Thánh lễ Báp-tem

Tiên Tri Toàn Thư »

BÀI 19: THÁNH LỄ BÁP-TEM

Na-a-man tuy là một vị đại tướng lừng danh, anh hùng và thành đạt của quân đội A-ram (Syria)

nhưng ông lại bị bệnh hủi, thứ bệnh đáng sợ nhất thời Kinh Thánh.

Hủi đồng nghĩa với một cuộc sống bị tách biệt khỏi người thân và một cái chết từ từ trong đau đớn, vô phương cứu chữa.

Thế nhưng, một nữ nô lệ người Hê-bơ-rơ trong nhà Na-a-man, khi nghe được bệnh tình của tướng quân, đã nói với ông rằng,

chỉ cần ông đến gặp nhà tiên tri Ê-li-sê của YHWH Đức Chúa Trời của Is-ra-ên, và cái căn bệnh quái ác kia sẽ được chữa lành.

Còn nước còn tát, Na-a-man lặn lội cả chặng đường xa xôi đến Is-ra-ên.

Đi cùng ông là một nhóm vệ sĩ, mang theo cả một gia tài kếch xù làm tiền phí mua lấy phép màu chữa bệnh hủi.

Cuối cùng khi Na-a-man đến được mái nhà tranh của nhà tiên tri, Ê-li-sê lại từ chối tiếp ông, và chỉ sai một thằng hầu ra thưa lại gọn lỏn:

“Hãy đi và tắm rửa bảy lần trong sông Giô-đanh, và thịt ông sẽ được chữa lành cho ông, và ông sẽ được sạch.” [12] II Các Vua 5:10.

Cung cách tiếp tân không được trang trọng cho lắm này đã là một đòn đánh khá đau vào lòng tự tôn của vị đại tướng Syria kiêu hãnh, và đã được coi như một sự sỉ nhục đối với ông,

rằng ông cuối cùng chẳng qua cũng chỉ là một thằng hủi lở bẩn thỉu mà thôi.

Bị đề nghị phải đi tắm không phải một, mà là đến bảy lần – và lại còn là tắm trong một dòng sông đục ngầu bùn đất – là quá sức chịu đựng đối với vị tướng quân Syria danh giá.

“Và ông quay mặt và bỏ đi trong giận dữ.” [12] II Các Vua 5:12.

Nhưng để về đến Đa-mách, ông lại phải đi ngang qua… sông Giô-đanh!

Và lúc ông cùng tùy tùng đi ngang qua sông ấy, lính của Na-a-man đã nài nỉ tướng quân của mình bằng được là cứ thử làm theo chỉ dẫn của nhà tiên tri xem sao.

Cực chẳng đã, Na-a-man dừng ngựa, nhảy xuống đất rồi chậm rãi bước xuống dòng nước sông Giô-đanh.

Sáu lần ngụp xuống rồi trồi lên mà chẳng thấy có gì xảy ra cả,

vậy mà đến khi trồi lên lần thứ bảy, bệnh hủi đã biến khỏi mình ông, da thịt ông không những được phục hồi hoàn toàn, mà còn trở nên tươi mới và mạnh khỏe như da thịt trẻ con vậy!

Na-a-man tức tốc quay lại gặp Ê-li-sê để dâng lễ vật cảm tạ kếch xù của mình, nhưng nhà tiên tri kiên quyết không nhận lấy dù chỉ một cắc tiền công.

Việc con người kiêu hãnh và giàu có kia cần phải hiểu rõ sự cứu rỗi của Chúa là không thể mua được bằng tiền là điều rất quan trọng.

Quá cảm phục, vị tướng quân danh giá tuyên bố:

“Kìa, tôi xin nhận biết rằng chẳng còn thần nào trên khắp đất cả, chỉ trừ trong Is-ra-ên mà thôi…

đầy tớ ông sẽ không còn dâng tế lễ thiêu và sinh tế lên thần nào nữa, ngoại trừ lên YHWH!” [12] II Các Vua 5:15, 17.

Cũng như Na-a-man đã chính mình trải nhiệm sự tái tạo thần kì, chúng ta cũng có thể trải nhiệm phép màu tái sinh ấy!

1. Nghi lễ nào trong Kinh Thánh tượng trưng cho sự “tẩy sạch” thứ bệnh hủi kinh tởm mang tên tội lỗi?

Cái tên của nó có nghĩa là gì?

[05] Công Vụ 22:16 Hãy trỗi dậy chịu báp-tem, và được tẩy sạch tội lỗi mình, kêu cầu danh Chúa đi!

[12] Cô-lô-se 2:12 được chôn với Ngài trong báp-tem,

bởi ấy cũng cùng được vực dậy bởi đức tin vào sự vận hành của Đức Chúa Trời, Đấng đã vực Ngài ấy dậy từ kẻ chết.

Từ tiếng Hy Lạp “baptizo” vốn có nghĩa là “nhấn chìm”, “nhúng xuống”, hoặc “ngâm”.

Một người không thể được tính là đã được chịu lễ rửa tội trừ phi người đó đã hoàn toàn chìm dưới nước, hoặc “chôn” dưới nước.

Từ “baptizo” luôn là từ được sử dụng trong Kinh Thánh để miêu tả thánh lễ này.

Những từ Hy Lạp khác như “vẩy nước” hoặc “dội nước” không hề được sử dụng.

2. Căn cứ theo Kinh thánh, có bao nhiêu cách thực hiện phép báp-tem này?

[10] Ê-phê-sô 4:5 một Chúa, một đức tin, một báp-tem.

Ngày nay có một đống kiểu lễ được loài người gọi là lễ báp-tem,

nhưng căn cứ theo Kinh Thánh, chỉ có duy nhất một kiểu nhận chìm ở trên là chính thống mà thôi.

Những hình thức báp-tem giả mạo cốt sao cho tiện ngày nay, điển hình như dội nước, vẩy nước, đương nhiên không hề được tìm thấy trong Kinh Thánh.

3. Chúa JESUS là tấm gương cho chúng ta noi theo.

Ngài được báp-tem như thế nào?

[02] Mác 1:9, 10 Và trong những ngày đó xảy ra việc JESUS đến từ Na-xa-rét thuộc Ga-li-lê, và được báp-tem bởi Giăng trong Giô-đanh. 

Và ngay khi lên khỏi nước, Ngài thấy các tầng trời mở ra, và Linh tựa như chim bồ câu ngự xuống trên Ngài.

Giăng đã báp-tem Chúa JESUS bằng phương pháp nhận chìm ngay tại dòng sông Na-a-man đã từng được chữa khỏi bệnh hủi.

Lưu ý rằng họ đã ở “trong” sông Giô-đanh (không phải ở trên bờ), và Chúa JESUS đã “lên khỏi nước”, xác nhận Ngài đã được báp-tem bằng phương pháp nhận chìm hoàn toàn.

Chính vì yêu cầu phải nhận chìm hoàn toàn này nên Giăng mới chọn làm báp-tem “ở Ai-nôn, gần Sa-lim, vì ở đó có nhiều nước”. [04] Giăng 3:23.

Cơ Đốc nhân là những người đi theo và noi gương Chúa JESUS Cơ Đốc ([21] I Phi-e-rơ 2:21), người đã chịu phép rửa tội bằng cách nhận chìm để “làm trọn mọi sự công chính”. [01] Ma-thi-ơ 3:15.

4. Phi-líp đã báp-tem cho viên hoạn quan Ê-thi-ô-pi-a như thế nào?

[05] Công Vụ 8:38, 39 cả hai đi xuống nước, cả Phi-líp lẫn vị hoạn quan, và ông báp-tem ông ấy.

Khi họ lên khỏi nước, Linh của Chúa đem Phi-líp đi.

Phi-líp cũng cử hành báp-tem cho viên hoạn quan theo cùng một phương cách nhận chìm như trên.

5. Những chân lý tuyệt đẹp nào được biểu tượng hóa trong phép báp-tem?

[06] Rô-ma 6:4 Vậy, được cùng chôn với Ngài qua báp-tem vào cái chết,

để cũng như Đấng Christ được vực dậy từ kẻ chết bởi vinh quang của Cha,

thì cũng vậy, chúng ta cũng sẽ bước đi trong sự mới mẻ của đời sống.

Phép báp-tem tượng trưng cho cái chết, sự chôn cất, và sự sống lại của Chúa JESUS Christ,

và những ứng nghiệm của chúng trên chúng ta là những người theo Ngài.

Đầu tiên là cái chết của tội lỗi, rồi sự chôn cất đời sống tội lỗi cũ xuống dưới nước, và rồi cuối cùng là sự sống lại từ dưới nước đến một đời sống mới.

Phép báp-tem bằng cách nhận chìm khớp với các biểu tượng trên một cách hoàn hảo.

Cuộc đời tội lỗi chết đi, con người ngừng thở khi được báp-tem chìm hoàn toàn, hay chôn, dưới nước.

Và rồi người được vực dậy từ dưới nước, hít vào hơi thở tươi mới như một đứa trẻ mới sinh, để sống một đời sống hoàn toàn đổi mới, tượng trưng cho sự tái sinh.

Có thể thấy khi tùy tiện thay thế phép báp-tem mà Chúa đã truyền dạy trong Kinh Thánh bằng các hình thức cốt sao cho tiện khác, chúng ta có thể phá hủy hết các bài học thuộc linh mà Ngài để lại trong thánh lễ ấy,

chưa kể việc lễ báp-tem đó bị vô hiệu vì trái Kinh Thánh.

6. Lễ báp-tem quan trọng đến thế nào?

[02] Mác 16:16 Ai tin và chịu báp-tem sẽ được cứu, còn ai không tin sẽ bị kết tội.

[04] Giăng 3:5 Nếu ai không được sinh ra từ nước và Linh,

người ấy không thể tiến vào Vương Quốc Ðức Chúa Trời.

Lễ báp-tem được Kinh Thánh chỉ rõ là vô cùng quan trọng, là lời tuyên xưng công khai đức tin của một tín đồ nơi JESUS Christ là Con Trai Đức Chúa Trời,

nơi cái chết, sự chôn cất và sự sống lại của Ngài, là một nghi lễ bắt buộc phải thực hiện để được cứu rỗi.

Chỉ trong những hoàn cảnh bất khả kháng mà lễ này không thể được tiến hành, như với tên trộm bị đóng đinh trên thập tự,

Chúa JESUS cho người đó được dự phần trong lễ báp-tem của Ngài ([01] Ma-thi-ơ 3:15).

7. Lễ báp-tem được ví với nghi lễ thiêng liêng gì?

[08] II Cô-rinh-tô 11:2 Tôi đã gả các bạn cho một người chồng,

trình diện một trinh nữ tinh khiết cho Đấng Christ.

[09] Ga-la-ti 3:27 Tất cả những ai đã được báp-tem vào Đấng Christ đều mặc lấy Đấng Christ.

Lễ báp-tem cũng giống như lễ cưới vậy.

Cũng như một người phụ nữ nhận lấy họ của chồng theo phong tục Do Thái và các nước phương Tây lập quốc trên nền tảng Kinh Thánh,

Cơ Đốc nhân cũng nhận lấy danh của Chúa JESUS Cơ Đốc – vì thế mà họ được gọi là “Cơ Đốc nhân”, hay “Christian”.

Lễ báp-tem cũng quan trọng với đời sống Cơ Đốc nhân như lễ cưới với một cuộc hôn nhân vậy.

Trong [05] Nhị Luật 22:28-29, luật pháp của Đức Chúa Trời có quy định rõ những cặp đôi nào

<1> cùng là người theo Chúa

và <2> đã yêu nhau và tự nguyện trở nên một thịt cùng nhau trước khi kết hôn,

thì BẮT BUỘC PHẢI KẾT HÔN,

vì trong sổ sách của Thiên Đường, những cặp như vậy đã được ghi nhận là vợ chồng luôn rồi, ngay cả khi hôn lễ chưa được tổ chức.

Tất cả các luật pháp và quy định của Đức Chúa Trời dành cho một cặp vợ chồng đều được áp dụng với hiệu lực triệt để đối với những cặp như vậy.

Cũng như cô gái không được từ chối kết hôn với chàng trai sau khi chính nàng đã tự nguyện yêu và dâng mình cho chàng để trở nên một thịt với chàng,

cũng không được phép bỏ chàng và đi lấy người khác mà bị tính là phạm tội ngoại tình,

thì một người đối với Đấng Christ cũng như vậy.

Một khi một người đã tự nguyện đến với Chúa và đã đem lòng yêu Ngài, đã dâng mình cho Ngài và đã nhận được Ngài tiến vào mình rồi,

thì BẮT BUỘC PHẢI KẾT HÔN VỚI NGÀI BẰNG BÁP-TEM (bắt buộc tổ chức đám cưới).

Cả cuộc đời người ấy không được phép bỏ Ngài hay đi gian dâm theo bất cứ thần nào khác.

Còn nếu nàng đã không định kết hôn với Chàng, thì tại sao còn ưng thuận mời Chàng tiến vào mình và trở nên một với mình?

Định giỡn mặt Đức Chúa Trời chăng?

[07] I Cô-rinh-tô 7:10-11 Với những người đã kết hôn, tôi ra lệnh, không phải tôi đâu mà là Chúa:

vợ chớ rời bỏ khỏi chồng,

nhưng và nếu đã rời bỏ, hãy giữ nguyên không kết hôn,

hoặc hãy làm hòa với chồng; còn chồng không được bỏ vợ.

Nếu cô gái từ chối kết hôn với người đàn ông Cơ Đốc đã được Thiên Đường coi là chồng mình, từ bỏ chàng và rồi đi lấy người khác,

thì cuộc hôn nhân sau sẽ hoàn toàn không được Đức Chúa Trời thừa nhận hay ban phước, nhưng đơn thuần bị tính như đang phạm tội ngoại tình và gian dâm,

và nàng phải ăn năn trở về với người chồng thực sự của mình để tội lỗi ấy được tha thứ.

Chúng ta hãy xem trường hợp của vua Đa-vít và vợ là công chúa Mi-canh.

Đa-vít đã không hề ly hôn nàng, nhưng Mi-canh đã bị gả cho người đàn ông khác khi đã là vợ của Đa-vít rồi ([09] I Sa-mu-ên 25:44).

Đến khi Đa-vít trở về, chàng thậm chí đã có những người vợ khác hẳn hoi,

vậy mà vẫn có quyền yêu cầu Mi-canh được trả lại cho mình bất chấp tình trạng hôn nhân hiện thời của họ (II Sa-mu-ên 3:13-14),

và vợ của chàng đã phải được trả lại cho chàng.

Bất chấp tất cả những trò mà con người đã có thể làm, Mi-canh đến với người đàn ông khác và Đa-vít đa thê,

Thiên Đường vẫn cứ ghi nhận Đa-vít và Mi-canh là vợ chồng và tôn trọng đòi hỏi chính đáng của Đa-vít.

{Ellen G. White, Mái Ấm Phục Lâm (Adventist Home), 344.2}

‘Một người phụ nữ có thể về mặt pháp lý đã ly hôn theo luật pháp của xứ và vẫn cứ là chưa ly hôn trong mắt Đức Chúa Trời và theo luật pháp thiên thượng…

Dù luật pháp của xứ có thể cấp ly hôn, nhưng họ vẫn cứ là vợ chồng trong ánh sáng của Kinh Thánh, theo luật pháp của Đức Chúa Trời.

Cũng vậy, Đấng Christ có quyền đòi hỏi một đám cưới chính thức bằng báp-tem với người đã tự nguyện dâng mình cho Ngài và đã mời Ngài tiến vào trong mình,

và đòi hỏi chính đáng ấy phải được tôn trọng.

8. Để được nhận báp-tem, tôi cần phải thỏa mãn những điều kiện gì?

[05] Công Vụ 2:38 Phi-e-rơ nói với họ: “Hãy ăn năn và được báp-tem,

mỗi người các vị, nhân danh JESUS Christ vào sự tha thứ tội lỗi,

và các vị sẽ nhận được quà tặng Thánh Linh.

Đây là những yêu cầu bắt buộc để nhận báp-tem:

1) Xưng nhận và ăn năn tội lỗi, sẵn lòng sống đời sống mới vâng phục ([23] I Giăng 1:9, [05] Công Vụ 2:38).

2) Tin nhận JESUS Christ là Con Trai Đức Chúa Trời và là Cứu Chúa của mình ([05] Công Vụ 8:37).

3) Hiểu rõ các giáo lí căn bản của Chúa để có thể tin nhận và áp dụng vào đời sống mình ([01] Ma-thi-ơ 28:19, 20, [02] Mác 16:16).

{Ellen G. White, Các bước đến Đấng Christ (Steps to Christ), 38.1}

‘Sự xưng tội thực thụ luôn rất cụ thể, và thú nhận những tội lỗi cụ thể.

Chúng có thể là những điều cần phải được mang đến trước duy nhất Đức Chúa Trời;

chúng có thể là những điều sai trái cần phải được thú tội với những cá nhân đã phải chịu tổn thương qua chúng;

hoặc chúng có thể là những điều công khai, và như vậy cần phải được thú tội một cách công khai.

Nhưng mọi sự xưng tội cần phải rõ ràng và thẳng vào vấn đề, thú nhận chính các tội lỗi mà mình có tội.’

Việc báp-tem cho một người chưa chịu thú tội và ăn năn tội lỗi, là người vẫn chưa đồng ý đầu phục Chúa JESUS

– trong nhiều trường hợp chỉ là để chạy theo chỉ tiêu thành tích – là một sai lầm tai hại có thể gây ra hậu quả rất nghiêm trọng:

nó gửi đến người nhận báp-tem thông điệp dối trá rằng người ấy đã đạt đủ điều kiện về phía mình để nhận lãnh sự cứu rỗi,

trong khi với trái tim chưa chịu đầu phục Chúa, người ấy hoàn toàn chưa hề có phần gì trong sự sống vĩnh cửu cả.

Báp-tem đối với người như vậy đơn thuần chỉ là một lần tắm gội thậm chí còn không sạch, chẳng có giá trị gì.

Số người bị lừa vào sự an ninh giả tạo bởi việc nhận lãnh những lễ báp-tem hấp tấp vô giá trị như vậy mà hư mất, thật không ít.

Người làm báp-tem cho người khác do vậy cần phải cân nhắc thật cẩn trọng:

thà là thừa nhận rằng mình chưa có đủ khả năng phân định thuộc linh xem ứng cử viên đã đủ tiêu chuẩn nhận báp-tem hay chưa và để công việc ấy lại cho người khác,

còn hơn là làm bừa rồi gây ra hậu quả, và phải trả lời trước Chúa về những linh hồn mình đã vô tình làm cho bị lừa vào cảnh diệt vong.

Đặc biệt, làm báp-tem rửa tội cho trẻ sơ sinh càng là hành vi trái Kinh Thánh:

một đứa trẻ sơ sinh thì không thể đáp ứng nổi bất kỳ yêu cầu nào trong cả 3 yêu cầu nêu trên.

Nếu những đứa trẻ chưa đủ trưởng thành để chịu trách nhiệm hành vi trước Đức Chúa Trời không may bị chết,

chúng sẽ được cứu theo đức tin của người giám hộ hay phụ huynh, ngay cả khi chỉ có một người trong số họ là người tin Chúa ([07] I Cô-rinh-tô 7:14).

Không cần phải cuống cuồng tìm cách đảm bảo chúng với một lễ báp-tem trái Kinh Thánh được thúc đẩy tiến hành bởi nỗi sợ hãi vô cớ.

{Ellen G. White, Cuộc Đại Chiến (the Great Controversy), 645.1}

‘Những người công chính được biến đổi “trong khoảng khắc, trong nháy mắt.”

Vào tiếng phán của Đức Chúa Trời họ được hiển vinh hóa;

bấy giờ họ được biến thành bất tử và cùng với các thánh đồ đã được hồi sinh được cất lên để gặp Chúa trong không trung.

Các thiên sứ “tập hợp những người được chọn của Ngài từ bốn hướng gió, từ cùng trời cho đến cuối.”

Những đứa trẻ nhỏ được bồng ẵm bởi các thiên sứ thánh đến vòng tay của mẹ chúng.

Những người bạn bị chia ly đã lâu bởi cái chết được đoàn tụ, không bao giờ còn chia ly,

và với những bài ca mừng vui cùng nhau ngự lên Thành Phố của Đức Chúa Trời.’

9. Thế còn người thực hiện báp-tem thì sao?

Có cần phải là mục sư hay chức sắc đặc biệt gì để được phép cử hành báp-tem cho người khác không?

[05] Công Vụ 9:10, 17, 18 Có một môn đồ nọ tại Đa-mách tên là A-na-nia…

A-na-nia ra đi, và tiến vào nhà và đặt tay lên ông, nói:

“Người anh em Sau-lơ, Chúa, Đấng đã hiện ra với anh trên đường anh đến, đã sai tôi đến để anh thấy được, và được đầy rẫy Thánh Linh.”

 Và lập tức những thứ như thể những cái vảy rơi xuống khỏi mắt ông,

và ông liền thấy được, và trỗi dậy, được báp-tem.

Người báp-tem cho Sau-lơ, tức sứ đồ Phao-lô sau này, là A-na-nia, chỉ là một môn đồ bình thường,

chẳng phải là sứ đồ, hay nhà tiên tri, hay mục sư, hay chấp sự, hay truyền đạo, hay bất cứ chức sắc nào của hội thánh cả,

cho thấy rõ ràng là một người chỉ cần là một môn đồ chân chính của Đấng Christ JESUS là có thể làm báp-tem cho người khác rồi.

Dễ hiểu: vì nếu chỉ có các lãnh đạo, các mục sư mới được cử hành báp-tem cho những tín hữu mới,

thì chỉ cần có cơn bắt bớ nào đó xảy đến khiến các lãnh đạo hội thánh bị tiêu diệt sạch,

như những đợt càn quét, bắt bớ, bức hại của chính quyền cộng sản Liên Xô và Trung Quốc thời xưa đối với đạo Chúa chẳng hạn,

thì lập tức mọi tín hữu mới sẽ không thể được báp-tem nữa vì chẳng còn lãnh đạo nào chưa bị bắt và/hoặc bị giết để mà làm báp-tem cho họ cả!

Các lãnh đạo tôn giáo và tổ chức hội thánh biến chất hay có xu hướng tự đặt ra những luật lệ riêng không có cơ sở Kinh Thánh để tập trung quyền lực về tay mình,

đòi hỏi phải là mục sư hay chức sắc thì mới được làm báp-tem, vô hình chung lại ngăn cản đạo Chúa được phát triển một cách tự do.

Cái cần siết thật chặt là người NHẬN báp-tem,

phải thực sự đã đầu phục Chúa và được học đạo một cách tử tế, sẵn sàng để nhận báp-tem là gia nhập hội thánh và cùng đồng công với cả gia đình Chúa.

Còn người LÀM báp-tem, thì không cần phải là một chức sắc đặc biệt gì cả,

chỉ cần là một môn đồ chân chính đã đầu phục Chúa, hiểu biết chính xác các chân lý của Lời Ngài để không tin nhận nhầm tà thuyết,

đặc biệt là không hiểu sai về chủ thể mình đang nhân danh khi làm báp-tem, là đủ tiêu chuẩn để làm báp-tem cho tín hữu mới rồi.

10. Phép báp-tem được thực hiện nhân danh ai?

[01] Ma-thi-ơ 28:19 Hãy đi, môn đồ hóa mọi dân,

báp-tem họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Linh.

[05] Công Vụ 10:48 Và ông truyền cho họ được báp-tem nhân danh Chúa.

Bấy giờ họ xin ông ở lại vài ngày.

[05] Công vụ 19:5 Nghe rồi, họ được báp-tem nhân danh Chúa JESUS.

Mặc dù chỉ dẫn của Chúa JESUS trong [01] Ma-thi-ơ 28:19 là báp-tem nhân danh Cha, Con và Thánh Linh,

thế nhưng xuyên suốt sách [05] Công Vụ, những lễ báp-tem Lu-ca ghi lại ([05] Công Vụ 2:38, 8:12, 8:16, 10:48, 19:5), đều là báp-tem nhân danh Chúa JESUS đơn thuần mà thôi.

Vì sao lại như vậy? Các sứ đồ cố tình làm sai chăng?

Không phải. Câu trả lời hết sức đơn giản khi chúng ta hiểu được nghĩa bản chất của từ “nhân danh” là gì.

Trong tư duy Kinh Thánh, làm một việc nhân danh ai tức là làm việc ấy bằng THẨM QUYỀN của Đấng mình đang nhân danh.

Chúa JESUS đang bảo chúng ta đi làm một việc bằng thẩm quyền của một số chủ thể, chứ không phải là hãy lưu ý đọc cho đúng “thần chú”.

Toàn bộ thẩm quyền trên trời dưới đất đều đã được giao cho Chúa JESUS ([01] Ma-thi-ơ 28:18), dĩ nhiên là bởi Cha Ngài.

Cộng với việc hiểu được chính xác Thánh Linh cũng chính là Chúa JESUS – nhưng trong định dạng “linh”,

ta có thể thấy ngay Đấng Christ hội tụ toàn bộ thẩm quyền của “Cha, Con và Thánh Linh” được nhắc đến trong câu [01] Ma-thi-ơ 28:19.

Đây là lý do vì sao xuyên suốt sách [05] Công Vụ, người ta chỉ cần kêu cầu danh Chúa JESUS để làm và nhận báp-tem, mà vẫn thỏa mãn chỉ dụ ấy của Ngài.

Báp-tem nhân danh Chúa JESUS cũng chính là báp-tem nhân danh Cha, Con và Thánh Linh.

Điều đó liệu có nghĩa chúng ta sẽ không được thực hiện báp-tem nhân danh Cha, Con và Thánh Linh theo [01] Ma-thi-ơ 28:19 chăng?

Không hề.

Cả hai cách nhân danh này đều đã được ghi lại trong Kinh Thánh thì tức là cả hai đều hoàn toàn hợp lệ.

Nhân danh theo cách nào trong hai cách mà Kinh Thánh đã quy định không quan trọng,

quan trọng là cả người nhận báp-tem lẫn người làm báp-tem đều phải hiểu chính xác chủ thể mình đang nhân danh.

Tham khảo bài giảng Cha, Con và Thánh Linh.

Cho nên sẽ là vô cùng nhảm nhí nếu chúng ta lao vào tranh cãi và phán xét lẫn nhau về “thần chú” nào mới chuẩn để “làm phép”.

Đức tin Cơ Đốc không phải là một mớ nghi lễ chết hay một tập hợp các câu thần chú phù phép như các tôn giáo khác,

mà là sự tiếp nhận một Đấng Sống cụ thể vào cư ngụ và làm chủ trong linh hồn mình bằng đức tin đầu phục, cùng chết đi và sống lại với Ngài.

Đó chính là điểm siêu việt vượt trội, làm nên bản sắc và quyền năng của Cơ Đốc giáo chúng ta.

11. Các hình thức báp-tem không đúng Kinh Thánh từ đâu mà ra?

[02] Mác 7:8 Gạt bỏ mạng lệnh của Đức Chúa Trời,

các ngươi bám lấy truyền thống của loài người!

Báp-tem bằng hình thức nhận chìm là hình thức báp-tem duy nhất được thực hiện trong thời của các Sứ Đồ.

Nhưng rồi, những người bị dẫn dắt sai lệch đã đưa vào các hình thức báp-tem khác chỉ cốt làm sao cho tiện.

Và thế là lễ báp-tem thiêng liêng được quy chuẩn rõ ràng bởi Đức Chúa Trời bị biến dạng và tính biểu tượng đầy ý nghĩa của nó đã bị khỏa lấp.

12. Kinh Thánh nói gì về những kẻ đặt giáo lí của con người lên trên Chân Lý của Đức Chúa Trời?

[01] Ma-thi-ơ 15:9 Chúng thờ kính Ta vô ích,

dạy dỗ những giáo lý là những mạng lệnh của loài người.

[09] Ga-la-ti 1:8 Nhưng dù chính chúng tôi, hay thiên sứ từ trời, truyền giảng tin lành nào cho các bạn ngoài thứ chúng tôi đã truyền giảng cho các bạn,

hãy để kẻ ấy bị nguyền rủa!

13. Chẳng phải nhận lãnh Thánh Linh là được rồi,

không cần phải chịu báp-tem dìm nước nữa hay sao?

[05] Công Vụ 10:44, 48 Khi Phi-e-rơ vẫn còn đang nói những lời này,

Thánh Linh đã giáng trên mọi người đang nghe lời ấy…

Và ông truyền cho họ được báp-tem nhân danh Chúa.

Bấy giờ họ xin ông ở lại vài ngày.

Khi Phi-e-rơ thấy Thánh Linh đã giáng xuống trên gia đình Cọt-nây đang nghe ông giảng Đạo, ông lập tức truyền cho họ nhận cả báp-tem dìm nước.

Điều đó cho thấy tầm quan trọng của việc cử hành nghi lễ này một cách chính thức ngay cả khi ta đã nhận lãnh Thánh Linh của Đức Chúa Trời.

14. Có khi nào việc tái báp-tem là cần thiết không?

[05] Công Vụ 19:2-5 Ông nói với họ: “Liệu các bạn đã nhận được Thánh Linh khi tin chưa?”

Họ nói với ông: “Nhưng chúng tôi còn chưa từng nghe liệu có Thánh Linh nào chăng!”

Và ông nói với họ: “Vậy các bạn đã được báp-tem vào gì vậy?!”

Họ nói: “Vào báp-tem của Giăng.”

Phao-lô nói: “Giăng quả thật đã báp-tem với báp-tem của sự ăn năn,

bảo dân chúng rằng hãy tin vào Đấng sẽ đến sau ông, chính là vào Đấng Christ JESUS.”

Nghe rồi, họ được báp-tem nhân danh Chúa JESUS.

Khi Phao-lô đang giảng dạy ở Ê-phê-sô, có 12 người đã được Giăng báp-tít làm phép báp-tem, nhưng chưa bao giờ nghe nói đến Thánh Linh.

Và sau khi được nghe về chân lí mới này, họ đã được tái báp-tem.

Khi tiếp nhận được những chân lý mới đáng kể, như chân lý về ngày Sa-bát, hay chân lý về danh tính của vị Đức Chúa Trời chân chính duy nhất, Con Trai Ngài, và Linh của họ,

việc cử hành báp-tem lại là hoàn toàn phù hợp.

Ngoài ra, nếu bạn đã từng bội đạo, rời bỏ Chúa JESUS mà nay đã ăn năn trở về, việc tái cam kết cuộc đời mình cho Chúa bằng báp-tem cũng là điều rất nên làm.

Cuối cùng, nếu phép báp-tem bạn từng nhận không phải là phép báp-tem đúng Kinh Thánh, bạn bị tính là chưa từng báp-tem,

và giờ đương nhiên là phải cử hành cho chuẩn xác.

15. Lễ báp-tem có liên quan đến việc gia nhập hội thánh không?

[05] Công Vụ 2:41, 47 Vậy, những người vui lòng tiếp nhận lời ông đều được báp-tem,

và trong ngày hôm đó, khoảng ba nghìn linh hồn đã được thêm vào…

Chúa thêm những người được cứu hàng ngày vào Hội Thánh.

[07] I Cô-rinh-tô 12:13 Vì bởi một Linh, tất cả chúng ta cũng đều đã được báp-tem vào một thân.

[12] Cô-lô-se 1:18 Ngài ấy (Chúa JESUS) là đầu của thân thể – Hội Thánh.

[04] Giăng 10:16 Ta còn có chiên khác chưa thuộc về bầy này,

Ta cũng phải đem những con đó về,

và chúng sẽ nghe tiếng Ta,

và sẽ còn một bầy, một người chăn mà thôi.

Trước ngày tái lâm của mình, Chúa JESUS sẽ hoàn tất việc gom tất cả những con chiên chân chính của Ngài, những người nghe tiếng Ngài và đi theo Ngài dù đến bất cứ đâu, vào Một Bầy.

Đến giờ, bạn hẳn đã phải đi qua những bài giảng “Hội Thánh Thật Cuối Cùng” và “Lời Chứng của JESUS“,

và biết chắc chắn rằng Chúa có một Hội Thánh Thật Cuối Cùng trong những ngày cuối cùng này,

và ấy không đâu khác chính là hội thánh SDA Tiên Phong.

Ngay khi con người cam kết cuộc đời mình cho Chúa JESUS và được báp-tem, họ trở thành chiên của Ngài và phải được dẫn vào cái Một Bầy Chân Chính ấy.

Công tác dẫn dắt này đã được tuyên bố trước và rồi được cử hành bởi chính Chúa, để không ai có thể nói rằng ấy chỉ là ý muốn của loài người.

Chúng ta đều được gọi vào trong một thân thể, Hội Thánh Thật của Ngài, qua lễ báp-tem.

Một Cơ Đốc nhân mới tái sinh cũng như một đứa trẻ mới sinh vậy, phải được đặt vào trong một gia đình để bảo vệ, nuôi dưỡng và trưởng thành.

16. Khước từ báp-tem gia nhập hội thánh là khước từ ý chỉ của ai?

[03] Lu-ca 7:29-30 Và toàn thể dân chúng đang nghe và những người thu thuế đều xác chứng Đức Chúa Trời là đúng, chịu báp-tem với báp-tem của Giăng. 

Nhưng những người Pha-ri-si và các luật gia chối bỏ sự răn dạy của Ðức Chúa Trời dành cho mình, không chịu báp-tem bởi ông.

[23] I Giăng 4:20 Nếu người nào nói rằng: “Tôi yêu Đức Chúa Trời” mà ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối,

vì không yêu thương được anh em mình mà mình nhìn thấy, thì làm sao có thể yêu được Đức Chúa Trời mà mình không nhìn thấy?

[07] I Cô-rinh-tô 12:21 Mắt không thể nói với tay: “Tôi không cần cậu;” hay đầu lại với chân: “Tôi không cần cậu.”

Lý do vì sao một chi thể của Đấng Christ có thể nói với các chi thể khác: “tôi không cần cậu,” chỉ là vì chính người ấy đang KHÔNG PHẢI là chi thể của Đấng Christ mà thôi.

Ấy là lý do chủ yếu vì sao một người xưng là Cơ Đốc nhân không muốn – và sống như thể mình không cần đến – những bộ phận còn lại trong thân thể của Chúa JESUS, tức hội thánh.

Một số người đến với Chúa nhưng không thích nhận báp-tem, và/hoặc không muốn trở thành thành viên chính thức của hội thánh

để đến mở lòng sinh hoạt và thờ phượng cùng các anh chị em khác và cùng nhau làm việc Chúa.

Cần nhớ rằng: phép báp-tem và những sắp xếp đi cùng nó không phải là ý riêng của bất cứ ai, mà là lệnh của chính Chúa.

Ngài sắp xếp như vậy cũng là để dạy các con PHẢI HỌC CÁCH YÊU THƯƠNG NHAU và nâng đỡ nhau cùng trưởng thành trong cùng một gia đình, và cùng nhau phối hợp phụng sự Ngài.

17. Khi Chúa JESUS nhận báp-tem, Cha Ngài đã nói gì?

[01] Ma-thi-ơ 3:16, 17 Và JESUS, khi đã được báp-tem trồi lên khỏi nước, thì kìa, các tầng trời mở ra với Ngài,

và Ngài thấy Thánh Linh của Đức Chúa Trời ngự xuống như chim bồ câu và đến trên Ngài,

và kìa, tiếng từ trời phán:

Đây là Con Trai yêu dấu của ta, Đấng mà Ta hài lòng!

Sự phê chuẩn này của Đức Chúa Trời hoàn toàn có thể là của bạn.

Bạn đã sẵn sàng cho nó chưa?

Phụ lục

I. Vì sao Chúa JESUS lại nhận phép báp-tem?

Chúa JESUS không chịu phép báp-tem rửa tội vì Ngài đã phạm tội gì để mà cần phải rửa, bởi ở Ngài hoàn toàn không có tội lỗi ([21] I Phi-e-rơ 2:22).

Chính Giăng Báp-tít đã cảm thấy thật sự bối rối khi Chúa JESUS đến sông Giô-đanh nhờ ông báp-tem.

Giăng đã phải thốt lên “Tôi đang cần được báp-tem bởi Ngài, mà Ngài lại đến với tôi sao?!” [01] Ma-thi-ơ 3:14.

Vậy thì tại sao Chúa JESUS lại chịu báp-tem?

Có hai lí do chính.

Thứ nhất, Chúa JESUS chịu báp-tem để làm gương cho chúng ta noi theo ([21] I Phi-e-rơ 2:21).

Thứ hai, Ngài chịu báp-tem thay cho những người không thể dự lễ ấy vì bất khả kháng.

Đôi khi có những người tin nhận Chúa trong bệnh viện, trong cảnh tù đày, hoặc sắp bị tử hình, với những hoàn cảnh khiến họ không thể dự lễ.

Chúa JESUS cho họ được dự phần báp-tem qua lễ ấy của Ngài.

Tên trộm bị đóng đinh thập tự ngay cạnh Ngài là một ví dụ điển hình.

II. [23] I Giăng 5:7-8 “Vì có ba bên làm chứng: Linh, và nước, và huyết, cả ba đều nhất quán” nghĩa là gì?

Đây là một câu được coi là tương đối khó hiểu trong Tân Ước.

Nhưng nó sẽ trở nên dễ hiểu ngay khi ta xác định được sự “hiệp nhất” của ba chủ thể trên là hiệp nhất về cái gì.

Đọc xuống câu 9-10, ta có ngay câu trả lời:

“Đây là lời chứng của Đức Chúa Trời mà Ngài làm chứng về Con Trai Ngài.

Người nào tin vào Con Trai Đức Chúa Trời có lời chứng ấy trong mình.

Người nào không tin Đức Chúa Trời thì coi Ngài là kẻ dối trá, vì không tin vào lời chứng mà Đức Chúa Trời đã làm chứng về Con Trai Ngài.”

Nói cách khác, ba thứ “Linh”, “nước”, và “huyết” đang hiệp nhất, hay nhất quán, trong việc làm chứng về Chúa JESUS.

Một khi đã thông tỏ được manh mối này, chúng ta có thể tiến hành xác định “Linh”, “nước”, và “huyết” là gì.

Đâu là những lời chứng làm chứng về Chúa JESUS cho mọi người?

1. Huyết/máu: lời chứng đầu tiên là lễ mà ngày nay gọi là “tiệc thánh”,

trong ấy các Cơ Đốc nhân sẽ uống nước nho mới chưa lên men, tượng trưng cho máu vô tội của Đấng Christ.

[01] Ma-thi-ơ 26:27-28 Và Ngài lấy chén và tạ ơn, trao cho họ, phán:

“Tất cả hãy uống từ nó, vì đây là máu của Ta, của Giao Ước Mới, đổ ra cho nhiều người được tha tội.

Ta bảo các con rằng: từ nay Ta sẽ chẳng hề còn uống từ trái này của cây nho,

cho đến ngày đó, khi Ta uống nó mới cùng các con trong Vương Quốc của Cha Ta.”

[07] I Cô-rinh-tô 11:26 Vì hễ khi nào các bạn ăn bánh này và uống chén này,

các bạn rao giảng cái chết của Chúa cho tới khi nào Ngài đến.

2. Nước: các thánh lễ báp-tem dìm nước mà các Cơ Đốc nhân vẫn tổ chức làm lời chứng công khai trước mặt mọi người,

như đã làm rõ trong bài giảng, biểu tượng cho cái chết, sự chôn cất, và sự sống lại mà chính Đấng Christ đã đi qua.

3. Linh: quyền năng của Thánh Linh thể hiện qua các phép lạ và con người được biến đổi của các Cơ Đốc nhân,

thậm chí đến mức họ sẵn lòng tử đạo để giữ vững đức tin của mình.

Đây là lời chứng thứ ba.

Xuyên suốt mọi thời đại, ba lời chứng này đã liên tục đập vào mắt tất cả những người chứng kiến chúng một Chân Lý rằng:

JESUS Christ chính là Con Trai Đức Chúa Trời, và trong Ngài là sự sống vĩnh cửu.

III. [07] I Cô-rinh-tô 15:29 “Chịu báp-tem vì người chết” là thế nào?!

Một số hội thánh dựa vào một câu duy nhất này trong Kinh Thánh để dựng lên cả một dịch vụ báp-tem cho người chết,

trong đó, một người đang còn sống sẽ ăn năn tin Chúa và nhận báp-tem dìm nước “hộ” cho một người vô tín nào đó đã chết ngoài Chúa để người đã chết ấy được cứu,

như thể người sống có thể làm được bất cứ điều gì để thay đổi được vận mệnh đã được ấn định của người chết vậy!

Tất cả những hiểu nhầm như thế về câu này đều bắt nguồn từ việc hiểu sai cái “báp-tem” đang được nói đến trong câu là báp-tem gì,

vì trong Kinh Thánh, ngoài báp-tem bằng nước (với một kiểu thực hiện duy nhất là dìm nước), còn có báp-tem Thánh Linh và báp-tem bằng lửa ([03] Lu-ca 3:16),

tổng cộng ba báp-tem.

Vậy trước khi vội vàng dìm nước người sống cho xác chết, chúng ta cần phải bình tĩnh xem xem Sứ Đồ Phao-lô đang nói đến báp-tem nào trong ba báp-tem này đã.

[03] Lu-ca 12:50 (Chúa JESUS phán) Ta còn một phép báp-tem để chịu báp-tem, và Ta bị dồn nén thể nào cho đến khi nó được hoàn tất.

Câu hỏi: Khi Chúa JESUS phán câu này,

Ngài đã nhận báp-tem dìm nước và báp-tem Thánh Linh chưa?

Rõ ràng là rồi!

Vậy báp-tem mà Chúa JESUS vẫn sẽ còn phải chịu không thể là hai báp-tem trên, mà chỉ có thể là báp-tem bằng lửa. Vậy báp-tem bằng lửa là cái gì?

Khi Giăng và Gia-cơ cùng mẹ đến xin Chúa

cho ngồi bên trái và bên phải Ngài trong vương quốc Ngài, Chúa JESUS đã trả lời thế này:

[01] Ma-thi-ơ 20:22 Nhưng JESUS trả lời, nói:

“Các con không biết các con đang xin gì đâu.

Các con có thể uống được chén mà Ta sắp uống, hay chịu báp-tem được cái báp-tem mà Ta bị báp-tem không?”

Họ thưa với Ngài: “Chúng con có thể!”

Báp-tem bằng lửa chính là cái chén mà Chúa JESUS chuẩn bị phải uống từ vườn Ghét-sê-ma-nê ([01] Ma-thi-ơ 26:39) đến thập tự giá: sự thống khổ.

Báp-tem bằng chịu khổ chính là hình thức báp-tem cuối cùng của Cơ Đốc nhân.

Không như hai báp-tem trước, thống khổ thì rõ ràng là chúng ta có thể chịu vì người khác được.

Không chỉ Đấng Christ, các đầy tớ chân chính của Đức Chúa Trời, điển hình như Sứ Đồ Phao-lô,

cũng đã phải chịu nhiều gian khổ, thương khó vì hội thánh:

[12] Cô-lô-se 1:24 Tôi bây giờ đang vui mừng trong khổ đau vì các bạn,

và được đổ đầy những gì còn thiếu hụt của những hoạn nạn của Đấng Christ trong thân xác mình,

vì thân thể Ngài, chính là Hội Thánh.

Thế còn những “người chết” trong câu [07] I Cô-rinh-tô 15:29 là thế nào?

Các thánh đồ đã chết còn có thể được lợi gì qua sự chịu khổ của chúng ta?

Trong [19] Hê-bơ-rơ 11, Sứ Đồ Phao-lô đã liệt kê một loạt các thánh đồ đã chết với các kỳ tích của họ bởi đức tin, chỉ để rồi chốt lại bằng hai câu này:

[19] Hê-bơ-rơ 11:39-40 Và tất cả những người này, khi đã được chứng nhận bởi đức tin, đều chưa nhận được lời hứa

Đức Chúa Trời đã cung cấp điều tốt hơn cho chúng ta, để không có chúng ta, họ không thể được kiện toàn.

Ông cũng viết trong [06] Rô-ma 8:19 Vì sự trông mong thiết tha của tạo vật đang chờ đợi sự hiển lộ của con cái Đức Chúa Trời.

Nói cách khác, tất cả các thánh đồ đã chết đều chưa nhận lãnh được sự toàn hảo đã được hứa cho họ, chính là sự sống lại và sự sống vĩnh cửu trong một thế giới không còn tội lỗi,

vì đang còn phải chờ đợi thế hệ thánh đồ cuối cùng sẽ phản chiếu trọn vẹn ảnh tượng phẩm giá toàn hảo của Đức Chúa Trời.

Trước giờ Ngài tái lâm, Chúa sẽ có một dân sự mà Ngài có thể chỉ thẳng vào trước mắt không chỉ cả thế giới mà còn cả vũ trụ,

rằng đây đúng là con cái của Ngài không thể nhầm lẫn.

Họ sẽ là bằng chứng cứng minh chứng rằng Ân Điển của Ngài là đủ để phục hồi tội nhân trở lại ảnh tượng phẩm giá toàn hảo của Ngài,

và sẽ không ai còn có thể thắc mắc việc Ngài đưa họ trở về xã hội thánh khiết vô tội nơi Ngài là Vua.

Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về thế hệ cuối cùng ấy sau một vài bài nữa, đến bài “Nhóm 144.000 là ai?” sắp tới.

Cùng với cuộc hành trình tâm linh của đức tin và sự biến đổi này, bạn đã siêng năng nghiên cứu những chân lý Kinh Thánh,

và giờ hy vọng là đã hiểu được tầm quan trọng của phép báp-tem và đang háo hức chờ đợi được nhận lãnh nghi thức thiêng liêng này.

Tuy nhiên, mặc dù bạn đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc hiểu biết lời Chúa, vẫn còn những chân lý quan trọng mà bạn phải nắm vững trước khi bạn được chuẩn bị đầy đủ để bước vào thánh lễ này.

Chỉ còn vài bài học nữa thôi.

Trong bài tiếp theo, chúng ta sẽ đi sâu vào một Chân Lý uyên thâm bậc nhất trong đức tin Cơ Đốc:

sự tái lâm của Đấng Christ, tức Ngày Tận Thế,

và sự thiết lập vương quốc vĩnh cửu của Đức Chúa Trời trên đất.

Chân Lý này, thường bị khỏa lấp trong bí ẩn và sự võ đoán, có ý nghĩa to lớn đối với mọi tín đồ,

khi mà nó đại diện cho đỉnh cao thành toàn của kế hoạch cứu chuộc mà Đức Chúa Trời dành cho nhân loại,

sự chấm dứt mọi tội lỗi, và bình minh của một kỷ nguyên mới,

tất cả, bạn sẽ tìm được khi click vào “bài tiếp”.

Vẫn chưa có bộ Tiên Tri Toàn Thư trong tay?

Lấy về trọn bộ Tiên Tri Toàn Thư MIỄN PHÍ tại đây »