Cha, Con và Thánh Linh

Tiên Tri Toàn Thư »

BÀI 6: CHA, CON VÀ THÁNH LINH

Dưới sự cai trị của tên hôn quân A-háp, đất nước Is-ra-ên đã rơi vào tình trạng bội đạo trầm trọng.

Bị xúi giục và thao túng bởi mụ hoàng hậu Giê-sa-bên, A-háp đã chuyển hướng cả nước sang thờ tà thần Ba-anh.

Dân Chúa dần dần không còn nhận biết được giữa YHWH và Ba-anh, ai mới là vị Đức Chúa Trời chân chính duy nhất của họ nữa.

Sau ba năm rưỡi cất bỏ mưa khỏi Is-ra-ên, cuối cùng YHWH đã có được sự chú ý của dân Ngài,

và Ngài sai nhà tiên tri Ê-li-gia đi đối mặt với A-háp và những tên thầy tế lễ tà thần Ba-anh của hắn.

“A-háp vừa thấy Ê-li-gia thì A-háp nói với ông:

‘Ông đây là kẻ gây rắc rối cho Is-ra-ên chăng?'” [11] I Các Vua 18:17.

Đối với A-háp, kẻ đang mang rối loạn đến cho mọi người chẳng phải là hắn, mà lại là Ê-li-gia!

“Ông nói: ‘Ta chẳng gây rắc rối cho Is-ra-ên đâu, mà thay vào đó là ngươi và nhà cha ngươi!

Vì các người đã từ bỏ các mạng lệnh của YHWH và đi theo các thần Ba-anh.

Và bây giờ, hãy sai người triệu tập lại ta toàn thể Is-ra-ên lên núi Cạt-mên, và bốn trăm năm mươi tiên tri Ba-anh, và bốn trăm tiên tri A-sê-ra, là những kẻ ăn tại bàn Giê-sa-bên.'” [11] I Các Vua 18:18-19.

Và rồi trước mặt toàn dân và đám tiên tri tà thần, Ê-li-gia nói:

“Hãy giao cho bọn ta hai con bò tơ, và chúng sẽ chọn cho mình một con bò tơ, và xả nó ra từng mảnh, và đặt lên củi, nhưng không bỏ lửa.

Ta cũng sẽ làm thịt một con bò tơ, và cho lên củi, nhưng không bỏ lửa.

Và hãy kêu cầu danh thần các ngươi đi!

Còn ta sẽ kêu cầu danh YHWH!

Và rồi Thần nào đáp lời bằng lửa, chính là Đức Chúa Trời!”

Và toàn dân đều trả lời và nói: “Lời ấy hay!” [11] I Các Vua 18:23, 24.

Cuộc quyết đấu bắt đầu.

Đám thầy tế lễ Ba-anh làm thịt con bò, kêu cầu Ba-anh, nhảy múa từ sáng đến trưa, mà chẳng thần nào đáp lời.

Lũ bịp bợm này sẽ sướng vui biết bao nếu chúng có thể làm thế nào đó lén bỏ được một mồi lửa vào tế lễ của mình.

Chỉ cần một ngọn lửa nhỏ bắt đầu bốc lên từ sinh tế thôi là chúng có thể lập tức thao túng đoàn dân Is-ra-ên bội đạo cùng xông vào giết chết Ê-li-gia tại chỗ.

Nhưng điều đó Ê-li-gia cũng hiểu rất rõ,

và ông đã chằm chằm canh chừng chúng đầy cảnh giác, khiến chúng không tài nào gian lận được.

Ông còn chế nhạo chúng rằng: “Gào to tiếng lên! Vì ‘ngài’ là thần cơ mà!

Vì ‘ngài’ đang ngẫm nghĩ, hoặc vì đang đi ngoài, hoặc vì ‘ngài’ đang đi đường chăng?

Có lẽ ‘ngài’ đang ngủ và sẽ tỉnh dậy!” [11] I Các Vua 18:27.

Đám thầy tế lễ tà thần càng kêu gào lớn hơn, lôi cả gươm giáo ra rạch mình chảy máu đầm đìa theo thói tục của chúng,

đến tận giờ dâng tế lễ thực phẩm buổi chiều vẫn chẳng có thần nào đáp lời hay quan tâm đến.

Và rồi, Ê-li-gia đứng dậy sửa soạn lại bàn thờ 12 tảng đá, làm thịt con bò và chất nó lên củi trên bàn thờ.

Rồi ông ra đào mương chung quanh, và ra lệnh múc đầy 4 vò nước lớn đổ lên củi và bàn thờ đến 3 lần, đến nỗi nước tràn đầy cả mương.

Và, nhà tiên tri cầu nguyện:

“YHWH Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Y-sác, và Is-ra-ên!

Hôm nay hãy được biết đến rằng: Ngài là Đức Chúa Trời trong Is-ra-ên, và con là đầy tớ Ngài, và bởi lời Ngài con đã làm mọi điều này.

YHWH! Hãy đáp lời con! Và dân này sẽ biết rằng Ngài là YHWH Đức Chúa Trời!

Và Ngài đã khiến trái tim họ quay trở lại!” [11] I Các Vua 18:36, 37.

“Và lửa của YHWH giáng xuống, và thiêu nuốt tế lễ thiêu, và củi, và đá, và bụi đất, hút cả nước trong mương!” [11] I Các Vua 18:38.

“Và toàn dân thấy thì sấp mặt mình xuống và nói:

‘YHWH chính là Đức Chúa Trời!

YHWH chính là Đức Chúa Trời!'” [11] I Các Vua 18:39.

Chỉ với một người, Đức Chúa Trời đã đánh bại toàn bộ đoàn quân tiên tri giả đông gần một nghìn tên và đem dân sự Ngài trở lại cùng Ngài.

Kinh Thánh cho biết Ê-li-gia sau đó đã không phải trải qua cái chết mà được đem thẳng lên Thiên Đường, đến với sự sống vĩnh cửu.

Ông chính là hình bóng cho thế hệ chiến binh cuối cùng của Chúa trong lịch sử nhân loại, được dấy lên trong linh của Ê-li-gia khi xưa để chiến đấu cho đến tận Ngày Tận Thế,

chống lại sự bội đạo và thờ phượng sai lạc tràn lan, trả lại cho toàn dân sự Ngài sự nhận biết chính xác danh tính của vị Đức Chúa Trời chân chính duy nhất.

1. Kinh Thánh dạy rằng ai mới là vị Đức Chúa Trời chân chính duy nhất?

[04] Giăng 17:3 Này là sự sống vĩnh cửu: rằng họ có thể nhận biết Cha là Ðức Chúa Trời chân chính duy nhất, và JESUS Christ, Đấng Cha sai đến.

Đây là lời từ chính miệng Chúa JESUS nói, thuộc Tân Ước,

để không ai có thể ngụy biện được rằng danh tính của vị Đức Chúa Trời duy nhất đã thay đổi khi từ Cựu Ước chuyển sang Tân Ước.

Không chỉ thế, Chúa JESUS còn thẳng thừng tuyên bố

việc tiếp nhận chân lý này, rằng vị Đức Chúa Trời duy nhất ấy chính là Cha, là điều hệ trọng liên quan đến sự sống vĩnh cửu.

[07] I Cô-rinh-tô 8:6 Nhưng đối với chúng ta: chỉ có một Đức Chúa Trời, là Cha.

Nhất quán xuyên suốt cả Cựu Ước lẫn Tân Ước, trước khi, trong khi và sau khi Chúa JESUS đi lại trên đất,

Kinh Thánh đều cho biết chỉ có một Đức Chúa Trời, và vị ấy chính là Cha.

Trong Kinh Thánh cũng chỉ tồn tại thuật ngữ “Đức Chúa Cha”/”Đức Chúa Trời Cha” (God the Father);

còn những thuật ngữ “Đức Chúa Con” (God the Son), “Đức Chúa Thánh Linh” (God the Holy Spirit), hay “Ba Ngôi” (Trinity) thì không hề xuất hiện dù chỉ một lần.

Chỉ có những bản dịch Kinh Thánh tiếng Việt lỗi, do dịch giả tin nhận nhầm giáo lý Ba Ngôi khi dịch đã tự tiện chỉnh sửa thuật ngữ Kinh Thánh mà thôi.

Trong thời của các Sứ Đồ, giáo lý ấy vẫn chưa hề xuất hiện, mà phải mãi về sau này nó mới được không ai khác ngoài chính thế lực Anti-Christ,

tức Tòa Thánh Công Giáo La Mã Vatican, bịa ra và rồi ấn định vào năm 325 sau Công Nguyên tại hội đồng Nicea, nhiều thế kỷ sau khi tất cả các sứ đồ đều đã chết sạch.

Giáo lý ba ngôi không phải là một Chân Lý quá màu nhiệm nên nằm ngoài khả năng hiểu được của con người đâu ạ.

Nó là một tà thuyết cố tình được thiết kế một cách khó hiểu

để giả thần giả thánh ra vẻ mình nguy hiểm, nhằm hù dọa người ta khỏi việc truy lùng ra tận gốc bản chất tà thuyết của nó mà thôi.

Nó và mọi dạng thức biến tướng khác nhau của nó, bao gồm cả giáo lý “đức chúa trời mẹ”,

đều có thể dễ dàng được vạch trần là tà thuyết mà không cần nhiều hơn hai câu Kinh Thánh này, [04] Giăng 17:3[07] I Cô-rinh-tô 8:6.

Sở dĩ các bản Kinh Thánh tiếng Việt hay dịch những thuật ngữ như “Con” thành “Đức Chúa Con”; dịch “Thánh Linh” thành “Đức Chúa Thánh Linh” hay “Đức Thánh Linh”,

là do các dịch giả Kinh Thánh người Việt đã vô tình tự tiện chèn tín lý Ba Ngôi của mình vào khi phiên dịch Kinh Thánh.

2. Vậy Chúa JESUS là ai?

[04] Giăng 3:16 Vì Ðức Chúa Trời yêu thương thế gian thế này: đến nỗi đã ban Con Trai Độc Sanh của Ngài,

để tất cả những ai tin vào Ngài ấy sẽ không bị hư mất, mà có sự sống vĩnh cửu.

[01] Ma-thi-ơ 16:15-17 Ngài (JESUS) phán với họ (các môn đồ):

“Còn các con thì bảo Ta là ai?”

Si-môn Phi-e-rơ trả lời, thưa:

“Ngài là Đấng Christ, Con Trai Đức Chúa Trời hằng sống!”

Và JESUS trả lời, phán với ông: “Phước cho con, Si-môn, con Giô-na!

Vì thịt và máu đã chẳng bày tỏ cho con đâu, mà là Cha Ta ở trên trời.

Chúa JESUS là Con Trai Độc Sanh của Đức Chúa Trời, là người Con Trai ruột duy nhất do Ngài đích thân sinh ra

theo đúng nghĩa đen của lời văn Kinh Thánh từ trước khi bất cứ gì được tạo dựng.

Ngài KHÔNG PHẢI là một tạo vật, như loài người được tạo ra từ đất bụi,

mà là một người Con Đẻ duy nhất được SINH RA từ chính bản thể của Đức Chúa Trời, từ cùng một chất liệu với Cha Ngài.

Xin hãy hiểu từ “Độc Sanh” theo đúng nghĩa đen của nó.

Từ này hoàn toàn KHÔNG CÓ NGHĨA là “được tạo dựng nên”.

Trái với loài người chúng ta, Đức Chúa Trời Toàn Năng không cần một Đức Chúa Trời Mẹ nào hỗ trợ cũng vẫn có thể sinh ra Con Trai Ngài như thường.

Bất chấp việc có những người, mặc dù tin một trinh nữ có thể sinh một con trai mà không cần chồng,

đã nhất quyết không chịu tin Đức Chúa Trời Toàn Năng, là chính Đấng đứng sau phép màu ấy,

có thể sinh một con trai mà không cần vợ, thậm chí còn nhạo báng vào năng lực ấy của Ngài.

Chính mối quan hệ Cha-Con ruột với Đức Chúa Trời là thứ mang lại cho Đấng Christ thần tính siêu việt như Cha Ngài,

vì cũng như cha hổ sinh ra con sẽ là hổ, cha người sinh ra con sẽ là người, thì cha thần sinh ra con sẽ là thần.

Đấng Christ là thần như Cha Ngài là thần chính vì Ngài là Con Ruột của Đức Chúa Trời, và là người Con Ruột duy nhất.

Toàn vũ trụ chỉ có 2 Đấng này là thần mà thôi.

Một Đấng nắm giữ cương vị Tối Cao “Đức Chúa Trời”, Đấng còn lại là Con Trai Ruột của Ngài,

bình đẳng với Cha vì có cùng một bản chất với Ngài (như bạn và bố bạn là hai con người bình đẳng vậy),

nhưng “Cha Ta vĩ đại hơn Ta”, theo lời Đấng Christ phán trong [04] Giăng 14:28, vì Cha vẫn là Nguồn Gốc của ngay cả Con Trai Ngài.

Nhiều người nhầm tưởng thần tính phải phụ thuộc vào độ cổ xưa của thời gian tồn tại, nhưng hoàn toàn không phải:

nó lại phụ thuộc hoàn toàn vào việc bố đẻ của bạn là ai, có phải là thần hay không.

Nếu Đức Chúa Trời ngay bây giờ lại sinh thêm một người con ngoài Chúa JESUS ra,

người con ấy mặc nhiên là thần như Cha mình, bất chấp việc chỉ vừa mới ra đời.

3. Nếu Chúa JESUS là thần chứ không phải Đức Chúa Trời, thì tại sao có nhiều chỗ trong các bản dịch Tân Ước tiếng Việt lại nói Chúa JESUS là Đức Chúa Trời?

Chúng ta cùng xem thử bằng bản tiếng gốc một câu như vậy:

[04] Giăng 1:1 …Lời (chỉ Chúa JESUS) đã ở cùng ton theon, và Lời là theos.

Từ “Thần” (god – theon) thứ nhất có tiền tố đích danh (the – ton) ở phía trước để chỉ một vị thần cụ thể, dịch là Đức Chúa Trời (THE God – ton theon).

Từ “Thần” thứ hai là “theos”, chỉ tính chất, chủng tộc, giống loài, và không hề có tiền tố đích danh ở đây, phải để nguyên là “Thần” mới chính xác.

Tương tự như nói

“Ê-va ở cùng Con Người (THE Adam), và Ê-va là người (adam – không có THE – vì từ adam trong tiếng Hê-bơ-rơ nghĩa là “người”).”

Câu “Lời đã ở cùng ton theon, và Lời là theos“ này dịch đúng phải là “Lời đã ở cùng Đức Chúa Trời, và Lời là Thần.”

Thì lại bị dịch thành: “Ngôi Lời ở với Đức Chúa Trời (dịch đúng), và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời (dịch sai).”

Trong tiếng Anh, dù có tiền tố đích danh hay không, các dịch giả Anh ngữ cũng đều dịch hết là “God”.

Cách dịch này thực ra không sai trong quy phạm tiếng Anh,

nhưng gây khó phân biệt khi nào thì đang chỉ về nhân vật “Đức Chúa Trời”, khi nào thì đang chỉ về bản chất “thần”, điển hình như tại cái câu [04] Giăng 1:1 này.

Đến khi các dịch giả tiếng Việt tham chiếu bản tiếng Anh để dịch Kinh Thánh sang tiếng Việt,

quả nhiên đã bị nhầm lẫn và đánh đồng hết thảy các từ này về thành một từ “Đức Chúa Trời”.

Và không chỉ ở câu này mà thôi, mà còn ở rất nhiều chỗ khác.

Ví dụ: [04] Giăng 10:33 “Ông là con người mà cho mình là Thần!”

Thì lại bị dịch thành: “Ông là con người mà cho mình là Đức Chúa Trời!”

Đây là những chỗ dịch sai ngữ pháp tiếng Hy Lạp một cách kinh điển, chỉ vì các dịch giả vốn đã đang đi theo giáo lý Ba Ngôi nên vô tình không để ý.

Một khi được đưa ra tham chiếu với bản tiếng gốc, những chỗ dịch sai này lập tức lộ rõ.

Các dịch giả cũng chỉ là con người, và nếu có mắc sai sót thì cũng không có gì là lạ cả.

Chúng ta nên thông cảm, và cảm tạ Chúa nhờ các đóng góp của họ,

dù có sai sót, vẫn đã cứu được rất nhiều người.

4. Thế tại sao trong [23] Ê-sai 9:6 lại gọi Đấng Christ là “Đức Chúa Trời Quyền Năng” và “Cha Đời Đời”?

Danh xưng “Đức Chúa Trời Toàn Năng” dịch đúng phải là “Thần Quyền Năng”, như đã giải thích ở trên.

Trong tiếng Hê-bơ-rơ của Cựu Ước, từ “thần” và “Đức Chúa Trời” đều cùng là một từ “Elohim”.

Còn danh xưng “Cha Đời Đời”: để một người được gọi là “cha”, người ấy chỉ cần có con cái.

Và quả thật, Chúa JESUS có rất nhiều con cái.

[19] Hê-bơ-rơ 2:13 (Chúa JESUS phán):

“Kìa, Ta và các con cái mà Đức Chúa Trời đã ban cho Ta.”

[07] I Cô-rinh-tô 15:45 Cũng như vậy, có lời chép: 

“Người đầu tiên là A-đam đã trở nên một linh hồn sống.”

Nhưng A-đam sau cùng (Chúa JESUS) thành một Linh làm cho sống.

Một trong những tên gọi của Chúa JESUS chính là A-đam (con người) thứ hai, hay A-đam sau cùng.

Vì cũng giống như A-đam đầu tiên là cha của cả loài người sa ngã, có những người con sinh ra theo bản tính sa ngã của ông,

thì A-đam sau cùng cũng là cha của cả nhân loại mới, có những người con sinh (lại) ra theo bản tính thiên thượng của Ngài.

Đức Chúa Trời đã sinh lại ra chúng ta về mặt thuộc linh qua Chúa JESUS Con Trai Ngài.

Đây mới là cách hiểu chính xác danh xưng “Cha đời đời”, chứ Kinh Thánh hoàn toàn không có ý muốn nói Chúa JESUS là chính Cha Ngài.

5. Vậy khi Chúa JESUS nói: “Ta và Cha là một” trong [04] Giăng 10:30, ý Ngài là gì?

[04] Giăng 17:22 (Chúa JESUS đang cầu nguyện) Và vinh quang mà Cha đã ban cho Con,

Con ban cho họ, để họ có thể là một như Chúng Ta là một.

Sự “là một” của các môn đồ được Chúa JESUS kỳ vọng là sẽ như sự “là một” giữa Cha Ngài và Ngài.

Vậy câu hỏi ở đây là: khi các môn đồ trở nên hiệp một, muôn người họ có nhập vào thành một người không,

hay mỗi người vẫn là những cá thể riêng biệt, nhưng có chung một tâm trí, một mục đích, một linh?

Đây mới là cách hiểu đúng của câu “Ta và Cha là một”:

Chúa JESUS và Cha Ngài có cùng một linh, cùng một phẩm cách, một tâm trí, một mục đích.

Không bao giờ có mâu thuẫn gì xảy ra giữa Ngài với Cha Ngài.

Hết sức lưu ý rằng: Chúa JESUS và Cha Ngài KHÔNG PHẢI là một Đấng, mà là hai Đấng riêng biệt hẳn hoi.

Một số người thích tin rằng:

Đức Chúa Trời đã sinh ra chính mình,

rồi sai chính mình đến thế gian

sống một cuộc đời vâng phục chính mình,

tôn vinh chính mình và hàng ngày cầu nguyện với chính mình,

gọi chính mình là Cha mình và gọi chính mình là Con mình,

và rồi trên thập tự đã phó thác linh của chính mình vào tay chính mình,

sau đó sống dậy, thăng thiên và ngồi bên tay phải chính mình,

chờ đợi cho đến khi chính mình đặt các kẻ thù của chính mình làm bệ chân của chính mình.

Nếu ai kiên quyết đòi tin vào cái mớ lộn xộn của Ba-by-lon này, hãy cứ tự vui sướng với chính mình thôi, nhưng xin hãy làm giúp tôi điều này:

đừng đặt thêm một quả cherry lên cái đống nghi ngút ấy bằng cách gọi những người không chịu tin giống như mình là “trái Kinh Thánh”.

6. Còn Thánh Linh, trước hết, Thánh Linh là gì?

[06] Rô-ma 8:9 Nhưng các bạn không ở trong xác thịt, mà ở trong Linh, nếu Linh của Đức Chúa Trời cư ngụ trong các bạn.

Còn nếu ai không có Linh của Đấng Christ, người ấy chẳng thuộc về Ngài.

[07] I Cô-rinh-tô 2:11 Vì ai trong loài người biết được những điều của một người, ngoại trừ linh của người ấy, thứ ở trong người?

Cũng vậy, những điều của Đức Chúa Trời cũng không ai biết được, ngoại trừ Linh của Đức Chúa Trời.

Thánh Linh là Linh của Đức Chúa Trời và cũng là Linh của Đấng Christ Con Trai Ngài.

Trong Kinh Thánh, mối quan hệ giữa “linh” của một người với người ấy cũng hoàn toàn tương tự mối quan hệ giữa “Linh” của Đức Chúa Trời và Đấng Christ với họ.

Cũng như “linh” của một người không phải là một ai khác ngoài người ấy, thì “Linh” của Đức Chúa Trời và Đấng Christ cũng không phải là một kẻ thứ ba nào đó ngoài họ ra.

7. Vậy Thánh Linh là ai?

[08] II Cô-rinh-tô 3:17 Chúa là Linh ấy, Linh của Chúa ở đâu, tự do sẽ ở đó.

[08] II Cô-rinh-tô 13:5 Các bạn không tự mình nhận biết rằng JESUS Christ đang ở trong các bạn, trừ phi các bạn là đồ bỏ đi?

Thánh Linh là chính Chúa JESUS đến ngự vào trong chúng ta.

Thánh Linh không phải một quầng năng lượng vô tri vô giác, nhưng cũng không phải là một ai đó vừa không phải Cha, cũng vừa không phải Con,

nhưng bằng cách nào đó vẫn là Đức Chúa Trời như giáo lý Ba Ngôi vẫn dạy.

Đồng ý rằng: Đức Chúa Trời có hai thân vị:

thân vị bản thể ngự trên ngai báu của Thiên Đường, và thân vị Linh được phóng ra ngoài thân thể Ngài đến khắp nơi;

Chúa JESUS cũng có hai thân vị:

thân vị bản thể ngồi bên phải Đức Chúa Trời, và thân vị Linh được phóng ra ngoài thân thể Ngài đến khắp nơi.

Và vì Linh của Đức Chúa Trời và Linh của Đấng Christ là một, đôi khi thuật ngữ dễ gây hiểu nhầm “thân vị thứ ba” được sử dụng để chỉ Thánh Linh,

nhưng chúng ta cần phải hiểu thuật ngữ ấy một cách chính xác:

Vẫn chỉ có HAI ĐẤNG ở đây, Cha và Con.

Thánh Linh không phải là một ai đó vừa không phải Cha, vừa không phải Con, nhưng bằng cách nào đó lại là Đức Chúa Trời.

Thêm vào đó, Chúa JESUS còn phán thế này:

[04] Giăng 14:10 Con không tin rằng Ta ở trong ChaCha ở trong Ta sao?

Tức là: Ngài luôn luôn có Cha Ngài ở trong Ngài.

Vì thế khi chúng ta tiếp nhận Chúa JESUS vào linh hồn mình, chúng ta nhận được cả Ngài lẫn Cha Ngài.

Đó mới là lý do vì sao Đấng Christ được gọi là Em-ma-nu-ên, nghĩa là “Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta”:

trong suốt hành trình Ngài đi lại trên đất, chính Đức Chúa Trời Cha Ngài đã ở trong Ngài mà đi lại giữa dân sự Is-ra-ên.

Mọi lời Ngài nói, mọi việc Ngài làm, đều là Cha Ngài ở trong Ngài đang phán, đang làm qua Ngài.

[04] Giăng 14:10 Những lời mà Ta phán với các con, Ta chẳng phán từ mình đâu, Cha, Đấng ngự trong Ta, Ngài thực hiện các công việc.

Đây cũng đồng thời là lý do vì sao Thô-mas, một trong mười hai sứ đồ, khi tận mắt nhìn thấy Chúa sống lại đã thốt lên:

“Chúa của con! Và Đức Chúa Trời của con!”

Ông không có ý nói Chúa JESUS là Đức Chúa Trời như nhiều người nhầm tưởng, vì chỉ có một Đức Chúa Trời là Cha Ngài,

mà có ý bày tỏ sự khuất phục và tiếp nhận chân lý mà Chúa JESUS không lâu trước đó vừa truyền tải cho ông:

rằng Đức Chúa Trời Cha Ngài vẫn luôn ở trong Ngài bấy lâu nay.

Và Thô-mas đang quỳ xuống xưng nhận cả 2 Đấng.

8. Thế còn Đấng An Ủi “khác” trong [04] Giăng 14:16 thì sao? Chẳng phải Đấng An Ủi là một Đấng “khác” với Chúa JESUS?

[04] Giăng 16:25 Những điều này Ta đã nói cho các con bằng ẩn dụ.

[04] Giăng 14:17, 18 Các con biết Ngài, vì Ngài đang ở bên các con, và sẽ ở trong các con.

Ta sẽ không để các con mồ côi đâu, Ta sẽ đến với các con.

[04] Giăng 14:23 Ai yêu mến Ta, người ấy sẽ vâng giữ lời Ta, Cha Ta sẽ yêu thương người,

Chúng Ta sẽ đến cùng người và lập chỗ ở cùng người.

Chúa JESUS có thói quen nói về chính Ngài như một người thứ ba không phải Ngài vậy,

đặc biệt là trong các ẩn dụ của Ngài, ví dụ như khi Ngài nói đến nhân vật “Đấng Chăn Chiên Nhân Lành”.

Với ẩn dụ về “Đấng An Ủi” cũng vậy.

Chúng ta chỉ cần đọc xuống các câu dưới, chính Chúa JESUS quả nhiên đã nói thẳng cho chúng ta biết Đấng An Ủi “khác” ấy chính là ai.

Ở câu 17: Đấng đang ở bên các môn đồ hiển nhiên là chính Chúa JESUS.

Ở câu 18: Đấng sẽ đến với các môn đồ là “Ta”.

Ở câu 23: “Chúng Ta” – mà ở đây là “Ta” và “Cha Ta” – sẽ đến và ở cùng người yêu mến và vâng lời Chúa.

Việc chúng ta cần phải hiểu rằng Thánh Linh chính là Chúa JESUS với Cha Ngài ở trong là vô cùng quan trọng:

chính Đấng đã đánh bại Ma Quỷ chỉ với một thân thể người phàm như của chúng ta, thấu hiểu thế nào là bị cám dỗ, đau đớn, đói khát, thống khổ,

chính Ngài là Đấng đang ở trong chúng ta, ban cho chúng ta chiến thắng trước Ma Quỷ và mọi cám dỗ của hắn tương tự như chiến thắng của Ngài.

Trong Kinh Thánh, tùy vào từng ngữ cảnh, từ “Thánh Linh” có thể đang chỉ Cha, hoặc Con, hoặc cả hai.

Ví dụ: “Thánh Linh” ngự trên Chúa JESUS tại lễ báp-tem của Ngài thì sẽ chỉ đơn thuần là Cha Ngài mà thôi,

nhưng “Thánh Linh” mà sau đó ngự trên các môn đồ trong sách [05] Công Vụ, thì sẽ là Con, với Cha Ngài ở trong Ngài.

9. Thế còn biết bao câu nhắc đến “Cha”, “Con”, và “Thánh Linh” thì sao?

Tiêu biểu như câu [01] Ma-thi-ơ 28:19? Chúng không phải là bằng chứng cho giáo lý ba ngôi sao?

[01] Ma-thi-ở 28:19 Hãy đi, môn đồ hóa mọi dân, báp-tem cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Linh.

Đầu tiên, hãy xem câu này cho chúng ta biết những gì, và KHÔNG cho chúng ta biết những gì.

Nó cho chúng ta biết:

– Có tồn tại “Cha”.

– Có tồn tại “Con”.

– Có tồn tại “Thánh Linh”.

Nó KHÔNG cho chúng ta biết:

– Mối quan hệ giữa “Cha”, “Con” và “Thánh Linh” là thế nào.

– Ai là Đức Chúa Trời.

– Thánh Linh có phải Đức Chúa Trời không.

– Từ “Đức Chúa Trời” thậm chí còn không xuất hiện trong câu này!

Việc trên đời này có tồn tại Cha, có tồn tại Con, và có tồn tại Thánh Linh, hoàn toàn không phải là điều phải bàn cãi.

Nhưng chỉ có từng đó mà đòi nói vống lên rằng Cha, Con và Thánh Linh là 3 Đấng riêng biệt,

đồng đẳng đồng vĩnh hằng, mỗi vị đều là Đức Chúa Trời, ba vị hợp lại thành một Đức Chúa Trời,

thì rõ ràng là TỰ TƯỞNG TƯỢNG ra vô số thứ mà câu văn không hề nói.

Đây chính là lý do vì sao tất cả các câu nào chỉ đơn thuần NHẮC ĐẾN “Cha”, “Con”, và “Thánh Linh” và các công tác được thực hiện qua từng chủ thể,

đều hoàn toàn không hề minh chứng cho giáo lý Ba Ngôi, và không thể được sử dụng làm bằng chứng cho giáo lý này.

Chỉ có cách diễn giải ngộ nhận, tự tưởng tượng ra những ý mà câu văn không hề nói là dẫn người ta đến giáo lý ấy mà thôi.

Một số người thậm chí còn lý luận rằng:

vì câu này nói là “nhân danh” chứ không phải “nhân các danh”, cho nên hẳn Cha, Con và Thánh Linh phải là một Ba Ngôi hiệp nhất có chung một danh (?!).

Nhưng chỉ cần chúng ta xem xét cách dùng từ chân phương của ngôn ngữ thôi,

ngay cả khi thuật ngữ này được sử dụng cùng danh từ số nhiều, “nhân danh” cũng không bao giờ phải chuyển thành “nhân các danh” cả.

Ví dụ:

[05] Nhị Luật 18:20 Nhưng nhà tiên tri nào cả gan nói lời gì nhân danh Ta mà Ta không truyền cho nó nói,

và kẻ nói nhân danh (số ít) các thần khác (số nhiều) thì chính kẻ tiên tri ấy sẽ chết.

Thêm vào đó, nhiều bản dịch Kinh Thánh tiếng Việt còn tự tiện thêm chữ “Đức” vào trước các từ “Thánh Linh”.

Việc thêm này ở nhiều chỗ sẽ không sai, vì Thánh Linh đúng là một Đấng cụ thể, là Chúa JESUS với Cha Ngài trong Ngài.

Tuy nhiên ở những chỗ như câu [01] Ma-thi-ơ 28:19 này,

việc tự ý thêm chữ “Đức” vào trước “Thánh Linh” sẽ dẫn đến cách hiểu sai lạc hoàn toàn rằng Thánh Linh là một vị thứ ba ngoài Cha và Con ra.

Việc áp dụng thủ đoạn lý luận trên để tự ý thêm từ vào Kinh Thánh nhằm cổ súy cho tà thuyết Ba Ngôi

chính là một thủ đoạn tối hiểm độc và láu cá của Ma Quỷ, mà chúng tôi vô cùng hân hạnh được vạch mặt tại đây.

Bản dịch Kinh Thánh Đa Số tiếng Việt xin được loại bỏ trò tự tiện thêm thắt từ ngữ vào Lời Chúa này,

và để nguyên tất cả các từ “Thánh Linh” là “Thánh Linh” như bản thảo gốc Majority Text (Đa Số) của Lời Chúa.

Cũng cần lưu ý rằng một số người chống lại giáo lý ba ngôi, nhưng chưa biết rằng

câu [01] Ma-thi-ơ 28:19 này hoàn toàn không hề chứng minh giáo lý ấy như thế nào, khi không biết cãi lại nó ra sao, đã vu cho Kinh Thánh là đã bị cạo sửa ở đây.

Quan điểm ấy cũng hoàn toàn sai lạc.

[19] Thi Ca 12:6-7 Lời của YHWH là lời thanh sạch,

Là bạc luyện trong lò đất,

Tinh luyện bảy lần.

Ngài, YHWH, sẽ gìn giữ chúng.

Ngài sẽ bảo vệ chúng khỏi dòng giống này, mãi mãi.

Lời của Đức Chúa Trời, tức Kinh Thánh, đúng là đã bị dòng giống những kẻ gian ác khắp chiều dài lịch sử loài người tìm cách tấn công, cạo sửa và tiêu diệt,

nhưng vẫn đã được Ngài bảo vệ nguyên vẹn cho đến ngày nay, đúng như lời tuyên bố trong chính hai câu trên.

Bất cứ ai bảo rằng một bản Kinh Thánh là đã bị cạo sửa, phải trình ra được bản Kinh Thánh chuẩn và chứng minh tính chuẩn xác của nó bằng bằng chứng và lý luận rõ ràng,

hoặc chính đang vu cáo cho Chúa là đã không bảo vệ được nguyên vẹn Lời của Ngài như Lời ấy đã tuyên bố.

Để nắm chắc được vì sao bản thảo Majority Text chính là bản sao chuẩn xác của bản gốc mà YHWH đã tuyên bố sẽ gìn giữ,

các bạn có thể tham khảo video ngay đầu tab “Kinh Thánh Đa Số” truy cập tại thanh công cụ menu trên đầu website.

10. Nếu Cơ Đốc nhân chấp nhận giáo lí Ba Ngôi, và tin rằng ngoài Cha và Con ra, còn có một người thứ ba nữa, điều lô-gíc tiếp theo sẽ xảy ra là gì?

Trích sách “Đức Chúa Trời Ba Ngôi”,

tác giả Jerry A. Moon, John W. Reeve, Woodrow W. Widden II thuộc hội thánh Seventh-day Adventist, một hội thánh Tin Lành/Cải Chánh giáo lấy Kinh Thánh làm tôn chỉ, trang 273:

“Sự hợp nhất về bản chất và phẩm cách của ba thân vị trong Đức Chúa Trời dấy lên câu hỏi rất hợp lý về việc cầu nguyện, ca ngợi và thờ phượng

Nhưng việc cầu nguyện trực tiếp với Thánh Linh thì sao?

Mặc dù chúng ta không có ví dụ nào hay mệnh lệnh nào để cầu nguyện với Thánh Linh trong Kinh Thánh, việc làm vậy, về mặt nguyên tắc, có vẻ được Kinh Thánh ngầm ủng hộ…

Việc dân Chúa có thể cầu nguyện và thờ phượng Thánh Linh có vẻ là điều lô-gic.”

Điều chúng ta có ở đây, là ba trong số những lãnh đạo của một trong các giáo hội Tin Lành tự xưng là ráo riết làm theo Kinh Thánh nhất ngày nay,

tư vấn dân sự của hội thánh rằng họ có thể cầu nguyện lên, thậm chí thờ phượng một chủ thể

mà họ tin rằng vừa không phải Cha, cũng vừa không phải Chúa JESUS con trai Ngài,

bất chấp việc chính họ thừa nhận điều đó HOÀN TOÀN KHÔNG CÓ CƠ SỞ KINH THÁNH.

Vì sao họ lại đưa ra lời tư vấn ấy?

Rất dễ hiểu, họ đã bị đầu độc bởi cái giáo lý Ba Ngôi trên.

Đúng là, nếu chúng ta chấp nhận giáo lý ấy, việc cầu nguyện và thờ phượng “Đức Chúa Thánh Linh” cũng là điều vô cùng hợp lý thôi.

11. Nếu chúng ta chấp nhận cái giáo lý Ba Ngôi này, nhưng không thờ phượng hay cầu nguyện với ai ngoài Cha và Chúa JESUS thì có được không?

[04] Giăng 4:23 Những người thờ phượng chân chính sẽ thờ phượng Cha bằng linh và chân lý.

Chúa chưa bao giờ chấp nhận cho các con Ngài thỏa hiệp với những giáo lý trái Kinh Thánh cả.

Chưa nói đến việc làm sai lệch chân lý, chỉ nói riêng việc thờ phượng của Cơ Đốc nhân vốn luôn được cử hành bằng linh và chân lý không thôi:

nếu chúng ta chấp nhận một người thứ ba không phải Cha cũng không phải Con làm Thần của mình, tâm linh ta đã tự động thờ phượng nhân vật này luôn rồi.

Đây là định luật bất di bất dịch của việc thờ phượng, áp dụng cho tất cả mọi thứ trên đời:

bất kỳ cái gì mà ta coi là Đức Chúa Trời, hay coi là Tối Cao trong tâm trí mình, đều tự động nhận lãnh sự thờ phượng của ta.

Dù là thần tượng, hay sự nghiệp, hay tiền tài, hay danh vọng, hay cái gì đi chăng nữa.

12. Giả sử tâm linh chúng ta thờ một chủ thể vừa không phải Cha cũng vừa không phải Chúa JESUS, trong cả vũ trụ này,

kẻ nào là kẻ sẽ lập tức nhảy vào vui hưởng sự thờ phượng ấy?

[01] Ma-thi-ơ 4:8, 9 Ma Quỷ lại đem Ngài lên đỉnh núi cao, và chỉ cho Ngài thấy tất cả các vương quốc trên thế gian với sự huy hoàng của chúng,

và nói: “Nếu ngươi sấp mình thờ lạy ta, ta sẽ cho ngươi tất cả những thứ này.”

Trong cả vũ trụ, chỉ có một kẻ vừa không phải Cha cũng chẳng phải Con mà lại thèm muốn địa vị của họ và muốn nhận lãnh sự thờ lạy mà thôi.

Thêm một định luật nữa trong việc thờ phượng:

mọi sự thờ phượng nằm ngoài khuôn khổ Kinh Thánh, đều tự động bị Satan nhảy vào thụ hưởng.

Và trong cả Kinh Thánh, các thiên sứ, các thánh đồ cũng như các sinh vật chỉ thờ phượng duy nhất Đức Chúa Trời một cách trực tiếp,

hoặc gián tiếp thông qua thờ phượng Chúa JESUS Con Trai Ngài mà thôi (Đấng Ngự trên Ngôi và Chiên Con – [27] Mặc Khải 5:13),

không hề có sự thờ phượng bất cứ một bên thứ ba nào khác ngoài họ nữa.

Xem thêm phụ lục “Chúa JESUS có thẩm quyền nhận lãnh sự thờ phượng không?

Có quá nhiều lợi ích cho Satan trong việc lừa dối chúng ta tin vào cái giáo lý Ba Ngôi không hề có trong Kinh Thánh này.

Hắn vừa nhận được sự cầu nguyện, vừa nhận được sự thờ phượng, vừa có thể giả mạo “người thứ ba” để lừa dối và thao túng con người,

thậm chí thực thi cả những phép màu dấu lạ để lôi kéo đông người đi lạc lối.

13. Vậy việc tiếp nhận giáo lý Ba Ngôi vi phạm trực tiếp mạng lệnh nào của Đức Chúa Trời?

[02] Xuất Hành 20:3 Con chớ có thần nào khác trước mặt Ta.

Rất may là chúng ta được cứu nhờ ăn năn tin nhận và đầu phục Chúa JESUS chứ không phải nhờ tuân giữ luật pháp,

nên vẫn có nhiều người vô tình vi phạm mạng lệnh này vẫn được cứu, vì họ chưa bao giờ có cơ hội tìm hiểu,

chỉ có thể hết lòng bước theo Chúa trong lượng ánh sáng mà mình nhận được mà thôi.

14. Tuy nhiên, nếu đã có cơ hội tìm hiểu rồi

mà không tiếp nhận chân lý, cố chấp tin theo điều giả dối và cố tình vi phạm mạng lệnh của Đức Chúa Trời, thì có được cứu không?

[14] II Tê-sa-lô-ni-ca 2:8-12 Và bấy giờ kẻ vô pháp ấy sẽ hiển lộ…kẻ mà sự xuất hiện đến là theo sự vận hành của Sa-tan,

với tất cả quyền năng và các dấu lạ và các phép màu giả dối, và với mọi trò lừa bịp của sự bất chính nơi những kẻ hư mất,

tương ứng với việc chúng không tiếp nhận tình yêu Chân Lý để chúng được cứu rỗi.

Và bởi điều này, Đức Chúa Trời sẽ gửi đến chúng sự lầm lạc mạnh mẽ, để chúng tin vào điều giả dối,

 để tất cả những kẻ không tin Chân Lý, nhưng vui thích nơi sự bất chính đều có thể bị kết án.

[06] Rô-ma 1:21, 22 Vì dù đã biết, họ không tôn vinh hay cảm tạ Đức Chúa Trời như là Đức Chúa Trời,

nhưng trở nên viển vông với tưởng tượng của mình, và trái tim ngu muội của họ bị tăm tối lại.

Tự xưng mình là khôn ngoan, họ đã trở nên điên dại.

Xin hãy xem thêm phụ lục “Tội không thể tha “báng bổ đến Thánh Linh” là tội gì? để nắm rõ hơn hành vi cố tình cương quyết không chịu ăn năn để vâng phục chân lý là nguy hiểm như thế nào.

15. Đấng đã chết thay cho chúng ta trên thập tự thực sự đã là người Con Trai của Đức Chúa Trời theo đúng nghĩa đen!

Vậy là một người Cha, vị Đức Chúa Trời Chân Chính Duy Nhất, đã thực sự phải hy sinh người Con Ruột duy nhất mà Ngài yêu còn hơn chính bản thân mình, để cứu chúng ta.

Nếu việc phải hy sinh con mình còn là điều đáng sợ hơn cả phải hy sinh tính mạng mình ngay cả đối với những người phàm tội lỗi như chúng ta,

thì điều ấy sẽ còn khủng khiếp đến như thế nào đối với chính vị Thần của Tình Yêu Thương?

Chén mà Cha đã phải uống tại thập tự giá thực chất còn đắng hơn chén của Con Trai Ngài.

“Tình yêu Cha cho chúng ta thật lớn

Rộng sâu thật không thể đo lường

Khi Ngài hy sinh cả Con Trai Ruột

Thân nát huyết tàn Đấng Yêu Thương.

Nỗi đau thấu tâm Cha ôi thật lớn

Mặt trời quay đi khỏi cảnh tượng

Khi những vết thương trên Người Được Chọn

Đem bao con cái đến vinh quang!”

Giờ là thời khắc của sự thật.

Hãy tự trả lời cho chính mình:

Liệu giáo lý ba ngôi và tất cả các dạng thức của nó có thể nào bằng bất cứ cách gì sống sót nổi 2 câu Kinh Thánh thẳng thừng này không:

[04] Giăng 17:3 Này là sự sống vĩnh cửu:

rằng họ có thể nhận biết Cha là Ðức Chúa Trời chân chính duy nhất, và JESUS Christ, Đấng Cha sai đến.

[07] I Cô-rinh-tô 8:6 Nhưng đối với chúng ta: chỉ có một Đức Chúa Trời, là Cha.

Vậy bạn đã sẵn sàng từ bỏ tà thuyết trái Kinh Thánh ấy

để đi theo Đức Chúa Trời Chân Chính Duy Nhất và Con Trai Độc Sanh của Ngài

ngay cả khi điều ấy đi ngược lại tín lý hệ phái của hội thánh bạn chưa?

Phụ lục

I. Chúa JESUS có thẩm quyền nhận lãnh sự thờ phượng không – phần 1: lời chứng của Kinh Thánh.

Một số người không muốn thờ Chúa JESUS, đứng trước vô vàn phân đoạn người ta thờ lạy Ngài,

đã biện luận rằng cái từ được dịch ra là “thờ lạy” còn có thể cắt nghĩa đơn thuần là hành động “sấp mình xuống” trước một đối tượng khác, chứ chưa nhất thiết đã phải là “thờ lạy”,

rồi họ lấy ví dụ về những trường hợp sấp mình xuống trước vua chúa trong Kinh Thánh.

Lập luận này có chính xác không?

Hãy xem từ điển Lexicon nói gì về hai từ được dịch ra là “thờ lạy”:

– Từ “Prokuneo” trong tiếng Hy Lạp: quỳ gối trán chạm đất.

– Từ “Shachah” trong tiếng Hê-bơ-rơ: sấp mình.

Đặc biệt trong tiếng Hê-bơ-rơ là ngôn ngữ tượng hình,

ta còn có thể thấy rõ, từ “shachah” là từ ghép của 3 chữ:

“sheen” (hình hàm răng, nghĩa là hạ xuống),

“chet” (là hình hàng rào hoặc bức tường bảo vệ, một chỗ trú ẩn, thánh địa)

và “hey” (là hình hai tay dang rộng hướng lên trên, để nhìn lên, để tuân phục).

Ba chữ này: hạ mình xuống giao phó bản thân vào vòng tay bảo vệ của một ai và thuận phục tuyệt đối Đấng ấy, chính là nghĩa đầy đủ của cái từ mà chúng ghép lại thành:

cái từ vẫn được dịch ra là “sấp mình” hay “thờ lạy”.

Và đây là việc chỉ được phép làm với YHWH!

Trong các bản dịch Kinh Thánh,

dù các dịch giả dịch từ này ra là “thờ lạy” hay “sấp mình” hay “thờ phượng”, thì cũng đều chỉ là cùng một nghĩa trên mà thôi.

Đây là lý do vì sao việc Is-ra-ên xin một vua để phải sấp mình xuống với vua đó là một trọng tội trước mặt Đức Chúa Trời:

Ngài đã đang là vị Vua của họ mà họ phải sấp mình thờ lạy và tuân phục rồi ([09] I Sa-mu-ên 8:6-7).

Đúng là Kinh Thánh có rất nhiều trường hợp người ta sấp mình xuống trước vua chúa loài người, nhưng điều ấy chưa bao giờ là đẹp lòng Đức Chúa Trời cả.

Không có một con người nào là được Đấng Tạo Hóa tạo dựng để sấp mình xuống trước một con người khác.

Vặn vẹo rằng “sấp mình không phải là thờ lạy”, là một lập luận rất nực cười đến từ việc thiếu kiến thức tiếng gốc, cắt nghĩa từ sai.

Và nếu Chúa JESUS không được quyền nhận lãnh sự thờ lạy, thì khi người ta thờ lạy Ngài, Ngài sẽ cản họ lại ngay,

như một vị thiên sứ đã hai lần cản sứ đồ Giăng lại, không để ông thờ lạy mình trong [27] Mặc Khải 19:10[27] Mặc Khải 22:9.

Cho nên để trả lời câu hỏi “chúng ta có thờ lạy Chúa JESUS không”, chúng ta chỉ cần xem xem liệu Chúa JESUS có điềm nhiên nhận lãnh sự thờ phượng hay không.

1) Các thiên sứ có thờ lạy Chúa JESUS không?

[19] Hê-bơ-rơ 1:6 Nhưng lại nữa, khi đưa Con Trưởng vào thế gian, Ngài (Đức Chúa Trời) phán:

“Và tất cả các thiên sứ của Đức Chúa Trời hãy thờ lạy Ngài ấy!”

Và hiển nhiên là các thiên sứ ấy đều vô cùng vui sướng mà tuân phục mệnh lệnh này của Đức Chúa Trời.

Thực ra chỉ cần đến đây là cuộc tranh luận đúng ra có thể khép lại được luôn rồi,

vì vấn đề cốt lõi của việc thờ phượng không nằm ở các chủ thể thực hiện sự thờ phượng, như loài người hay thiên sứ,

mà nằm ở chủ thể NHẬN LÃNH sự thờ phượng:

Nếu Chúa JESUS đã nhận sự thờ phượng của các thiên sứ, điều đó đương nhiên có nghĩa Ngài là chủ thể hợp lệ để nhận lãnh sự thờ phượng của tất cả mọi tạo vật.

Nhưng chúng ta cứ cùng xem nốt Chúa JESUS có nhận lãnh sự thờ phượng từ loài người không.

2) Con người có thờ lạy Chúa JESUS không?

Tân Ước chứa vô số lần hết người này đến người kia thờ lạy Chúa JESUS, và Ngài điềm nhiên nhận lãnh.

Sau đây là ba ví dụ:

Trước khi Chúa JESUS lên thập tự giá:

[01] Ma-thi-ơ 14:33 Còn những người ở trên thuyền thì đến thờ lạy Ngài, nói: “Ngài đúng là Con Trai Đức Chúa Trời rồi!”

Sau khi Chúa JESUS hồi sinh:

[01] Ma-thi-ơ 28:9 Khi họ đang đi báo tin cho các môn đồ Ngài, thì kìa, JESUS gặp họ, phán: “Chào mừng!”

Họ đến gần, ôm chân Ngài và thờ lạy Ngài.

Sau khi Chúa JESUS thăng thiên:

[27] Mặc Khải 5:13-14 Và tôi nghe mọi tạo vật ở trên trời, và trên đất, và bên dưới đất, và những gì ở trong biển, và tất cả những gì ở trong chúng, nói:

“Thuộc về Đấng ngồi trên ngai, và thuộc về Chiên Con

Là chúc tụng, và tôn trọng, và vinh quang, và quyền năng,

Cho đến mãi mãi! A-men!”

Và bốn sinh vật đều nói: “A-men!”

Và các trưởng lão phủ phục và thờ lạy.

Đó là còn chưa kể đến vô số lần trong Cựu Ước, một vị “thiên sứ của YHWH” xuất hiện,

và rồi được gọi là YHWH luôn ngay sau đó, điềm nhiên nhận lãnh sự thờ phượng của loài người.

[07] Thẩm Phán 6:11, 14thiên sứ của YHWH đến và ngồi dưới cây thông ở Óp-ra…

YHWH quay lại chàng và phán.

[06] Giô-suê 5:13-14 Và rồi khi Giô-suê đang ở gần Giê-ri-cô thì ông ngước mắt mình lên và nhìn, và kìa:

một người đứng trước mặt ông, và gươm Ngài rút ra trong tay Ngài,

và Giô-suê đi đến Ngài và nói với Ngài:

“Ông phe chúng tôi hay phe kẻ địch chúng tôi?” 

Và Ngài phán: “Chẳng phải. Nhưng bây giờ Ta đến, chỉ huy quân đội của YHWH.”

Và Giô-suê sấp mặt mình xuống đất và thờ lạy, và thưa với Ngài:

Chúa của con phán gì cho đầy tớ Ngài ạ?”

[26] Giu-đe 9 Ngay cả thiên sứ trưởng Mi-ca-ên khi tranh chấp với Ma Quỷ, tranh luận về xác của Mô-se, đã không dám mang lời báng bổ phán xét,

nhưng đã nói: “Nguyện Chúa quở trách ngươi.”

Vị tổng chỉ huy quân đội của YHWH đang điềm nhiên nhận lãnh sự thờ phượng này không ai khác chính là Con Trai Độc Sanh của Đức Chúa Trời,

mà trong Cựu Ước, khi Ngài chưa mang danh JESUS lên mình, vẫn được biết đến với cái tên Thiên Sứ Trưởng Mi-ca-ên, tức là “Đấng giống Đức Chúa Trời” – Godlike.

Hết sức lưu ý rằng “thiên sứ” hay “thiên sứ trưởng” không phải là những từ để chỉ một chủng tộc tạo vật nào đó như nhiều người vẫn nhầm tưởng,

mà chỉ đơn thuần là những từ để chỉ các chức vụ: sứ giả và tổng chỉ huy các sứ giả.

Việc Chúa JESUS đảm trách các chức vụ này không hề có nghĩa Ngài phải là một tạo vật.

Đức Chúa Trời vẫn hoàn toàn có thể tấn phong chúng cho người Con Trai Độc Sanh thần thánh của Ngài mà chẳng mảy may làm suy suyển thần tính của người Con Trai ấy.

Chúa JESUS vẫn cùng “loài” Thần với Cha Ngài như Ê-va vẫn cùng loài người với A-đam.

3) Chính Chúa JESUS phán thế nào? Thờ phượng Chúa JESUS thực chất là thờ phượng Ai?

[04] Giăng 5:23 “Mọi người phải tôn kính Con như họ tôn kính Cha.

Người không tôn kính Con là không tôn kính Cha, Ðấng đã phái Ngài.

[07] I Cô-rinh-tô 15:28 Khi tất cả đã quy phục Ngài,

bấy giờ chính Ngài là Con Trai cũng sẽ quy phục Đấng quy phục tất cả dưới Ngài,

để Đức Chúa Trời là tất cả trong tất cả.

Kế hoạch của Đức Chúa Trời là để mọi vật quy phục Con Trai Ngài, và để Con Trai Ngài quy phục Ngài.

Đây là một trong những lý do vì sao việc từ chối thờ phượng Con Trai Đức Chúa Trời là một sự chống nghịch hết sức nghiêm trọng ý muốn của Ngài.

Mọi sự thờ phượng Con Trai Đức Chúa Trời thực chất chính là thờ phượng Đức Chúa Trời là Đấng ở trong Con Trai ấy. [04] Giăng 14:10.

Cha vẫn là Đấng cuối cùng nhận lãnh mọi sự thờ phượng, dù trực tiếp, hay gián tiếp qua Con Trai Ngài.

Chúa JESUS hiển nhiên nhận lãnh sự thờ phượng từ đầu đến cuối Kinh Thánh:

từ thời Cựu Ước, đến khi Ngài đang đi lại trên mặt đất, đến sau khi Ngài phục sinh và thăng thiên, đến tương lai sau này tại trời mới đất mới, khi tội lỗi và tội nhân không còn nữa.

Mọi thẩm quyền trên trời dưới đất, bao gồm cả thẩm quyền thay mặt Cha tha thứ tội lỗi, lẫn thay mặt Cha nhận lãnh sự thờ phượng,

tất cả, đều đã được ban cho Chúa JESUS. [01] Ma-thi-ơ 28:18.

Thờ phượng Ngài chính là thờ phượng Đức Chúa Trời, Cha Ngài.

II. Tiếng lạ.

Trước khi bàn về ân tứ nói tiếng lạ, mình xin có lời mở đầu rằng ý định của mình hoàn toàn không phải để gây xấu hổ cho bất cứ anh em nào trong Chúa.

Vấn đề là, có một số hiểu lầm về ân tứ đặc biệt này của Thánh Linh trong nhiều hội thánh, được ban cho hội thánh khi Thánh Linh tuôn đổ xuống họ, bắt đầu từ lễ Ngũ Thập trong [05] Công Vụ 2.

Lễ Ngũ Thập là một kì lễ của người Do Thái được tổ chức 50 ngày sau ngày dâng bó lúa đầu mùa.

Những người Do Thái tin kính từ khắp thế giới đều đổ về Giê-ru-sa-lem để thờ phượng.

Qua Thánh Linh, Đức Chúa Trời đã ban ân tứ nói tiếng lạ cho các môn đồ để họ rao giảng Tin Lành cho những người nói đủ các thứ tiếng khác nhau này.

Những người tin nhận trong số họ sau đó có thể mang Tin Lành trở về lan truyền nơi họ sinh sống.

Có người cho rằng thứ tiếng lạ từ Thánh Linh là “ngôn ngữ của Thiên Đường”, chỉ những ai có ân tứ phiên dịch mới có thể hiểu được.

Nhưng Kinh Thánh cho thấy rất rõ ràng cả các môn đồ lẫn những người đứng nghe giảng đều hiểu được họ đang nói gì.

[05] Công Vụ 2:11 Chúng ta đều nghe được họ nói bằng ngôn ngữ chúng ta những việc vĩ đại của Đức Chúa Trời.

Cụ thể ở đây là “những việc vĩ đại của Đức Chúa Trời.”

Trong cả Kinh Thánh, chỉ có ba ví dụ về ân tứ nói tiếng lạ.

Chúng ta vừa xem xét ví dụ đầu tiên, giờ đến trường hợp thứ hai, khi Phi-e-rơ rao giảng Tin Lành cho Cọt-nây và gia đình ông.

[05] Công Vụ 10:44-46 Khi Phi-e-rơ vẫn còn đang nói những lời này, Thánh Linh đã giáng trên mọi người đang nghe lời ấy.

Và những người đã được cắt bì, tất cả những người đi cùng với Phi-e-rơ, đều kinh ngạc vì quà tặng Thánh Linh cũng được tuôn đổ trên các dân ngoại.

Vì bọn họ nghe được họ nói các ngôn ngữtôn ngợi Đức Chúa Trời.

Cọt-nây là một người Ý. [05] Công Vụ 10:1. Trong khi Phi-e-rơ là một người Do Thái.

Lịch sử cũng cho chúng ta biết rằng những người làm đầy tớ trong phủ của một quan chức La Mã, bao gồm những người được cử đi mời Phi-e-rơ, có thể đến từ bất kì đâu trên thế giới.

Và thế là, có một sự đa dạng đáng kể rất nhiều thứ ngôn ngữ trong buổi truyền giảng này.

Tuy nhiên sau đó, khi Thánh Linh ngự trên Cọt-nây và người nhà của ông, những người được cử đi mời Phi-e-rơ có thể hiểu được họ nói bằng những ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ.

Họ đã “tôn ngợi Đức Chúa Trời” bằng những ngôn ngữ này.

Khi trở về báo cáo sự tình với các lãnh đạo của hội thánh tại Giê-ru-sa-lem, Phi-e-rơ nói, “Thánh Linh đã giáng trên họ cũng như trên chúng ta lúc đầu.”

[05] Công Vụ 11:15 nhấn mạnh.

Cọt-nây và người nhà đã nhận được ân tứ nói tiếng lạ giống hệt như các môn đồ trong ngày lễ Ngũ Thập.

Họ đã nói những ngoại ngữ có thể hiểu được.

Trường hợp thứ ba là khi Phao-lô rao giảng cho 12 người ở thành Ê-phê-sô.

[05] Công Vụ 19:6 Thánh Linh đến trên họ, và họ nói các ngôn ngữnói tiên tri.

Phao-lô là người có học vấn cao nhất và từng đi đến nhiều quốc gia nhất trong các sứ đồ, biết nói rất nhiều ngoại ngữ. [07] I Cô-rinh-tô 14:18.

Khi Thánh Linh ngự trên 12 người này, Phao-lô và Lu-ca có thể hiểu được họ đang nói tiên tri bằng những ngôn ngữ mà trước đó những người này chưa từng biết.

Cả ba ví dụ về nói tiếng lạ tìm thấy trong Kinh Thánh đều là nói những ngoại ngữ, những ngôn ngữ có nghĩa có thể hiểu được.

Tiếng lạ hoàn toàn không phải là phát ra những thanh âm vô nghĩa chính mình không hiểu.

Ân tứ nói tiếng lạ được ban cho chúng ta là để vượt qua rào cản ngôn ngữ trong việc rao giảng Tin Lành, đem tội nhân về với Chúa,

chứ không phải là để tạo sự phấn khích, để thể hiện hay để khoe mình với ai cả.

Một tác giả sách Cơ Đốc nổi tiếng đã bình luận về vấn đề này như sau:

‘Một số người trong những người này đã thực hành những thứ mà họ gọi là các ân tứ và bảo rằng Chúa đã đặt để chúng trong hội thánh.

Họ có một thứ nói lảm nhảm vô nghĩa mà họ gọi là tiếng lạ, thứ không chỉ lạ đối với loài người mà còn với Chúa và với cả thiên đường nữa.

Những ân tứ như vậy là được sản xuất ra bởi những người đàn ông và đàn bà, được trợ giúp bởi Kẻ Đại Bịp.

Sự cuồng tín tôn giáo, sự phấn khích giả, nói tiếng lạ giả, và những sự thực hành ồn ào đã được coi là các ân tứ mà Đức Chúa Trời đã đặt để trong hội thánh.

Một số người đã bị lừa dối ở đây.

Bông trái của toàn bộ trò này đã không hề tốt lành.

“Các con sẽ nhận biết được chúng bởi bông trái của chúng.”

Sự cuồng tín và ồn ào đã được coi là những bằng chứng đặc biệt của đức tin.’

{Lời chứng cho hội thánh (Testimonies for the church) quyển 1, 412.1}

Mình kêu gọi bất cứ ai đang nói tiếng lạ theo kiểu vô nghĩa, hãy tin tưởng Chúa đủ để dâng lên Ngài lời cầu nguyện rằng:

nếu nó đúng là không đến từ Ngài theo như những lời này trình bày, thì xin Ngài hãy lấy nó đi khỏi con.

Nguyện Chúa tưởng thưởng thật hào phóng cho những người con nào của Ngài luôn biết bước đi khiêm nhường, chẳng màng đến dù là sĩ diện,

để cứ làm sao làm theo điều gì là đúng và đẹp lòng Ngài.

III. Tội không thể tha “báng bổ đến Thánh Linh” là tội gì?

Trong [01] Ma-thi-ơ 12:31, Chúa JESUS có phán như sau:

“Mọi tội lỗi và báng bổ đều sẽ được tha cho loài người, nhưng sự báng bổ đến Linh sẽ chẳng được tha cho loài người đâu.”

Chúng ta có thể phạm mọi thứ tội mà vẫn có thể được cứu, trừ cái tội “báng bổ đến Thánh Linh” này.

Vậy rốt cuộc thế nào là “báng bổ đến Thánh Linh”?

Để có thể hiểu được điều này, chúng ta trước hết cần phải hiểu rõ một trong những vai trò quan trọng nhất của Thánh Linh.

[04] Giăng 16:8, 13 Khi Ngài (Thánh Linh) đến, Ngài sẽ cáo trách thế gian về tội lỗi, và về sự công chính, và về sự phán xét…

Ngài sẽ dẫn các con vào mọi chân lý.

Vậy, vai trò chính của Thánh Linh trên thế gian này là cáo trách con người về tội lỗi của họ và hướng họ đến với chân lý,

cụ thể là đến với Chúa JESUS và trở về với Đức Chúa Trời Cha Ngài, và cũng là Cha chúng ta.

Báng bổ với Thánh Linh do vậy không phải là lỡ mồm buông lời xúc phạm Chúa trong cơn ngu dốt (bởi tội đó vẫn có thể được tha),

mà thực ra về mặt bản chất là tội liên tục chống cự lại chân lý mà Đức Chúa Trời đã qua Thánh Linh của Ngài truyền đạt đến tận lương tâm,

dẫn đến kết quả cuối cùng là một sự chối bỏ mang tính chung kết với thánh ý của Đức Chúa trời ([19] Hê-bơ-rơ 10:26, 27).

Một học giả Kinh Thánh nổi tiếng đã kết luận lại thế này:

‘Tội báng bổ với Thánh Linh chẳng nằm ở một hành vi hay lời nói bất chợt;

nó là sự chống cự một cách kiên quyết và vững chắc sự thật và bằng chứng.’

{Bản thảo 30, tháng 3 năm 1890, đoạn 16}

Nói cách khác, tội báng bổ với Thánh Linh chính là tội “cương quyết chống lại sự cảm thúc của Thánh Linh,

từ chối ăn năn, từ chối tiếp nhận Chân Lý đến cùng“.

Mỗi một lần một người bất vâng phục tiếng Chúa cáo trách về một tội lỗi nhất định mà họ vẫn đang vướng phải, hay không chịu tiếp nhận một chân lý nào đó mà Chúa đang bày tỏ,

lương tâm của họ sẽ chai đá lại, khiến cho khả năng “nghe” được tiếng của Chúa trong tim yếu đi dần.

Nhiều lần như vậy, người đó cuối cùng cũng sẽ đạt đến mức “điếc đặc”, và khi thời điểm ấy đến, Thánh Linh Ngài cũng sẽ phải bỏ đi.

Có thể dễ dàng thấy vì sao cái tội “cứng cổ cứng lòng đến cùng” này chính là tội lỗi duy nhất mà đến Đấng Cứu Thế Vĩ Đại JESUS Christ cũng bó tay không thể cứu nổi!

Trong chính phân đoạn [01] Ma-thi-ơ 12 mà Chúa JESUS nói câu này, những người Pha-ri-si chính đang phạm cái tội cứng cổ cứng lòng trên

bằng cách quy chụp những công việc của Thánh Linh cho quỷ vương Bê-ên-xê-bun (tức Sa-tan),

qua đó chối bỏ những bằng chứng Chúa đang cung cấp về Sự Thật rằng chàng thợ mộc bần hàn người Na-xa-rét trước mặt họ chính là Đấng Christ, Con Trai Đức Chúa Trời.

Trong [14] II Tê-sa-lô-ni-ca 2:10-12,

Sứ đồ Phao-lô miêu tả tình trạng của những người đã làm cho Thánh Linh của Chúa bỏ đi như sau:

“…chúng không tiếp nhận tình yêu Chân Lý để chúng được cứu rỗi.

Và bởi điều này, Đức Chúa Trời sẽ gửi đến chúng sự lầm lạc mạnh mẽ,

để chúng tin vào điều giả dối, để tất cả những kẻ không tin Chân Lý,

nhưng vui thích nơi sự bất chính đều có thể bị kết án.”

Tức là, sau khi Thánh Linh rời đi, bóng tối của Ma Quỷ sẽ lập tức ập tới.

Con người sẽ bị phó mặc cho sự lừa dối của Satan, để coi điều giả dối như là sự thật vậy.

Nói cách khác, những người đã làm cho Thánh Linh phải bỏ đi sẽ có một thái độ nhơn nhơn như không,

tiếp tục ở đó tin rằng mình đang rất ổn, trong khi sự thật thì hoàn toàn ngược lại.

Nhưng điều này cũng có nghĩa, nếu một Cơ Đốc nhân vẫn còn đang biết lo lắng

“liệu có phải mình đã quá cứng lòng làm cho Thánh Linh bỏ đi rồi không”,

thì Thánh Linh chắc chắn vẫn còn chưa bỏ đi, và sự xả thân của Chúa JESUS cho người ấy vẫn chưa rơi vào vô nghĩa.

Cơ Đốc nhân đó có thể đã lầm lỗi, nhưng vẫn chưa phạm phải “tội không thể tha”,

và vẫn còn đó một hy vọng cuối cùng để ăn năn, quay đầu phục thiện và trở về vâng phục chân lý của Đức Chúa Trời.

Trong bài học tiếp theo, chúng ta sẽ bắt đầu tiến vào mảng tri thức chân lý tiên tri quan trọng và cấp bách nhất trong những ngày cuối cùng này, trong sách [27] Mặc Khải.

Đầu tiên là danh tính của Con Thú thứ nhất trong chương 13, và câu trả lời sẽ KHÔNG làm bạn ngạc nhiên.

Click vào “bài tiếp” để nắm rõ.

Vẫn chưa có bộ Tiên Tri Toàn Thư trong tay?

Lấy về trọn bộ Tiên Tri Toàn Thư MIỄN PHÍ tại đây »