những niềm tin mới của mình cho toàn hội thánh, thậm chí còn sử dụng cả các trích dẫn của bà White, bị lấy ra khỏi ngữ cảnh và bẻ cong, để cổ súy cho giáo lý của ông ta.

Nắm được bối cảnh ấy rồi, chúng ta hãy cùng xem ghi chép thật sự của Ellen G. White: bà ấy xử lý vấn đề các ghi chép của mình bị bẻ cong bởi kẻ khác như thế nào.

Đây là tấm ảnh chụp một bản photocopy bản thảo của bà ấy, đúng đoạn mà Froom đã lấy ra:

Có thể thấy rõ ràng: bà ấy không hề nói “ba persons sống của bộ ba thiên thượng”,

mà nói “đây là ba personalities sống của bộ ba thiên thượng”.

Một số người có thể cho rằng persons và personalities thì không có gì khác nhau, nhưng không phải.

“Persons” thì vừa có thể hiểu là “Đấng”, vừa có thể hiểu là “thân vị”,

nhưng đã là “personalities” rồi thì chỉ còn hiểu được là “thân vị” mà thôi.

Như chúng ta thấy trong ảnh chụp: ban đầu nó là “persons”, nhưng sau đó đã được bà ấy chỉnh hẳn thành “personalities”

để người ta không thể nào đánh tráo khái niệm cái thuật ngữ mà bà ấy đang muốn nói sang thành “Đấng” được nữa,

để mà bảo rằng bà ấy dạy giáo lý ba ngôi, như điều mà tay bác sĩ Kellogg đang làm với các ghi chép của bà ấy khi xuất bản quyển Đền Thờ Sống.

Nếu hai từ này là tương đồng nhau, bà ấy đã chẳng việc gì phải mất công chỉnh lại để cố định cứng lại ngữ nghĩa mà bà ấy đang muốn nói.

Và chao ôi, “ba Đấng” và “ba thân vị” là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.

Cả Đức Chúa Trời lẫn Đấng Christ, mỗi Đấng đều có hai thân vị:

một là thân vị bản thể của họ trên ngai báu của Thiên Đường,

hai là thân vị linh của họ, được họ phóng ra ngoài bản thể mà đi đến khắp nơi.

Nhưng Linh của họ hoàn toàn không phải là một kẻ thứ ba nào đó ngoài họ, mà là chính họ luôn, trong định dạng linh vô hình.

Cho nên nếu không phải vì Linh của Đức Chúa Trời và Linh của Con Trai Ngài là một, là Thánh Linh, thì dù chỉ đang có 2 Đấng mà sẽ vẫn có tổng cộng đến 4 thân vị cơ.

Nhưng thay vào đó, vì Linh của Cha và Linh của Con là một, nên chỉ có tổng cộng 3 thân vị, 2 Đấng,

trong 2 Đấng đó, có 1 Đức Chúa Trời, và 1 Con Trai của Đức Chúa Trời.

Những đoạn chỉnh sửa như thế này được phát hiện ra là bằng chứng rất rõ ràng cho khả năng hoàn toàn có thể tồn tại sự trí trá trong hàng ngũ những người biên tập sách của bà White từ năm 1915,

dấy lên hồi chuông cảnh báo chúng ta khỏi bất cứ ấn bản nào “sử dụng lời của nhà tiên tri Ellen G. White” mà được biên tập/hiệu đính sau cái năm bà ấy qua đời.

Hiển nhiên, chúng không thể có sự đọc duyệt nội dung của bà ấy trước khi xuất bản, và được bà ấy xác nhận đã biên tập đúng ý bà ấy muốn nói.

Chỉ những sách nào xuất bản trước khi bà ấy mất, có cổ bản bằng giấy hẳn hoi để đối chiếu, mới có thể coi là an toàn mà thôi.

Độc giả khi đọc để khai thác các ánh sáng hữu ích đã được ban cho, thì phải hết sức cẩn thận với tà thuyết ba ngôi

có thể được chèn vào các ấn phẩm sau này, và cả các ấn phẩm xuất bản trước 1915, nhưng giờ đã “được hiệu đính lại và tái bản”.

IV. Lá thư 253 của Ellen G. White (gửi bác sĩ Kellogg) – lời hồi đáp trực tiếp đối với giáo lý ba ngôi.

Nhiều người nhầm lẫn rằng bà White chưa từng lên tiếng trực tiếp lên án giáo lý ba ngôi, nhưng thực ra là bà ấy ĐÃ làm rồi.

? Video đã được thuyết minh tiếng Việt kèm phụ đề.

Bấm vào biểu tượng CC (captions) và biểu tượng bánh răng tùy chỉnh góc màn hình để bật phụ đề tiếng Việt.

Nếu bạn muốn xem video gốc tiếng Anh với phụ đề tiếng Việt thay vì xem thuyết minh tiếng Việt,

hãy bấm vào thanh công cụ ngôn ngữ phía bên trên bên phải website, chuyển sang “English”.

Bài học tiếp theo sẽ trình bày một trong những kiến thức quan trọng nhất mà Chúa từng ban cho hội thánh qua nhà tiên tri Ellen G. White:

lịch sử và câu chuyện của chính Ma Quỷ,

thể nào hắn đã sa ngã từ vị thiên sứ rực rỡ Lu-xi-phơ – người mang ánh sáng, trở thành Satan – kẻ đối địch (của Đức Chúa Trời).

Việc nắm rõ về đối thủ chính của chúng ta cùng các chiêu trò hiểm độc của hắn

là tối quan trọng để chúng ta có thể giành chiến thắng trước hắn trên mọi mặt trận.

Đây sẽ là một trong những bài học mà hắn KHÔNG muốn bạn đọc nhất.

Vì vậy bạn hãy đọc nó bằng được, càng sớm càng tốt.

Vẫn chưa có bộ Tiên Tri Toàn Thư trong tay?

Lấy về trọn bộ Tiên Tri Toàn Thư MIỄN PHÍ tại đây »